Bồ công anh nở muộn

Chương 3: Cậu Là Công Chúa Của Các Công Chúa

Vào một ngày mưa phùn cuối đông, tiết trời se se lạnh, xe buýt tầm năm rưỡi sáng vắng vẻ và dễ chịu hơn những giờ cao điểm rất nhiều. Trên xe chỉ có tôi, bác tài và anh soát vé đang trầm mặc thưởng thức bản nhạc u sầu ướt át, lúc thấy tôi chìa vé tháng anh ta gật đầu nhẹ rồi lại tiếp tục ngâm nga.

-"Tớ gọi tên cậu, tớ đã gọi cậu, không chỉ một lần, không chỉ một nơi. Vì sao cậu cứ nhất định không quay đầu lại?"

Bài hát này do bạn tôi sáng tác, lời lẽ sến sẩm nhưng lại thành hit một thời, vượt ngoài sự mong đợi của tôi. Lúc mới phát hành, đêm đêm cày view cho thần tượng, đêm đêm tôi trằn trọc thao thức, cậu ta gọi ai?

Là ai đã không quay đầu lại? Vì sao tôi không hề hay biết?

Một loạt những nghi vấn cứ quẩn quanh trong tôi, giày vò tôi từ tuần này sang tuần khác. Cho đến khi xem được một clip phỏng vấn, thấy cậu ta đáp rằng giai điệu này viết thay quà cúng người bạn gái đã khuất núi, hôm nay tròn kỉ niệm ba tháng ngày giỗ của cô ấy, tự dưng tôi bật cười khanh khách.

Đùa à? Tính đến ngày hôm đó thì chúng tôi cũng đã xa nhau ba tháng, nhưng vấn đề quan trọng là, cái thời khắc gặp mặt tạm biệt, tên chết dẫm ấy còn tâm sự với tôi hắn đang độc thân thì lấy đâu ra bạn gái, lại còn đã chết?

Xin lưu ý đây không phải lần đầu tiên cậu ta chém gió trêu phóng viên, có lần khi được hỏi anh có cảm nghĩ gì khi mà album của mình bị đá văng khỏi top 5 bảng xếp hạng sau một năm bám dai như đỉa, bạn thân tôi đáp.

-"Buồn kinh khủng em ạ, tối qua tính mua thuốc chuột tự tử rồi nhưng thế nào nhà lắm chuột quá, kêu lít nhít nhức đầu nên đành phải để cho tụi nó dùng trước."

Chuyện sao hạng A tìm đến cái chết chỉ vì thứ hạng nhỏ nhoi ngay lập tức trở thành tiêu điểm nóng. Người thương cảm, kẻ chê trách, quả thật khi đọc bình luận, tôi chẳng biết nên khóc hay cười?

Thấm thoát đã không gặp cậu ấy ba năm có thừa, chính xác là một ngàn không trăm chín tám ngày. Và tôi sẽ có cuộc phỏng vấn lúc tám giờ ở hãng phim của cậu ấy. Tôi xuống xe buýt tầm sáu giờ hai mươi, tôi luôn đi sớm hơn giờ hẹn ít nhất một tiếng, đối với người khác là thừa thãi, nhưng đối với tôi lại cần thiết.

Tôi từ khi sinh ra đã chậm chạp, não nhỏ tưởng chừng chỉ chứa được một quả nho. Mà đời phàm những người không có tài năng nổi trội muốn đạt được thành công phải nỗ lực hơn kẻ khác mười phần, thậm chí một trăm phần, bởi vậy, ngoài tính thời gian trễ trong trường hợp kẹt xe và những sự cố bất ngờ thì tôi cần thời gian để ôn lại một lượt các câu hỏi đạo diễn có thể thắc mắc.

Tôi muốn chuẩn bị kĩ càng để câu trả lời của mình trơn tru mạch lạc. Kịch bản phim của tôi đã qua vòng hai, có được ký hợp đồng hay không là ở lần gặp chốt điểm sắp tới.

Tôi thật chẳng hiểu sao sáu tháng trước thần tượng nhà mình lại quyết định mua lại hãng phim này, tôi biết với những hãng phim lớn hơn thì trẻ tuổi như cậu ấy khó lòng thâu tóm toàn bộ, nhưng chí ít cũng có thể góp cổ phẩn, chứ cái hãng phim thua lỗ chồng chất chất chồng, tương lai e sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tôi càng không thể hiểu được một người ở vị trí cao như vậy, sao lại đích thân phỏng vấn một biên kịch chưa có tên tuổi? Tôi siết đôi bàn tay đang rịn mồ hôi của mình vào nhau thật chặt, cố hít một hơi thật sâu, lấy can đảm đối diện với hội đồng thẩm định.

Cậu ấy ngồi chính giữa!

Cậu ấy ở ngoài đời, đẹp hơn trên các phương tiện truyền thông rất nhiều.

Ngược lại với trái tim đang run rẩy của tôi, cậu ấy thản nhiên hỏi.

-"Bạn tên gì?"

Tôi tưởng mình nhìn nhầm, nhưng không. Tôi đã quan sát khẩu hình miệng của cậu ấy rất kỹ, và cậu ấy thậm chí còn lặp lại hai lần. Không chút sửng sốt, ngạc nhiên hay bối rối, do thái độ làm việc quá chuyên nghiệp, hay do tôi đã thay đổi quá nhiều, khiến đối phương chẳng thể nhận ra?

Tôi nhớ, lần đầu tiên cậu ấy hỏi tên tôi, cũng vào một ngày mùa đông giá rét. Khi ấy tôi bảy tuổi, đang cùng cha chạy trốn trên đất Pháp xa xôi. Mẹ tôi là doanh nhân, khoản nợ mẹ để lại cho cha con tôi trước khi sang thế giới bên kia, thực sự quá khủng khiếp.

Ba tôi chỉ là một thầy giáo dạy văn. Mẹ mất, ba dắt tôi đến chân trời mới nương tựa sự giúp đỡ của họ hàng. Ngặt nỗi, hình như đi tới đâu, cũng có chủ nợ của mẹ tôi, cũng có người đòi mạng cha con tôi.

-"Đêm khuya lắm rồi mà các bác chẳng chịu đi ngủ gì sất, cứ đuổi hoài ba à."

Tôi mếu máo than thở, các bác to khoẻ ráo riết bám đằng sau, bất quá, ba nhét tôi vào đám đông ven đường, dặn tôi ở quanh đây chờ ba rồi một mình chạy đánh lạc hướng. Khi ấy, tôi cứ nấc nghẹn từng cơn, vừa sụt sịt chùi nước mắt vừa ngước lên nhìn những người da trắng tóc vàng xung quanh đang đắm chìm trong những điệu nhạc êm đềm.

Tôi đoán vậy thôi, bởi tôi thấy ở góc đường có chú tóc đen ngồi đánh đàn, tiếng đàn kia chắc trầm bổng du dương lắm, bởi thi thoảng có người nán lại xem, họ vỗ tay rồi bỏ những đồng xu lẻ vào chiếc ống nhôm cũ kỹ.

Bên cạnh chú là một cậu bé đang nhún nhảy theo phong cách của Michael Jackson. Cậu ta chỉ cao hơn tôi một cái đầu, nhưng từng bước chân thật điêu luyện, tôi ngưỡng mộ vô cùng. Màn biểu diễn kết thúc, tôi mon men đến gần bắt chuyện.

-"Ê, dạy tớ nhảy được không?"

-"Ơ ba ơi, bạn này cũng là người Việt mình nè ba."

Cậu ấy thích thú khoe chú đánh đàn, đoạn quay sang hỏi tôi.

-"Cậu thích học nhảy à?"

-"Không thích lắm, nhưng tớ muốn được người ta cho tiền giống cậu."

-"Cậu cần tiền làm gì?"

-"Để trả nợ cho ba tớ."

-"Nhưng giờ tớ bận đi xem pháo hoa rồi, mai tớ dạy cậu được không?"

Tôi bẽn lẽn gật đầu, cậu ấy lấy trong ống nhôm vài đồng xu, đi một lát thì quay lại, cầm trên tay ba chiếc bánh crepe, một chiếc sầu riêng cho chú, một chiếc sô cô la của cậu ấy, và chiếc dâu tây cho tôi.

-"Đi xem pháo hoa với tớ không?"

Tôi lại tiếp tục gật đầu. Thì ra hôm đó là ngày cuối cùng của tháng mười hai, khoảnh khắc cậu ấy nắm tay dắt tôi chạy dọc trên đại lộ Champs-Élysées, chính là thời điểm giao thừa chào đón năm mới. Những chùm pháo hoa tíu tít bám đuôi nhau bay vút lên cao, sau đó nổ tung thành nhiều màu sắc và hình thù lạ lẫm, thứ ánh sáng mỹ miều lấp lánh trên bầu trời đêm khiến tôi mê mẩn.

-"Sao cậu bóp tay tớ?"

Bị làm phiền nên tôi quay sang cằn nhằn. Cậu bé bên cạnh tôi nhe răng giải thích.

-"Đâu có, tớ chỉ siết nhẹ thôi mà, tại tớ gọi mãi cậu chả nghe gì cả."

-"Ờ...tại pháo nổ to quá...với cả tớ bảo này, khi nói chuyện với tớ thì hãy nhìn thẳng vào mắt tớ!"

-"Được rồi, con gái các cậu thật nhiễu sự."

Tôi không giải thích gì thêm, bởi tôi thà là một đứa con gái nhiễu sự còn hơn là một đứa trẻ tật nguyền. Cậu ấy bảo rất thích âm thanh của pháo hoa, nghe vui tai lắm, cậu ấy còn phùng mang trợn má mô tả lại những tiếng động được cho là vô cùng thú vị, điệu bộ trông như chú ếch nhỏ vậy, tôi cười ngất.

Tôi ước mình có thể nghe thứ âm thanh lộp bộp đó!

-"Tớ tên Nguyên Anh, có nghĩa là vẻ đẹp tinh khôi. Mẹ tớ bảo thế, nhưng mẹ tớ đi tới một nơi rất xa rồi. Còn cậu, cậu tên gì?"

Tôi đáp, tớ tên Kiều Anh. Tớ chả biết nghĩa là gì nữa, và mẹ tớ cũng tới chỗ của mẹ cậu rồi nên chắc tớ không hỏi được. Cậu ấy xoa đầu tôi tỏ vẻ cảm thông, còn đưa tôi cắn thử một miếng bánh crepe sô cô la.

Nguyên rất lười, chỉ thích gọi Kiều. Mỗi lần tôi nhắc cậu ấy thường cằn nhằn, hai từ là quá dài, quá mất sức. Còn tôi thì tuỳ theo cảm hứng, lúc thích sẽ trịnh trọng kêu Nguyên Anh, khi nhọc thì học theo tính xấu của ai đó, có vẻ như Nguyên cũng không thấy phiền khi tên mình bị ăn bớt.

Sau bao nhiêu năm, không biết vô tình hay cố ý, cậu ấy đã quên mất tên tôi. Tôi đành đáp rành mạch một lần nữa, cả họ lẫn tên, đầy trịnh trọng.

-"Dạ, em tên Huỳnh Mai Kiều Anh."

Tôi xưng em, vì còn có đạo diễn, hai tiểu thuyết gia đình đám và cả ba vị biên kịch gạo cội ngồi đó nữa. Nguyên lật qua lật lại tập hồ sơ của tôi, sau đó chất vấn.

-"Bạn Kiều Anh, mong muốn của bạn nếu như được ký hợp đồng là nhận thù lao bằng hình thức chuyển khoản một lần. Tôi thắc mắc vì sao không phải là để sau khi chiếu rồi ăn chia theo doanh thu bộ phim?"

Vì tớ cần tiền!

Vì tớ có một khối u, bác sĩ nói cần phải cắt bỏ. Vì gấp lắm rồi, tớ không xoay được số tiền lớn như thế ở đâu cả.

Lòng tôi trĩu nặng, thiết nghĩ những người giàu có ở đây chẳng thể thấu hiểu nỗi khổ sở của dân nghèo đâu, nên tôi chỉ kiếm đại cái cớ, lấp liếm cho qua.

-"Tại em sợ phim flop thì nhà sản xuất quỵt tiền."

Mấy người kia tủm tỉm cười, chị Loan, một trong hai tác giả viết tiểu thuyết còn khen tôi thật thà. Duy chỉ có cậu ấy, gương mặt cau có khó coi, nhàn nhạt kết luận.

-"Nộp cho chúng tôi một kịch bản mà biết trước khi lên phim sẽ flop, chi bằng bạn về luôn cho rồi."

Lời lẽ của Nguyên xa cách đến mức khiến tôi tưởng như người tặng cho tôi đoá bồ công anh năm xưa và người ngồi trước mặt không phải là một. Tôi rất thích hoa bồ công anh, bởi vậy, tôi đã hét toáng lên khi thực sự được chạm vào loài hoa đó chứ không phải chỉ ngắm nhìn trên vô tuyến.

Tôi hồi hộp đưa lên miệng thổi phù phù. Những nhánh hoa nhỏ chập chờn bay bay theo gió, thực sự là bồ công anh rồi. Tôi cười híp mắt, cậu ấy búng trán tôi chê ngốc.

Đó là một bông bồ công anh nở muộn.

Và đó, là lần đầu tiên tôi thấy tuyết rơi. Nguyên bảo, tuyết ở Paris thưa thớt lắm, tuyết ở Bắc Âu mới đẹp. Sau này có những mùa đông tuyết ở Paris cũng rất dày, tuyết phủ trắng đại lộ Champs-Élysées, nhưng tôi lại không thấy tuyệt diệu như tuyết rơi trong đêm giao thừa ở cùng cậu ấy.

Chẳng rõ do trẻ con dễ quen hay do hợp cạ, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Từ em cún nhà bạn gặm nát cây thông đêm Noel, em thỏ của tôi bị rơi trên đường tới sân bay tới những tia sáng lấp lánh trên trời.

-"Kiều, cậu nhìn kìa, chùm pháo kia bắn xa quá xa luôn. "

-"Đâu? Đâu? Ừ...xa thật...mà sao cái bạn trai mắt xanh cứ đi theo tớ vậy? Có vẻ như bạn ấy muốn gọi tớ hay sao ý!"

-"Đâu? Thằng đó á? Nó là con lai, nó ngốc lắm, chẳng biết nói tiếng Việt. Chắc nó tè dầm nên khó chịu đấy chứ không phải gọi gì cậu đâu."

-"Nhưng ban nãy cậu ấy còn đập vai tớ..."

-"À, có khi nó tưởng cậu là mẹ nó cũng nên, kiểu này lại mè nheo đòi thay bỉm đây mà. Cậu có biết thay không?"

Tôi bất lực lắc đầu rồi thì thụt với bạn mình, lớn tướng như vậy mà còn đóng bỉm, thật ngộ quá đi thôi. Nguyên gật gù đồng tình, đoạn nghiêm túc dặn dò.

-"Nắm tay tớ chặt hơn đi, nhớ không được buông ra đâu nhé! Ở đây đông người dễ lạc lắm. Lơ là cái nó bắt cậu bán đi mất thì khổ, cậu xinh thế cơ mà!"

Bạn tôi chẹp miệng y hệt ông cụ non, kiểu như tôi xinh là một việc gì đó rất nguy hiểm vậy. Nhưng dù sao thì cũng được công nhận là xinh, con gái ở bất kể độ tuổi nào, nhỏ xíu hay già nua, vẫn sẽ lâng lâng khi có người khen mình phải không? Má tôi khi ấy, còn đỏ hơn cả cà chua chín.

-"Tớ bảo này, đêm mai bắn pháo hoa ở tháp Eiffel, còn thích gấp vạn lần ở đây, tớ sẽ đưa cậu tới đó xem nhé!"

Bạn hồ hởi đề nghị, chúng tôi còn chưa kịp hứa hẹn đã thấy ba hối hả gọi. Ba chạy tới nhấc bổng tôi lên đưa về, còn Nguyên thì trở lại chỗ ba cậu ấy giúp chú dọn dẹp đồ đạc. Tôi tiếc nuối đưa tay vẫy chào Nguyên, trong bụng thầm ước rất ngu xuẩn, tôi mong ngày mai các bác đòi nợ lại tới rượt cha con tôi, rồi lại chạy tới đây, và Nguyên sẽ dắt tôi tới tháp Eiffel xem pháo hoa.

Thực ra, chỉ cần xin ba cho qua chỗ Nguyên chơi là được. Tiếc rằng, tôi của năm bảy tuổi còn ngây ngô dại khờ. Và tiếc rằng, sau đó không có cái ngày mai ấy.

Cha con tôi về nước ngay khi trời hửng sáng, đã có người trả nợ thay ba.

Người phụ nữ đó, vài tuần sau là mẹ kế của tôi. Bà mở cho ba tôi hẳn một trường tư thục, để ba làm hiệu trưởng. Ba đem tôi đến ở với mẹ và chị. Mẹ kế không thích tôi, mẹ nói tôi giống "con mẹ" tôi, con hồ ly tinh chuyên đi phá hoại hạnh phúc của người khác, chết là đáng, trời có mắt.

Đại loại ngày xưa thời hai người yêu nhau, ba sang Pháp học một kỳ theo kiểu trao đổi sinh viên, rồi mẹ ruột của tôi chen ngang mối quan hệ đó bằng cách chửa tôi, ba xin thêm học bổng của một quỹ khác rồi ở lại nhập quốc tịch luôn cùng mẹ, mãi mấy năm sau mới hồi hương cho mẹ thoả khát vọng khởi nghiệp, còn ba thì vẫn tiếp tục theo đuổi tình yêu với những con chữ.

Ba chưa từng nhắc chuyện cũ với tôi, nhưng trong tập thơ cuối cùng ba để lại, có một bài tựa "Duyên nợ ba người", nếu đọc kỹ sẽ thấy nó na ná những lời mẹ kế tôi hay trì chiết, chỉ khác một chi tiết nhỏ, bà chính là người phản bội trước.

Tôi lựa chọn tin ba mẹ tôi. Không đơn giản bởi họ với tôi quan hệ máu mủ mà còn vì chị tôi hơn tôi tận chín tháng tuổi. Một người đàn ông với tâm hồn thi sĩ và đầy nhạy cảm như ba tôi, không thể nào bỏ rơi mẹ kế sang phương trời mới khi bà đang mang thai con gái ruột của ông.

Trái ngược với tôi sinh vào mùa đông buốt giá, chị sinh mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở. Mẹ đổi họ cho chị thành Huỳnh Mai Mẫn Tiên, chị ghét cái họ đó, ghét luôn cả tôi. Còn tôi, ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã rất thích chị. Chị xinh như một nàng công chúa nhỏ, chị có nhiều váy đẹp xúng xính, tủ đồ của chị đầy ắp những chú gấu bông đáng yêu. Tôi rất muốn được chơi đồ hàng cùng chị, tôi rất muốn chị thích tôi, quý mến tôi. Vì lẽ đó, tôi đã vô cùng nỗ lực.

Mẹ tôi từng dạy, muốn có được yêu thương, phải dùng yêu thương để đổi lấy!

Ngày ngày tôi bám theo chị, thấy chị chuẩn bị ra khỏi nhà tôi sẽ lao lên trước lấy dép và xếp cẩn thận trước mặt chị, khi chị sắp ăn tôi sẽ lau bát đũa giùm chị, lúc đi học nếu trời râm mát tôi thường chỉ lẽo đẽo đằng sau chị, nhưng nếu có nắng hay mưa phùn, tôi sẽ cầm ô chạy tới che cho chị.

Tôi cứ tự cho mình cái quyền làm mấy việc lặt vặt đó, cho tới một ngày chị bị ốm, mẹ đổ lỗi cho tôi, tại tôi tối ngày dai dẳng như cái đuôi khiến chị mệt mỏi, cấm không cho tôi vào làm phiền chị nữa. Tôi buồn thiu, chỉ biết ôm búp bê đứng rập rình bên ngoài.

Thế rồi bất chợt chị gọi tôi, kêu rót cho chị cốc sữa. Tôi đoán chắc chị nhọc quá nên vô tình nói chuyện với tôi thôi, nhưng không, từ đó chị bắt đầu để ý tới tôi, chị cũng lấy dép cho tôi, lau bát giùm tôi, riêng ô chị giành cầm, vì chị bảo, chị là chị.

Năm sinh nhật tôi tám tuổi, chị còn bí mật xin mẹ cả tháng trời để bà đặt máy trợ thính từ nước ngoài về. Đó là một chiếc máy nhỏ màu hồng, khi đeo nó lên tai, tôi dần nghe thấy tiếng kim đồng hồ tích tắc, tiếng chuông cửa ngân vang, tiếng xe cộ tuýt còi bíp bíp ngoài đường nữa. Thì ra buổi sáng là như thế, là sẽ có người rao ai bánh chưng bánh giò nóng không, là trên loa phát thành sẽ có bài hát vang vang, các cụ già mốt hai mốt tập thể dục dưới tán phượng già.

Tôi gào lên vì sung sướng.

Tôi còn nghe được giọng của chính mình!

Ôi, cái tiếng hét của tôi! Sao mà chói đến thế? Chả ngọt ngào như chị gái tôi gì cả! Chị dắt tôi chạy khắp các ngõ ngách, cùng nhau chầm chậm nghe nhịp đập của phố phường. Tôi cứ ngỡ cuộc đời tôi sẽ bước sang trang mới, ngặt nỗi, sự vui sướng của tôi chỉ được vài giờ đầu tiên.

Tôi bắt đầu thấy ngứa, và sau đó là tê nhức. Nhưng vì sức hấp dẫn của âm thanh quá lớn, tôi không tài nào buông nó ra, đêm đến tôi còn cố thức vì muốn nghe nhạc cho thật đã. Qua một tuần tai tôi sưng tấy và mưng mủ đến mức phải nhập viện, ba tôi đang đi công tác xa cũng gấp gáp bay về.

Lúc ấy tôi mới biết, hồi nhỏ mình đã từng sử dụng máy trợ thính nhưng không thích nghi được, bị dị ứng nhiễm trùng nặng nên mẹ đã vứt đi. Lần này, bởi ánh mắt nài nỉ của tôi, ba đã mềm lòng đồng ý, nhưng dặn tôi chỉ nên đeo những khi thực sự cần thiết. Cả mười ngày nằm viện đau đớn kinh hoàng, bài học nhớ đời như vậy, tôi có gan cũng chẳng dám cãi lời.

Mười ngày sẽ rất buồn tẻ nếu như tôi không tình cờ nhìn thấy cậu ấy trên truyền hình. Đó là chương trình Tìm Kiếm Tài Năng Trẻ, Nguyên thi nhảy, giành được phiếu đỏ tuyển thẳng vào top 20 chung cuộc ngay từ lần ra trận đầu tiên. Tôi đã nhịn đeo máy trợ thính cả tháng sau đó, chỉ mong nhanh khỏi bệnh còn xem cậu ấy trình diễn đêm bán kết. Buồn đời cái là, cậu ấy bị đối thủ đẩy ngã trẹo chân trước đêm thi. Tôi tiếc hùi hụi, còn ai kia khi được phỏng vấn vẫn cười toe toét.

-"Không sao chị ạ, nhỏ tuổi mà tài năng như em bị ghen ghét cũng là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa thôi."

Chả biết ông tướng học lỏm được câu nói của ai mà phát ngôn hùng hồn ghê người, còn cúi chào nhắn nhủ khán giả năm sau nhớ bình chọn cho em khiến khán phòng cười vang. Quả thật năm sau Nguyên vẫn tham dự, đặc biệt hơn nữa, chị gái tôi trở thành đối thủ của cậu ấy, tôi nửa vui nửa buồn.

Buồn vì ai cũng hừng hực ý chí giành quán quân, tôi chả biết phải cầu nguyện cho ai cả. Vui vì tôi được đi ké chị mình vào Nam thi chung kết. Tôi bắt chước chị chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ đợi thời khắc gặp thần tượng xin chữ ký, chỉ khác là, tôi không cần chữ ký của chú giám khảo, tôi muốn có chữ ký của Nguyên.

Buổi chiều thứ bảy, tôi dự định sẽ chạy tới ú oà khi cậu ấy tổng duyệt xong. Ngặt nỗi, có quá nhiều người vây quanh Nguyên, mấy bạn cùng tuổi thì cho kẹo bánh gửi thư tay, các cô các bác xúm lại véo má. Tôi chỉ còn cách nhét cuốn sổ của mình trên chiếc bàn chật kín quà tặng rồi lững thững tránh qua chỗ khác.

Hi vọng cậu ấy sẽ ký tặng. Tôi thầm cầu nguyện.

Tầm nửa tiếng sau, tôi thấy có ai đó giật váy mình. Đám đông trước mặt nháo nhác tìm thần tượng, thần tượng của họ thì đã lủi đi từ lúc nào, và đang thò cái đầu qua tấm màn nhung ra hiệu suỵt suỵt cho tôi. Tôi mừng huýnh, chui vào đằng sau cánh gà cùng cậu ấy.

Ở chính giữa các anh chị, có cả chị gái tôi chăm chú nghe huấn luyện viên kể chuyện cười. Chúng tôi ngồi với nhau trong một góc khuất, hí húi thì thụt.

-"Sổ này của cậu à?"

-"Ừ, sao cậu biết?"

-"Tại trang đầu có viết tên với dán ảnh cậu. Mà cậu lấy đâu lắm ảnh tớ mà dính kín sổ thế? Hơi bị mờ, nhưng không sao, ở góc độ nào tớ cũng đẹp trai mà thôi."

-"Tớ mua bột trái cây, mua năm lọ lại được tặng một cái ảnh."

-"Cậu ăn nhiều bột trái cây thế á?"

Nguyên sửng sốt thắc mắc, tôi ngại ngại gật đầu. Sự thực thì toàn bộ tiền tiêu vặt của tôi ngoài để mua quà tặng sinh nhật ba, mẹ, chị gái thì đều dành dụm mua bột trái cây. Nhưng chỉ mua để lấy ảnh thôi, chứ ăn sao nổi?

-"Cậu tặng sổ cho tớ à?"

-"Không, tớ xin chữ ký của cậu đấy!"

-"Cậu thần tượng tớ hả?"

Cậu ấy hỏi tỉnh bơ, tôi ngượng muốn xỉu, nhưng vẫn bẽn lẽn thừa nhận.

-"Ừ, tớ rất hâm mộ cậu!"

Trên cương vị là một fan girl chân chính, tôi sẽ luôn ủng hộ và thương yêu thần tượng bất kể chuyện gì có xảy ra. Tuy nhiên, trên cương vị là một người bạn thân, cái việc bị cậu ấy đuổi về khi cuộc phỏng vấn vừa mới bắt đầu khiến tôi hơi chạnh lòng. Tôi đã phải gồng mình rất nhiều để khỏi bẽ bàng.

-"Dạ, không phải em không có niềm tin với kịch bản. Có điều, để một bộ phim thành công còn nhiều yếu tố..."

Tôi bắt đầu phân tích kỹ hơn, cố gắng tìm cách diễn đạt tốt nhất thể hiện thành ý và nhiệt huyết đối với đứa con tinh thần của mình. Bởi một điều nhịn là chín điều lành, bởi đôi khi nếu cái tôi quá lớn cộng thêm sự ngông cuồng của tuổi trẻ có thể khiến chúng ta mất đi những cơ hội quý báu. Và bởi, với vai trò là nhà sản xuất, cậu ấy hỏi thế cũng không có gì gay gắt cả.

Ba mươi phút phỏng vấn tiếp theo Nguyên hoàn toàn im lặng, chỉ như khách mời trầm ngâm quan sát tôi đối đáp với các vị giám khảo. Mọi người trong hội đồng thẩm định có vẻ ưng thuận, cái gật đầu phía họ khích lệ tôi rất nhiều. Trước khi kết thúc, cậu ấy có hỏi tôi câu cuối cùng.

-"Kịch bản của bạn viết về nữ chính dành cả thanh xuân để yêu thầm một nhà bác học lừng lẫy. Nếu cô gái ấy là bạn, bạn không cho rằng đó là lãng phí sao?"

Không đâu!

Vì chỉ cần cậu xuất hiện, bầu trời của tớ liền bừng sáng!

Giống như cái cách cậu nắm tay tớ, cùng chạy đi ngắm pháo hoa trên con đường năm ấy, mặt trời lặn rồi, nhưng chỉ cần cậu ngoảnh lại, cười với tớ, tớ liền ngỡ như có vầng ánh dương rực rỡ chiếu rọi.

Kể cả lúc cậu chau mày tỏ vẻ đăm chiêu, tớ cũng thấy cậu rất ngầu!

Nguyên cầu toàn ngay từ khi chỉ là một cậu bé. Cậu ấy cầm quyển sổ của tôi ký đi ký lại, ký mãi không xong. Sau khi tẩy tẩy xoá xoá hết gần chục trang giấy, ông cụ non chán nản quẳng bút cáu kỉnh.

-"Nét to nét nhỏ, chả ra sao cả, bực bội."

-"Có mà cậu làm kiêu ý, tớ thấy cậu vẫn ký cho các bạn khác ngon ơ."

Tôi phụng phịu dỗi, Nguyên búng nhẹ tai tôi, kiên nhẫn giải thích.

-"Tớ không hề làm kiêu, đúng là tớ đã từng ký cho rất nhiều người rồi, nhưng chả hiểu sao tới khi ký cho cậu tớ lại thấy chữ ký của mình chưa đủ đẹp."

-"Không phải đâu, đẹp ghê lắm rồi, kể cả cậu vẽ giun đất tớ cũng thấy đẹp."

Tôi quả quyết khẳng định, hai má Nguyên đỏ lừ, cậu ấy lượm lại chiếc bút nhỏ, lựa một khoảnh trống vừa đủ dưới bức ảnh tôi đang cười hớn hở, nắn nót viết tên mình.

"Võ Đình Nguyên Anh."

-"Tạm thời phần chữ ký cậu cho tớ khất để về luyện tập thêm đã nhé!"

Cậu ấy nghiêm túc đề nghị, tôi gật đầu. Nguyên tiếp tục viết tên tôi, còn nghịch ngợm vẽ thêm một đoá bồ công anh có những cánh mỏng bay bay theo gió ngay bên cạnh. Đối với tôi, bồ công anh là loài hoa đẹp nhất. Mẫn Tiên thì không nghĩ như vậy, chị ấy một mực cho rằng bồ công anh không phải là hoa.

Chỉ vì bảo vệ luận điểm của mình, chị đã từng khiến cô giáo dạy văn của chúng tôi tức xì khói. Mặc dù nhiều lần bị các bạn học chê cười vì cái tật không thể phân biệt được đâu là giờ văn học, đâu là giờ khoa học nhưng chị ấy vẫn chưa một lần chịu khuất phục. Thậm chí chị còn ngông tới mức viết trong bài kiểm tra phân tích ca dao thành ngữ luận điểm của mình, rằng theo em dù ghét nhau đến mấy quả bồ hòn cũng không thể vuông được, bởi vốn dĩ nó chẳng có góc chín mươi độ nào cả.

Tôi hãnh diện kể Nguyên nghe về chị gái cool ngầu của mình, cậu ấy không trầm trồ thán phục như tôi tưởng, ngược lại còn phản bác.

-"Chưa chắc đâu, nhỡ đột biến gen thì sao? Hoặc họ ép trong khuôn từ khi quả nhỏ ý, thì có thể đúc được hình vuông đấy, hình con rồng còn đúc được nữa là."

-"Cứ cho là đúc được đi thì liên quan gì tới ghét nhau?"

Mẫn Tiên đi ngang qua hỏi đểu, Nguyên ranh mãnh quay sang tôi thì thầm.

-"Chúng mình đi chỗ khác chơi đi, chị cậu vừa ngốc vừa đanh đá."

-"Chị tớ không ngốc!"

Tôi buột miệng cãi lại, Mẫn Tiên nghe được đấm Nguyên bùm bụp, Nguyên trêu chị ấy là quả bồ hòn thối, hai người đuổi nhau tới lúc huấn luyện viên gọi vào chuẩn bị trang điểm để lên trình diễn mới thôi.

Kết thúc vòng đấu đầu tiên, Nguyên với những bước nhảy tuyệt duyệt, những động tác điêu luyện tưởng chừng không thể thực hiện được bởi một cậu bé cùng thần thái tự tin đã hoàn toàn chinh phục khán giả với bốn mươi bảy phần trăm bình chọn. Giọng ca chót vót của Mẫn Tiên theo sát nút với bốn mươi ba phần trăm phiếu bầu. Cứ ngỡ chiến thắng sẽ thuộc về một trong hai người họ, ai ngờ chỉ trong chục phút cuối cùng, chiếc bảng điện tử có biến động lớn, và ánh hào quang đêm đó thuộc về một thí sinh khác chẳng mấy nổi bật.

Sau này tôi mới biết, bạn ấy là Hoàng Anh, con gái của bà Yến Phượng, đại gia đất Bến Tre và ông Lê Phúc, trưởng ban tổ chức, nhà tài trợ chính của chương trình. Sau này tôi còn đọc được ở trên báo, một tỷ phú nổi tiếng từng nói, cuộc sống vốn không công bằng, chúng ta nên tập thích nghi dần với nó.

Nhưng đó là sau này! Khi tôi đã lớn hơn một chút, chứ tôi của ngày nhỏ xíu, thấy chị khóc tức tưởi, thấy ba mẹ lao lên ôm chị dỗ dành, tôi ở dưới cũng sướt mướt nức nở theo. Phía dưới khán giả la ó om sòm, trên sân khấu phóng viên chạy tới phỏng vấn Nguyên, hỏi em có buồn không? Cậu ấy đã gật đầu rồi mà anh ta còn không tha, cố ý khai thác thêm.

-"Em thấy rất ấm ức phải không? Em có nghĩ đáng ra chức quán quân là của mình không?"

Nguyên lắc đầu, anh kia lại chất vấn.

-"Thế sao em buồn?"

-"Tại bạn gái em khóc nhè rồi!"

Cậu ấy trả lời tỉnh bơ, đoạn cúi xuống bò qua chân người nọ người kia để chui xuống khán đài với tôi, nét mặt buồn thiu.

-"Cậu thất vọng về tớ phải không? Đừng như vậy...tớ cũng tài năng mà, chẳng qua...chẳng qua...học tài thi phận...ba tớ bảo thế!"

Tôi vẫn nấc nghẹn, Nguyên bóc ống hút cắm vào hộp sữa chua, đưa cho tôi rồi ngồi im lặng bên cạnh, đợi tôi hút gần hết chỗ sữa mới nhìn tôi hỏi nhỏ.

-"Cậu hết hâm mộ tớ rồi à?"

-"Chưa đâu, còn lâu mới hết."

Tôi sụt sịt đáp. Nguyên hí hửng khoe về số tiền thưởng cậu ấy được nhận, số tiền đủ để cất cho mẹ một ngôi nhà xinh xắn ở nơi lạnh lẽo nào đó.

-"Tớ và ba sẽ tới thăm mẹ mỗi cuối tuần và trồng thật nhiều hoa xung quanh, rồi chim chóc sẽ bay múa tùm lum, hẳn mẹ tớ sẽ rất vui."

-"Cậu làm tớ nhớ mẹ tớ ghê! Tớ cũng muốn trồng hoa, cũng muốn mẹ vui. Nhưng ba tớ bảo mẹ tớ dân kinh doanh, ở thế giới bên kia rất bận rộn, tớ chỉ nên đến thăm mẹ vào các dịp đặc biệt thôi."

-"Ừ, đành vậy. Còn tớ, sau này tớ lớn, tớ nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền, tớ sẽ xây biệt thự cho ba tớ nữa. Chỗ nhà tớ đang ở thuê."

Tôi cũng bóc một hộp sữa khác, cắm ống hút giúp cậu ấy, đoạn tò mò hỏi.

-"Lúc nãy cậu bảo bạn gái em khóc nhè ý, bạn gái cậu là ai thế?"

-"Còn ai nữa? Cậu đó!"

Nguyên hồn nhiên đáp, hai bên má tôi hồng hồng, thèn thẹn chất vấn.

-"Sao cậu lại kêu tớ là bạn gái cậu?"

-"Ơ thế không đúng à?"

Tôi lắc đầu, cậu ấy phân bua.

-"Cậu là bạn, lại là con gái, không kêu bạn gái thì chả nhẽ kêu bạn trai?"

-"Không phải. Giả sử như vậy thì Mẫn Tiên với Hoàng Anh cũng là bạn gái cậu à? Cậu chơi với ai người đó liền là bạn gái cậu? Thế cậu có bao nhiêu bạn gái cho vừa? Luật là mỗi người chỉ có duy nhất một bạn gái thôi ý!"

Luật ở đâu? Tôi chả rõ nữa, hình như nghe lỏm được người lớn nói chuyện vậy đó, nhưng ai nói, trong hoàn cảnh nào thì quên béng mất rồi. Có điều Nguyên chẳng thắc mắc nhiều, cậu ấy tỏ vẻ đã hiểu, quyết định rất nhanh.

-"Vậy tớ chọn cậu làm bạn gái tớ."

-"Vì sao?"

-"Ơ, tớ phải chọn người xinh nhất chứ nị!"

-"Đâu có, Mẫn Tiên mới xinh nhất, tớ chỉ xinh thứ nhì thôi, hoặc thứ ba, thứ tư gì đó, tớ cũng không biết nữa, ơ tớ với Hoàng Anh ai xinh hơn nhỉ?"

-"Tớ thấy cậu xinh nhất."

-"Cậu xạo, Mẫn Tiên xinh hơn."

-"Cậu xinh hơn!"

-"Mẫn Tiên!"

-"Cậu...Kiều Anh!"

-"Cậu sai rồi, Mẫn Tiên như công chúa ý, dễ thương vô cùng luôn."

-"Cậu mới sai! Nếu Mẫn Tiên là công chúa thì cậu là công chúa của các công chúa! Kiều Anh xinh bất chấp thiên hạ ý! Cậu sai lè ra!"

-"Tớ đúng mà!"

Chúng tôi cãi nhau té khói, tôi đanh đá gào thét,  vừa bấu cậu ấy vừa ăn vạ, Nguyên thắng tôi không nổi, bực bội kết luận.

-"Thôi được rồi, tớ sai, tớ thua, Mẫn Tiên xinh hơn cậu, xinh hơn gấp tỉ lần, Mẫn Tiên là bạn gái tớ, được chưa? Cậu nín đi nhé!"

Rõ ràng là tôi thắng, cãi nhau với Mẫn Tiên chưa bao giờ tôi thắng. Cãi nhau với bạn bè cũng vậy, nhưng chiến thắng đầu tiên trong đời, cớ sao chẳng vui vẻ gì cả? Cứ mải tranh luận để đối phương đầu hàng mà chẳng hề hay biết, thời khắc cậu ấy chấp nhận sự thật Mẫn Tiên xinh đẹp hơn tôi, chọn Mẫn Tiên là bạn gái, tôi còn buồn hơn cả cảm giác thua cuộc. Thật hâm, phải không?

Nguyên viết vội lên tay tôi số điện thoại của cậu ấy khi nghe tiếng ba gọi. Trước lúc rời khỏi cậu ấy còn thủ thỉ, hãy gọi điện cho tớ, khi nào kiếm đủ tiền tớ sẽ tới thăm cậu. Là tôi ngốc? Là cậu ấy khờ? Hay do những giọt nước mưa đã vô tình xoá nhoà dãy số ấy?

Tôi tiu nghỉu cả tháng trời, rất nhiều bức thư gửi đi, rất nhiều những lần tôi nhờ Mẫn Tiên gọi điện tới toà soạn các báo chuyên về người nổi tiếng, tới đài truyền hình nơi tổ chức cuộc thi để hỏi cách liên lạc với cậu ấy nhưng vô vọng. Để rồi lại qua một mùa đông nữa, tôi chợt thấy Nguyên trên truyền hình, không phải một bài nhảy xuất thần nào cả, cũng không phải phỏng vấn trong mục giải trí, mà ở mục thời sự, tin nóng.

Cậu bé của tôi, cậu ấy đứng đó, giữa rừng hoa bạt ngàn. Là hoa viếng, đôi mắt cậu ấy sưng húp, gương mặt tái nhợt nhưng vẫn ôm khư khư di ảnh của cha trong lòng, thi thoảng lại lễ phép cúi chào những người tới chia buồn.

Ba cậu ấy mất rồi! Họ nói rằng có một bé gái đã lon ton chạy tới chỗ Nguyên khi hai người về tỉnh lưu diễn, sân khấu còn đang dựng gặp chút trục trặc, và ba Nguyên đã kịp lao tới ôm em bé trước khi những chiếc khung sắt bất ngờ đổ ập xuống. Mọi người động viên, rằng ba Nguyên là người hùng, rằng cậu ấy nên tự hào vì điều đó. Nguyên lặng thinh, có lẽ nếu được lựa chọn, Nguyên chắc chẳng cần một người ba vĩ đại đến vậy đâu, có thể, cậu ấy chỉ đơn giản muốn, ba là ba cậu mà thôi.

Khoảnh khắc tạm biệt chú, tôi đã thấy Nguyên khẽ mỉm cười, nụ cười mếu máo đến nhói tim. Ba tôi thường nói, cuộc đời mỗi con người sẽ trải qua vô vàn những đắng cay ngọt bùi, ngày hôm nay, chuyện này, chuyện kia, to tát biết nhường nào, nhưng sau này, âu cũng chỉ là kỉ niệm mà thôi. Mỗi một kỷ niệm, đẹp đẽ, đau khổ hay ấm áp là do chúng ta chọn cách lưu giữ nó.

Trở lại với câu hỏi của cậu ấy, thanh xuân, liệu có lãng phí? Nhìn sâu vào đôi mắt kia, tôi tự tin lắc đầu. Ký ức đã được gói gọn thành những thước phim ngọt ngào nhất, sao có thể lãng phí?

Nguyên cười, mỗi khi bối rối, nụ cười của cậu ấy vẫn gượng gạo như vậy. Kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi chạy vội vào trong phòng vệ sinh rửa mặt và la hét. Tôi thực sự đã làm được, thực sự đã không cần dùng tới chiếc máy trợ thính nào cả. Tất nhiên tôi sợ người ta biết mình khiếm khuyết, tôi ghét cái cảm giác được đối xử đặc biệt, tôi có thể để xoã tóc nhằm che giấu, nhưng lại lo nhỡ thời gian phỏng vấn kéo dài rồi đen đủi bị đau hoặc ngứa, không lẽ vừa trả lời vừa gãi, chả ra làm sao cả. Chị Loan bảo nửa tháng mới có kết quả, đi thi ai chả mong đỗ, nhưng dù có trượt tôi cũng không nuối tiếc, vì đã cố gắng hết khả năng có thể rồi!

Tôi bước xuống cầu thang với tâm trạng rất thoải mái, tình cờ gặp cậu ấy lầm lì đi lên, lướt qua tôi như một cơn gió rồi rẽ vào phòng của mình. Không phải chứ? Không phỏng vấn các biên kịch khác sao? Hay sáng sớm rảnh quá nên ghé qua góp vui chút thôi? Vội vã đến mức rơi cả bút cũng không biết sao?

Tôi nhận ra chiếc bút đó, chính tay tôi khắc chữ K lên thân bút, tôi sao có thể quên? Nó nằm ngay ngắn ở bậc thềm cuối cùng, tôi cúi xuống lượm lấy, cầm chặt trong tay mà đứng ngồi không yên.

Tôi nên đưa cho thư ký dưới sảnh hay đích thân gửi lại? Hoặc tôi có thể giữ luôn, đằng nào cũng là bút của tôi mà. Tôi cứ đắn đo mãi, đi qua đi lại quanh căn phòng đó nhưng chẳng dám gõ cửa. Nửa ngày trôi qua, tôi vẫn nhát như vậy. Thế rồi, lúc tôi can đảm nhất, lén lút tính nhét chiếc bút qua khe hở, thì cánh cửa kia đột ngột mở toang.

Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 9.8 /10 từ 10 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status