Chỉ là anh giấu đi

Chương 9


Sau vụ đánh nhau, Duy Thanh bị nhà trường kỷ luật phải nghỉ học một tuần. Cùng với anh là hình thức tương tự dành cho Quốc Hùng. Nếu như Duy Thanh tình thế bắt buộc phải nghỉ, thì Quốc Hùng lại không như vậy.

Mẹ của Quốc Hùng quen biết với nhà trường, bà chỉ cần ngỏ ý là nhà trường sẽ cho cu cậu đi học ngay. Nhưng cái lạ là Quốc Hùng lại một mực kiên quyết chấp nhận “án phạt” cùng với bạn mình và năn nỉ mẹ mình đừng nhờ vả gì cả. Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia, Quốc Hùng muốn “đôi bạn cùng tiến” này cùng chung ngọt, sẻ bùi.

Về phần Văn Vũ, sau khi biết tin Duy Thanh đánh nhau thì ngay chiều hôm đó anh liền chạy tới cô nhi viện. Thấy Duy Thanh đang tập võ cùng với Quốc Hùng, Văn Vũ để xe trong sân rồi chạy ra bãi cỏ. Nhìn vẻ bề ngoài, Văn Vũ thấy có vẻ hai người không sao. Mặt mày chỉ đỏ lên một chút và vẫn còn nhe răng cười được, thì Văn Vũ nghĩ có lẽ mình nên lo cho những người kia thì hơn.

“Con chào ông Năm.” Văn Vũ lễ phép thưa.

Ông Năm cầm roi đứng chắp tay sau lưng. “Ờ ông chào con.”

Sau đó Văn Vũ giả vờ gia nhập hàng ngũ và đứng tấn bên cạnh Duy Thanh để trò chuyện. Biết hai người bị nhà trường cho nghỉ học một tuần, Văn Vũ liền nảy ý sẽ lên lớp mượn vở giúp cho hai người.

Ông Năm quất roi nhẹ vào mông Văn Vũ. “Thẳng lưng lên.”

Văn Vũ giật mình. “Con tập giỡn thôi mà.”

“Đã tập thì không có giỡn.” Ông Năm tiếp tục quất nhẹ rồi tay Văn Vũ. “Nâng cao tay lên.”

Thế là sau mỗi bữa học, Văn Vũ đều chạy qua lớp của Duy Thanh mượn vở của Hoàng Sơn và Anh Đức. Những môn học nào mà ngày mai có tiết, thì anh tạm thời không mượn. Anh chỉ đem những môn học nào thuận tiện cho cả đôi bên. Về tới cô nhi viện, anh đưa cho Duy Thanh chép bài. Tất nhiên là Văn Vũ biết Duy Thanh sẽ chạy qua gọi Quốc Hùng. Trước khi đạp xe đi học, Văn Vũ lại chạy qua Duy Thanh lấy lại vở để đem lên trả cho hai người kia. Rồi Văn Vũ cứ tiếp tục giúp đỡ như vậy cho đến khi Duy Thanh hết thụ lý án phạt của nhà trường.

Mặc dù nghe lời căn dặn của má Ba, nhưng sau khi đi học lại, không phải vì lý do này, thì lại đến nguyên do khác, Duy Thanh luôn bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực học đường. Anh liên tục đánh nhau nhưng có điều, những vụ tới tai nhà trường, đều được mẹ của Quốc Hùng thay mặt đứng ra chịu trách nhiệm. Sở dĩ như vậy là sau vụ kỷ luật, mẹ của Quốc Hùng đã lên trường gặp ban giám hiệu. Sau những phút “thương thảo” với hiệu trưởng, mỗi khi con trai bà đánh nhau, nhà trường sẽ điện thoại cho bà đầu tiên.

Lần đánh nhau lại sau khi bị kỷ luật, đó là một tình thế mà Duy Thanh nghĩ là khó tránh. Nguyên là chiều hôm đó vào giờ ra chơi, đến lượt của mình, nên anh và Quốc Hùng phải vào căn tin mua nước. Hoàng Sơn và Anh Đức sẽ giống như hai người lúc trước, sẽ ngồi đợi ở ghế đá.

Chưa bước tới căn tin thì Duy Thanh đã nghe thấy tiếng cãi nhau. Trước mặt anh là một đám con trai đang bu quanh ai đó. Duy Thanh nghĩ chắc các “nhân vật chính” đang ở trong cái vòng tròn “ăn hôi” này. Vì nghe lời má Ba nên Duy Thanh cứ tiếp tục cùng Quốc Hùng chen ngang qua đám đông để đi tới căn tin. Nhưng rồi cũng như anh dự đoán, sau tiếng khích nhau thì hai bên cũng sẽ lao vào tung nắm đấm. Ngạc nhiên một điều là Duy Thanh thấy ba thằng lại đi đánh một thằng và càng ngạc nhiên hơn khi thằng bị đánh lại là Khánh Long.

Thấy bạn mình bị đánh, Duy Thanh phút chốc quên béng đi những lời tự căn dặn của bản thân. Anh không nói, không rằng, mà chen qua hàng người và đạp vào hông tên C, khiến tên C văng ra. Sau đó tiện tay nên Duy Thanh lao tới táng ngang cùi chỏ tay phải vào người tên B đang ở bên trái của mình, đồng thời cùng lúc đạp chân phải vào người tên A ở sau.

Hai tên đồng bọn ở ngoài, thấy ba người kia bị Duy Thanh đánh lén nên liền nghiến răng chạy tới đánh Duy Thanh.

Đang nhìn Khánh Long để nói gì đó, nhưng cảm thấy ai đó đang lao tới từ phía sau nên Duy Thanh quay đầu lại. Vừa mới liếc mắt sang thì đã thấy một tên đang tung cước về phía mình, Duy Thanh nhanh chóng liền vận dụng các thế võ đã học, anh ngã người, xoay một vòng rồi đồng thời tung chân đạp vào lưng đối thủ.

Tên D chạy tới định đạp vào người Duy Thanh, nhưng khi đang bay tới đạp, Duy Thanh bất ngờ thấy được nên xoay một vòng qua bên phải, nên chân tên D đạp tới vào khoảng không. Trong lúc xoay một vòng thì Duy Thanh cũng đồng thời tung cước đánh trả vào người tên D. Chân phải Duy Thanh quét nửa vòng dưới đất rồi táng lên thẳng vào lưng tên D. Bị hố đà, cộng với việc bị đánh, tên D bay tới ngã nhào xuống đất.

Tên E thấy tên D cũng bị đánh nên phi tới đạp vào người Duy Thanh. Vừa mới đứng dậy, bất ngờ nhận một cú đá mới, Duy Thanh không né kịp và bị đạp ngã dúi dụi. Khánh Long thấy vậy nên liền lao tới đấm tới tấp vào tên E. Tên B lao tới thì bị Quốc Hùng túm tóc, kéo cổ áo giật ngược lại.

“Giám thị tới.” Ai đó nói lớn.

Duy Thanh thấy vậy nên liền can Khánh Long ra. “Giám thị tới Long ơi. Chạy, chạy.” Anh nhìn Quốc Hùng. “Hùng.”

Khánh Long nghe Duy Thanh bảo nên liền dừng lại. “Thanh.”

Duy Thanh nhắm sân trường mà chạy tới. “Có gì hồi nói sau.” Duy Thanh vẫy tay trong lúc cùng Quốc Hùng lẻn vào đám đông.

Khánh Long cũng quay lưng bỏ chạy. “Ời.”

Hoàng Sơn ngồi ở ghế đá thấy hai thằng bạn mình tay không chạy tới. “Nước đâu?”

“Bị giám thị đuổi.” Quốc Hùng đáp.

Hoàng Sơn ngạc nhiên. “Bữa nay nhà trường cấm uống nước à?”

Duy Thanh thở dốc. “Do đánh lộn.”

“Đánh lộn thì mắc gì.” Hoàng Sơn chợt nhận ra. “Á đù, thằng nào đánh tụi mày vậy?”

Quốc Hùng nói. “Là tụi tao đánh bọn nó.”

Anh Đức giờ mới lên tiếng. “Mới kỷ luật xong, mấy bạn hiền định nghỉ tiếp hả?”

Hoàng Sơn khẽ cười. “Thôi để tao đi mua nước.”

“Tiền này.” Quốc Hùng móc túi lấy tiền ra.

Anh Đức bĩu môi. “Từ nay các bạn hiền ngồi đây luôn đi. Mắc công nước không thấy, lại thấy nghỉ học.”

Quốc Hùng giờ mới hỏi. “Thằng lúc nãy là ai vậy?”

“Bạn cấp một.” Duy Thanh khẽ cười. “Bạn ấy cũng học võ ông Năm, nhưng là do đệ tử của ông Năm dạy.”

“À.” Quốc Hùng nhìn Duy Thanh. “Quần áo mày bẩn hết rồi kìa.”

Duy Thanh chợt nảy ý. “Chút nữa về chắc tao nói láo do chơi “dí bắt” nên bị ngã.”

Sau vụ đánh nhau, Khánh Long bắt đầu thân với lớp của Duy Thanh. Và để không muốn bạn mình bị nghỉ học nữa, Anh Đức và Hoàng Sơn nhận luôn trách nhiệm đi mua nước. Còn Duy Thanh và Quốc Hùng chỉ tập trung vào một việc, đó là ngồi yên tại một chỗ và đừng xen vào bất cứ cuộc tranh chấp nào của người khác, ngoại trừ là anh em của mình.

Thời gian như vậy cứ tiếp tục trôi, cho đến một buồi chiều, trong lúc Duy Thanh đang dắt xe ra về thì thấy một bạn nữ đi bên cạnh. Bạn nữ đó thấp hơn anh, mái tóc ngắn và cũng mang một chiếc lắc tay. Duy Thanh thấy bạn nữ đó trò chuyện, mỉm cười với bạn mình, mà điều đó đột nhiên gợi cho anh nhớ đến Sún. Cũng khá lâu rồi anh chưa gặp Sún và anh cũng không biết giờ Sún như thế nào. Không biết Sún có còn mái tóc ngắn, có còn thấp và trắng trẻo như xưa nữa không.

“Nhìn gì vậy mày?” Quốc Hùng đi tới vỗ vai bạn mình.

Duy Thanh ầm ờ. “Có nhìn gì đâu. Đứng xem thằng Vũ ra chưa ấy mà.”

“Vũ nó đợi ở phía trước kìa.” Quốc Hùng chỉ tay cho Duy Thanh thấy.

“Ủa thế à.” Duy Thanh khẽ cười. “Vậy thì về thôi.”

Sau khi tập võ và ăn cơm xong, Duy Thanh vẫn như hôm nào vào phòng má Ba ngồi chơi. Những con ki nhà anh đã đẻ ra một lứa ki con, do vậy, ngoài con “Ki Đực” nằm trong phòng thì con một, hai con ki khác nữa.

Má Ba sau khi làm việc của mình xong, má quay lại. “Má có quà cho con nè.”

“Quà gì vậy má?” Duy Thanh ngồi bật dậy.

Bà đi tới tủ và lấy ra một chiếc bao. “Đây.”

Duy Thanh nhận lấy, mở bao ra và thấy bên trong là một đống quần sịp. “Hả?” Anh đưa cặp mắt ngơ ngác lên nhìn má.

Bà khẽ cười. “Đến lúc con phải mặc nó rồi.”

“Không mặc được không má?” Duy Thanh không muốn mặc.

Bởi vì khi anh mặc, nghĩa là chứng tỏ anh đã lớn. Điều đó đồng nghĩa anh sắp phải ra ngủ riêng. Nam ngủ với nam và những chị em nữ sẽ ngủ cùng với nhau. Phòng ngủ tập thể chỉ dành cho các anh chị em nhỏ.

Duy Thanh không phải không thích mặc, cũng không phải là không thích lớn, mà chẳng qua khi anh đã được xem là người lớn, anh nghĩ mình sẽ không còn được má Ba thương nữa. Sống từ lâu trong cô nhi viện nên Duy Thanh hiểu rõ tình cảnh này rõ như thế nào. Những anh lớn như anh Duy Nhân, Duy Nghĩa, Duy Đức đều không được má Ba quan tâm và chăm sóc như những anh chị em nhỏ nữa. Bây giờ là lúc mọi người phải tự lập và tự lực lấy.

“Thằng ngốc này.” Má Ba như hiểu ra tâm tình của cu cậu. “Má vẫn thương con vậy thôi. Chẳng qua đến tuổi dậy thì rồi thì con phải mang vào chứ. Chẳng lẽ cứ để nó lòng thòng như vậy.”

“Lòng thòng cái gì hả má?” Duy Thanh vẫn không hiểu má mình nói gì.

Bà không biết phải dạy cậu như thế nào. “Giờ con qua gặp anh Duy Nhân đi. Anh ấy sẽ nói cho con hiểu.” Bà xoa đầu cu cậu. “Còn má vẫn thương con như vậy thôi. Đừng có lo gì nữa.”

Duy Thanh mỉm cười. “Dạ.”

Thế là anh cầm bao đồ đi sang phòng ngủ tập thể dành cho nam. Nơi anh Duy Nhân và những anh khác đang ở. Sau khi mở bao đồ và hỏi về đủ thứ, Duy Thanh được các anh chỉ dạy về một tầm kiến thức mới về “tuổi dậy thì”. Nhưng những cái kiến thức của các anh chỉ dạy cho Duy Thanh đó chỉ là những vấn đề cơ bản. Đến khi sáng hôm sau, Duy Thanh cùng Văn Vũ chạy qua nhà Quốc Hùng chơi, anh đem chuyện này ra bàn luận và đó là lúc anh cảm thấy nguồn kiến thức vượt bậc của “ông cụ non” Quốc Hùng.

Sau một buổi nghe giảng về giáo dục giới tính do thầy giáo Quốc Hùng đảm nhận, Duy Thanh giờ đã có một vốn hiểu biết sâu hơn. Giờ anh đã biết đến việc “chào cờ”, biết việc mình tham gia “lực lượng quân chủng phòng không, không quân” vào ban đêm. Biết đến những chuỗi ngày “hành hương” của con gái. Và hơn hết là biết rõ về cái “tín ngưỡng phồn thực” của nhân loại.

Sau khi hiểu ra mọi chuyện, Duy Thanh giờ đã biết vì sao anh và các anh chị lớn phải ra ngủ riêng và tắm riêng. Anh cũng không sợ việc mình lớn nữa, mà thay vào đó, anh nghĩ mình đã đến lúc chăm sóc lại cho các anh chị em nhỏ.

Vài ngày sau, trong lúc tan trường, Duy Thanh lại chợt nghe thấy tiếng gọi tên Hạnh nào đó. Quay mặt qua trái, anh thấy một bạn nữ dáng người thấp thấp, tóc ngắn đang ngồi lên xe đạp. Vì đông người quá nên anh chỉ nhìn thấy được nửa khuôn mặt và nửa bờ mặt trắng trẻo đó lại khiến anh nhớ đến Sún.

Rồi Duy Thanh cũng lên lớp tám và sau đó cũng cập bến lớp chín. Nếu như lớp bảy, Duy Thanh chỉ thi lại có một môn toán, thì lên tám, anh thi lại đến ba môn, toán, lý và hóa. Tất nhiên việc thi lại cũng chỉ là mở một cánh cửa sau cho Duy Thanh tiếp tục được lên lớp và cũng tất nhiên là việc đó phải nhờ sự tác động của bà Thúy Nga, mẹ của Quốc Hùng.

Giờ đã là đường đường một thanh thiếu niên nên Duy Thanh tự biết mình phải có trách nhiệm hơn với mọi người. Anh phải thay má Ba chăm sóc các anh chị em nhỏ và giúp các anh chị lớn những việc trong nhà. Trong số các anh chị em thì Duy Thanh thương nhất là Minh Dũng, bây giờ cậu nhóc đã lên năm tuổi.

Mỗi khi đi học về, Duy Thanh thường thay chị Ngọc Minh cho các em nhỏ ăn. Buổi chiều thì anh đạp xe chở Minh Dũng đi dạo quanh xóm, lâu lâu chở cu cậu cùng đi ăn chè với Văn Vũ và Quốc Hùng. Tới giờ học võ thì anh giao lại cu cậu cho các anh chị. Tập xong thì anh lại vào tắm rửa cho Minh Dũng và những em khác.

Giống như ngày xưa, những bài vè tiếp tục được cất lên và anh vẫn vè cùng mọi người, chỉ có điều là bây giờ anh thay anh Duy Nhân xịt nước cho mọi người tắm. Tới giờ ăn, anh sẽ phụ mọi người dọn ra bàn, sau đó lại tiếp tục cùng Minh Dũng vào phòng má Ba.

Minh Dũng cũng giống y chang anh ngày xưa, cu cậu ngồi im một cục và ngước mắt nhìn má tụng kinh. Minh Dũng rất quý anh, cứ trưa trưa cu cậu lại ra đứng ôm trụ tường chờ anh đi học về.

Mỗi lần Duy Thanh vừa đạp xe vào cổng là đã thấy Minh Dũng quần áo lấm lem, nước mũi chảy dài và mỉm cười gọi tên anh. Không như anh, Minh Dũng lúc nhỏ rất yếu. Cu cậu thường xuyên bị đau nên Duy Thanh nghĩ đó cũng là lý do mà má đặt tên cho cu cậu là Minh Dũng.

Tất cả mọi việc đều tốt đẹp, ngoại trừ việc Duy Thanh không gặp lại Mỹ Hạnh. Giờ anh chỉ nhớ cô tên là Hạnh, biệt danh là Sún và một vài mảnh ký ức vụn vỡ lúc xưa. Nhiều khi anh không biết Mỹ Hạnh lớn lên sẽ như thế nào, cô có còn mũm mĩm và tóc ngắn như xưa nữa không.

“Đứng lại thằng kia.” Ai đó nói lớn.

Duy Thanh giật mình trở lại thực tại, anh thấy hai thằng lớp sáu ví nhau chạy ngang qua mũi xe của anh. Lúc này anh đang đứng chờ Quốc Hùng mua xôi gà cho bốn đứa. Ngước mắt lên nhìn bảng hiệu tên trường, chả mấy chốc nữa anh sẽ tốt nghiệp và không còn được học ở đây nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 10 /10 từ 1 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status