Em chỉ tiếc không ở bên anh đến già

Chương 17: Những mối tình đầu trên thế gian, hầu hết đều không có một kết cục trọn vẹn



Rất may, chuyện mà tôi giỏi nhất là ngây người. Ngồi trong phòng làm việc của anh sắp được một tiếng đồng hồ, vì cứ ngẩn ngơ như thế nên cũng không cảm thấy thời gian trôi qua chậm.

Cửa đột nhiên bị mở ra. Một chàng trai trẻ tuổi xông vào mà không gõ cửa, nói lớn, “Cái thằng này, trước kia bảo không muốn rồi giờ hành hạ tôi thế này đây hả? Hại tôi phải chạy từ công ty về nhà để đem tới đây cho cậu.”

Tôi ngẩng đầu nhìn, phát hiện trong tay người đó có một sợi dây, mà ở đầu dây kia, có một... con chó con. Người đó thấy tôi ngồi trong phòng anh thì rất kinh ngạc. Khuôn mặt anh ấy trông khá quen, dường như chính là một trong hai người đã đưa anh về nhà vào nhiều năm trước. Tôi đứng dậy, lễ phép gọi một tiếng, “Chào anh ạ.”

Anh ấy sờ vào túi áo như một phản xạ, thế rồi đột nhiên tỉnh ra, gãi đầu ngại ngùng nói, “Ngại quá, thói quen ấy mà. Thấy có người gọi mình bằng anh là lại muốn phát bao lì xì.”

Trông thấy một người đàn ông đã lớn thế rồi lại có nụ cười ngốc như vậy, tôi không nén được mà bật cười.

“À, anh nhớ ra rồi, em chính là cô em gái nhỏ của Lưu Thành Hề đúng không?” Anh cười vỗ vai tôi, “Lần này anh trai không chuẩn bị bao lì xì, để lần sau nhé.”

“Gọi cậu tới không phải để cậu nhận em gái bừa bãi đâu.” Anh từ bàn làm việc bước đến.

“À, đúng rồi!”. Anh ấy như sực nhớ ra điều gì, đưa sợi dây xích chó cho anh, “Tôi phải về công ty rồi. Ông già ở nhà mà biết tôi trốn làm, chắc chắn sẽ không để yên. Cục cưng nhà tôi giao cho cậu đấy. Em gái nhỏ, gặp sau nhé.”

Người này thật đúng là đến gấp gáp, đi cũng vội vàng. Lời còn chưa dứt, tôi cũng chưa kịp phản ứng đã chẳng thấy bóng anh ấy đâu nữa. Tôi ngẩn ngơ nhìn anh và con chó con mà anh dắt, chợt linh cảm có chuyện chẳng lành.

Anh bỗng mỉm cười, sau đó rất tự nhiên mà nhét sợi dây xích chó vào tay tôi, nói, “Giữ lấy, nuôi nó cho tử tế.”

“Em... Em nuôi nó?” Tôi gần như nghẹn lời, mặt đỏ bừng lên. Thế này là đang cố ý sỉ nhục tôi phải không?

Anh ung dung nhìn tôi, “Chẳng lẽ để nó nuôi em?”

Trời ơi, đó không phải điểm mấu chốt được chưa hả?

“Sao em phải nuôi nó?”

“Em muốn tìm việc còn gì? Đây là việc của em.” Anh vừa nói vừa thong thả đi về bàn. “Công việc mà em tìm được đó, lương là bao nhiêu?”

“Ba nghìn ạ*1.” Tôi trả lời theo bản năng.

Anh nhìn tôi với vẻ không thể tin nổi.

Tôi nuốt nước miếng... Được rồi, đó là do tôi dựa vào quan hệ đấy, thì sao nào?

“Một tháng bốn nghìn, bao gồm việc phụ trách ăn uống ba bữa và dẫn nó đi dạo. Mỗi ngày đều phải đến công ty anh báo cáo. Tiền lương thì cứ lấy ở thẻ ngân hàng mà anh đưa cho em.”

“Anh...” Tôi thấp giọng nói, “Em không làm được không?”

“Không được.” Anh trả lời như đinh đóng cột.

“Nhưng em không biết nuôi chó.”

“Thì tự đi học đi, nếu không anh trả lương cho em làm gì?”

Tôi cúi đầu, con chó Husky*2 nhỏ dưới chân đang nhìn mình với ánh mắt lấp lánh. Tôi bèn trừng mắt lại.

Cuối cùng tôi vẫn ngẩng đầu lên một cách bất đắc dĩ, nói, “Vậy bây giờ em đi được chưa?”

“Đi đi.” Anh đáp ứng, “Dẫn nó đi mua mấy thứ cần thiết cho sinh hoạt, nhưng đừng có đưa về nhà. Mẹ anh sợ chó, nuôi ở căn hộ của anh là được rồi.”

“Vâng.” Tôi yếu ớt trả lời, vâng lệnh dắt con chó ngốc ra ngoài.

“Nuôi cho cẩn thận biết chưa, đây là cục cưng nhà Trần Phóng đấy.” Anh ở phía sau căn dặn.

Tôi chẳng cần quay lại cũng biết anh đang cười rất hả hê.

Con chó ngốc hoàn toàn không cảm thấy sự thích chí của anh và nỗi ai oán của tôi, vừa thấy sắp được ra ngoài là hưng phấn như cắt tiết gà, xòe chân chạy về phía trước. May mà nó không to lắm, tôi còn có thể kéo lại được.

Tôi nghĩ, khi tôi và anh cùng tiến vào, người ta cũng không chú ý nhiều như lúc tôi dắt con chó ngốc này ra. Đúng là bi kịch... Ở cái thành phố này có biết bao người mong có được một công việc lương một nghìn đồng một tháng, có biết bao người hy vọng có thể gia nhập công ty LM, nhưng chắc hẳn sẽ không ai muốn làm công việc này của tôi – nhân viên chuyên trông chó cho sếp lớn của LM.

Nếu không phải tự mình nuôi, tôi thực sự không biết được nuôi chó cần phải chuẩn bị nhiều đồ đến vậy. Chuồng chó, khay uống nước, tô đựng cơm, thức ăn cho chó, bô đi vệ sinh, khúc xương đồ chơi... Tôi vẫn chưa dùng đến thẻ ngân hàng mà anh đưa. Lần này mua đồ cho chó của anh, tất cả tôi đều mua loại tốt nhất, điên cuồng quẹt thẻ một phen. Tôi thậm chí còn mua một quyển “Cẩm nang dạy nuôi chó” nhằm học cách chăm sóc tốt cho nó. May là con chó đã được tiêm phòng trước khi đưa tới, nếu không tôi còn phải đến một bệnh viện thú y.

Đây là một con chó vừa nghịch vừa khỏe. Cả ngày tôi đã mệt đến sống dở chết dở mà nó vẫn hăng hái như trước. Nó còn rất thích chạy, vừa không để ý là đã chạy lung tung rồi. Đúng là chó kéo xe trượt tuyết.

Tôi đặt cho nó một cái tên rất hùng hồn và đầy ý nghĩa là Tang Bưu*3. Sau khi anh nghe được tên này, hai hàng lông mày nhăn chặt lại.

“Sao em lại lấy cái tên đấy cho nó?”

“Rất uy phong mà, nếu không thì gọi là gì?”

Anh liếc tôi rồi lại nhìn sang con chó, nói, “Gọi là Nhị Ngốc đi. Em là Đại Ngốc, nó là Nhị Ngốc.”

Tôi cáu tiết, tức giận nói, “Không thì gọi là Quả Táo đi, rõ là đáng yêu, huống hồ em cũng thích ăn táo.”

Anh nhìn tôi với vẻ uy hiếp, rồi đột nhiên lại hỏi, “Em thích ăn táo hả?”

Tôi gật mạnh đầu. Ngạn ngữ Anh nói, mỗi ngày ăn một quả táo thì không cần phải đi bác sĩ*1 đấy.

Cuối cùng cái tên “Tang Bưu” vẫn được giữ nguyên. Dù sao người nuôi nó là tôi, ngay từ đầu tôi đã muốn dùng tên này rồi.

Tang Bưu có vẻ rất thích cái tên này. Chỉ cần tôi gọi một tiếng, không cần biết đang ở nhà hay ở xó xỉnh nào, nó nhất định sẽ chạy như bay tới. Tuy nó hơi ngốc nhưng cũng rất đáng yêu. Mặc dù thím sợ chó, tôi không thể đưa Tang Bưu về nhà, nhưng vẫn xem nó như một thành viên của gia đình. Có nó thật tốt, địa vị của tôi ở nhà rốt cuộc cũng không phải thấp nhất rồi.

Thím biết được việc làm thêm vào kỳ nghỉ hè của tôi chính là nuôi chó cho anh, liền bảo anh lập tức gửi chó cho người khác, nói tôi đến công ty của chú tìm việc làm. Đương nhiên là anh không đồng ý. Dưới sự áp bức của anh, tôi cũng chỉ còn cách giả vờ rất vui vẻ, làm như mình rất yêu chó.

Thím trách tôi, “Cháu đấy, từ bé đến lớn cứ nghe lời anh cháu như vậy. Sau này nó bảo cháu nuôi hổ hoặc sư tử cháu cũng nuôi à?”

Tôi cười gượng lắc đầu.

“Hổ với sư tử là động vật được bảo tồn, con vẫn chưa kiếm được.” Anh đang ngồi trên sofa nói một câu. Ý là nếu như làm tốt, anh cũng có thể cho tôi nuôi thử.

Trong lòng tôi đột nhiên rét run.

La Duy biết chuyện cũng không vui, “Em quá vâng lời anh trai rồi. Liệu có phải anh ấy muốn bắt nạt em không?”

“Chắc không phải đâu, thực ra thì Tang Bưu rất đáng yêu mà. Nếu nó không quá nghịch thì càng đáng yêu hơn.”

“Em thích chó thì sau này chúng ta cũng nuôi một con đi, anh thích loài chó chăn cừu Anh...” Anh ở đầu dây bên kia bắt đầu tưởng tượng.

“Thôi đi, em còn chưa muốn tự đi rước phiền phức vào người đâu.”

Anh cười nói, “Không sao, khoản ăn uống và vệ sinh cứ để anh lo, em chỉ cần ăn diện rồi dắt nó ra ngoài đi dạo khoe với người ta thôi.”

Tôi cũng bật cười, “Vậy thì được.”

Thực ra nuôi chó lâu ngày cũng vui. Mỗi buổi sáng ngủ dậy đến nhà của anh, dọn chuồng chó, đổ chất thải rồi cho nó ăn là xong. Tang Bưu nghịch ngợm nhưng cũng rất thông minh, dạy vài lần nó đã biết chỗ đi vệ sinh rồi. Sau đó tôi sẽ dắt nó đến công ty anh. Nó được hoan nghênh hơn tôi, người trong công ty nhìn thấy sẽ hỏi thăm một câu, có người còn chuẩn bị đồ ăn ngon chờ nó tới. Thời gian còn lại trong ngày thì do tôi chủ động sắp xếp.

Lúc thím không có ở nhà, tôi có thể dẫn nó về, đưa nó đi dạo phố, còn có thể dắt đến nhà ông ngoại. Ông ngoại thích Tang Bưu vô cùng, có lúc còn đích thân tắm cho nó, nhưng mỗi lần tắm xong nó lại lăn lộn trong sân nhà ông, cuối cùng còn bẩn hơn cả lúc chưa tắm.

Tôi xem trên diễn đàn yêu thú cưng, thấy có một câu: Đối với chủ, chó chỉ là một phần nhỏ, nhưng đối với chó, chủ nhân là tất cả của nó. Tôi cảm động, quyết định đối tốt với Tang Bưu hơn.

Nhưng chuyện làm tôi đau lòng nhất là, rõ ràng tôi với Tang Bưu ở với nhau nhiều hơn, người cho nó ăn, chơi cùng nó cũng là tôi, thế mà mỗi lần anh về là con chó bội bạc này sẽ hoàn toàn quên tôi, “gâu” một tiếng vô cùng tình cảm rồi phi lên người anh, bắt đầu làm nũng, nịnh nọt vô bờ bến. Gặp tình huống này, tôi chỉ có thể tự nhủ thầm, bình tĩnh, phải bình tĩnh. Đây chẳng qua là do sự hấp dẫn giữa hai loài khác giới ấy mà.

Hết kỳ nghỉ hè, Tang Bưu bị đưa đến nhà ông ngoại.

Tuy tôi liên tục đảm bảo mình có thể vừa đi học vừa chăm sóc tốt cho Tang Bưu, nhưng ông ngoại vẫn không đồng ý. Theo ông, sinh viên thì phải ngoan ngoãn học tập ở trường, không thể ngày ngày tập trung sự chú ý vào chó.

Tôi thực sự nhận được tám nghìn đồng tiền lương, đó là do thư ký của anh trực tiếp gửi cho. Tôi đã quên hẳn chuyện tiền nong, huống hồ tôi vẫn cầm thẻ ngân hàng mà anh đưa, số tiền này không lấy cũng không sao cả. Tuy nhiên nếu thư ký của anh đã đưa tiền mặt tới tận tay, tôi cũng chẳng có lý do gì mà không lấy.

Thực ra tôi thấy, thế này thì trọng hình thức quá. Chẳng cần nghĩ cũng biết là do anh chỉ đạo. Thật là ấu trĩ.

Tám nghìn đồng quả nhiên là số tiền rất lần, cầm nó trong tay mà tôi vui cả nửa ngày. Dù thế nào thì đây cũng là số tiền đầu tiên tự mình kiếm được. Tôi suy nghĩ một lát rồi gọi điện thoại cho bố, bảo bố không cần gửi học phí năm nay nữa, tôi đã tự đi làm kiếm tiền được rồi.

Bố rất bất ngờ, hỏi tôi, “Sao không nghe con nhắc đến? Việc gì mà lương cao vậy?”

Đương nhiên là bố không biết rồi, cuộc gọi gần đây nhất giữa chúng tôi là trước kỳ nghỉ hè. Tôi trả lời qua loa, “Anh trai giới thiệu việc làm cho con.”

Bố không nghi ngờ gì, nói, “Vậy con nhớ phải cảm ơn anh đấy.”

“Vâng, con biết rồi.” Tôi đáp bừa.

“Đúng rồi, Viên Viên, năm nay con hai mươi tuổi rồi phải không nhỉ?”

“Vâng, qua sinh nhật con rồi ạ.” Tôi trả lời bằng giọng đều đều, trong lòng như thắt lại. Con gái bao nhiêu tuổi mà bố cũng không biết sao?

Bên cạnh hình như có tiếng người. Giọng của bố bỗng trở nên ngập ngừng, “Con cũng lớn rồi, nếu muốn yêu đương gì thì cứ yêu đi, bố không phản đối. Anh con đối tốt với con như thế, dì Lưu nói hay là nhờ nó giới thiệu đối tượng giúp...”

Tôi cười nhạt, cắt đứt lời bố, “Vậy bố cảm ơn dì ấy giúp con.”

“Con đừng nghĩ nhiều, là dì Lưu lo cho con...”

“Không có chuyện gì thì con cúp máy đây. Phải rồi, bố cũng không cần gửi sinh hoạt phí cho con nữa. Dù sao đến giờ con cũng chưa dùng đến, chú thím cho là đủ rồi.” Lời nói của tôi bất giác sắc bén hơn.

“Vậy sao được...”

“Bố cứ giữ lại tiền mà lo cho dì Lưu và Bằng Bằng đi ạ.” Tôi cố gắng bình ổn tâm tình rồi nói, “Chào bố.”

Không đợi bên kia đáp lại, tôi đã cúp điện thoại.

Mấy năm nay tôi đã hiểu rõ rồi, nhưng nghe chính miệng bố nói những lời này, lòng vẫn âm ỉ đau.

Thật là lo cho tôi sao?

Tôi cười khẩy. Lo cũng hơi xa rồi.

-

Lần này anh trả lương nhiều như vậy, tôi vẫn nên tỏ lòng cảm ơn một chút. Tuy nhiên anh đã có mọi thứ rồi, lại toàn là đồ tốt nhất, tôi thật sự không biết nên tặng anh cái gì.

Nghĩ một chút, tôi quyết định không cảm ơn bằng vật chất nữa, lỡ tặng đồ không tốt lại bị anh chế giễu. Không tặng vật chất, vậy bày tỏ bằng hành động đi.

Lúc nghỉ hè, tôi thường chơi với Tang Bưu hoặc lên mạng đến quên cả thời gian, cuối cùng lười về nhà, liền ngủ luôn trên chiếc giường công chúa của mình ở căn hộ của anh.

Anh rất ít khi về nhà. Thỉnh thoảng về một lần, trông thấy tôi thì ngồi xuống sofa, lười biếng nói một câu, “Anh đói.”

Ban đầu tôi giả vờ không nghe thấy, định im ỉm mà lờ đi. Anh liền đứng lên đẩy tôi vào bếp, ra lệnh, “Nấu cơm cho anh.”

Tôi chỉ còn cách ngoan ngoãn vâng lời.

Đôi khi anh về muộn. Lúc đó dù tôi ngủ rồi anh cũng không tha, đập cửa ầm ầm, khiến tôi phải lờ đờ đứng dậy mở cửa, rồi lại mắt nhắm mắt mở đi rang cơm hoặc nấu mì cho anh.

Thực ra tay nghề của tôi rất kém, nhìn thái độ của Tang Bưu là biết. Mỗi lần tôi tốt bụng làm thêm đồ ăn đặt vào trong khay của nó, con chó ngốc này chỉ ngửi ngửi một chút rồi vẫy đuôi ngúng nguẩy bỏ đi. Thế mà anh vẫn có thể ăn hết thức ăn tôi nấu. Xem ra người cao to không chỉ cần lượng thức ăn lớn mà sức chịu đựng cũng lớn vô cùng.

Tuy nhiên, làm nhiều lần tôi cũng rèn luyện được tay nghề. Mặc dù vẫn chỉ hạn chế ở mức rang cơm và nấu mì, nhưng Tang Bưu cũng đã nể mặt mà đớp vài miếng, biểu cảm của anh lúc ăn cơm cũng dịu đi rất nhiều.

Lần này đã quyết phải cảm ơn anh, tôi cũng chuyên tâm hơn hẳn. Tôi lên mạng tra công thức nấu ăn, cuối cùng quyết định được ba món: thịt kho tàu, thịt bằm xào đậu hũ Tứ Xuyên và canh trứng cà chua.

Trong nhà đã có sẵn trứng gà và cà chua. Tôi đi siêu thị mua thêm thịt ba chỉ, đậu hũ và các loại gia vị cần thiết, còn tiện thể mua thêm một cái tạp dề có hình gấu Pooh rất đáng yêu. Đồng thời tôi cũng gọi điện cho anh, xác định được tối nay anh có về, liền cẩn thận dặn anh phải về sớm. Anh hỏi tôi có chuyện gì, tôi kiên quyết giữ bí mật không nói. Anh thấy vậy cũng không hỏi thêm nữa.

Tôi chuẩn bị rất lâu trong bếp. Thịt và đậu đều được thái ngay ngắn, cà chua cũng cắt mỏng hết cỡ. Công thức nấu ăn cũng đã được in ra, dán cẩn thận trên thành máy hút mùi. Tôi cẩn thận làm theo từng bước trên hướng dẫn, tay chân vẫn hơn luống cuống, nhưng vẫn may, cuối cùng vẫn làm được gần giống. Nếm thử thấy cũng tàm tạm, có thể chấp nhận được. Hai món mặn một món canh được mang lên bàn, tôi cảm thấy hài lòng vô cùng.

Trước đó còn tưởng sẽ phải đợi anh một lúc. Nhưng tôi nấu ăn thực sự rất lâu, mà anh lại cố ý về sớm, thế nên tôi vừa bưng đồ ăn lên, tự tán thưởng chưa được hai phút thì đã nghe thấy tiếng mở cửa.

Anh trông thấy thức ăn trên bàn thì rất kinh ngạc, sau đó nhìn tôi nghi ngờ.

Tôi vội tháo tạp dề, đon đả chào, “Anh về rồi ạ.”

“Ừ.” Anh gật đầu, cởi giày.

Đã quyết định cảm ơn anh, tự nhiên tôi cũng niềm nở hơn. Anh vừa thay giày xong tôi đã đưa cốc nước chuẩn bị trước đến, “Anh nghỉ một lát trước hay là ăn luôn ạ?”

Anh đón lấy cốc nước, uống một ngụm rồi nhìn bàn ăn, nói, “Ăn.”

Tôi cười rạng rỡ, “Vậy anh ngồi xuống trước đi, em đi xới cơm.”

Anh cảm thấy rất khó hiểu với thái độ của tôi, ngồi xuống nhìn tôi nói, “Hôm nay em uống lộn thuốc à?”

Tôi vừa xới cơm, vừa tự dặn mình phải giữ bình tĩnh, đừng để bị mấy lời độc miệng của anh làm kích động. Thế nên tôi mỉm cười trả lời, “Không ạ.”

“Vậy em tính làm gì?”

Tôi đặt bát cơm đầy ụ trước mặt anh rồi nói, “Sếp à, anh cho em tiền lương nhiều như thế, đương nhiên là em phải cảm ơn rồi. Em cũng không biết tặng quà gì, chỉ có thể làm một bữa cơm tỏ lòng thành thôi.”

Rốt cuộc anh cũng cười, cầm lấy đũa gắp một miếng thịt kho tàu, cho vào trong miệng. Tôi lập tức nhìn anh với ánh mắt tràn đầy hy vọng.

Anh nhai kỹ rồi nuốt xuống, sau đó ngẩng đầu nhìn tôi, “Cũng được.”

Tôi chợt cảm thấy trong lòng mình nở hoa.

Tối hôm đó, tôi ăn nửa bát cơm, còn anh ăn tận ba bát.

Tôi phát hiện, thì ra người này dễ thỏa mãn như vậy.

-

Năm thứ tư, chương trình đại học còn rất ít, lúc lên lớp phòng học luôn vắng vẻ. Tôi vui vẻ nhàn nhã, cứ dăm ba bữa lại đến nhà ông ngoại thăm Tang Bưu, tiện thể còn được ăn những món siêu ngon do bà ngoại làm.

Tang Bưu sống ở nhà ông ngoại rất tốt. Chúng tôi ít khi đến, có nó ở chung, ông bà ngoại cũng bớt cô quạnh. Nó đã lớn thêm nhiều, trông vẫn ngốc nghếch nhưng lại rất hiểu ý người. Lúc ở cùng tôi toàn nhảy tưng tưng, tràn trề sức lực, nhưng khi ở với ông bà ngoại, nó cũng biết không thể nghịch ngợm, luôn ngoan ngoãn đi sau ông.

Nó đã quen với tiếng chân của tôi. Mỗi lần tôi đến, vừa tới sân là nó đã lao ra, nhào lên người tôi thè lưỡi liếm lung tung, làm tôi không nhịn được mà bật cười.

Đã qua thời điểm nóng nhất trong năm, nhưng ánh nắng đầu thu vẫn rất khó chịu. Tôi và ông bà ngoại mỗi người ngồi một chiếc ghế mây ở dưới bóng cây, vừa nhìn Tang Bưu đùa nghịch đồ chơi của nó trong sân, vừa nhàn nhã nói chuyện.

Tôi kể rất nhiều chuyện thú vị trong trường, khiến cả hai người đều cười vui vẻ.

Cười xong, bà ngoại đột nhiên cảm thán, “Tang Bưu tới đây, rốt cuộc trong nhà cũng náo nhiệt hơn một chút.”

Tôi nhìn nếp nhăn trên khóe mắt của bà, bỗng cảm thấy vô cùng xấu hổ, vội vàng nói, “Về sau ngày nào cháu cũng qua đây. Tối nay về cháu cũng sẽ nói với chú thím và anh, bảo họ thường xuyên về hơn.”

Bà ngoại cười, đưa tay xoa đầu tôi, nói, “Không cần đâu, bọn chúng còn bận việc mà. Cháu cũng không cần phải đến đây mỗi ngày, nếu không bạn trai sẽ không vui.”

Nói xong bà ngoại nháy mắt một cái. Mặt của tôi thoáng chốc đỏ lên, “Làm gì có bạn trai nào ạ. Bà ngoại đừng trêu cháu nữa.”

Bà ngoại đương nhiên không tin, quay sang nhìn ông ngoại cười, “Xem đi, bé Viên Viên xấu hổ kìa.”

Thế rồi cả hai đều nở nụ cười.

Một làn gió thoảng qua. Tôi nhìn khuôn mặt hiền từ in hằn bao thăng trầm cuộc đời của họ, nhất thời ngơ ngẩn, quên bẵng cả việc giải thích. Cuối cùng tôi cũng không kìm được mà mỉm cười theo.

-

*Chú thích:

*1. Ba nghìn nhân dân tệ: khoảng hơn mười triệu tiền Việt.

*2. Husky là giống chó lao động với bộ lông dày, kích cỡ trung bình, có xuất xứ từ vùng miền Đông Siberian. Husky có đuôi thõng, tai nhỏ hình tam giác dựng đứng và các vẻ bề ngoài rất đặc trưng. Đây là một giống chó rất năng động, kiên cường và đầy sức sống.

*3. Tang Bưu nghĩa là “Mạnh mẽ phi thường” – Chữ Tang vốn là “tang lễ”, nhưng trong tiếng Quảng dùng rất nhiều với nghĩa là “phi thường”. Chữ “Bưu” vốn là “mạnh mẽ”, “lực lưỡng”, tuy nhiên theo tiếng địa phương của người miền Bắc Trung Quốc (nhất là vùng Đông Bắc) thì còn có nghĩa là “ngu ngốc”. Ở đây các bạn nhớ là Mãn Nguyệt và chú quê miền Nam, còn Thành Hề và mẹ gốc Bắc, vì thế Mãn Nguyệt hiểu cái tên “Tang Bưu” với nghĩa “mạnh mẽ phi thường” thì Thành Hề lại hiểu theo nghĩa ngược hoàn toàn là “siêu đần độn”

*4. Mỗi ngày ăn một quả táo thì không cần phải đi bác sĩ: Nguyên văn là “An apple a day, keeps the doctor away”, mình để thành tiếng Việt luôn cho đỡ ngắt mạch truyện.

Mùa thu ở thành phố này luôn rất ngắn, cứ như thể vừa mới bắt đầu là kết thúc luôn. Một ngày trước lá rụng trong sân trường còn nhiều không quét xuể, mọi người vẫn mặc áo phông, vậy mà sau một đêm gió Bắc đã tràn về, khiến rất nhiều người không kịp mặc thêm áo ấm.

Thời tiết tuy rất lạnh mà lòng tôi vô cùng ấm áp.

Bởi vì, La Duy sắp về rồi.

Trước đây, mỗi năm anh đều trở về vào kỳ Giáng Sinh, nếu không phải chỉ còn một ngày là khai giảng thì nhất định sẽ không quay lại. Nhưng lần này bỗng nhiên anh nói có việc không về được. Tôi nhìn nụ cười áy náy của anh trên màn hình webcam, hơi thất vọng nhưng vẫn mỉm cười nói, “Không sao.”

Thế nhưng hai ngày sau, Vi Vi đột nhiên hỏi tôi một cách bí hiểm, “Nghe nói La Duy nhà chị sắp về rồi, chị có biết không?”

Vi Vi là bạn gái hiện tại của Bùi Lương Vũ, học sau chúng tôi hai khóa, rất xinh xắn đáng yêu. Cũng vì cô ấy, Bùi Lương Vũ đã làm việc trong công ty của bố anh rồi mà cứ cách dăm ba bữa lại đến rủ chúng tôi đi ăn.

Tôi lấy làm lạ, hỏi, “Anh ấy còn có việc nên không về mà. Em nghe ai nói thế?”

Cô ấy cười, “Lần trước em nghe Bùi Lương Vũ nói chuyện điện thoại, là của La Duy gọi về. Anh ấy bảo Lương Vũ giấu chị, chắc chắn là muốn làm chị bất ngờ.”

Với tính cách của La Duy, rất có thể sẽ làm như vậy.

“Nếu anh ấy đã muốn cho chị bất ngờ, hay là chị làm anh ấy ngạc nhiên lại đi. Theo em nghe được thì hình như anh ấy về vào ngày hai mươi. Đến hôm đó chị đến sân bay đón anh ấy, cho anh ấy tha hồ kinh ngạc.” Vi Vi cười tinh nghịch.

Tôi nghe cô ấy nói xong cũng bị lay động, “Em thăm dò hộ chị xem là chuyến bay nào, đến lúc đó đừng để chị tốn công vô ích đấy.”

“Vậy để em nghĩ cách dò hỏi một chút. Em thấy cũng phải chắc đến tám chín phần. Hôm đó Bùi Lương Vũ uống say, mơ mơ màng màng, còn cho rằng em không nghe được gì cả.”

“Ừ, được rồi, xác định xong thì báo cho chị nhé. Chị sẽ chơi anh ấy một vố ngược.”

“Đúng thế, đúng thế.” Vi Vi gật đầu lia lịa, “Em vẫn chưa được gặp anh ấy, đến lúc đó chị nhất định phải bảo anh ấy mời một bữa. Tuy đồng chí Bùi nhà em vẫn thường nói La Duy thuộc kiểu bên ngoài bóng bẩy, bên trong thối nát, nhưng một khi chưa được gặp thì em vẫn là người ngoài.”

“Được mà, không thành vấn đề.”

Mắt Vi Vi lấp lánh, năm tay tôi nói, “Chị gái tốt.”

Tôi cười gật đầu, “Em ngoan.”

Trước giờ tôi chưa từng làm chuyện gì khiến người khác bất ngờ, vì vậy không nhịn được mà tưởng tượng đến biểu cảm của La Duy lúc đó. Sẽ ngạc nhiên hay cười ngốc nghếch, hay sẽ trách Bùi Lương Vũ đã tiết lộ bí mật đây?

Không biết thế nào, nhưng nhất định sẽ rất vui. Tôi vừa nghĩ vừa trộm cười.

Ngày 20 tháng Mười hai, trời quang mây tạnh. Trước đó tôi đã biết được chuyến bay của La Duy, nắm rõ giờ bay. Nhưng tôi không biết rốt cuộc anh chuyển chuyến bay ở HongKong hay Thượng Hải, vì vậy để tránh lỡ giờ, tôi dậy từ sáng sớm, một mình đón xe đến sân bay.

Ngồi trên taxi, tôi bắt đầu suy tính. Lát nữa nên xuất hiện trực tiếp trước mặt anh, cho anh một bất ngờ thú vị, hay là đi đến từ phía sau rồi vỗ nhẹ vai anh?

Khi đó tôi hoàn toàn không ngờ được, bất ngờ thú vị này, thực ra chỉ có bất ngờ mà không hề thú vị.

Tôi đứng trong đại sảnh rất lâu. Vì không nắm được lịch trình cụ thể nên không dám đi lung tung. Xung quanh toàn là những người như tôi, cũng đang chờ đợi.

Cuối cùng cũng thấy La Duy. Dường như anh cao hơn một chút, con trai qua tuổi hai mươi còn có thể cao lên sao? Lông mày vẫn rậm, mắt vẫn sáng, dáng vẻ vẫn ngông nghênh như xưa, nhưng nhìn tổng thể cũng rất tuấn tú.

Tôi xúc động, muốn đi qua hù anh ấy. Nhưng còn chưa kịp bước thì đằng sau anh đã có một người đi đến, khoác tay anh vô cùng thân mật. Cô gái đó dáng người khá cao, buộc tóc đuôi ngựa đơn giản, trên mặt là nụ cười cực kỳ ngọt ngào.

La Duy cau mày, nhưng cũng không hất cô ấy ra.

La Duy không có chị em gái, trước giờ anh cũng chưa từng nói mình có chị hay em họ cùng học ở Melbourne.

Tôi có chiều cao khiêm tốn, đứng cạnh La Duy luôn bị anh gọi là bé con. Anh và cô gái kia đứng cùng nhau trông rất xứng đôi. Tay cô ấy luôn khoác tay anh. Giữa hai người toát ra sự thân thuộc vô cùng, không có chút gì xa lạ.

Trong chớp mắt, tôi cảm thấy đầu óc mình trống trơn, theo bản năng núp vào một góc.

Một đôi vợ chồng đến đón họ. Cô gái kia vui vẻ buông tay La Duy, ôm chầm lấy người phụ nữ. Tôi loáng thoáng nghe thấy cô ấy gọi “Mẹ”. La Duy vẫn đứng bên cạnh mỉm cười.

Bốn người đứng chung một chỗ, trông thực sự đầm ấm vui vẻ. Bố của cô gái kia vừa cười vừa trò chuyện với La Duy, rõ ràng là rất vừa lòng với anh. Nép ở một bên, tôi bỗng phát hiện mình căng thẳng đến run người. Tôi cố gắng hít sâu một hơi, nắm chặt rồi lại thả tay ra, đi đến phía trước mỉm cười gọi, “La Duy.”

Khoảnh khắc ấy, vẻ hoảng hốt của anh khiến tôi suýt trào nước mắt.

“Viên... Mãn Nguyệt, sao em lại ở đây?” Anh hỏi.

Tôi bỗng cảm thấy mềm lòng, tôi không muốn làm anh khó xử.

Tôi nói, “Em tới đón bạn học.”, rồi giả vờ nhìn đồng hồ, “Chắc khoảng mười phút nữa cậu ấy mới đến nơi. Tình cờ thật, hôm nay anh cũng về sao?”

Môi anh tái nhợt, tựa như muốn nói điều gì, nhưng cuối cùng chỉ gật nhẹ đầu, “Ừ.”

Cô gái bên cạnh anh nhướng mày, rõ ràng là đã nhận ra tôi. Tôi không nhìn nét thù địch trên khuôn mặt cô ấy, cố gắng giữ nụ cười, “Em đi trước đây, khi nào rảnh liên lạc sau nhé.”

Tôi đi rất nhanh, bước chân cũng nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, ở vào hoàn cảnh này đáng lẽ mình phải có cảm giác muốn chạy thật nhanh mới phải. Thế nhưng tôi vẫn không bình tĩnh được, tôi sợ, nếu ở đó thêm một giây phút nữa, có lẽ nước mắt sẽ tuôn ra.

Trong cơ thể tôi mơ hồ có nơi nào đó âm ỉ đau. Ban đầu chỉ là một chút xíu, sau đó chầm chậm, chầm chậm lan ra, tựa như lan khắp toàn thân, rồi bện xoắn lại một chỗ... Tôi cắn chặt răng, cắn đến đau ê ẩm.

Bên ngoài trời trong xanh, nhưng tôi chỉ cảm thấy xung quanh là bão tố.

Người bị bệnh thiếu máu có lẽ cũng có cảm này, đang ngồi đột nhiên đứng dậy liền cảm thấy tối tăm mặt mũi. Đầu óc vẫn tỉnh táo, vẫn nghe rõ những âm thanh bên cạnh, nhưng mãi vẫn không nhìn thấy gì.

Giống như tôi bây giờ vậy.

Người ta vẫn tấp nập qua lại trong sân bay. Tôi không đi nổi nữa, chỉ còn cách đứng dựa vào một cây cột. Vào lúc này tôi vẫn còn nghĩ, tại sao La Duy chưa đuổi đến nơi?

Trước giờ chúng tôi cãi nhau, tôi sẽ đi nhanh để vượt lên phía trước. Mỗi lần như thế, anh nhất định sẽ đuổi theo phía sau. Bây giờ tôi đang chờ anh ở đây, tại sao không thấy anh chạy đến?

Điện thoại di động trong túi rung lên. Tôi ngơ ngẩn lấy ra, tiện tay ấn nút nghe máy.

Đầu dây bên kia truyền đến giọng nói quen thuộc. Tôi im lặng, người kia nói được vài câu mới phát hiện có chỗ bất thường.

“Lương Mãn Nguyệt, em có nghe không đấy?”

“Có, em nghe đây.” Tôi nhỏ giọng nói.

“Em... Sao em lại khóc?” Người kia kinh ngạc.

“Đâu có ạ.” Tôi vừa nói vừa đưa tay chạm vào má, chợt hoảng hốt phát hiện mặt mình đã ướt đầm.

Âm thanh ở đầu dây bên kia trở nên sốt ruột, “Mãn Nguyệt, em làm sao vậy?”

Tôi cũng không nhịn được nữa, mắt nóng bừng lên, bật khóc thành tiếng, “Anh ơi...”

Hôm đó khi được đưa về nhà của anh, tôi đã ngừng khóc. Anh cũng không hỏi tôi nguyên nhân, chỉ nghiêm mặt rời đi, để tôi một mình ngẩn ngơ trên sofa.

Tôi ngồi đó rất lâu, đầu óc vẫn trống rỗng. Điện thoại rung lên lần thứ hai, tôi lấy ra, ngơ ngác nhìn một lúc rồi ấn phím tắt máy màu đỏ.

Tôi rửa mặt bằng nước lạnh, thấy tinh thần đã khá lên nhiều, vì vậy đóng cửa nhà, quyết định quay về trường học.

Lúc tôi về, trong phòng chỉ có Trần Tĩnh và Hạ Mẫn Chi. Vừa hay Trần Tĩnh muốn đi thư viện, tôi liền đi cùng cô ấy.

Thư viện rất yên tĩnh, hệ thống sưởi hơi cũng hoạt động tốt. Trần Tĩnh cặm cụi làm đề thi thử tiếng Anh, tôi tiện tay cầm một quyển lịch sử văn học thế giới, đọc vô cùng chuyên chú. Khi đầu óc không có thời gian suy nghĩ, trong lòng tự khắc sẽ bình thản lại.

Khi ra khỏi thư viện thì trời đã sập tối. Vầng trăng trên cao sáng trong mà lạnh lẽo đến rùng mình. Chúng tôi cùng đi căng-tin ăn cơm tối. Tôi ăn rất nhiều, ba lưng cơm, hai món mặn hai món chay, cộng thêm một cái đùi gà, sau cùng còn tu hết nửa bình nước trái cây.

Trần Tĩnh kinh ngạc nhìn tôi, “Mãn Nguyệt cậu sao thế?”

Tôi cười nói, “Tớ đói mà.”

No bụng rồi thì sẽ không buồn nữa.

Trên đường về tôi còn mua một thanh chocolate, vừa đi vừa ăn, nói chuyện phiếm mấy câu với Trần Tĩnh.

Ở dưới ký túc đang diễn ra cảnh chia lìa quyến luyến của một đôi tình nhân. Chúng tôi nhìn nhiều thành quen, làm như không thấy, bình tĩnh đi qua họ.

Sau đó tôi nghe có người gọi, “Viên Viên.”

Tim tôi run lên, không dám quay đầu lại, vội vã bước vào ký túc. Người phía sau đã đuổi đến nơi, kéo tôi lại, giọng như van xin.

“Viên Viên...”

Tôi ngẩng đầu, nhìn vào đôi mắt mệt nhoài của La Duy. Anh nói, “Anh đợi mãi, cuối cùng cũng đợi được em.”

Có rất nhiều khi, hạ quyết tâm là một chuyện, thực sự đối mặt lại là chuyện khác. Rõ ràng là tôi rất đau lòng, rõ ràng tôi rất tức giận, rõ ràng tôi đã quyết định không bao giờ để ý đến anh nữa... Thế nhưng vào lúc này, khi gió khẽ vuốt qua gò má, khi nhìn thấy đôi môi tái nhợt của anh dưới ánh đèn đường, tôi vẫn mềm lòng. Tôi bảo Trần Tĩnh về trước, sau đó mới quay lại nhìn anh.

“Anh có chuyện gì thì nói đi.”

Anh nhìn tôi một lúc lâu, cuối cùng khổ sở nói, “Mãn Nguyệt, chúng ta chia tay đi.”

Tôi cứ nghĩ mình sẽ nhận được một lời giải thích, hoặc ít nhất cũng có được một câu xin lỗi, sau đó có lẽ tôi sẽ tha thứ cho anh.

Thế nhưng, thứ cuối cùng mà tôi đợi được lại là hai tiếng “Chia tay.”

Có từ ngữ nào có thể diễn tả cảm xúc của tôi lúc đó? Bi thương, đau lòng, tức giận, khó tin... Tôi cất giọng hỏi anh, “Anh bảo gì cơ La Duy?”

Thân mình anh hơi run lên, nhưng vẫn kiên quyết nói, “Mãn Nguyệt, tháng sau anh đính hôn rồi, chúng ta chia tay đi.”

Giây phút ấy, tôi thấy mình dường như không thở nổi.

“Mãn Nguyệt, em có phát hiện, thực ra chúng ta vốn không thích hợp ở bên nhau không? Anh càng trưởng thành, càng chín chắn thì càng cảm nhận rõ điều này. Mỗi lần anh về, hào hứng đi tìm em, em chỉ đến khi không từ chối được, mà có đến cũng chỉ ngồi một mình một góc nhìn bọn anh chơi đùa. Cứ như vậy, lâu ngày anh cũng thấy nhàm chán.”

“Em biết không, lúc đó anh không muốn đi Melbourne, trừ việc không muốn xa em thì còn là bởi, gia đình đã sắp xếp cho anh một vị hôn thê đi cùng. Trước kia anh thích em, cảm thấy đôi mắt em to tròn, dáng người nhỏ nhắn khiến người ta thương yêu, lại luôn nép trong một góc yên lặng, vì vậy anh muốn bảo vệ em, muốn trao em những gì tốt đẹp nhất. Anh nghĩ anh có thể chống đỡ tất cả, bất kể là áp lực trong nhà hay cám dỗ bên ngoài. Thế nhưng, không có được sự đáp lại của em, một mình anh rồi cũng sẽ mệt mỏi.”

“Anh yêu em, nhưng ở cùng em, dường như anh đã nhìn thấy đoạn kết của tình yêu ấy. Anh biết, hôm nay nếu không phải anh trai em bắt anh tới tìm em, chắc anh không thể nói với em những lời này. Có thể ngày hôm nay nói xong, ngày mai anh sẽ hối hận, nhưng nếu không nói, anh sẽ chẳng có dũng khí bày tỏ với em lần nữa.”

“Mãn Nguyệt ơi, không phải anh không yêu em... Chỉ là anh mệt mỏi quá rồi...”

Tôi ngơ ngác nhìn La Duy, bàn tay âm thầm khua loạn bên người, muốn bắt lấy thứ gì đó để chống đỡ cơ thể mình.

Thì ra khi trưởng thành người ta thực sự sẽ thay đổi. Tôi còn đứng nơi đây, nhưng anh đã đi xa lắm rồi. Tôi cứ cho rằng mình rất hiểu La Duy, mà thực ra tôi hiểu anh chưa đủ. Không phải bây giờ anh không tốt, là do tôi đã nghĩ quá tốt về anh.

Tôi nhìn anh, cuối cùng nước mắt ướt nhòa khuôn mặt, trong đầu chợt hiện lên bóng hình cậu thiếu niên La Duy năm đó.

Duy ơi...

Cười to, giận dữ, cố chấp, kiêu ngạo... Cậu ấy chạy lung tung trong lớp, cậu ấy bị thầy gọi lên đứng phạt, cậu ấy cãi nhau với tôi, rồi vì tôi mà bị đánh tơi tả, cậu ấy tìm mọi cách làm tôi nở nụ cười, cậu ấy đá bóng xong nghiêng mái đầu đầy mồ hôi nhìn tôi, và che chở cho tôi trên xe bus...

Người thiếu niên đó từng mỉm cười dịu dàng với tôi, khiến tôi xem cậu ấy như đá ngầm dưới lòng sông, dù trải qua bao tháng năm, vẫn thủy chung đứng chờ nơi cũ.

Tôi từng cho rằng, chúng tôi sẽ cứ tiếp tục thế này, tiếp tục đến khi tóc trắng xóa, đến khi rất già, rất già...

Nhưng bây giờ chẳng còn gì cả.

Cậu thiếu niên La Duy kia, người đã kéo tôi từ trong vũng bùn tự ti ra ngoài ánh sáng, yêu thương che chở cho tôi vô điều kiện, đánh nhau vì tôi và chọc tôi vui vẻ, mỉm cười với tôi và cho tôi ấm áp... Chỉ là, cậu ấy cũng sẽ không trở lại.

Tôi thậm chí còn không hỏi, La Duy, anh đã nói đợi anh trở về sẽ cưới em cơ mà?

Nhưng giờ đây tất cả đều không quan trọng nữa.

Ngay lúc tôi cho rằng mình đã sụp đổ, sắp ngất đi rồi thì La Duy đột nhiên nhìn tôi chăm chú. Vẻ đau thương đó khiến mắt tôi mờ mịt.

Anh nói, “Mãn Nguyệt, tuy anh luôn tự dối mình, nhưng thực ra anh vẫn biết, tình cảm của em đối với anh không phải thứ tình yêu mà anh mong muốn. Em thích anh tựa như thích Ngô Gia Hinh, thích Bùi Lương Vũ, thích tất cả bạn bè bên cạnh. Anh không muốn nhận thua, nhưng Mãn Nguyệt ơi, nhiều năm như vậy rồi, em cũng chỉ có thể cho anh đến thế.”

Tôi giật mình.

Mãi cho đến khi bóng lưng loạng choạng của La Duy biến mất khỏi tầm mắt, tôi mới ngơ ngác ngồi thụp xuống.

Không biết qua bao lâu, có một bóng người bao trùm lấy tôi. Người đó đi đến bên, nâng tôi đứng dậy.

Tôi giống như tìm được một chỗ để trút hết nỗi đau trong lòng, đẩy mạnh tay anh, hét lớn, “Anh buông ra! Tại anh, tất cả là tại anh! Anh đuổi hết những người em thích đi, bây giờ hài lòng rồi chứ?”

Anh không buông tay, cũng không nổi giận với tôi, chỉ xoa đầu tôi dịu dàng nói, “Ừ, anh hài lòng.”

Tôi mơ hồ hiểu ra điều gì đó, lại không cản nổi nỗi bi thương đang ập đến, cuối cùng vùi đầu vào ngực anh khóc òa lên.

Ban đầu tôi vẫn không tin. Nhưng những ngày sau đó, La Duy không đi tìm tôi nữa, bao nhiêu cú điện thoại và tin nhắn đều không đến được chỗ anh. Rốt cuộc tôi cũng hiểu, hai chúng tôi có lẽ thực sự kết thúc rồi.

Trước kia tôi còn cảm thấy cuộc sống quá yên ổn, không có cảm xúc gì mãnh liệt. Giờ cuối cùng đã xảy ra một chuyện không bình lặng, lại khiến tôi như rơi xuống hố sâu. Không chỉ có cảm xúc mà cả nhiệt độ cơ thể dường như cũng tụt xuống.

Tôi bắt đầu hiểu được, cuộc sống nhiều biến đổi, nhiều cảm xúc thực sự không hạnh phúc bằng cuộc sống an ổn yên bình.

Gia Hinh lo cuống lên, không ngừng trách tôi không biết suy nghĩ.

“Nghe tớ nói này, cậu làm thế thì hay ho gì hả? Rõ ràng là La Duy thích cậu! Làm sao cậu có thể tặng cậu ấy cho con bé xấu xa kia chứ? Bảo chia tay là chia tay luôn thế à? Không được, tớ phải nhanh chóng quay về, tìm một cơ hội cho các cậu quay lại...”

“Lời chia tay không phải do tớ nói.” Tôi cười gượng, cắt lời cô ấy.

Gia Hinh im lặng. Một lúc sau cô ấy oán hận nói một câu “Đồ khốn La Duy!”, rồi an ủi tôi: “Đừng đau lòng, loại cặn bã này không đáng để chúng ta xem trọng. Người cũ không đi làm sao người mới đến được, sau này bọn mình tìm một anh chàng vừa giỏi giang vừa giàu có, cho cậu ta hối hận chết luôn!”

Tôi cười khẽ nói, “Đừng lo cho tớ, tớ không sao.”

Người cũ không đi làm sao người mới đến được... Dường như tất cả mọi người đều thích dùng mấy lời này để an ủi những kẻ bị thất tình. Thế nhưng, đối với người cũ kia, chúng ta đã từng bỏ thời gian nhiều như vậy, dành tình cảm nhiều đến thế, thật sự nói từ bỏ là lập tức từ bỏ được sao?

Trước kia tôi quá tin vào tình yêu La Duy dành cho mình. Tôi biết, giữa chúng tôi, anh vẫn luôn là người cố gắng. Có lẽ vì vậy tôi mới đinh ninh rằng, anh yêu tôi là chuyện đương nhiên. Vậy nên khi anh nói lời chia tay tôi mới thấy khó tin đến thế.

Nghĩ là như vậy, nhưng tôi vẫn nhớ đến những lời sau cùng mà La Duy nói, chợt cảm thấy có sự lo lắng và sợ hãi trộn lẫn vào nỗi bi thương. Lý trí của tôi một mực phủ nhận lời anh, còn trái tim vẫn phân vân lưỡng lự.

Thế nhưng, nếu tôi không yêu La Duy, vậy nỗi đau này từ đâu mà đến?

Sẽ chẳng có ai mãi yêu tôi như một lẽ dĩ nhiên. Lời thề của tuổi thanh xuân, mấy ai giữ được cho tròn?

Những mối tình đầu trên thế gian này, hầu hết đều không có một kết cục trọn vẹn. Trước kia là tôi quá ngây thơ, cho rằng chúng tôi không như thế, nhưng thứ còn lại sau cùng, vẫn chỉ là niềm tiếc nuối khôn nguôi.

Tôi an ủi mình, đây chính là trưởng thành, trưởng thành sẽ phải trải qua tình cảm đổ vỡ.

Lương Mãn Nguyệt, mạnh mẽ lên nào!

Hết chương 17
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 10 /10 từ 1 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status