Giờ đang nơi đâu

Quyển 1 - Chương 60: Người bệnh (4)


Tuy bên này luôn gặp trắc trở trong thí nghiệm bắn phá hạt nhân, song cũng miễn cưỡng xem như tiến hành có thứ tự; Sở Vọng và Từ Thiếu Khiêm bị mọi người ở nhà họ Từ trêu chọc suốt một thời gian, đến khi Leon và Từ Văn Quân nhận được thư mời nhập học của trường Queen’s thì mới thôi.

Học xong tuần đầu tiên, Từ Văn Quân ủ rũ quay về nhà. Chị Từ quan tâm hỏi han nhưng Từ Văn Quân chỉ đóng cửa cái *sầm* rồi nhốt mình trong phòng.

Tiết Chân Chân lấy lý do dẫn Leon đi tìm Sở Vọng, trong một tuần có được ba ngày ở lì biệt thự họ Cát không chịu về.

Bà Cát cười trêu: “Cháu đến chỗ ta làm gì hả, không sợ lúc về bà Kiều sẽ mách lẻo với cha cháu à: ‘cháu toàn tâm toàn ý muốn đến trường dạy gái hồng lâu ở chỗ ta’?”

Chân Chân bĩu môi: “Vậy nếu cháu muốn đến, dì có chịu nhận cháu làm học trò không?”

Bà Cát quan sát cô một lượt từ trên xuống dưới, cười nói: “Đại tiểu thư được nuông chiều từ nhỏ như cháu là người luôn ngẩng cao đầu; đàn ông cũng phải cung phụng cháu như bồ tát, ‘chỉ được ngắm từ xa mà không được bỡn đùa’, vậy xin hỏi ta lấy gì giữ cháu lại đây?”

Tiết Chân Chân đã thua một vố vì Diệp Văn Dữ, nên đương nhiên cô biết bà Cát có ý gì. Bị mấy lời của bà đâm trúng tim đen, Tiết Chân Chân nghiến răng nghiến lợi bảo: “Sao dì Cát biết không giữ được?”

Sở Vọng và Tạ Di Nhã ngồi trên sofa ở phía bên kia, cũng đưa mắt nhìn sang.

Tiết Chân Chân quét mắt nhìn mọi người trong nhà, hắng giọng rồi tiến lên hai bước phô tư thế, bất chợt cất giọng hát bài “Thu Hải Đường” đang thịnh hành nhất ở Thượng Hải gần đây.

Đến khi cô hát xong rồi mà Sở Vọng vẫn còn ngẩn ngơ, cuối cùng cũng biết cụm “nhả châu nhả ngọc” mà cô ấy nói khi ở trên thuyền từ Thượng Hải về là ý gì, lập tức vỗ tay hoan hô cùng Tạ Di Nhã.

Tiết Chân Chân lấy lại bình tĩnh, vô cùng mong đợi hỏi bà Cát: “Sao ạ?”

Bà Cát nghe thấy cũng lọt tai nhưng vẫn uống trà, hừ một tiếng, “Tạm được.”

Kể từ ngày hôm đó, ngoài việc học tiếng Anh với chú Henry, Sở Vọng còn bị bà Cát cầm roi bắt học khiêu vũ chung với Tạ Di Nhã và Chân Chân, từ tango cho đến rumba, nhảy đến mức làm Sở Vọng kêu khổ liên hồi.

Ngoài hai cái khổ đó ra, bắt đầu từ sáng sớm mỗi ngày khi cầm tách trà lên, mọi hành vi hay lời ăn tiếng nói của cô đều phải vào khuôn khổ của bà Cát. Ví dụ như: tư thế cầm tách lúc uống trà, động tác, phương hướng và số lần khuấy tách đều có quy định cả. Nếu làm quá thì sẽ bị coi là không khéo léo.

Rồi lại ví dụ như: lúc cười với người khác thì không được để lộ răng —— từ xưa đến nay chỉ có nô bộc lấy lòng chủ nhân mới cười hở răng, đó là nụ cười nịnh nọt hạ đẳng. Nụ cười cao quý phải là nụ cười không hở một chiếc răng nào.

Cười không lộ răng, đồng thời còn phải cười thật tự nhiên, phải cười cho đẹp mắt, điều này đúng là khó khăn.

Từ đó trở đi, bà Cát lại đưa ra thêm một quy định mới, gọi là: khống chế và điều khiển biểu cảm.

Đối với rất nhiều quy định trong biệt thự họ Cát, vì từ nhỏ Tạ Di Nhã đã tiếp xúc nhiều nên đương nhiên có thể hiểu được. Còn Sở Vọng lại chẳng nhớ được gì, chỉ biết lấy giấy bút ra, bà Cát viết cái nào thì cô mới nhớ được cái đó, cũng tiện cho sau này từ từ học thuộc. Bà Cát vô cùng kiên nhẫn, có lúc còn nhắc nhở những khi cô viết sai: sức yếu phải lo trước, cần cù chịu học là chuyện tốt.

Quần áo mới vừa được đưa tới mấy hôm, bà Cát lại gọi thợ may đến nhà, bảo là muốn may đồ mùa Đông cho cô. Sở Vọng phải nói lý khuyên bà Cát: “Dù một ngày cháu có thay năm bộ đồ thì đến hai tháng vẫn không trùng lặp bộ nào. Đợi cháu mặc hết đồ trong tủ đã rồi may thêm cũng được mà.”

“Thế thì sao hả? Cũng không phải giúp việc trong nhà ta không giặt nổi.” Bà Cát hận nỗi cô không biết tranh giành cho mình, nói, “Cháu nên học tập hai đứa kia đi: có đứa nào không chạy đến chỗ cô xin chỉ điểm một hai hả? Cô chỉ muốn dùng hết tâm huyết bồi dưỡng cháu, có nhiều cơ hội tốt mà cháu lại không biết quý trọng. Danh môn khuê tú bây giờ có ai không có một kỹ năng: Chân Chân biết hát kinh kịch, Di Nhã biết hát nhạc kịch, còn cháu thì sao, cháu biết cái gì?”

“Cháu biết đàn dương cầm mà.”

“Ai mà không biết đàn dương cầm hả? Đến những dịp lớn cũng không cần một đứa như cháu biểu diễn làm người khác tán phục, chỉ cần đàn mấy khúc trợ hứng là đủ rồi.” Bà Cát nói, “Sau này đến những nơi bắt buộc phải xã giao, người khác hỏi cháu biết gì, cháu nói: ‘tôi biết làm thí nghiệm khoa học’. Không phải làm người ta cười ngất hả?”

Sở Vọng lè lưỡi, chạy ào về phòng như một làn khói. Bà Cát đứng đằng sau nhìn theo, chỉ cười với vẻ bất đắc dĩ, thôi thì tùy con bé, nó vui là được rồi.

Tuy bà rất muốn cô học thêm thứ gì đó, nhưng bà vẫn để Sở Vọng làm điều mình thích. Song, chỉ có ba thứ là tiếng Anh, phong thái và khiêu vũ là phải học thật tốt, mà Sở Vọng cũng không hề qua loa.

Còn với hai cô bé kia, trường học của bà Cát đã tiến hành đến trình độ khá kỳ quái.

Một ngày nào đó Sở Vọng đang định đến Du Ma Địa, vừa xuống lầu đi qua phòng khách thì vô tình nghe được đoạn đối thoại như sau:

Bà Cát: “… Bắt chuyện là điều mà xưa nay hai đứa luôn cho rằng đàn ông là người cần chủ động, nên vì vậy mà hai đứa không cố gắng làm gì hết, chỉ chờ có người đến cạnh mình? Hay hai đứa tưởng mình quá nổi bật rồi, khiến đàn ông tranh nhau giành giật, tốt nhất là vì hai đứa mà đánh nhau một trận sứt đầu mẻ trán, ai thắng thì có được hai đứa? Chắc chắn không phải là đạo lý này rồi. Đã gọi là xã giao thì phải bắt chuyện tiếp lời với tất cả mọi người. Dù là buổi xã giao tự do thì trong lòng vẫn phải có và cũng chỉ có một mục tiêu. Phải làm gì khiến đối phương chú ý đến mình, thả lỏng cảnh giác đến trước mặt mình, và cũng chỉ khiến một mình đối phương – chứ không phải là ai khác đến cạnh mình. Đây cũng là một môn học.”

Tiết Chân Chân nghe bà nói xong, bất chợt nửa thật nửa giả ngã vào lòng Tạ Di Nhã, ái ối một tiếng,âo giọng tinh nghịch nói: “Ôi chao! Xin lỗi! Tôi làm bẩn áo đuôi tôm của anh mất rồi! Anh cởi ra đi, để tôi giặt cho anh…”

Tạ Di Nhã kéo cô nàng vào lòng, cười to đầy vui vẻ.

Chân Chân nửa nằm trong lòng cô ấy, hỏi: “Giống thế này ạ?”

Bà Cát lạnh lùng nói: “Thì ra cháu đang cười nhạo ư, sao ta không thấy có gì đáng để cười hả?”

Bà Cát không hề mỉm cười, đi thẳng ra ngoài. Hai cô nàng cũng biết điều thôi cười, im lặng lắng nghe.

Bà Cát đi đến cạnh chậu đỗ quyên. Hoa đỗ quyên đang nở rộ thắm đỏ, nhưng rồi thời khắc đẹp nhất cũng qua đi, chỉ còn lại bông hoa khô héo. Bà Cát mặc sườn xám lụa mềm màu đen, bên trên đính rất nhiều cánh hoa hải đường màu tím. Bà liếc nhìn Chân Chân, chậm rãi cúi mặt xuống, nụ cười dần phai. Đến mức khiến hai cô gái ở phía sau hoài nghi không biết nụ cười vừa nãy có thật sự tồn tại không. Khi nhìn kỹ lần nữa thì bà Cát đã xoay lưng lại ngửi hoa – điều này khiến người ta không khỏi mất mát, cũng muốn đến xem hoa kia có thật sự đẹp như vậy không, rốt cuộc thơm như thế nào. “Hoa xinh phải bẻ liền tay, chớ để lâu ngày lại bẻ cành khô.”* Người xưa đúng là không gạt ta bao giờ.

(*Hai câu trích trong bài Kim Lũ Y của Đỗ Thu Nương, bản dịch khuyết danh.)

Đợi khi hai người ngơ ngác vô thức bước lên, bà Cát mới ngoái đầu lại hỏi: “Đã nhìn rõ chưa? Phải cho đối phương cảm thấy cháu là một thoáng tình cờ gặp gỡ diễm lệ, như thế sẽ nhớ kỹ trong lòng, muốn để sự tình cờ ấy trở thành thật. Nhìn vật chứ không phải nhìn người. Điều này gọi là —— ý không ở trong lời.”

Sở Vọng đứng ở cửa mặc giày, thu hết mọi sự vào mắt. Kiếp trước độc thân hơn hai mươi lăm năm có thừa, cô giật mình biến sắc: thì ra thả thính là một kỹ năng vô cùng siêu phàm như vậy!

Nhưng diễn đến mức xuất sắc giống như bà Cát, thì lại là một bộ môn nghệ thuật; cô mà đem gương mặt của quái nhân khoa học thiếu thốn biểu cảm lên sàn diễn, kiểu gì một phút sau cũng sẽ trở thành hiện trường tai nạn giao thông mất thôi.

Cô chặc lưỡi nghĩ bụng: hình ảnh đẹp mắt này nên để người khác diễn thì hơn. Cô chỉ thích hợp nghiên cứu công thức tán xạ Rutherford thôi.

***

Không ngờ ba tuần sau, bài học này đã có cơ hội được thực hành.

Mọi bữa tiệc xã giao ở biệt thự họ Cát đều được dồn vào cuối tuần, nên cuối tuần sẽ là lúc cô đến biệt thự họ Kiều. Có lẽ vì ở nhà cô út quá thoải mái nên một hôm vào ngày thứ Bảy khi dạy tiếng Latinh ở nhà họ Từ xong, cô lại bất tri bất giác xuống xe buýt ở cửa nhà họ Cát. Hôm đó cô mặc áo dài cổ đứng màu xanh xám, vài giọt mưa rơi lên áo khoác trắng biến thành dấu hoa mai tối màu. Cổng ở biệt thự nhà họ Cát mở rộng, sắc màu rực rỡ, từ phòng khiêu vũ đến trên bãi cỏ đông đúc các quý ngài quý cô, muôn hình muôn vẻ.

Cô thận trọng né tránh mọi người đi đến gần cầu thang, đang định thở phào thì vô tình nhìn thấy một người trung niên chừng ngoài bốn mươi, mặt vuông da ngăm đen, khóe mắt xệ xuống, đỉnh đầu trụi lủi thành hình nhọn hoắt, áo mũ chỉnh tề, cầm ly rượu đế cao đi tới cạnh cô, cười hỏi: “Ướt rồi đúng không, có muốn làm vài hớp Cabernet không? Đề phòng cảm lạnh… hửm?”

Chữ “hửm” không rõ ý ở cuối câu kết hợp cùng nụ cười mập mờ trên mặt ông ta khiến cô suýt nữa đã rùng mình. Cô vẫn có thể thốt ra vanh vách những câu phá tình cảnh, nhưng đây là khách do bà Cát mời đến, sợ sau này cô út còn phải xã giao tiền tài gì đó với ông ta nên không dám từ chối trực tiếp. Đang ảo não thì Tạ Di Nhã như thiên thần hạ phàm xuất hiện ở sau lưng cô, rất tự nhiên khoác tay quý ông kia, nở nụ cười tinh nghịch xen lẫn ngây thơ kéo ông ta rời đi, miệng nói rôm rả: “Tìm ngài lâu lắm rồi đấy, sao ngài lại ở đây?” Cô vừa nói vừa ngoái đầu nháy mắt với Sở Vọng, ra hiệu cô nhân cơ hội mau chóng chuồn lên lầu đi.

Sở Vọng đi lên mấy bậc thang, lại nghe thấy Tạ Di Nhã ở đằng xa cố ra vẻ ngạc nhiên cười nói: “Ôi trời! Thì ra là ngài Triệu sao! Tôi lại nhầm ngài với ngài Tưởng nữa chứ, xin lỗi xin lỗi! Ngài Tưởng không cao to lại phong độ như ngài ư? Chỉ là do tôi ngưỡng mộ ngài Triệu thôi, lần này thất lễ như vậy, nhất định ngài Triệu sẽ không kể lại với ngài Tưởng đâu đúng không?”

Tạ Di Nhã phải mất một lúc mới dỗ được ngài Triệu kia vui vẻ. Vì tất cả mọi người đều biết, dạ vũ tối nay, bà Cát mời đủ số người để bắt cặp. Tạ Di Nhã có ngài Tưởng, nên theo lẽ ngài Triệu cũng sẽ giữ khoảng cách lịch sự với cô.

Vất vả lắm mới tách được người đi, Tạ Di Nhã chạy một mạch lên tầng hai, kéo Sở Vọng nhanh như chớp vào phòng khách tầng hai, ngồi xuống ghế ở đối diện cửa sổ sát đất.

“Tối nay cậu và Chân Chân nên cám ơn mình đi nhé!” Tạ Di Nhã chỉ vào mình, mỉm cười tranh công.

“Cám ơn cậu lắm luôn!” Sở Vọng cười nói, “Còn Chân Chân thì sao?”

Tạ Di Nhã bĩu môi nhìn ra ngoài: “Kịch hay sắp bắt đầu rồi.”

“Kịch hay gì?”

“Tối nay cậu Diệp kia cũng cùng người bạn nào đó đến đây, Chân Chân ở trên lầu chờ cậu, vô tình đụng mặt. Dì Cát không thích bắt cặp cho đám thanh niên kia nên lẻ người lắm. Trong số các cô gái có một cô tiểu thư họ Lư, chơi đàn cổ rất giỏi, tối nay cô ta là người nổi trội nhất. Bạn của cậu Diệp cũng bị cô ta thu hút, ai ai cũng xúm lại nghe cô ta đánh đàn. Mình mới đẩy Chân Chân, giật dây nó nói: ‘Mấy hôm trước dì vừa dạy gì, sao không đi thử một lần đi?’ Cậu ta nói: ‘Sau ngày chơi quần vợt hôm đó, coi như tôi nhìn rõ bản tính ngu ngốc cả Diệp Văn Dữ rồi, không còn hứng thú với anh ta nữa.’ Mình mới nói: ‘Dù anh ta có ngu ngốc đi nữa, thì trong đời này cậu cũng từng thất bại một lần ở chỗ anh ta, sau này nhìn anh ta sẽ mãi cảm thấy thua anh ta, không lấy lại được tự tin, cả đời này khó mà thoát thân.’ Thế là cậu ta dao động. Mình mới tiếp tục nói, ‘Thỉnh thoảng đi chơi một lần đi, cha cậu cũng không biết đâu; hơn nữa, ở đây ngoài Diệp Văn Dữ ra, có ai biết họ tên cậu là gì đâu?’ Thế là cậu ta đi, cũng chỉ mới đây thôi. Ấy ấy, đến rồi kìa ——”

Tiếng đàn “Phù Sinh Lục Ký” vừa cất lên, các chàng trai xúm quanh cô gái chơi đàn bên kia đột nhiên rối rít tránh ra —— Chân Chân xuất hiện. Cô mặc sườn xám dài màu vàng sẫm trông rất hoạt bát, vạt áo sườn xám không dài quá mắt cá chân, bên trên thêu những phiến lá ngân hạnh màu trắng bạc; tóc vén lên thành búi tóc nho nhỏ, càng khiến gương mặt trông nhỏ nhắn xinh đẹp. Cô hòa mình vào cùng tiếng đàn, cất tiếng hát buồn thương: “… Đã gặp gỡ thì dễ kết bạn, vậy gặp chi bằng không gặp; Gặp như không gặp, sao phải bi thương sao phải oán hận….”

Tiết Chân Chân vẫn hát, nhưng giọng ca lạnh lùng chẳng nhìn một ai. Lúc bước đi, giày cao gót bé nhỏ qua lại hai bước, vạt sườn xám như có như không lướt qua giày da của Diệp Văn Dữ. Rốt cuộc sườn xám của mỹ nhân là lụa mềm hay gấm thêu, cách đôi giày da chân anh ta không thể cảm nhận được; nhưng chủ nhân đôi chân đã xao động. Đến người đứng nhìn từ xa như Sở Vọng và Tạ Di Nhã cũng có thể cảm nhận: lúc này ánh mắt sáng bừng của Diệp Văn Dữ cứ di chuyển theo Chân Chân, có vẻ rất xúc động, có cảm giác mới phát hiện ra một thứ tuyệt vời, mang theo sự sùng bái không nỡ làm phiền, và cả chút cầu xin mong đợi cô có thể ngoái đầu nhìn mình.

Tạ Di Nhã mỉm cười ăn dưa ngọt, cũng nhét một miếng vào miệng Sở Vọng.

Sở Vọng nheo mắt, thở dài cười nói: “Thứ cô út dạy đúng là dễ xài.”

***

Bà Cát không cho phép Sở Vọng tham dự hoạt động xã giao trong nhà. Đồng thời bà cũng không cho Chân Chân cuối tuần đến nhà mình ở lại. Nhưng từ khi Tiết Chân Chân được đích thân bà Cát dạy dỗ, thành công “dụ dỗ” Diệp Văn Dữ cắn câu, kể từ hôm đó trở đi, Diệp văn Dữ tìm đủ mọi cách để có thể đến biệt thự của bà Cát. Bà Cát cũng loáng thoáng nghe về chuyện này, ngẫm nghĩ một lúc rồi gọi Sở Vọng và Di Nhã đến, hỏi: “Hai đứa nói xem, cậu ta nhìn trúng ai ở chỗ ta thế?”

Sở Vọng cươi to. Nhưng vẫn che giấu chuyện Chân Chân lén tham dự yến tiệc của cô út, nên cô quyết định ngậm miệng không trả lời.

Về sau Chân Chân không xuất hiện ở bữa tiệc nào ở biệt thự họ Cát nữa, nên Diệp Văn Dữ nhiều lần chưng hửng, lúc đến thì rất mong chờ nhưng lại phải ra về trong cụt hứng. Tạ Di Nhã nhìn thấy cả, và lần nào cũng tường trình lại chính xác với Chân Chân. Cuối cùng còn bổ sung một câu: “Tôi đoán nếu anh ta không tìm được cậu lần nữa thì chắc không kìm nén nổi nữa, kiểu gì cũng tan học chặn đường cậu tỏ tình cho xem.”

Chân Chân nghiêm túc suy nghĩ, sau đó nói: “Nếu anh ta đến thật thì tôi sẽ đồng ý.”

Di Nhã và Sở Vọng giật mình. Di Nhã mím môi cười hỏi: “Cậu không chê anh ta từng bị Lâm nhị tiểu thư mà chúng ta ghét nhất vứt bỏ à?”

Chân Chân bật cười, nghiêm mặt nói: “Tuy dì Cát có bảo ‘để đối phương cảm thấy đây là thoáng tình cờ diễm lệ’, nhưng chúng ta cũng biết rõ —— đấy là dụ dỗ trần truồng. Dù là dụ dỗ cao tay tới mấy thì vẫn là dụ dỗ. Trước đó tôi dụ dỗ anh ta cũng bởi vì tôi vẫn còn có hảo cảm với anh ta, tôi không chối bỏ điều này. Bản thân mình không muốn thì đừng áp đặt cho người khác. Nên hôm qua lúc cậu bảo tôi xuất đầu lộ diện, tôi cũng có suy nghĩ đến vấn đề này: ‘rốt cuộc mình còn thích anh ta không?’ Sau khi suy nghĩ rõ ràng, tôi lại tự nói với mình: nếu thành công, vậy thì cứ ở bên anh ta thôi. Nếu thất bại, cùng lắm cũng chỉ mất một người nữa thôi. Tôi đạt được mục đích rồi đá văng anh ta đi chỉ vì để thỏa mãn lòng hư vinh cao quý của mình —— vậy thì tôi có khác gì Lâm Doãn Yên đâu?”

Sau đó, Chân Chân nói tiếp: “Còn cậu đấy. Đang còn trẻ mà cậu định thật lòng yêu đương với ngài Tưởng hả? Điều kiện của cậu tốt hơn tôi, chọn người con trai xuất sắc nào mà không được?”

Tạ Di Nhã mỉm cười không đáp, chỉ qua loa vài câu cho qua đề tài này.

Rồi một dịp nào đó khi không có mặt Chân Chân, rốt cuộc Tạ Di Nhã cũng chịu moi tim móc phổi tâm sự về vấn đề này với Sở Vọng.

“Không muốn thảo luận chuyện này với cậu ta, chỉ vì mình ghen tị cậu ta.” Cô cười nói.

“Mình ghen với cậu ta, ghen đến mức phát điên lên, bởi vì nếu so với cậu ta, mình cảm thấy bản thân đúng là đứa bỉ ổi. Mình đang ở tuổi hoa, đương nhiên cũng giống cậu ta, muốn có một mối tình tự do nồng cháy với một chàng trai trẻ tuổi hào hoa. Xông ngang đánh thẳng, bể đầu chảy máu cũng được, rất tiếc là mình lại không có vốn liếng và sức lực đó. Đu cha mình có tiền thì cũng không địch lại chị em đông đảo trong nhà. Cha thương yêu mình, chắc chắn sau này cũng sẽ cho mình nhiều của hồi môn – có lẽ với người ngoài là nhiều, nhưng với mình thì có mấy cũng không đủ. Thậm chí mình có thể đoán trước được rằng, nếu mình không ra sức tranh thủ cho mình thì cuộc sống hôn nhân sau này sẽ còn tệ hơn chị gái gả trước đó.

Mình là người theo chủ nghĩa tôn thờ đồng tiền, nên dù có rất nhiều chàng trai tốt theo đuổi mình, thì ngoài việc nhìn gương mặt trẻ tuổi anh tuấn và hành động lịch thiệp khéo léo của họ ra, mình còn phải thăm dò rất cẩn thận – liệu bọn họ có cưới mình không. Nếu gia thế kém thì mình sẽ loại bỏ. Còn gia thế lớn, sợ là trong nhà sẽ không cho anh ta cưới một cô gái lai làm vợ cả. Nên phạm vi lựa chọn của mình nhỏ đi rất nhiều… Mình thích cuộc sống do tiền mang đến, mình cũng biết rõ bản thân phải trả giá rất đắt vì điều đó.”

“Huống hồ ngài Tưởng có gì không tốt? Có tiền có thế, trưởng thành chững chạc, biết tình biết thú, còn biết nuông chiều cho tính tình của mình. Dì Cát hiểu rõ mình đấy, trong mắt dì ấy, ngài Tưởng là bến đỗ khá ổn cho mình, không phải tốt hơn Diệp Văn Dữ ngây thơ kia nhiều sao?” Cô nàng vừa nói vừa nghịch ngợm chậu thu hải đường bà Cát đặt trên bàn, vẫn mỉm cười, nhưng nụ cười kia lại không có vẻ chắc chắn. Một lúc sau, cô lại hỏi Sở Vọng: “Vậy còn cậu thì sao? Nghe Chân Chân nói chàng trai kia ôm một con gấu Teddy to đùng vượt biển đến tìm cậu chỉ vì làm cậu vui, có vẻ là hôn nhân tốt nhỉ? Thế cậu có thích anh ta không?”

“Có lẽ là đối tượng kết hôn rất thích hợp, nhưng… Tình yêu ư, mình không chắc lắm, vì mình không hiểu.” Sở Vọng cẩn thận suy nghĩ, sau đó cười đáp. Cô nói thật: đời trước chỉ toàn ru rú trong phòng, có thời gian rảnh là lại làm bạn với tiểu thuyết, nên cô không có cơ hội để yêu đương, cũng không có tư cách gì thảo luận đến chuyện này với cô ấy.

“Mình cảm thấy cậu là người rất có lý trí, tuy ít nói nhưng làm gì cũng có mục đích,” Di Nhã nói, “Nhưng thông thường quá lý tính lại không liên quan đến tình yêu. Kết hôn là chuyện khiến một người phụ nữ đầu óc mê muội, không phải là chuyện nhất thời vui vẻ không màng hậu quả sao? Vì vậy mình biết, đối với ngài Tưởng, mục đích của mình quá rõ ràng, tuyệt đối không phải là tình yêu. Còn cậu thì sao?”

Đối với câu hỏi này, Sở Vọng chưa bao giờ nghĩ đến. Dù là đời trước hay đời này – cô có quá nhiều chuyện phải làm, không có cách nào phân tâm để yêu. Quá bận nên không rảnh để yêu.

Cô là một người giỏi quan sát, thường thích nấp sau lưng mọi người, lấy góc nhìn của thượng đế để nhìn mọi sắc thái thế gian, thỉnh thoảng trong lòng sẽ cảm thán hoặc giễu cợt. Cô gần như không muốn tham gia vào bất cứ chuyện gì, chỉ ngoài một chuyện – kiến thức chuyên ngành của cô. Cô nghiêm túc học tập, nghiêm túc suy tính một vấn đề, những lúc như vậy cô cần một môi trường phải cực kỳ đơn giản nhưng có trình độ cao để cô toàn tâm toàn ý tập trung, như vậy kết quả mới có thể khiến cô hài lòng một trăm phần trăm.

Vì sao con gái nhất định phải có tình yêu?

Bắt đầu từ khi học đại học, nhìn các cô gái xung quanh hết mình vì tình yêu, không đụng tường Nam không quay đầu, cuối cùng đụng đến khi sứt đầu chảy máu, cô đã nghĩ về câu hỏi ấy rất nhiều lần.

Vì sao nam nữ không thể mệnh ai nấy làm, hết mình trong lĩnh vực của mỗi người, rồi trực tiếp bước vào thánh đường hôn nhân luôn?

Tình yêu chỉ là tác dụng chính trong tiến hóa, có tác dụng kích thích hormone. Hormone đưa đến một hiệu quả tốt: truyền lại gen cho đời sau. Tác dụng phụ của hormone là: khiến người ta bất chấp điên cuồng không màng hậu quả.

Vậy vì sao không thể lược bớt phản ứng phụ của hormone, trực tiếp đạt đến hiệu quả trước?

Dĩ nhiên cô không thể nói ra những suy nghĩ này với Tạ Di Nhã được. Cô có rất nhiều suy nghĩ mà người ngoài không hiểu, nên hầu như lúc nào cô cũng lựa chọn im lặng.

***

Người có phiền não, ngoài các cô gái ở biệt thự họ Cát ra, còn có cả tụi nhỏ ở nhà họ Từ.

Lần nào Chân Chân đến biệt thự của bà Cát cũng là vào lúc Sở Vọng dẫn Leon đến nhà họ Từ học tiếng Latinh. Một ngày nào đó, Chân Chân để Leon ngồi dưới phòng khách, âm thầm lên lầu tìm Sở Vọng nói chuyện: “Gần đây Leon có vẻ khá… kỳ lạ. Em ấy không chịu nói với ai hết, chị sợ em ấy gặp chuyện gì đó rồi, em có biết không?”

Mới đầu Sở Vọng cũng không nhận ra vấn đề của Leon, nhưng lại thấy Từ Văn Quân kỳ lạ trước. Một hôm nào đó khi cô đang dạy tiếng Latinh ở nhà họ Từ, lúc học xong, cô đột nhiên nghe thấy Từ Văn Quân nói với dì Văn thế này: “Du hexe!” (Đồ ả đàn bà chua ngoa.)

Đây là câu chửi tục tiếng Đức. Sở Vọng kéo Từ Văn Quân đến, nghiêm túc hỏi: “Ai dạy em cũng câu này?”

Dù dì Văn là người hầu nhưng tốt xấu gì cũng là trưởng bối, mà tôn trọng chính là đạo lý làm ngươi cơ bản mà một đứa trẻ trong gia đình có giáo dưỡng phải biết. Các cậu bé mới lớn lần đầu tiếp xúc với từ ngữ thô tục thường không ý thức được vấn đề nghiêm trọng. Cậu ấp úng một hồi rồi nói: “Là Leon dạy em.”

Sở Vọng rất khó hiểu: Trong nhà bác cả chỉ có thể học được tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh và tiếng Nhật, thằng bé học tiếng Đức từ đâu vậy.

Không bao lâu sau, cô đã bắt quả tang kẻ đầu sỏ này tại biệt thự nhà họ Cát.

Bình thường Chân Chân vẫn cứ dẫn Leon đến nhà bà Cát vào buổi chiều thứ Tư không có lớp, sau đó cùng Di Nhã lên lầu uống trà. Sở Vọng về đến nhà là lên lầu thay áo, nên Leon có khoảng nửa tiếng một mình ở dưới phòng khách.

Hôm đó cô bất chợt nhớ ra mình để quên cặp sách ở phòng khách. Lúc đi xuống thì thấy Tạ Trạch Ích trắng bệch và Leon dưới phòng khách, hai người một lớn một nhỏ ngồi trên ghế nói chuyện bằng tiếng Anh.

Tạ Trạch Ích đang nói: “… Hôm nay học câu này: Das geht sie gar nicht an! Du Kleiner sheisser!” (Đó không phải là chuyện của mày, đồ cứt chó.)

Leon lặp lại.

Tạ Trạch Ích nói: “Nếu bọn chúng hỏi: ‘câu đó có nghĩa gì’ thì em cứ nói: ‘về nhà hỏi mẹ mày đi!’”

Leon khôn khéo lặp lại: “Về nhà hỏi mẹ mày đi! Đồ đống cứt chó! Ha ha ha ha ha…”

Sở Vọng: “…”

Được lắm, để tôi bắt quả tang rồi nhé.

Cô sải bước đi vào phòng khách, Leon sợ hãi run rẩy đứng dậy, bất an nhìn Tạ Trạch Ích. Tạ Trạch Ích cũng chậm rãi đứng thẳng, vỗ vào Leon bảo cậu rời khỏi hiện trường phạm tội trước.

Tạ Trạch Ích nhướn mày cười, “Chết rồi! Bị phát hiện rồi.”

Sở Vọng cười nói: “Anh Tạ cảm thấy chơi như vậy thú vị lắm hả?”

“Cũng bình thường.” Tiếp tục mặt dày đáp qua loa.

“Tôi còn tưởng anh Tạ là người đứng đắn, thì ra bản lĩnh lưu manh vẫn như xưa. Nay còn mở cả lớp học nữa cơ đấy, định đào tạo đời sau, phá cuộc đời của hậu bối?”

“Giận hả?” Tạ Trạch Ích nhìn cô, vừa dịu dàng lại nghiêm túc nói: “Tôi đùa hơi quá rồi, xin lỗi em.”

“Anh Tạ có bản lĩnh lớn, biết dùng tà thuyết, dùng ngôn ngữ người khác nghe không hiểu để trêu đùa con gái, hoặc là trêu đùa người khác. Không cho người ta lấy một giây bình yên, đây là bản lĩnh của anh Tạ, là thứ người khác không có, tôi vô cùng bội phục. Mấy lời như Schatz, ich liebe dich* làm người ta nghe không hiểu, thường khiến anh có vẻ rất khí thế khi bản thân có học vấn đúng không?” Sở Vọng bình tĩnh cười nói.

(*Tiếng Đức, nghĩa là “bảo bối, anh yêu em”.)

Tạ Trạch Ích nghiêng đầu lắng nghe, sau đó cười bảo, “Lời ở ngoài cửa sổ ngày đó bị em nghe thấy rồi.” Dừng lại một lúc, anh thành khẩn nói: “Tôi xin lỗi, những chuyện như thế này chắc chắn sẽ không xảy ra nữa, em cứ yên tâm.”

Nói rồi anh rảo bước đi ra cửa, mặc thêm áo khoác rồi đi thẳng ra ngoài.

***

Cũng vào một tuần sau, cô phát hiện ra mình đã làm sai chuyện.

Ngài Dupont đi Nam Dương về, vốn ông ấy định về thẳng Pháp nhưng sau đó đã đổi ý, cập bến Hương Cảng nhờ ngài Saumur tìm Sở Vọng. Ngài Dupont về Pháp chuyến này là muốn xây dựng một công ty bật lửa quy mô nhỏ, bổ sung thêm nghiệp vụ chế tạo bật lửa. Ông ấy rất coi trọng thiết kế của Sở Vọng, vì muốn thấy được nhiều thiết kế tinh tế của cô hơn nên đã cố ý mời cô đến, hỏi xem có muốn hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho ông ấy không.

Sở Vọng rất lấy làm xấu hổ về chuyện này – bởi vì bản thiết kế đó vốn do công ty của ngài Dupont làm ra trong tương lai. Cô luôn miệng cám ơn ngài Dupont, bày tỏ chẳng qua đó chỉ là hứng nhất thời của mình thôi chứ không có thiên phú về mặt này, chưa chắc trong tương lai đã có thể làm ra tác phẩm khiến ông hài lòng.

Ngài Dupont thất vọng rời đi, còn ngài Saumur lại uyển chuyển đề nghị: “Tôi cho rằng cháu rất có thiên phú đấy. Dù bản vẽ trước chỉ là tình cờ, nhưng cháu có nhớ những bản cắt đồ họa của mình không. Chế tạo bật lửa là xu hướng thời trang của đàn ông mới thịnh hành gần đây, tương lai cũng khá khả quan. Xét về mặt nào đó thì các bản cắt đồ họa không phù hợp với thẩm mỹ thời trang nữ giới, nhưng lại rất phù hợp với thiết kế bật lửa của nam giới. Đối với lượng lớn sản xuất trong tương lai, phương thức phác họa này cũng rất thích hợp.”

Sở Vọng cẩn thận suy ngẫm, nghĩ lại: thị trường bật lửa vẫn chưa phát triển, dù cô có tốn công thế nào đi nữa thì hình như đã tồn tại như sư tổ rồi. Vạn sự khởi đầu nan, tiền không kiếm đúng là lãng phí. Thế là cô thay đổi ý định, ngài Saumur cũng rất vui vẻ báo tin vui cho ngài Dupont trước khi ông ấy rời khỏi Hương Cảng.

Vì Sở Vọng còn nhỏ tuổi, nên chữ ký và tài khoản ngân hàng trên hợp đồng, cô quyết định toàn quyền giao cả cho bà Cát. Sau khi bàn bạc thỏa đáng với ngài Dupont, cô chỉ nêu ra một yêu cầu: hiện tại khoan sản xuất số lượng lớn với bản vẽ bật lửa lần trước. Cô hy vọng nó sẽ là thứ độc nhất trên đời này.

Dĩ nhiên ngài Dupont cũng rất vui vẻ tiếp nhận đề nghị này.

Trên đường đi xe buýt về, qua cửa kính xe, cô thấy có sáu bảy cậu bé đang tụ tập ven đường, hình như đang có tranh chấp. Các cu cậu mặc đồng phục màu xanh đen, đeo túi Cambridge, có lẽ là học sinh của trường Queen’s vừa tan trường.

Vì xe buýt đang dừng ở trạm nên cô để ý nhìn kỹ. Năm đứa bé cao lớn vây hai cậu bé khác vào giữa đánh chửi, tên cầm đầu nói bằng tiếng Quảng: “Mẹ của Leon là nô lệ Bồ Đào Nha, làm kẻ hầu cho người Anh… Đột nhiên leo lên giường ngài Kiều, một người được thế cả họ được nhờ, nhưng trong xương vẫn chỉ là hạng thấp kém, khác quái gì bọn gái điếm Bồ Đào Nha ở Macao!”

Một tên khác nói, “Bọn mày không biết hả? Mẹ thằng Quân là ả đàn bà kỳ lạ bó chân đấy, còn là Phù Dung tiên tử nghiện thuốc phiện! Nên hai đứa này mới chơi cùng nhau…”

Bốn đứa còn lại phá lên cười.

Đầu Sở Vọng nổ ầm, hỏa khí bốc lên đỉnh đầu, gạt mọi người ra xông xuống xe. Trước kia cô cũng là giảng viên, trần đời này ghét nhất bạo lực học đường sỉ nhục cha mẹ người khác, nên lúc này trong đầu chỉ nghĩ: “Một đám nhãi con lông tóc còn chưa mọc đủ mà đã biết sỉ vả người khác, để tôi dạy xem mấy đứa là thứ gì.”

Nhưng vừa xuống xe cô đã bình tĩnh lại: hình như con trai ở tuổi này rất ghét bị mất mặt trước người khác phái. Dù là cùng lứa hay là người lớn tuổi hơn có thể xưng là trưởng bối.

Thất bại trong trận vật lộn với người cùng phái chỉ là chuyện nhỏ, còn mất mặt trước người khác phái thì khó mà ngóc đầu lên được.

Cô đang do dự thì chợt nghe thấy Từ Văn Quân dùng sức hét lớn: “Hau ab! Du bloede Kuh!” (Cút đi! Lũ súc sinh!)

Không khỏi thừa nhận, dùng tiếng Đức để mắng người đúng là rất có khí thế. Huống hồ lại còn nói ngoại ngữ người khác nghe không hiểu, thế là câu nhục mạ đó đã khiến bốn đứa trẻ cao to kia ngẩn người.

Một trong số họ lúng túng cười mắng lại, nói: “Mày sủa cái gì đấy hả thằng chó!”

Leon mỉm cười: “Không hiểu đúng không! Không hiểu thì về mà hỏi mẹ tụi mày đi, hỏi bà ấy có biết Bloede Kuh nghĩa là gì không.”

Sở Vọng ngẩn ra.

Thì ra chửi tục cũng có thể dùng làm vũ khí.

Bốn cậu bé kia bất chợt lép vế về mặt khí thế, trố mắt nhìn nhau. Khí thế lời nói không đủ mạnh, vậy ắt sẽ động tay động chân. Bốn quyền khó địch mười tay, nên Sở Vọng rất kịp lúc xông đến, hét lên bằng tiếng Anh: “Cảnh sát Anh đến bắt học sinh Trung Quốc gây chuyện, còn dùng súng bắn chết người, không mau chạy đi ——”

Phản ứng của bốn đứa bé kia rất nhanh, ắt bình thường làm chuyện xấu quen rồi, lại còn được cha mẹ dạy dỗ, nên khi nghe nhắc đến cảnh sát Anh thì lập tức bỏ chạy tứ phía. Từ Văn Quân thấy thế thì mắng với theo: “Kommen sie mir nicht!” (Đừng xuất hiện làm bẩn mắt tao nữa!)

Leon nhận ra giọng của Sở Vọng, đứng ở xa nói: “Cám ơn chị.”

Sở Vọng mỉm cười lắc đầu với cậu.

Leon nghĩ ngợi rồi bảo: “Sau khi nhập học, em với Văn Quân hay bị mọi người ức hiếp, chỉ kể chuyện này với anh Tạ. Anh ấy là người tốt, chị đừng trách anh ấy.”

Sở Vọng gật đầu. Cô trầm ngâm một lúc, sau đó nói: “Mắng chửi có thể dùng làm vũ khí, nhưng đừng chĩa nó vào người thân của mình, vì như vậy sẽ làm họ đau lòng lắm.”

Hẳn Từ Văn Quân cũng nghe thấy. Nhưng cậu kiêu căng thành thói, giả vờ như không nghe thấy gì, tự đắc quay đầu đi, không buồn để ý đến Sở Vọng.

Có điều cô biết, chắc chắn cậu nghe lọt.

***

Sở Vọng mang lòng áy náy với Tạ Trạch Ích, vẫn muốn tìm cơ hội nói xin lỗi anh nhưng lại không gặp anh ở biệt thự họ Cát nữa.

Có một hôm cô hỏi bà Cát, bà Cát nói: “À, cậu ta chính thức tốt nghiệp về Anh để nhận quân hàm rồi. Hai mươi mấy năm trước, huân tước Tạ tự dưng nhận người thân ở Anh, cũng vì thế mà ông ta và con trai có quốc tịch Anh. Vận may của cậu ta cũng tốt đấy, con trai duy nhất của người họ hàng này đã chết, luật pháp Anh kiểm tra một hồi, rốt cuộc phát hiện ra, Tạ Trạch Ích được tập tước*. Cháu nói xem có tức cười không? Nam tước người da vàng – cho dù da cậu ta rất trắng. Về lý thì không thể tập tước cho cậu ta được, nhưng cậu ta đi học ở nước Mỹ, sắp tốt nghiệp thế nào cũng nhận được hàm trung úy. Bởi vì có quan hệ đó nên là lôi ra kiểm tra từng tầng một, kết quả kiểm tra là: chắc chắn không thể tập tước, song có thể có được đặc quyền của nam tước. Dù không có nhiều đất lắm nhưng cũng có thể xem là quý tộc.”

(*Tập tước: Con trai được thừa kế tước vị của cha ông.)

Sở Vọng ồ lên, hỏi, “Vậy bao giờ thì anh ta về?”

“Về Hương Cảng hả?” Bà Cát suy nghĩ, “Cậu ta phải đến Thượng Hải làm cảnh sát tuần tra ở tô giới. Sau khi nhận hàm có lẽ cũng ở đây chừng ba bốn tháng. Sau đó chắc sẽ đến Thượng Hải luôn, có lẽ không gặp ở Hương Cảng nữa.” Dứt lời, bà Cát nhìn nét mặt Sở Vọng, cười nói: “Con người cậu ta rất thú vị, không có cậu ta, trong nhà cũng không náo nhiệt. Có đúng không?”
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Bạn chấm truyện được mấy điểm!
loading...
DMCA.com Protection Status