Người tình trí mạng

Chương 637: Chúng chính là Huyền thạch


Hôm sau thời tiết rất đẹp. Cái gọi là "rất đẹp" là khi tỉnh giấc ban sáng cuối cùng cũng có cảm giác gió thổi qua mặt. Tuy rằng chẳng bao lâu sau sẽ lại nắng nóng khó chịu nhưng mát mẻ được lúc nào hay lúc ấy.

Đối với việc này, Nhiêu Tôn không có phản ứng gì, anh nói: "Có gió hay không không quan trọng, dù sao thì bây giờ anh thịt thô da dày không cảm nhận được gì nữa rồi."

Từ sớm, ông già đã thúc giục mọi người khởi hành.

Bình thường Tưởng Ly cùng mọi người cũng đều là kiểu nhanh gọn dứt khoát, một chốc một lát đã thu xong lều bạt, chất hành lý lên lưng lạc đà và tiếp tục tiến về phía trước.

Trời sáng mới đi tiếp, Lạc Tiểu Ngưu cũng không còn "tính lừa" nữa, cực kỳ hợp tác, vui vẻ đến mức Nhiêu Tôn cũng phải bỏ sự khó chịu tối qua xuống. Chắc là đúng như ông già nói, Lạc Tiểu Ngưu của anh đã cảm nhận được sự nguy hiểm của việc đi tiếp khi trời tối, nên mới giận dỗi không đi như vậy. Nghĩ thế, Nhiêu Tôn càng lúc càng cảm thấy Lạc Tiểu Ngưu đáng yêu, bèn xoa đầu nó, hết lời gọi nó là "Bé ngoan".

Gọi đến mức cả Tưởng Ly và Nguyễn Kỳ đều nổi da gà.

Tưởng Ly xoa tay, thở dài: "Quả nhiên, con người chỉ cần rời xa xã hội là sẽ trở nên ngây ngô."

Nguyễn Kỳ quay đầu nhìn Nhiêu Tôn. Anh đang hớn hở trò chuyện tình cảm với Lạc Tiểu Ngưu, niềm vui trong ánh mắt không khác gì một cậu nhóc vừa được bố mẹ mua cho bộ đồ chơi Transformer. Ừm... cô ấy hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của Tưởng Ly, đây đâu phải Nhiêu Tôn mà cô ấy quen biết chứ?

Bây giờ hồi tưởng lại lần gặp đầu tiên khiến cô ấy máu nóng sục sôi, ánh mắt đầu tiên nhìn nhau, suy nghĩ duy nhất hiện lên trong đầu cô ấy là: Trên thế gian hóa ra lại có một người đàn ông yêu nghiệt vừa đẹp trai vừa gian tà như vậy...

Sau đó lại là dáng hình trong bộ quần Âu áo vest, điệu bộ như nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Cô ấy cảm thấy...

Đang muốn tìm từ miêu tả thì cô ấy nghe được Nhiêu Tôn la lối: "Lạc Tiểu Ngưu, mày đừng có mà không nể mặt. Ông dắt mày đi tức là phải cưỡi mày. Mày bắt ông đi bộ là cớ làm sao?"

Nguyễn Kỳ thoát ra khỏi hoài niệm quá khứ, nhìn kỹ lại một Nhiêu Tôn trước mặt... Chiếc quần túi hộp màu đen đã dính đầy cát, đôi boot không còn nhìn thấy màu ban đầu. Trước khi đi sa mạc, anh mua gấp một chiếc áo gió. Ừm... màu sắc thì, là màu cầu vồng vô cùng nổi bật. Một chiếc mũ kiểu cao bồi và một chiếc khẩu trang cũng màu sắc loang lổ như chiếc áo gió, cộng thêm một chiếc kính râm...

Sau đó lại còn ngồi cãi nhau với Lạc Tiểu Ngưu...

Nhưng rõ ràng Lạc Tiểu Ngưu không buồn đoái hoài tới anh, một mình tiến về phía trước. Nhiêu Tôn thì... ừm, đuổi theo phía sau.

Nguyễn Kỳ vội vàng quay đi. Không thể nhìn tiếp nữa, bằng không sẽ phá tan những hình ảnh đẹp đẽ trong lòng cô ấy... Cô ấy sẽ tàn nhẫn hủy hôn, mỗi người một khả với anh mất.

Y hệt như những gì ông già nói, khi đi tới di chỉ chớp mắt đã hết hơn nửa ngày. Mặt trời lơ lửng trên cao, chiều rồi. Không ai còn tâm trạng nghỉ ngơi thêm, sau khi sắp xếp xong mấy con lạc đà, họ tiến vào di chỉ.

Di chỉ nằm ở chỗ cao, có một đoạn bậc thang bằng đá rất dài. Sau hàng ngàn năm bị bão cát mài mòn, những bậc thang đã tàn tạ khó mà tả nổi, thậm chí có mấy đoạn còn bị vùi trong cát vàng, lúc đi lên, chân bước thấp bước cao.

Trước khi vào di chỉ, ông già quỳ xuống đất, không biết lẩm nhẩm gì trong miệng, giống như đang khấu tạ trời đất. Sau đó ông nhìn chăm chú về phía di chỉ, ánh mắt như nặng nề, cũng như cô đơn.

Tưởng Ly cảm thấy nghi hoặc, không hiểu ông già vì sao lại nhìn di chỉ bằng ánh mắt ấy.

Cùng lúc này, những câu hỏi mãi vẫn chưa có lời giải đáp suốt dọc đường bắt đầu dâng lên dữ dội trong lòng cô. Ông già là nhà cung cấp nguyên liệu của sa mạc, nhưng vì sao không buôn bán Huyền thạch? Chỉ vì cái giá phải trả cho nó quá lớn ư? Nếu ông đã biết rõ điều kiện khai thác Huyền thạch như vậy, phải chăng ông cũng từng tới đây khai thác?

Ông cũng từng trả giá bằng máu?

Nếu không phải thì... lúc đó người đổ máu là ai?

Đang mải nghĩ thì ông già đứng lên, phủi lóp cát dính trên quần, nói với họ một tiếng: Đi thôi.

Tưởng Ly thấy những bước chân của ông vô cùng nặng nề.

Vào trong di chỉ, quan sát bốn phía xung quanh, nơi đây giống như một ngôi miếu. Diện tích không lớn lắm, nhìn một cái là bao quát được toàn bộ, các bức tường tàn tạ để gió lọt qua. Bên trong đã không còn lại gì, có một khoảng đất trống, trên đất có một đài đá hình tròn hơi gồ lên cao. Tưởng Ly nhìn thấy rõ, cô chắc đến tám chín phần chỗ này từng được dùng làm đài cúng tế, có điều đã bị bỏ hoang mà thôi.

Nhưng nơi này có Huyền thạch ư?

Ông lão quả thật đã chỉ vào đài đá bên chân cô và nói: "Ở ngay dưới này."

Nhiêu Tôn tiến lên, đầu tiên là đá vào đài đá, thấy có những lớp cát mỏng rơi xuống các khe kẽ xung quanh đài. Anh bèn ra hiệu cho thuộc hạ đi cùng, cả hai định hợp sức chuyển đài đá đi.

Sức nặng của đài đá không hề nhỏ, lần đầu tiên hai người đàn ông không nhấc nó đi được. Ông già nhắc nhở họ cố gắng dịch sang bên cạnh. Hai người làm theo, nhưng không ngờ chỉ mới dịch chuyển được một khe hẹp to bằng bàn tay đã cảm thấy gió lạnh âm u từ dưới xộc lên, còn có một mùi thối rữa.

Nhiêu Tôn sặc sụa loạng choạng suýt ngã, thiếu nước nôn hết những gì vừa ăn đêm qua ra. Anh quát: "Đây rốt cuộc là nơi giấu Huyền thạch hay giấu xác vậy?"

Ông già không nói gì, nét mặt nặng nề.

Sau khi họ dịch chuyển xong đài đá, nhìn xuống dưới thì mới sững người.

Tưởng Ly và Nguyễn Kỳ cũng đã sớm đứng bên cạnh, nhìn theo họ, và đều ngẩn ra.

Giống như miệng giếng trong vườn nhà Tưởng Ly ở Thương Lăng, đen sì sì, bên trong cũng có nước, phản chiếu gương mặt của mấy người họ.

Vậy thì tạm thời gọi nó là giếng nước sa mạc đi.

Nhưng giếng nước này không to được bằng chiều ngang một con người, miệng cực nhỏ, chiếu đèn pin xuống không soi được tới tận đáy, nhìn ngang nhìn dọc vẫn là một cái giếng, nhưng mùi thịt thối quả thực từ trong đó phả ra. Nhiêu Tôn đứng chống hông bên cạnh, nói: "Nước này đâu phải axit sulfuric, cho dù từng có những con vật nhỏ rơi xuống đây thì cũng không đến mức phả ra mùi nồng như vậy chứ. Hơn nữa, đài tế nặng như vậy, trừ phi trước kia từng có người mở nó ra."

Nói tới đây, anh quay sang nhìn ông già.

Ông già im lặng, ông ngồi ở vách tường, không tiến lên.

Tưởng Ly cũng ngồi xuống kiểm tra xem.

Là mùi thịt thối, nhưng mùi này không đơn thuần do xác chết thối rữa mà thành. Mùi hương làm nhức mũi cô, khiến tim cô như ngừng đập. Thật ra mùi này... cô quen thuộc.

Cả miệng giếng được xây bằng đá cuội, dấu tích do bàn tay con người tạo ra rất rõ rệt, chắc là được những người khi xưa sống ở đây xây dựng lên. Từ thời cổ, người ta đã tôn nước làm vật thánh thần, vì vậy xây đài tế trên giếng nước không có gì kỳ lạ.

Ngược lại hướng xuống dưới, ở vị trí cách miệng giếng khoảng nửa bàn tay...

Tưởng Ly lấy đèn pin quét một vòng. Nhiêu Tôn và Nguyễn Kỳ nhìn rất rõ ràng. Nguyễn Kỳ chỉ tay vào lớp đá khác hẳn các chỗ khác và nói: "Trông giống như đá vũ hoa*, rất đẹp, giống như bảo thạch có vân đỏ chìm vậy."

*Một loại đá tròn nhỏ sáng bóng, có vân và màu sắc rực rỡ, có nhiều ở Nam Kinh.

Tưởng Ly giơ tay chạm vào nhưng bị Nhiêu Tôn giữ cổ tay lại: "Cẩn thận."

Cô ngước mắt nhìn ông già, ông già cũng chỉ nhìn về phía này trong im lặng. Cô bèn yên tâm, nói một tiếng "Không sao đâu" rồi tiếp tục chạm vào.

Sau một lần chạm, cô cảm giác đá không trơn nhẵn, bên trên chi chít những chỗ lõm xuống, còn hơi ươn ướt, nhưng không giống nước. Cô thu tay về, ngửi đầu ngón tay, mặt hơi biến sắc: "Là máu."

Nguyễn Kỳ đứng bên không hiểu: "Máu? Ngón tay của cô không đỏ lên mà?"

"Nói chính xác hơn có lẽ là huyết thanh." Tưởng Ly bốc lấy một nhúm cát, lợi dụng độ khô của cát để hút đi cảm giác dính ướt trên tay, sau đó lại lau tay sạch sẽ: "Thể chất khác biệt, bệnh tật khác biệt thì màu của huyết thanh cũng khác biệt."

Nguyễn Kỳ sửng sốt: "Sao lại có máu? Chẳng phải là nơi tồn tại Huyền thạch ư? Có thi thể thật sao?"

Tưởng Ly không nói gì.

Lúc này ông già đứng lên, cách miệng giếng chỉ khoảng nửa bước chân, nét mặt phức tạp. Ông giơ tay chỉ vào vòng tròn đá màu đỏ chìm trên miệng giếng và nói: "Chúng chính là Huyền thạch."

~Hết chương 637~
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 9.5 /10 từ 11 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status