Tào tặc

Chương 349: Lên sân khấu

Sau khi Bộ Chất thuận lợi đến Hải Tây, vẫn chưa có hành động gì đặc biệt.

Mọi chuyện vẫn như khi Đặng Tắc còn ở Hải Tây, đồn điền, khai hoang, chế tài về biển… Sau khi Khúc Dương, Y Lô cũng được quy về Hải Tây, một Hải Tây lớn hơn đã hình thành.

Hiện giờ, toàn bộ đại Hải Tây có hơn hai mươi vạn nhân khẩu, rải rắc khắp huyện Hải Tây, huyện Khúc Dương và huyện Y Lô, hình thành một khu vực cực kỳ phồn vinh, thậm chí đến Từ Mậu cũng phải tán thưởng.

Đầu năm, theo lời mời của Từ Lý, cửu đại hành của Hải Tây sẽ nhập vào Hạ Bì, gia tăng sức ảnh hưởng của Hải Tây.

Sau khi Bộ Chất tiếp nhận Hải Tây, y được rất nhiều lão thần tử ủng hộ. Đám người Vương Mãi, Phan Chương và Chu Thương đều ủng hộ y. Y Lô trưởng Đặng Chi dù có không bằng lòng nhưng cũg buộc phải cúi đầu, tán thành trước sự mạnh mẽ, cứng rắn của Bộ Chất.

Sau đó, chín đại hành hội của Hải Tây đều tỏ vẻ ủng hộ Bộ Chất, nhờ đó, sự thay đổi chính quyền của Hải Tây dần bình ổn trở lại.

Vấn đề của Bộ Chất có liên quan đến cửu đại hành hội của Hải Tây.

-Trải qua bốn năm, cửu đại hành hội bắt đầu đến thời kỳ khuếch trương thế lực. Bọn họ chẳng những giúp thương thị của ba huyện Hải Tây ổn định mà còn dần dần khiến Hoài Âm, Xạ Dương phát triển thương nghiệp buôn muối. Hồi đầu năm, khi hành hội được lập ở Hạ Bi, đại hành hội càng trở thành tổ chức thương thị lớn nhất hai vùng đất Hoài Nam và Hoài Bắc. Từ năm trước, bọn họ đã bắt đầu hợp tác với Nhã Dương, lại nhờ có Đào Dương hỗ trợ mà kiếm được càng nhiều lợi nhuận hơn nữa. Chỉ có điều, việc kinh thương giữa hai vùng đất này càng ngày thường xuyên hơn, lượng hàng hóa xuất nhập và tiền vốn lưu động cũng tăng theo. Một năm trước, kim ngạch giao dịch của Hải Tây và Tuy Dương lên tới hơn bảy ngàn bốn trăm vạn tiền. Đầu năm sau, lượng giao dịch lại tăng lên nhiều nữa. Tuy nói lúc trước, Lưu Bị khởi sự ở quận Đông Hải nhưng không hề ảnh hưởng nhiều lắm đến cửu đại hành hội nhưng sau khi lượng giao dịch tăng lên, có rất nhiều vấn đề đã xuất hiện, tình thế đã rất cấp bách.

-Ví như vấn đề gì?

Tào Bằng hỏi.

-Ví như cướp tiền.

-Cướp tiền? Cướp thế nào?

Đặng Tắc cười khổ một tiếng:

-Đệ cũng biết đầu năm nay Hoàng Chỉnh của Kim thị hành từng có ý đồ thu mua một lượng hàng hóa của Tuy Dương. Kim ngạch giao dịch này gần ngàn vạn tiền, nhưng chỉ là vận chuyển tiền, ước tính sử dụng hơn mười chiếc xe, gần năm mươi con ngựa chuyển đồ. Hoàng Chỉnh nói đợi chợ muối năm nay mở cửa thì nhất định giao dịch kim ngạch sẽ vượt trăm triệu, vận chuyển đường dài thật sự rất nguy hiểm.

Từ Hải Tây đến Tuy Dương có hai con đường.

Một là đi qua quận Bành Thành ở Thái Sơn, đi vào Sung Châu để đến Trần Lưu, qua Quan Độ đến Tuy Dương. Con đường còn lại là đi từ Từ huyện, qua Nhữ Nam, Lương quận, Trần quận, thông qua Dĩnh Xuyên, Tự Y Khuyết Quan đến Tuy Dương. Bất kể là đi đường nào thì lộ trình cũng đều rất dài, vả lại còn rất khó đi.

Mặc dù dưới sự cai trị của Tào Tháo, nạn trộm cướp đã giảm bớt rất nhiều, nhưng trên đường vẫn còn rất nhiều thổ phỉ.

Đám thổ phỉ đó xuống núi để cướp của, vào núi làm giặc cỏ, hành tung quỷ dị, rất khó tiêu diệt tận gốc. Vì thế, mỗi một lần lặn lội vận chuyển đường xa đều phải xuất mấy trăm, thậm chí hơn một ngàn người theo bảo vệ. Nhưng cũng vì chuyện này mà rất nhiều thương buôn phải đau đầu suy tính.

Vì thế, không ít thương buôn dù biết rõ buôn bán ở Tuy Dương rất nhiều ích lợi, nhưng lại đành phải dừng lại.

Sau khi Bộ Chất tiếp chưởng Hải Tây, liền lập tức đối mặt với chuyện phiền toái này. Cửu đại hành hội của Hải Tây muốn nắm giữ Kim Sơn mà không được, thật sự là vô cùng tiếc nuối. Thế nên, sau khi cửu đại hành hội cùng bàn luận, liền bàn nhau tìm tới Bộ Chất. Tuy nói hiện tại bọn họ đang trấn thủ Hạ Bi, về lý thuyết mà nói có thể tìm Từ Hinh thảo luận, nhưng theo cảm tính, bọn họ vẫn muốn đến bàn bạc ở Hải Tây hơn.

Bộ Chất cũng rất đau đầu với vấn đề này.

Lại nói tiếp, sau khi y nhậm chức, khó khăn không hề ít hơn so với Đặng Tắc lúc trước tí nào.

Đặng Tắc từ hai bàn tay trắng mà cuối cùng hùng bá Hải Tây. Còn Bộ Chất thì sao? Khi y vừa mới nhậm chức, loạn Lưu Bị đã xảy ra, rồi sau đó lại phải đối mặt với một vấn đề hóc búa như vậy.

Phiền toái nhất là trước y Đặng Tắc đã làm rất tốt, được đánh giá rất cao. Thế cho nên nếu Bộ Chất không thể giải quyết những chuyện phiền toái này, hoặc ít ra là làm giảm bớt vấn đề này, nhất định sẽ ảnh hưởng đến danh dự của y, sau này sẽ càng thêm nhiều khó khăn hơn nữa.

Bộ Chất là do Tào Bằng tiến cử.

Ở một góc độ nào đó y là gia thần của Tào Bằng.

Từng hành động, cử chỉ của y đều đại diện cho quyền lợi của Tào Bằng.

Những người như Từ Lý và Trần Đăng chẳng nhẽ không bận tâm đến Hải Tây sao? Từ Lý vốn là người Hải Tây, tình cảm đối với nơi này còn sâu đậm hơn Trần Đăng.

Lúc trước, khi Đặng Tắc phải đi, Từ Lý và Trần Đăng cũng từng tiến cử người khác.

Nhưng cuối cùng Tào Tháo vẫn đồng ý với ý kiến "Đề cử người hiền không cần tránh người thân" của Tào Bằng, để Bộ Chất làm.

Nếu Bộ Chất làm không tốt, sẽ khiến Tào Bằng mất mặt. Quan trọng hơn nữa là nếu y làm không tốt, ắt sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của Tào Bằng ở Hải Tây. Đây mới thực sự là phiền toái lớn nhất. Hàng năm, ba phần lợi nhuận của Hải Tây dù sao cũng thuộc quyền sở hữu của Tào Bằng.

Cùng đường, Bộ Chất đành phải nhờ Đặng Tắc xin Tào Bằng chỉ giáo cho.

Tào Bằng nghe Đặng Tắc nói xong, không khỏi trợn mắt, há hốc mồm.

Thật ra hắn biết hiện giờ Hải Tây đang rất phát triển nhưng không ngờ lại tốt đến như vậy.

Hơn bảy ngàn bốn trăm vạn tiền, gần một trăm ngàn quan.

Nghe thì cảm giác như không nhiều lắm, hơn nữa còn là kim ngạch giao dịch nhưng cũng phải biết rằng mới bốn năm trước thôi, nhân khẩu của Hải Tây chỉ chừng hai, ba vạn người, là một tiểu huyện hoang vắng. Nghe Đặng Tắc nói thì Hải Tây đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ, chỉ riêng giao dịch muối, triều đình đã thu được hai hai ngàn vạn tiền thuế. Đây là con số đáng sợ đến thế nào chứ? Nếu tính cả các loại thuế má khác nữa cùng với các nguồn thu ngầm khác, thu nhập từ thuế năm nay của Hải Tây có thể đạt đến năm mươi triệu, thậm chí còn nhiều hơn nữa.

Tào Bằng hít một hơi lạnh!

Hắn cũng ý thức được sự phát triển của Hải Tây đã có dấu hiệu mất cân bằng.

Chỉ riêng vấn đề vận chuyển này thôi đã không dễ dàng giải quyết rồi.

Nhưng vấn đề là hắn có thể có cách gì đây?

-Tỷ phu, chuyện này nhất thời ta cũng chưa thể có cao kiến gì cả. Huynh để cho ta vài ngày cẩn thận suy nghĩ đã. Nếu thật không có cách gì, huynh hãy liên hệ với huynh trưởng, xem y có thể có cách gì không. Y hiểu biết rộng, gia tộc lại lớn, biết đâu sẽ có chủ ý gì đấy.

-Được, ta cũng nghĩ như thế. Để mai ta sẽ bảo Cự Nghiệp thúc đi đến Nhã Dương một chuyến, hỏi thăm Trần huyện lệnh xem sao.

Đặng Tắc biết Tào Bằng không phải có ý thoái thác.

Nhưng chuyện này đúng là phiền toái thật, không thể vừa nghe đã nghĩ ra sách lược được.

Bộ Chất nào phải kẻ đầu đường xó chợ, y còn phải đau đầu, nói gì đến Tào Bằng? Cho dù Tào Bằng có thể nghĩ ra cách thật thì cũng cần có một chút thời gian.

Đặng Tắc đưa cho Tào Bằng một chén rượu đầy, nhẹ giọng hỏi:

-A Phúc, chủ công rốt cuộc có ý gì?

-Ừ?

-Ta muốn nói người định giam đệ đến bao giờ?

Tào Bằng nghe thấy thế gãi gãi đầu, cười khổ.

-Tâm tư của chủ công sao huynh và ta có thể đoán ra được? Tai họa lần này ta gây ra khá lớn, e rằng chủ công cũng rất khó xử. Nhưng ta nghĩ có lẽ ta sẽ không nguy hiểm đến tính mạng đâu, nếu không chủ công đã sớm nói rồi. Sở dĩ giờ chủ công chưa nói gì, chỉ sợ là đang chờ cơ hội để giải vây mà thôi. Tỷ phu, huynh đừng lo lắng. Nếu ta bị cực hình, Phục Hoàn cũng chẳng chịu nổi đâu. Giờ hai chúng ta đều đang ngồi chung một thuyền, ta chết, y cũng chết; y sống, ta nhất định có thể sống. Đúng là Phục Hoàn y là quốc trượng, ta có đổi mạng với y cũng chẳng thiệt. Ha ha, bệ hạ cũng không trơ mắt nhìn Phục Hoàn bị giết đâu, cho nên sớm muộn gì người cũng phải quyết định. Chủ công giờ có lẽ đang chờ bệ hạ ra chỉ rồi mới hành động.

Gương mặt Đặng Tắc thoáng vẻ đau buồn.

-Huynh đừng sợ, đêm dài lắm mộng!

Giơ chén rượu lên, Tào Bằng và Đặng Tắc mời rượu nhau, rồi uống một hơi cạn sạch.

Ngoài cửa sổ, trăng sáng vằng vặc.

Ánh trăng sáng tỏ xuyên qua khung cửa sổ nhỏ, tản mát trong phòng lao.

Bên ngoài nhà lao là một ao sen. Về đêm, tiếng ếch kêu ộp oạp vang cả ao sen.

-Tỷ phu, lần này huynh trở về có được sắp xếp gì chưa?

-Có, ta đã gặp Tuân thượng thư rồi. Ta sẽ ở nhà nghỉ ngơi ba ngày, rồi đi đến Mai Sơn, đảm nhiệm chức Mai Sơn trưởng.

-Chỉ nhậm chức Mai Sơn trưởng thôi sao?

Đặng Tắc cười:

-Còn kiêm cả chức hành quân tư mã nữa.

-Hành quân tư mã cho ai?

-Văn Trường.

-Ngụy đại ca ư?

Đặng Tắc gật đầu, nói:

-Đúng vậy, chính là Ngụy Diên.

Giờ gã đảm nhiệm chức Mai Sơn giáo úy, lĩnh quân đóng bên bờ Mai Sơn.

Tuân thượng thư nói ta và Văn Trường từng hợp tác với nhau, lại có quen biết từ trước, cho nên lệnh ta và gã cùng trấn thủ Mai Sơn, bảo vệ đường vận chuyển lương thảo được an toàn.

Tào Bằng ngẫm nghĩ một chút, nói:

-Nếu là Ngụy đại ca thì sẽ không có vấn đề gì lớn đâu.

-Đúng vậy, không ngờ Văn Trường giờ cũng là giáo úy một doanh rồi.

Ngụy Diên là giáo úy một ngàn thạch, thấp hơn một cấp độ, phẩm cấp so với chức Việt Kỵ giáo úy của Tào Bằng.

Một ngàn thạch, lương bổng hàng tháng là chín mươi tích, so với hai ngàn thạch, lương hàng tháng là một trăm tích, chênh nhau mười tích, khác biệt cũng không phải là lớn lắm. Nhưng những người được hai ngàn thạch mới được coi là quan to trong triều. Ngụy Diên hiện tại đã chạm đến cánh cửa quan to của triều đình rồi.

Ngẫm lại cũng chẳng dễ dàng gì.

Lúc trước, khi theo làm bộ hạ cho Mãn Sủng, gã chỉ là một kẻ thường dân.

Bốn năm ngắn ngủi mà Ngụy Diên có thể làm được đến như thế đủ biết gã đã vất vả đến thế nào.

Nhắc tới Ngụy Diên, Đặng Tắc chợt mỉm cười.

Năm đó, bởi vì rất nhiều nguyên do, bọn họ trở thành bằng hữu. Khi đó, Ngụy Diên mới chỉ là một đô bá, còn y là tiết tòng của Đầu Dương Truân. Giờ…

Đặng Tắc hít sâu một hơi, trầm giọng nói:

-Thời gian quả là quá nhanh!

-Đúng vậy, rất nhanh.

Ánh mắt Tào Bằng chợt phủ một lớp sương mù.

Hai người trầm mặc hồi lâu, chợt cùng cười ha ha.

Theo tiếng cười này, những ngăn cách trong lòng Đặng Tắc dường như đã tan thành mây khói.

-Muộn rồi, ta về đây. Đệ có cần gì không? Ngày mai đến thăm ta sẽ mang cho.

Tào Bằng ngẫm nghĩ một chút, cầm lấy một quyển sách:

-Mấy ngày nay, ta đang xem Linh Ký của Thái Ấp tiên sinh, rất thú vị. Huynh có thể giúp ta tìm toàn bộ bộ sách Đông Quan Hán Ký cũng do Thái Ấp tiên sinh? Huynh có thể tìm giúp ta cuốn Toan Tảo lệnh Lưu Hùng Bi Thiếp được không? Ta muốn xem qua một chút. Mấy ngày nay chẳng có việc gì làm cả! Nếu như trở về bị Nguyệt Anh kiểm tra, ắt sẽ bị nàng trách cứ.

Linh Ký là một thiên trong Đông Quan Hán Ký.

Đông Quan Hán Ký ghi lại những truyện có trong sách sử của một giai đoạn lịch sử từ thời Vũ Đế đến Linh Đế, Hán Quang. Người biên soạn có tên là Đông Quan nên cuốn sách cũng có tên như thế.

Quyển sách này đã được biên soạn qua mấy thế hệ.

Ban đầu, Hán Minh Đế lệnh Ban Cố và Trần Tông cùng soạn Thế Tổ Bản Kỷ, sau đó, đám người Ban Cố lại biên soạn và thuật lại các sự tích Công Thần, Bình Lâm, Tân thị, Công Tôn, kể lại các liệt truyện và điển tích, tất cả có hai mươi tám thiên. Đây cũng là thời kỳ sáng tác Đông Quan Hán Ký. Đến thời An Đế, Lưu Trân, Lý Vưu lại tiếp tục soạn Kỷ, Biểu, Danh thần, Lễ, Sĩ. Đến thời Hán Quang Vũ Đế, đầu năm Chí Vĩnh, nơi này lại được đổi tên là Hán Kỷ.

Kể từ đó về sau, Đông Quan Hán Kỷ lại trải qua mấy lần biên soạn, tới thời Hán Linh Đế mới kết thúc.

Thái Ấp, Dương Bưu, Lư Thực là những người soạn sách cuối cùng, bổ sung mười thiên Kỷ, Chí, Truyện cho đến thời Hán Linh Đế.

Ở thời Hậu Hán, khi sách chưa ra đời, sử ký, Hán thư và bộ Đông Quan Hán Ký này được gọi là tam sử, được rất nhiều người tìm đọc.

Trong tam quốc diễn nghĩa từng có một đoạn ngắn như sau: Sau khi Đổng Trác chết, Thái Ấp vì có dính líu đến Đổng Trác mà bị Vương Doãn và Thái Ba xa lánh. Thái Ba nhân cơ hội định giết chết Thái Ấp. Thái Ấp nói ngươi có thể giết ta nhưng có thể cho phép ta biên soạn xong Hán Ký rồi hãy giết ta được không? Nhưng Vương Doãn không đồng ý, vẫn giết chết Thái Ấp. Thế cho nên rất nhiều chương ở phần hậu của Hán Ký cũng vì thế mà thất truyền, có lưu lại cũng chỉ là tam sao thất bản.

Cách viết của Thái Ấp không hề rườm rà.

Mấy ngày nay, Tào Bằng đọc các sáng tác của Thái Ấp, cực kỳ kính phục ông.

Đồng thời, hắn cũng phần nào tò mò về Đông Quan Hán Ký, cho nên mới nhờ Đặng Tắc tìm kiếm.

Đặng Tắc ngẫm nghĩ một chút:

-Nhất thời chắc ta không thể tìm được toàn bộ, nhưng ta sẽ cố gắng. Đệ cũng đừng lo, trong nhà còn có ta và cha.

Tào Bằng khẽ mỉm cười, chợt chuyển đề tài.

Đêm khuya!

Tào Bằng nằm trên đống cỏ khô, nhìn qua ô cửa sổ, nhìn lên trời cao.

Nhìn thấy bầu trời sao rực rỡ, dải ngân hà vắt ngang qua trời, Tào Bằng miệng cắn một nhánh cỏ khô, suy nghĩ chuyện Đặng Tắc nói.

Đúng vậy, quả thật phải tìm ra một biện pháp nào đấy, tìm ra cách giải quyết mới được.

Trong đầu hắn chợt nảy ra một ý tưởng.

Dường như hắn đã có một chút manh mối.

Xoay người ngồi dậy, dựa vào vách tường trắng, Tào Bằng chống tay lên cằm, bó gối trầm ngâm, suy nghĩ.

Một lát sau, hắn chợt nói:

-Tử U!

Hạ Hầu Lan đang mơ mơ màng màng ngủ, nghe thấy tiếng Tào Bằng gọi, mở mắt ngồi dậy.

Gã dụi dụi mắt:

-Công tử vẫn chưa ngủ sao?

-Lần trước, tiểu Chân mang giấy mực đến, ngươi cất ở đâu rồi?

-Ồ, để ta lấy.

Hạ Hầu Lan đứng dậy, lấy ra một gói từ trong góc phòng đưa cho Tào Bằng.

-Công tử đang suy nghĩ gì thế?

Tào Bằng cười:

-Không có gì, ngươi cứ ngủ trước đi.

Hắn mở giấy ra, sau đó khơi đèn sáng lên, mài bút mực, suy nghĩ một lát, rồi múa bút lên giấy, mặt mày nghiêm nghị.

Tháng tư năm Kiến An thứ năm.

Sau khi Viên Thiệu âm mưu tấn công bằng địa đạo không thành lại định giở trò khác.

Gã lệnh quân tốt đắp đất thành đồi núi, lệnh cung tiễn thủ đứng trên đồi, nhìn xuống đại doanh Tào quân.

Mỗi ngày, cung tiễn thủ từ trên cao nhìn xuống, bắn tên xuống Tào doanh. Tào quân bị Viên quân uy hiếp vô cùng khổ sợ, thậm chí mỗi khi ra ngoài đều phải mang theo khiên chăn tên. Suốt mười ngày liên tục, thương vong của Tào quân vô cùng nặng nề và thê thảm, sĩ khí cũng suy giảm nghiêm trọng. Tào Tháo cũng đành phải bó tay, không có biện pháp nào để đối phó với cách tấn công này của Viên Thiệu. Tuy nói trong doanh Tào cũng có cung tiễn thủ nhưng Viên quân ở trên cao, có thể uy hiếp Tào quân chặt chẽ.

Đúng lúc này, Lưu Diệp dẫn quân đến Quan Độ.

Thấy tình hình như thế, Lưu Diệp tức thì bày ra một kế.

-Dùng đầu thạch xa (xe ném đá) tấn công thì sao?

Tào Tháo cười khổ, nói:

-Tử Dương đừng nói giỡn, đầu thạch xa tuy uy lực lớn nhưng tầm bắn lại không được như tên, vốn không thể áp sát bọn họ được.

Lưu Diệp nói:

-Chủ công chớ lo lắng.

Khi ở Hứa Đô, lúc rảnh rỗi, Diệp thường cải tiến đầu thạch xa, khoảng cách ném có thể tăng thêm ba mươi bước, uy lực vẫn không hề giảm chút nào.

Hiện giờ, Viên Thiệu đang tập trung cung tiễn thủ ở chỗ cao, chúng ta có thể dùng loại đầu thạch xa cải tiến này để phản công. Lúc trước, khi ở Khúc Dương, Diệp từng học một chút về phương pháp chiến đấu ở Hữu Học. Lấy hộp gỗ đào chứa cây trẩu, bên ngoài buộc vật nhóm lửa vào, rồi bắn mạnh đi. Vỏ hộp vỡ ra, cây trẩu tiếp xúc với lửa sẽ phát ra uy lực rất lớn. Viên Thiệu dùng cung tiễn, sao chủ công không dùng hỏa công?

Tào Tháo nghe thấy thế tức thì mừng rỡ.

Y lệnh cho Lưu Diệp làm tham quân Tư Không, đốc thúc thợ thủ công suốt đêm chế tạo đầu thạch xa.

Đầu thạch xa đã qua cải tiến cả tầm bắn và uy lực đều được nâng cao hơn rất nhiều. Tào Tháo nghĩ một hồi rồi đổi tên đầu thạch xa thành phích lịch xa.

Mười ngày sau, hơn ba trăm phích lịch xa được cải tiến đồng loạt bắn ra.

Đại doanh Viên quân rung lên, lập tức biến thành biển lửa.

Tào Tháo mắt thấy cung tiễn thủ của Viên quân mất đi tác dụng, cuối cùng mới thở phào được.

Đêm đó, y thiết yến tỏng quân, mừng công lao của Lưu Diệp.

Trên bàn tiệc, Tào Tháo làm như vô tình hỏi một câu:

-Tử Dương, vừa rồi ngươi từ Hứa Đô đến có biết Tào Bằng đang làm gì trong nhà lao không?

-Ta có nghe Tử Hiếu tướng quân nói sau khi Tào Bằng bị tống giam thì hết sức bình tĩnh. Mấy ngày trước, Đặng Thúc Tôn từ Từ Châu trở về, có ghé thăm hắn mấy lần. Sau đó, y còn tìm sách khắp nơi, tìm Đông Quan Hán Ký. Lúc ấy, trong tay ta có mấy thiên, nên chuyển hết cho Tuyển Thạch nhờ đưa qua cho y. Ngày thường, Tào Bằng chỉ đọc sách, luyện quyền cước thôi. Nghe nói ở trong nhà lao, hắn còn cùng Hạ Hầu Lan và các thân vệ Phi Mạo luyện võ. Tiểu tử này thật lớn gan, gây họa lớn như thế mà không hề hoảng hốt.

Tào Tháo cười không nói, cũng không tiếp lời Lưu Diệp.

Đêm đó, y tìm Quách Gia và Trình Dục bàn chuyện công sự. Xong xuôi, Tào Tháo chợt hỏi:

-Thân Đức, vụ án của Phụ Quốc tướng quân cũng được lâu rồi, vì sao đến giờ vẫn còn chưa có kết quả?

Trình Dục ngẩn ra, thầm nghĩ: "Ngài không nói thì ai dám quyết định chứ?"

Nhưng dù có nghĩ như thế hắn cũng không thể nói ra được.

Vì thế, Trình Dục liền cười ha ha, nói:

-Xem ra thân phận của Phụ Quốc tướng quân quá đặc biệt, cho nên vụ án này cũng không tiện kết án.

-Phụ Quốc tướng quân nhiễu loạn kỷ cương, phá hoại pháp luật là tội chết, có gì mà không tiện phán quyết? Tào A Phúc tùy tiện hăm dọa, tự ý xông vào nhà dân, giết liền mấy người, chứng cứ phạm tội đã rõ ràng. Theo ta thấy, hai người này đều tội ác tày trời, đáng chém!

Trình Dục nghe mà kinh hãi.

Hắn không rõ vì sao Tào Tháo lại bất ngờ muốn giết Tào Bằng.

Vừa đứng dậy định khuyên Tào Tháo, Trình Dục đã bị Quách Gia kéo lại.

Quay đầu nhìn lại, lại thấy Quách Gia nhẹ nhàng lắc đầu với hắn, ý nói đừng khuyên bảo làm gì!

-Tuân lệnh!

Lời khuyên can đã tới miệng lại chuyển thành tiếng đồng ý.

Sau khi Trình Dục cùng Quách Gia rời khỏi đại trướng, Trình Dục vội hỏi:

-Phụng Hiếu, ngài và Đặng Tắc có tình đồng môn, ngài cũng xem trọng Tào Bằng. Thế thì vì sao hôm nay chủ công muốn giết Tào Bằng ngài lại bảo ta không nên khuyên chủ công?

Quách Gia khẽ mỉm cười, thấy xung quanh không có ai, mới hạ giọng nói:

-Không phải chủ công muốn giết A Phúc, thật ra là ép bệ hạ ra mặt, thể hiện thái độ của bệ hạ thôi.

-Ồ?

-Bất kể là như thế nào, A Phúc giết người là sự thật, không ai có thể xóa nhòa được. Nếu chủ công giải vây cho A Phúc, tất sẽ khiến đám danh sĩ thanh lưu kia chỉ trích. Bệ hạ lại chậm chạp, không chịu tỏ rõ thái độ. Chủ công làm thế là muốn ép bệ hạ ra mặt. Yên tâm đi, A Phúc không sao đâu! Nếu A Phúc có chuyện không hay xảy ra, vậy Phụ Quốc tướng quân ắt sẽ bị chôn cùng hắn.

Đôi mắt Quách Gia ánh lên tia nhìn lạnh lẽo.

Trình Dục như đã hiểu ra, gật gật đầu, nói:

-Ngài nói như vậy thì ta hiểu rồi!

-Thế nên đừng hoảng hốt, không có chuyện gì đâu.

Sẽ không có chuyện gì sao?

Quách Gia thầm cười lạnh: "Chỉ sợ có người nào đó trong cung không ngồi yên nổi thôi."

-Tào Tháo muốn giết Tào Bằng ư?

Hán Đế Lưu Hiệp nhận được tin này mà không dám tin vào tai mình.

Hắn vốn nghĩ Tào Tháo nhất định sẽ tìm cách giải vây cho Tào Bằng. Rồi sau đó, hắn có thể ra vẻ cao thượng, trượng nghĩa, hung hăng chèn ép Tào Tháo.

Nào ngờ đâu…

-Lãnh Phi, ngươi không nghe nhầm chứ?

Lãnh Phi khom người, nói:

-Bệ hạ, tin tức cực kỳ chính xác.

-Tin từ đâu đến?

-Thượng thư phủ. Nghe nói Tào Tháo lấy danh nghĩa Tư Không phủ gửi thư hỏi Thượng thư phủ. Y bảo Tào Bằng giết người, tội chứng vô cùng xác thực, vì sao đến giờ vẫn chưa phán quyết? Y còn nói Tào Bằng tuy là con cháu trong tộc của y nhưng phạm pháp thì tội không thể tha thứ được. Y nói kể từ khi Thương Quân lập ra pháp luật đến giờ, kẻ nào không tuân theo pháp luật đều phải bị trừng trị. Thái tử phạm pháp, cũng phải trừng trị. Nay Tào Tháo không phải Thương Quân, mà Tào Bằng cũng chẳng phải thái tử, đương nhiên cứ theo luật mà xử trí.

Hán Đế không khỏi trầm mặc.

Tào Bằng giết người, theo luật mà làm.

Vậy Phục Hoàn nhiễu loạn triều cương, phá hoại phát luật, theo luật phải giết cả nhà.

Dù sao hành vi giết người của Tào Bằng cũng là hành vi cá nhân, còn chuyện Phục Hoàn gây nên lại làm lung lay cả nền móng của quốc gia.

Hán Đế hít một hơi thật sâu, Tào Tháo vậy là đã quyết định bỏ rơi Tào Bằng, trị tội Phục Hoàn rồi!

-Hoàng hậu đã nhận được tin chưa?

-Vẫn chưa ạ.

Hán Đế phân vân trên bậc ngọc, cau mày.

Chuyện này chỉ sợ không giấu được Phục hoàng hậu.

Đến lúc đó, Phục hoàng hậu khẳng định dù có liều mạng cũng phải cứu Phục Hoàn. Lưu Hiệp vốn định chờ xem tình hình phát triển thế nào, chờ thời cơ thành thục rồi sẽ ra tay.

Thật không ngờ…

-Lãnh Phi, lập tức hạ chiếu chỉ cho Tư Không phủ.

-Vâng!

-Mặc dù Tào Bằng tội ác tày trời, nhưng chuyện này cũng có nguyên nhân. Theo luật đáng lẽ nên giết nhưng chuyện cũng có nguồn gốc. Xin Tư Không hãy suy nghĩ cho kỹ rồi hãy quyết định, đừng để phụ tấm lòng hiếu tử. Tội chết có thể miễn nhưng tội sống khó có thể tha. Hãy nghĩ thêm rồi bàn luận tiếp.

Tào Tháo và Lưu Hiệp đều không nhắc gì đến Phục Hoàn.

Nhìn thì tưởng bọn họ chỉ bàn luận đến chuyện sinh tử của Tào Bằng, nhưng thực ra cả hai đều có dụng tâm kín đáo.

Đương nhiên, Tào Tháo không muốn giết Tào Bằng, nhưng y lại không thể nói thẳng ra. Đồng thời, Tào Tháo cũng hy vọng dùng phương thức này để cảnh cáo hắn.

Lưu Hiệp biết nếu giết Tào Bằng, Phục Hoàn chắc chắn phải chết.

Bên cạnh gã vốn không có mấy người có thể dùng được. Phục Hoàn không chỉ là nhạc phụ của gã mà còn thần tử cốt cán của gã.

Nếu đến Phục Hoàn gã còn chẳng cứu được, chẳng phải sẽ khiến những người khác nguội lạnh hay sao? Cho nên Lưu Hiệp nhất định phải cứu cho được Phục Hoàn. Muốn cứu Phục Hoàn thì đầu tiên phải giữ mạng lại cho Tào Bằng đã. Đây là điều kiện tiên quyết, nếu Tào Bằng bị giết, Phục Hoàn cuối cùng nhất định phải chết.

Tào Tháo dùng mạng của Phục Hoàn để ép Lưu Hiệp.

Lưu Hiệp dùng mạng của Tào Bằng để đổi lấy mạng của Phục Hoàn.

Đây là một ván cờ nhỏ nhưng kết quả như thế nào không ai có thể hiểu hết được.

Sau khi lệnh miễn xá ban ra, Trung Mưu lại một lần nữa lặng im.

Tào Tháo dường như đang bận chuyện Viên Thiệu tấn công, nhất thời cũng không bận tâm lắm đến chuyện này. Còn Lưu Hiệp? Sau khi ra lệnh ân xá, gã cũng im lặng.

Thoáng cái, hai bên lại đình chiến.

Không chút khói thuốc súng, nhưng sát khí lại lập lờ.

Trần Quần nhận được tin của Tuân Úc cũng đành phải thở dài.

Nhà Hán và Tào gia bắt đầu giao chiến rồi.

Ngoài mặt, dường như đôi bên ngang cơ nhau, khó nói ai cao ai thấp.

Nhưng thực ra, Tào Tháo đang nắm thế chủ động. Mỗi một phản ứng của Lưu Hiệp đều bị Tào Tháo nhìn rõ. Vị thiên tử nhà Hán vất vả suy nghĩ, lao tâm khổ tứ nhưng đối thủ của gã lại quá cao minh. So với Tào Tháo, thiên tử quả rất ngây thơ.

Trần Quần lấy một phong thư từ trên bàn ra.

Thư là do Tào Bằng viết.

Trong thư,Tào Bằng đưa ra một ý tưởng: Xét thấy Hải Tây và Tuy Dương qua lại ngày càng chặt chẽ, hơn nữa giao thương ngày càng nhiều, giao dịch càng lúc càng lớn. Sao Tuy Dương à Hải Tây không cùng hợp tác, bù đắp cho nhau, cũng có thể tạo thành mậu dịch giữa hai thành phố.

Từ Hải Tây đến Tuy Dương, từ Tuy Dương đến Hải Tây.

Không kể lục lộ và thủy lộ, giao thông không hề thuận tiện chút nào.

Làm đường thì không có khả năng! Mà thương gia lại càng không thể mỗi lần đi lại thuê đội bảo vệ nhiều như thế, ràng buộc cũng rất nhiều.

Vậy làm thế nào để đảm bảo tiền hàng được an toàn?

Tào Bằng đưa ra một khái niệm: Tín dụng quan phủ.

Trần Quần xem đi xem lại phong thư của Tào Bằng, không khỏi cảm thấy ý tưởng của hắn kỳ quái mà lại rất đáng ngạc nhiên.

Tín dụng quan phủ ư?

-Bá Đạt, ngươi thấy thế nào?

Trần Quần đem phong thư đưa cho một thanh niên ở bên cạnh, trầm giọng hỏi.

Người thanh niên kia mặc bộ quần áo màu trắng giản dị, đội hiền quan, mày kiếm, mắt sáng, cực kỳ anh tuấn.

Thân người y cao tám thước, thân người hơi mảnh khảnh, mày ngài rõ ràng, điềm đạm. Y nhận thư, đọc cẩn thận.

Người thanh niên này tên là Tư Mã Lãng, tự Bá Đạt, là con cháu Tư Mã ở Ôn huyện.

Nếu nhắc tới Tư Mã Lãng cũng không có nhiều người biết lắm, nhưng huynh đệ Tư Mã Ý của y lại đại danh lừng lẫy.

Năm Kiến An thứ năm, khi Tư Mã Ý còn học ở Lục Hồn Sơn, Tư Mã Lãng đã dương danh thiên hạ. Năm nay y hai mươi chín tuổi, nhưng ở quan trường lúc nổi lúc trầm. Năm hai mươi hai tuổi, nhân vì lần Tào Tháo tìm người hiền tài mà được phong làm chúc quan cho Tư Không. Sau đó, con đường làm quan của y cũng được cho là thuận buồm xuôi gió. Có một đợt bệnh nặng, y buộc phải tạm thời từ quan, về nhà tĩnh dưỡng. Giờ y lại bị gọi đi làm quan, làm huyện lệnh Hứa Đô.

Hứa huyện lệnh lúc trước vì chuyện của Ngưu Hiền mà bị xử tử hình ngay ngoài phố chợ.

Đừng tưởng Tuân Úc luôn do dự vụ án của Phục Hoàn và Tào bằng, chẳng qua là mối quan hệ của hai người này quá lớn. Một huyện lệnh Hứa Đô nhỏ nhỏ, Tuân Úc giết thậm chí còn chẳng cần phải hỏi Tào Tháo. Vị huyện lệnh Hứa Đô này chỉ vì đứng sai phe mà thiệt mạng, cả nhà chịu nạn theo. Sau đó, Tuân Úc liền đề cử Tư Mã Lãng cho Tào Tháo. Tào Tháo cũng vui vẻ đáp ứng.

Lần này, Tư Mã Lãng đến Hứa Đô cũng tiện đường ghé qua Tuy Dương.

Quan hệ giữa y và Trần Quần khá tốt, cho nên y ở lại Tuy Dương hai ngày.

Xem thư của Tào Bằng, Tư Mã Lãng trầm ngâm suy nghĩ.

-Đúng là chủ ý này của Tào Bằng không tồi chút nào. Tạo ra chi phiếu, thông qua quan phủ tiến hành giao dịch, đúng là có rất nhiều phiền toái. Nhưng chuyện này e rằng không dễ làm, nếu không ngại có thể hỏi thêm ý kiến nhiều người xem sao, đặc biệt là Tào Hữu Học. Sau khi mọi người đề ra đầy đủ chương trình thì trình báo lên Tư Không. Nhưng ý của Tào Hữu Học này chẳng phải là muốn buôn bán tiền giấy sao? Ha ha, chẳng trách Trọng Đạt gửi thư khen ngợi hắn.

Trần Quần cũng cười, thu lại bức thư.

-Lần này, Bá Đạt đảm nhiệm chức huyện lệnh Hứa Đô, vừa đúng lúc có thể gặp hắn rồi.

Tư Mã Lãng lắc đầu:

-Chỉ sợ hơi khó khăn. Trước khi vụ án này có kết quả, e là ta khó gặp được hắn. Nhưng cùng ở Hứa Đô, không sợ không có cơ hội.

-Bá Đạt!

-Ừ?

-Ngươi cho là lúc này Hữu Học và Phụ Quốc tướng quân sẽ có kết quả thế nào đây?

Tư Mã Lãng trầm tư thật lâu, trịnh trọng nói:

-Theo ta thấy lưỡng bại câu thương.

-Chỉ giáo cho?

-Lưỡng bại câu thương mà ta nói không phải là Tư Không, mà là Tào Bằng và Phụ Quốc tướng quân. Ta nghe nói Tào Bằng đã chặt đứt một tay của Phụ Quốc tướng quân. Nếu như không kiềm chế hắn, biết đâu hắn lại tìm Phụ Quốc tướng quân thì cũng chẳng dễ dàng gì. Cuối cùng, rất có khả năng sẽ bị bãi chức quan, ít nhất sẽ không thể đặt chân vào triều đình. Kết quả của Tào Hữu Học rất có thể là hắn sẽ trắng tay. Đáng tiếc cho bao công lao hắn đã lập được lúc trước, cuối cùng lại thành công dã tràng. Đáng tiếc!

Trần Quần gật đầu:

-Lời Bá Đạt nói rất có lý!

Sau tháng năm, tình hình chiến sự ở Quan Độ dần trở nên lắng xuống.

Nhưng lắng xuống không có nghĩa là hai bên hạ vũ khí, bãi binh mà chỉ là song phương sau một hồi giao chiến chính diện bắt đầu lại giằng co.

Lúc này, các võ tướng tạm thời nghỉ ngơi, các mưu sĩ bắt đầu hoạt động.

Ngày mười hai tháng năm, Tào Nhân lệnh Tào Sái áp tải lương thảo đến Trung Mưu, nhưng trên đường vận chuyển lương thực bị phục kích. Tào Sái chết trận, lương thảo bị đốt sạch. Tào Tháo nhận được tin mà kinh hãi. Y vội vàng sai người tìm hiểu tin tức, cũng chính là đại tướng Hàn Toại dưới trướng Viên Thiệu đã dẫn một cánh quân lẻn ra sau chiến trường Quan Độ, tập kích lương thảo của Tào Tháo. Tào Tháo vội mật lệnh cho Tào Nhân xuất binh tiêu diệt Hàn Toại nhưng không có kết quả.

Cuối tháng năm, Tào Nhân lệnh Mai Sơn trưởng Đặng Tắc đưa lương thảo tới Trung Mưu.

Hàn Toại lại tấn công đoàn lương thảo, định cướp lương.

Nhưng Đặng Tắc đã lập mưu.

Đặng Tắc không có ở trong quân, chủ tướng vận lương thật ra là Mai Sơn giáo úy Ngụy Diên.

Thứ được chở trên xe lại không phải là lương thảo mà toàn bộ đều là cỏ cây khô. Đợi phục binh của Hàn Toại nổi lên bốn phía, Ngụy Diên lập tức phóng hỏa, đốt cháy xe lương.

Tào Nhân đích thân dẫn binh, cùng Đặng Tắc bao vây Hàn Toại.

Hai quân loạn chiến một hồi, Ngụy Diên vung một đao chém Hàn Toại ngã ngựa.

Kế sách tập kích lương thảo của Viên Thiệu lại thất bại.

Cứ như vậy, song phương liên tục bày mưu tính kế, ngươi tới ta đi, càng đấu càng quyết liệt.

Thời gian trôi qua, tiết trời bắt đầu chuyển lạnh. Tào Tháo và Viên Thiệu không ai đánh, lại yên ắng.

Tháng bảy, đầu thu!

Tính theo thời gian, Tào Bằng vào tù đã được bốn tháng.

Hán Đế Lưu Hiệp mấy lần hạ chiếu hỏi Tào Tháo, lệnh y mau chóng giải quyết vụ án Tào Bằng và Phục Hoàn.

Vụ án kéo dài đã lâu, nếu cứ để thế dường như đều không có lợi với cả đôi bên.

Cuối cùng, Tào Tháo và Lưu Hiệp tranh cãi mấy lần, cuối cùng cũng quyết định.

Phụ Quốc tướng quân Phục Hoàn bị bãi chức quan, chỉ giữ lại chức Tán đại phu. Đồng thời, phạt bổng lộc nửa năm, phải đóng cửa nghiền ngẫm sai lầm.

Tào Bằng giết người, dù có nguyên nhân, tội chết có thể miễn, tội sống khó có thể tha.

Nể tình hắn có nhiều công lao lớn, biết nhận khuyết điểm, bãi chức Việt kỵ giáo úy và Bàng Môn tư mã trong cung, giữ lại bậc Kỵ đô úy, phạt bổng ba tháng.

Đến đây, vụ xung đột máu chảy đầm đìa cuối cùng cũng hạ màn.

Ngày mồng bảy tháng bảy, ánh nắng rực rỡ.

Tào Bằng dẫn đám người Hạ Hầu Lan ra khỏi nhà lao, nhắm mắt lại, đắm chìm trong tiết trời đầu thu, tham lam hít sâu luồng không khí của sự tự do.

Hắn chợt ngửa mặt lên trời, cười to:

-Tào Bằng ta đã trở lại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Bạn chấm truyện được mấy điểm!
loading...
DMCA.com Protection Status