Giờ đang nơi đâu

Quyển 1 - Chương 79: Khói bếp (3)


Trời mùa đông thường hay tối sớm. Chỉ mới đến giờ ăn cơm thôi, đứng đầu con ngõ đã không thấy gì ngoài phạm vi năm mét. May mà còn có hai ngọn đèn đường “có còn hơn không”, đủ để cô nhìn thấy người thanh niên Do Thái đang đứng hút thuốc trong bóng đêm.

Thấy cô đi ra đứng trước cổng, anh ta chậm rãi dập thuốc, cầm hai bức thư đi về phía cô.

Trong chớp mắt, Sở Vọng lập tức vui vẻ, cười nói: “Robert, ai mời anh đến thế?”

Anh ta đưa cho cô một bức thư.

Mở bức thư giấy da bò ra, trong đó là một bản hợp đồng của phòng nghiên cứu Thượng Hải. Bên trên ghi rõ: tiền lương 220 đồng.

Cô nhớ mang máng, hình như tiền lương của Hồ Thích – con rùa biển nổi danh kiêm giáo sư đại học Bắc Kinh lúc bấy giờ cũng chỉ mới 240.

Có khoản tiền lương này thì tức là quý tộc không mũ miện rồi. Cô vội cất thư đi, cười hỏi: “Ai trả lương cho chúng ta vậy?”

“Có đại lão đầu ngành ở đâu, chẳng lẽ còn không xin được quỹ nghiên cứu Cavendish? George đệ ngũ hoặc Baldwin, ai mà biết? Chung quy cũng không phải là chính phủ của các cô.”

“Tiêu bảng Anh ở Trung Quốc thì không thấy xót đúng không?”

“Chúng tôi vẫn chờ áo bảo hộ từ các cô đấy.”

Cô thở dài.

Cô đứng trước cổng tòa nhà, xoay lưng về phía bảo vệ nói chuyện cùng Oppenheimer, đột nhiên Oppenheimer giơ ngón tay kẹp thuốc lá lên, chỉ về phía sau lưng cô, nói: “Tôi e là mình đã trở thành đối tượng tin đồn tiếp theo của cô.”

Bảo vệ đang thò đầu nghe trộm hai người nói chuyện. Vừa thấy cô ngoái đầu thì lập tức xoay đi chỗ khác, giả vờ như không có chuyện gì cầm báo đọc.

“Định ra ngoài hả?”

“Ống nước nóng bị đông nên tôi đang tính đi mua ống tưới nước.” Cô nói.

“Lúc đến đây, tôi thấy ở cạnh trạm xe điện có tiệm tạp hóa.”

Cô nhét hai tay đỏ bừng vì lạnh vào túi áo, hai người cùng băng qua con hẻm tối đen.

Oppenheimer mỉm cười, lấy ra bức thư thứ hai ở trong áo khoác đưa cô.

Bức thư này vừa dày vừa nặng, chưa mở cũng biết là mấy tờ tiền mệnh giá năm đồng.

“Tổng cộng là 1160, Từ bảo tôi đưa cho cô, nghe nói đây là tiền lương một năm qua của cô.” Oppenheimer chậm rãi cười nói, “Hình như còn cao hơn cả tiền lương của tôi?”

Đúng là rất cao. Theo như cô biết được, tiền lương mỗi tháng của Lương Chương cũng mới một trăm đồng.

Có hai lính người Pháp đang đi tuần đi lướt qua hai người.

Oppenheimer nhìn hai người kia, nói, “Từ bảo tôi cũng đến Thượng Hải đi. Tôi hỏi anh ta vì sao? Anh ta nói bởi vì tôi và cô có quen biết, bảo tôi làm việc nhớ để ý đến cô. Sao nào, đến Thượng Hải thì sẽ gặp chuyện gì nguy hiểm hả?”

Chính cô cũng không rõ nữa. Tô giới không thân thiện với người Trung, nhất là con gái Trung Quốc sống một mình. Điều may mắn duy nhất là cô có một căn nhà nhỏ, mỗi tháng còn có 220 đồng, không đến nỗi phải lưu lạc sống tạm trong “căn nhà” dựng từ thùng dầu hỏa.

“Nghe nói cô bị cuốn vào bất hòa hôn nhân của Từ, sao thế, anh ta muốn cưới cô làm vợ hai hả?” Đột nhiên anh ta cười hỏi.

“Anh có tin không?”

“Không tin. Nếu Lương là nữ, nói không chừng bọn họ sẽ nghĩ anh ta sẽ lấy Lương. Còn nếu tôi cũng là nữ, sợ là cũng phải trải qua những chuyện cô đã gặp. Nhưng gia đình Do Thái chúng tôi rất căm ghét hôn nhân ngoại tộc, nên xin lỗi, tôi rất vui khi mình không phải là nữ, nếu không thì e còn bất hạnh hơn cả cô.”

“Cám ơn anh không phải là nữ.”

Đi ra khỏi con hẻm là tới tiệm tạp hóa nằm sau lưng trạm xe điện. Trên cửa gỗ ngoài tiệm tạp hóa dán chi chít những tấm thẻ nhỏ, bên trên dùng bút lông viết chữ. Trên thẻ viết tên vật phẩm mà trong tiệm bán, ví dụ như cờ tướng, cặp thước, rồi đồ dùng cổ như bút lông, mực, nghiên mực, cũng có khăn lông, dầu ngựa, sáp chải tóc và dép, thậm chí còn có cả kem bôi mặt Bách Tước Linh.

Cô chọn mua khăn lông để lau chùi kệ bếp, bồn tắm và chậu rửa mà lúc sáng mua thiếu, cùng với một đôi dép và ống tưới nước.

Oppenheimer chỉ vào đèn cầy đang thắp trong tiệm, dùng tiếng Trung trúc trắc hỏi chủ tiệm: “Tô giới có cung cấp điện, có đèn điện, anh, không bật?”

Ông chủ nói: “Một lần dùng điện là tốn ba hào năm xu, một tháng mất năm sáu đồng, ngoài người phương Tây và người giàu ra thì ai mà dùng cho nổi?”

Oppenheimer nghe hiểu được đại ý, bĩu môi xem thường.

Cô nghĩ bụng: May mà bây giờ không có mấy thứ công suất điện lớn như lò nướng lò vi sóng máy điều hòa tủ lạnh, nếu không một tháng chắc phải trả đến ba mươi năm mươi đồng.

Rồi sau đó cô lại nghĩ, nếu không có chiến tranh, vậy thì thành quả nghiên cứu của bọn họ càng có thể chuyển sang khống chế lò phản ứng chậm. Đến lúc đấy, có lẽ việc nhà nhà dùng điện ở Trung Quốc sẽ xảy ra sớm 50 năm.

Cô ôm một bầu nhiệt huyết mong chờ vào tương lai, xách mấy thứ mới mua tiễn Oppenheimer đến trạm xe điện, đúng lúc này lại nghe thấy chủ tiệm vừa rồi còn xun xoe hừ lạnh: “Nửa đêm canh ba ăn mặc đẹp đẽ như thế, trắng trợn ra ngoài với thằng Tây kia, chắc chắn là gái tiếp rượu do chính phủ phái hầu hạ bọn Tây lông. Hầu thằng Tây ngủ đã quá nhỉ, được chu cấp cho ở nhà trọ có điện có hệ thống nước, nó tưởng mình hơn người chắc? Hừ!”

Ông chủ không nói giọng Thượng Hải, không biết là phương ngữ vùng nào. Nhưng cô vẫn hiểu được đại khái.

Cô ngoái đầu nhìn chủ tiệm. Có lẽ ông ta cũng không ngờ cô làm như thế, thậm chí trên mặt còn có vẻ thương hại bi ai. Cái nhìn của cô khiến ông ta kinh hãi giật mình. Oppenheimer thấy cô quay đầu thì cũng ngoái đầu theo ánh mắt cô, nhìn ông chủ tiệm đang nơm nớp lo sợ ở phía sau. Ánh mắt anh ta vốn âm trầm, nên lần này đã dọa ông ta sợ hãi trốn vào nhà.

“Ông ta làm gì à?” Oppenheimer hỏi.

“Không có gì, chỉ là kẻ đáng thương thôi.”

Cô không biết chủ tiệm và gái tiếp rượu từng có va chạm gì, nhưng nghe những lời kia vẫn khiến cô xót xa. Không phải vì mình, mà là vì những cô gái tiếp rượu bị Thượng Hải phái đi hầu người phương Tây tìm vui mới bị chửi kia. Cùng là người đáng thương, có người lại vất vả cực khổ, nhưng có người lại một bước lên mây. Tới mảnh đất đô thị Thượng Hải mưu cầu kế sinh nhai, chẳng ai sống dễ dàng cả. Chính phủ và người phương Tây mới là kẻ có tội, nhưng vì sao người bị mắng chửi lại là các cô?

Trạm xe điện cách nhà trọ con hẻm tối tăm khoảng năm phút đi bộ. Oppenheimer không bao giờ nghĩ tại mảnh đất sầm uất này, một cô gái đi bộ về nhà chỉ mất năm phút thì sẽ gặp chuyện gì; mà với lộ trình năm phút đi bộ, dĩ nhiên cô cũng sẽ không bắt anh đưa tiễn.

Từ trạm xe điện đến đầu hẻm chỉ cách hơn mười mét, nhưng đột nhiên có người bám đuôi.

Càng đi về phía trước thì ánh sáng càng tối, cô càng rảo bước nhanh hơn, nhưng bước chân phía sau cũng ngày một nhanh lên. Chợt đối diện có hai lính tuần người Pháp đi tới, vừa lúc đi ngang qua cột đèn đường, thấy sắc mặt hoảng hốt của cô thì quát to: “Mày đi theo quý cô đây làm gì hả?!”

Một người trong đó túm tay cô kéo ra sau lưng, nương theo ánh đèn, cô thấy rõ người kia là một người đeo kính tròn, không quá cao.

Người kia dùng tiếng Anh bập bẹ nói: “Tôi là nhân sự của công ty quảng cáo. Vừa rồi tình cờ trông thấy ở trạm xe điện, cảm thấy quý cô đấy rất hợp làm người mẫu cho quảng cáo thuốc lá của công ty chúng tôi…”

Nhìn cách ăn mặc của người nọ thì có vẻ là săn đầu người thật. Chỉ tiếc người Pháp không nghe người ta nói tiếng Anh, lập tức tát một phát trời giáng, tiếng *bốp* vọng thấu mây xanh rồi dội về lại trong ngõ nhỏ tối đen, tạng người nhỏ bé như vậy thì chịu sao nổi?

Đầu bị tát lệch hẳn sang một bên, lúc anh ta quay lại, hai lỗ mũi đang chảy máu ròng ròng. Anh ta lật đật rút danh thiếp trong túi áo ra, cúi người đưa đến: “Các anh xem! Thuốc lá Hatamen, tôi họ Lục! Tôi thật sự đang tìm người mẫu cho công ty thuốc lá này…”

Sở Vọng còn chưa kịp trả lời thì người Pháp kia lại giơ tay tát cái *bốp*, cái tát này còn nặng hơn trước đó, khiến anh ta ngớ người, quỳ sụp xuống đất.

Lính Pháp nói: “Nửa đêm nửa hôm đi theo con gái trẻ tuổi, còn dám tự xưng là chụp quảng cáo? Hai cái tát này là để mày nhớ cho kỹ, cút xéo!”

Sở Vọng vội dịch lại cho người kia: “Tôi tưởng anh là côn đồ, thực sự rất xin lỗi. Tôi không chụp quảng cáo gì cả, anh cũng đi nhanh đi, bọn họ không nghe anh nói tiếng Anh đâu.”

Người nọ thoát chết từ đường tơ kẽ tóc, co cẳng chạy như điên, không còn nghĩ gì về nghiệp vụ của mình nữa.

Hai người lính Pháp khá tuấn tú, lại còn cao hơn cô một cái đầu. Dưới áp lực chiều cao, cô lùi về sau hai bước, thấp giọng dùng tiếng Pháp nói: “Chân thành cám ơn các anh.”

Nói rồi, cô không chút do dự xoay người sải bước đi về nhà, lúc đến gần ngọn đèn thứ hai thì bóng đen cao to phía sau gần như bao trùm cả người cô. Tiếp đó, một cánh tay nặng nề khoác lên vai Sở Vọng, gần như đè cô vỡ nát.

Hô hấp nặng nề gần bên tai, từng chút từng chút phả vào tai cô. Gã lính dùng tiếng Pháp mờ ám nói với cô: “Đêm hôm ở tô giới rất loạn, quý cô xinh đẹp như em ban đêm ra ngoài một mình, sao có thể thiếu người bảo vệ được?”

Cô dùng sức gạt cánh tay trên vai ra, nhưng gạt mấy lần cũng không được. Tránh chọc giận gã ta, cô cười từ chối: “Nhà tôi ở ngay đằng trước rồi, tôi ra ngoài tản bộ thôi không cần người bảo vệ.”

“Ồ? Ở gần đây hả? Vậy liệu có thể nể mặt cho phép tôi mời em một ly không? Không xa đâu, ở quán rượu ngay trên đường Ferguson đây thôi.” Lính Pháp cười cợt, “Chỉ một yêu cầu nho nhỏ, tôi nghĩ em sẽ không từ chối đâu nhỉ?”

Dù trong thế giới hòa bình ở thế kỷ 21, người lạ lần đầu gặp mặt mà mời bạn uống rượu hay cà phê thì rõ ràng là ám hiệu tình dục. Không từ chối? Có quỷ mới tin!

Cô nhanh chóng suy nghĩ phương án đối phó.

Cô đứng đây gọi to tên Tạ Trạch Ích, thì sau khi chọc giận cảnh sát Pháp, thì trước khi anh chạy xuống lầu, tỷ lệ sống sót của cô là bao nhiêu đây?

Hoặc đi ngang qua cổng nhà trọ cầu cứu bảo vệ, vậy tỷ lệ anh ta đến giúp đỡ, hơn nữa còn không bị lính Pháp bắn chết là bao nhiêu?

Vắt óc nghĩ hết các cách, cô chưa bao giờ cảm thấy quãng đường 5 phút lại dài dẵng như thế. Cân nhắc ba lần, cô lại hỏi bằng tiếng Pháp: “Trước khi đến Trung Quốc, các anh có biết mình phải tuân thủ “quy định trừng phạt quân nhân Pháp phạm tội ở Trung Quốc” không?”

Hai người kia sững sờ, sau đó đảo mắt, “Ồ. Thì sao?”

Thấy bọn họ trả lời như thế, trong lòng cô càng thêm chắc chắn. Bình thường lúc ký hợp đồng, sẽ có một dòng “đã đọc và tuân thủ luật pháp và quy định liên quan”.

Nhưng chẳng mấy ai đọc nó cả, thậm chí có rất nhiều người còn không biết được tên của quy định điều luật, càng đừng nói gì đến việc cẩn thận ghi nhớ.

Cô nhắm mắt, cố gắng vắt óc thêu dệt nên mấy quy định. Nhưng đúng lúc này, bất chợt ở phía sau vang lên giọng nam quen thuộc nói tiếng Pháp ——

“Lính Pháp phạm tội ở trung Quốc sẽ do tòa án quân sự nước Pháp xử phạt. Nhưng nếu đối tượng các anh xâm hại được luật pháp Anh bảo vệ, thì thử đoán xem các anh sẽ gặp chuyện gì?”

Anh vừa dứt lời, chủ nhân của cánh tay khoác trên vai cô cứng đờ. Lính Pháp thấy người đến có gương mặt phương Đông thì lại quay sang hỏi ngược: “Vậy nói tôi biết, luật pháp Anh sẽ khiến chúng tôi gặp chuyện gì đây?”

“Tôi cũng không biết.” Sắc mặt hai gã lính Pháp trở nên lúng túng, còn Tạ Trạch Ích vẫn cười rất tươi, giọng nói nhẹ nhàng, so ra rất đối lập: “Tuy tôi cũng rất muốn biết, nhưng coi như là đồng nghiệp khác quốc tịch, tôi vẫn muốn khuyên các anh một câu chân thành: đừng có đụng vào quý cô đây.”

Đột nhiên tay cô bị người ta nắm lấy kéo mạnh, kéo đến cạnh Tạ Trạch Ích.

“Au revoir.” (Tiếng Pháp: tạm biệt.)

Tạ Trạch Ích ngông nghênh vẫy tay tạm biệt với hai gã nọ, rồi kéo cô đi vào nhà trọ.

Tới trước cổng nhà, Tạ Trạch Ích buông cô ra. Bảo vệ nhìn bọn họ với vẻ mặt không chê lớn chuyện, hai người không nói không rằng, một trước một sau đi vào thang máy.

Tạ Trạch Ích lên tiếng phá vỡ im lặng trước: “Bảo vệ gọi điện nói, anh ta có một mật báo liên quan đến cô Lâm. Tôi cho anh ta vài thứ tốt nên anh ta nói cho tôi biết chuyện.”

“…”

“Cũng coi như trong họa có phúc. Nếu không nhờ anh ta thì tôi đã không xuống nhà, cũng sẽ không thấy em bị hai gã người Pháp bắt cóc trắng trợn. Cũng nhờ em thuận miệng thêu dệt quy định lính Pháp ở Trung Hoa gì gì đó mà ngay cả tôi cũng không biết, nếu không, tôi cũng không biết sẽ có bao nhiêu phần thắng, bảo vệ em chu toàn khi đối mặt với hai gã lính Pháp.”

“Cám ơn anh.”

“Cám ơn là được rồi, nhưng sao trông sắc mặt khó coi thế?”

“Tôi không biết nữa. Bây giờ chỉ mới sáu giờ tối, rời khỏi nhà cũng chỉ năm phút. Tôi biết đến Thượng Hải có thể sẽ gặp một vài nguy hiểm không lường được, nhưng không chẳng rằng, mới một mình ra khỏi nhà lần đầu đã gặp… Là tôi sơ suất.”

“Coi như bài học, lần sau chú ý là được rồi.”

Ra khỏi thang máy, cô dừng bước, đột nhiên nghĩ đến luật pháp ba nước. Cô còn có Tạ Trạch Ích, có điều luật của viện nghiên cứu Anh bảo vệ. Vậy những người Trung khác thì sao? Bất luận là các quý ông quý bà giàu có trong tô giới, hay những người nông dân sống trong túp lều đơn sơ bên ngoài tô giới, nếu hôm nay người gặp chuyện này không phải cô mà là bọn họ thì sẽ ra sao?

Tạ Trạch Ích dừng bước, thấy vẻ mặt ảo não của cô thì cười bảo, “Đây chính là Thượng Hải. Ban đêm xã hội đen đấu súng bắn nhau, ban ngày người phương Tây diễu võ giương oai, lính ngoại quốc đánh chết người cũng không phải chuyện hệ trọng. Tiền lương của dân nơi khác tuyệt không quá 20 đồng một tháng; mà ở tô giới tấc đất tấc vàng, dù là trong một hành lang chật hẹp, mỗi tháng cũng phải trả 15 đồng tiền thuê phòng. Mà bên ngoài tô giới là Thượng Hải còn rộng lớn hơn thế, ở đó không có điện cũng không có nước, mấy trăm người trong lều lán dùng chung một vòi nước, mỗi tháng cầm được 8 đồng ít ỏi, nếu vào tô giới công cộng không may đắc tội với lính Tây, nhẹ thì bị đánh đập, nặng thì sao? Chỉ sợ sẽ đi tong cái mạng, ném xuống sông Tô Châu sông Hoàng Phổ. Ở đó mới là Trung Quốc hiện nay. Sự phồn thịnh này chỉ tồn tại ở ở rất ít các thành phố có cảng thương mại mở, là một hòn đảo biệt lập phồn thịnh trong hoang tàn.” Anh dừng lại, sau đó hỏi, “Em đã hiểu chưa?”

Cô gật đầu rồi lại lắc đầu.

Thời đại này lẫn thành phố này vừa xa lạ lại vừa quen thuộc. Cô đã đọc tiểu thuyết dân quốc, nam nữ chính đều là thiếu gia tiểu thư nhà giàu, ai ai cũng có xe hơi đưa đón ra vào những nơi phố xá sầm uất, không ai là không ở tô giới công cộng Nhưng những bộ tiểu thuyết ấy chưa bao giờ nói cho cô biết: bên ngoài thế giới bình yên phồn hoa này lại là một thế giới thảm thương đến vậy. Cô đã phòng bị trước, song vẫn không đủ. Và hậu quả của việc không phòng bị kỹ chính là: mới ra ngoài một chuyến, chỉ là quãng đường năm phút đi bộ thôi mà thời đại trước mắt đã đánh phủ đầu cô rồi.

Đẩy cửa phòng ra, Tạ Trạch Ích nhận lấy ống tưới nước trong tay cô, đổ nước nóng vừa đun vào đó, nước chảy vào đường ống dẫn nước, băng lập tức tan ra, nước chảy róc rách.

Cô dựa vào cửa phòng tắm, cảm khái gọi, “Anh Tạ.”

“Ừ?”

“Sau này… làm phiền anh vậy.” Ở đời sau, dù cô có gặp chuyện gì cũng chưa bao giờ lệ thuộc vào người ngoài. Cô cho rằng, thừa nhận với người ngoài “tôi cần anh” chứng tỏ năng lực của mình không đủ, là chuyện vô cùng xấu hổ. Nhưng ở thế đạo này, cô rất cần có một người như Tạ Trạch Ích ở bên. Viện nghiên cứu cần cô, cô đang ôm trong mình cả một bảo tàng, không muốn cứ thế biến mất một cách không rõ ràng.

Còn có gì đáng giá hơn hơn so với việc sống tốt, tận mắt chứng kiến đất nước Viễn Đông từ nơi tan hoang trở nên hùng mạnh, nhà nhà yên vui?

Tựa hồ như đang lựa lời, một lúc sau, Tạ Trạch Ích mới nói: “Lúc dì Cát giao em cho tôi, về mặt nào đó mà nói thì coi như em đã lâm nạn rồi. Tuy được bề trên ngầm cho phép, tôi cũng rất mong có thể có tương lai với một cô gái trẻ trung xinh đẹp. Nhưng nếu em đã từ chối tôi, vậy thì tôi sẽ chỉ phụ trách sự an toàn chứ không có quyền can thiệp vào tương lai của em. Cho nên, tôi sẽ không lợi dụng lúc em gặp khó khăn.”

Đường ống nước nóng đã thông, anh vặn vòi nước, cho nước nóng chảy vào bồn tắm sạch sẽ. Khép cửa phòng tắm rồi lui ra, lại dặn dò thêm một câu, “Tắm nước nóng đi, trong phòng bếp có canh nóng đấy. Mãi mà em không về nên tôi đành phải ăn trước. Nhớ khóa trái cửa sổ, ở đây rất an toàn, không cần phải lo. Nghỉ ngơi cho khỏe, sáng mai tôi… Sáng sớm mỗi ngày tôi đều sẽ đến đây.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Bạn chấm truyện được mấy điểm!
loading...
DMCA.com Protection Status