Hữu phỉ

Chương 125: Hải Thiên Nhất Sắc


Khi thầy đồ quát to “Nam quốc tử giám” thì bọn Bắc Đẩu hung hăng kia khựng lại, sau chốc lát có một người mở miệng, lần này khách sáo hơn không ít, người nọ nói:

– Xin hỏi tiên sinh là…

Thầy đồ tiếp tục giọng nói khiến tai người ta ngứa:

– Lão phu chính là thầy đồ Lâm Tiến của Nam quốc tử giám, môn hạ Khổng thánh nhân, tuy địa vị thấp kém nhưng há có thể ngồi nhìn các ngươi càn rỡ? Ngược lại ta muốn thỉnh giáo hôm nay là vị tướng quân nào, động tĩnh thật lớn, quan uy thật to nhỉ!

Bắc Đẩu lên tiếng trước đó nói:

– Chỉ là một thầy đồ nho nhỏ, nếu thả khâm phạm triều đình chạy trốn, ông gánh trách nhiệm nổi không?

Thầy đồ lập tức hùng hồn châm biếm:

– Bắt khâm phạm thì tự đi mà bắt, chạy đến nơi này gây xúi quẩy cho một đám trẻ con là đạo lý gì, ta thấy các hạ mới là kẻ muốn thả khâm phạm chạy thì có!

Lý Nghiên nghẹn trong cổ họng, luôn cảm thấy tiếp ngay sau sẽ là tiếng kêu thảm thiết vang lên, không ngờ bên kia lúng túng trầm mặc một lát rồi gã Bắc Đẩu lên tiếng sau hét ngưng gã đồng bọn giận dữ. Đó đại khái là tiểu đầu mục dưới trướng Đồng Khai Dương, từ giọng nói cũng có thể nghe ra gã chắc chắn đang trưng vẻ mặt nhẫn nhịn chịu đựng, nói:

– Hóa ra là Lâm tiên sinh, ngưỡng mộ đã lâu, nếu là tiên sinh, đương nhiên sẽ không che giấu gì cả, quấy rầy rồi, chúng ta đi!

Lý Nghiên không ngờ tới cú đảo ngược này, kinh ngạc mở to mắt.

Chốc lát, tiếng bước chân dần xa, Bắc Đẩu khí thế hung hăng đã bỏ đi.

Lý Nghiên:

– Chỉ… chỉ vậy…

Bên ngoài yên tĩnh hồi lâu, sau đó, thầy đồ dông dông dài dài duy trì đám trẻ trật tự rồi bắt đầu dạy họ đọc sách.

Mãi đến lúc này, Lưu Hữu Lương mới thở phào nhẹ nhõm, cái cổ luôn cứng ngắc dựa vào một bên, thều thào nói:

– Tào Trọng Côn lúc trẻ lên ngôi hoàng đế danh bất chính ngôn bất thuận, khi mới nắm quyền đã hại không ít mạng người, mạng của người giang hồ mất thì mất thôi, nhưng mạng của người đọc sách lại quý hơn nhiều. Sau này tuổi tác ông ta lớn, không có lá gan “đốt sách chôn nho”, cũng sợ ô danh muôn thuở nên mấy năm nay khai ân, mở quốc tử giám.

– Có mở cũng không giả vờ được.

Chu Phỉ đứng bên cạnh tiếp lời:

– Lập ra hai quốc tử giám nam bắc, thể hiện mình biết lắng nghe cả hai bên, sư đồ nam bắc quốc tử giám có thể định kỳ dâng thư tấu biểu lên cố đô, mấy tên mọt sách đôi lúc cắn người còn lợi hại hơn cả Ngự sử đài. Nghe nói sở dĩ người Triệu gia hốt hoảng xuôi nam chính là vì lão hoàng đế khăng khăng dao động căn cơ của đám văn thần và quyền quý trong triều, có vết xe đổ phía trước nên Tào thị luôn rất cẩn thận, Bắc Đẩu trên danh nghĩa là cận vệ thiên tử, kỳ thực chẳng qua là con chó làm việc thôi, không dám càn rỡ ở Nam quốc tử giám… đúng không, Lưu đại nhân?

Một tay Lưu Hữu Lương ấn vết thương trên eo, cười khó nhọc, khẽ nói:

– Không sai, lão Lâm tiên sinh này tuy chỉ là một thầy đồ nho nhỏ nhưng rất có tiếng. Ông ta vốn là một lão hủ nho, làm việc nói chuyện đều hồ đồ thậm chí đôi lúc bừa bãi lộn xộn, thực không thể làm quan. Nhưng vận số ông rất tốt, thời trẻ đã mở trường tư thu học trò, chẳng qua dạy mấy bài học vỡ lòng biết mặt chữ như “Thiên tự văn”, nào ngờ được ông ta dạy vỡ lòng xong là có bốn năm người liên tiếp đăng khoa nhất giáp (1), ngay cả tế tửu đại nhân (2) hiện nay cũng từng đi học ông ta, nên không ít con cái gia đình nho học cảm thấy được học ông ta thì tương lai ắt có tài hoa, chuyện này sắp thành điển cố trong vùng luôn rồi.

(1) Đăng khoa nhất giáp: 3 người có thứ hạng cao nhất trong thi cử ngày xưa là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa, 3 thứ hạng này gọi chung là nhất giáp.

(2) Tế tửu: tên một chức quan, thời Hán gọi là tiến sĩ tế tửu, là người đứng đầu tiến sĩ, thời Tây Tấn gọi là thiết quốc tử tế tửu, sau thời Tùy Đường gọi là quốc tử giám tế tửu, là quan chủ quản quốc tử giám, cuối thời Thanh phế bỏ chức quan này.

Lý Nghiên nghe mà sững sờ.

Chu Phỉ ngước mắt nhìn muội ấy:

– Ngạc nhiên cái gì? Muội tưởng ca ca muội tùy tiện tìm một nơi bá vơ mà cũng dám quẳng muội lại đi mất à?

Lý Nghiên chợt không thốt nên lời.

Mấy năm qua, số lần Lý Nghiên gặp Chu Phỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, ấn tượng của muội ấy về Chu Phỉ vẫn dừng lại ở quãng thời gian thiếu nữ dài dằng dặc. Lý Nghiên nhớ, Chu Phỉ đi đường luôn không ngẩng đầu, thường chìm đắm trong thế giới của riêng mình không để ý đến ai, bởi vậy nên không biết đường cũng không biết người, mỗi lần lễ Tết, Chu Phỉ đều mang vẻ mặt thờ ơ theo sau Lý Thịnh, hễ gặp ai, Lý Thịnh gọi người ta là gì thì Chu Phỉ gọi theo y hệt… thậm chí có lần không để ý mà bắt chước Lý Thịnh gọi đại đương gia là “cô cô”.

Kể bí mật với Chu Phỉ, không cần lo bị nói ra, vì Chu Phỉ căn bản chẳng quan tâm, lúc nghe cũng nghe không lọt nữa là. Kể tâm sự thiếu nữ với Chu Phỉ xong thì vừa quay đầu đi là tỷ ấy quên không còn một mống.

Lý Nghiên không biết Chu Phỉ… và cả ca ca nữa, làm thế nào mà họ biết nhiều chuyện như vậy, rồi lại tỉnh bơ suy xét nhiều thứ cong cong quẹo quẹo như vậy.

Lý Nghiên không biết che giấu, trong lòng nghĩ gì là hiện hết ra ngoài mặt, Chu Phỉ treo Toái Già bên hông, khoanh hai tay trước ngực, cười nói:

– Chuyện này có gì đâu, lúc tỷ vừa xuống núi cũng không nghĩ gì cả, không ai dẫn đường là mù tịt. Lý bà bà còn tệ hơn nữa, mấy chuyện xấu xa huynh ấy làm tỷ không thèm nhắc đâu.

Lý Nghiên ủ rũ hỏi:

– Vậy sau đó sao tỷ biết đường?

Chu Phỉ khựng lại, nhìn mặt Lý Nghiên chốc lát mới nói:

– Vì người dẫn đường cho tỷ đều không còn bên cạnh nữa.

Vương lão phu nhân, Thần Phi sư huynh, Mã Cát Lợi…

Và Tạ Doãn.

Nói xong, Chu Phỉ nhanh chóng thu hồi ánh mắt, xoay qua nói với Lưu Hữu Lương:

– Ta biết Đồng Khai Dương có lẽ sẽ kiêng kỵ Nam quốc tử giám, chỉ là không ngờ lại dễ đuổi cổ ông ta như vậy, chỉ dăm ba câu liền đi. Nếu không phải có âm mưu gì thì chắc chắn là có nguyên nhân.

Lý Nghiên lập tức nhớ câu Lưu Hữu Lương suýt nói trước đó, vội giới thiệu:

– Đây là tỷ tỷ của tôi, với đại đương gia của chúng tôi là…

– Nam đao.

Chưa đợi Lý Nghiên nói xong, Lưu Hữu Lương đã nói tiếp:

– Ta biết, cô nổi tiếng trong Bắc Đẩu hơn trong võ lâm phía nam nhiều, dù sao không phải ai cũng dám phóng hỏa đốt nhà Đồng Khai Dương… Chu cô nương xác thực tỉ mỉ, Đồng Khai Dương không dám, là vì tế tửu Nam quốc tử giám hiện nay là cậu ruột của thái tử, Bắc Đẩu chính đáng đến đâu cũng không có huyết thống hoàng thất… còn Đồng Khai Dương vì sao không muốn đắc tội thái tử trong lúc mấu chốt này, khụ…

Ông khép hờ mắt, thở dốc ho khan mấy tiếng, nói:

– Vì Tào Trọng Côn đã chết.

Chu Phỉ:

– …

Lý Nghiên:

– …

Cách một bức tường, thầy đồ đọc đến chỗ “vị vạn thế khai thái bình”, chữ “bình” kéo dài hơn ba mươi dặm, có thể nói là vừa hát vừa than khiến lão đán (3) nghe cũng phải cam bái hạ phong. Trong hậu viện miếu Khổng Tử lâu năm ít tu sửa này, một nam tử trung niên còn nửa cái mạng nằm trên đất, nhẹ nhàng thả ra tin tức kinh thiên động địa.

(3) Lão đán: chỉ vai cụ già trong hí khúc.

Đừng nói Lý Nghiên, ngay cả Chu Phỉ cũng sững sờ.

– Kinh thành hiện đang bí mật không phát tang, tin tức này chỉ có hoàng hậu, thái tử và mấy cận vệ bọn ta vừa khéo có mặt lúc đó là biết. Thái tử muốn nhân cơ hội nhổ vây cánh của Đoan vương ở kinh thành, giành kế vị đăng cơ trước nên nghiêm lệnh cấm truyền tin tức này ra ngoài, bọn ta lúc đó đều bị nhốt trong cung, có người cả gan rời đi nửa bước liền bị xử tội.

Lưu Hữu Lương giang tay:

– Thế nên Lưu mỗ đã “mưu phản” rồi.

Lý Nghiên sững sờ nửa ngày, hơi bất ngờ nói:

– Lẽ nào thúc định đưa tin này nói cho gã Tào… cái gã mập phì lũ kia hả?

Chu Phỉ nhỏ giọng:

– Lý Nghiên.

Lý Nghiên le lưỡi, không dám nói lời ngốc nghếch nữa.

Chu Phỉ đi tới, chống thanh Toái Già, nửa quỳ trước mặt Lưu Hữu Lương, nhìn chằm chằm ông:

– Nếu chỉ là một tin tức, Lưu đại nhân có thể thần không biết quỷ không hay truyền lời đi, thực sự không cần phí công đến vậy.

– Không sai, lúc ở cố đô ta đã nghĩ cách truyền tin cho Hành Tẩu Bang giúp, bây giờ ắt hẳn lệnh tôn đã sớm nhận được rồi. Chỉ là khi đó có chút vui quá bất cẩn, bị tiểu nhân hãm hại, bằng không sẽ không dễ bị Đồng Khai Dương phát hiện.

Lưu Hữu Lương cố sức đưa tay luồn vào ngực, lần mò một lát, lấy ra một hộp nhỏ cỡ lòng bàn tay, hoa cỏ vẽ bên trên đã nhạt màu, giống như là hộp son phấn cũ:

– Nhưng không sao cả, ta vốn cũng…

Lưu Hữu Lương cố cử động, thở hổn hển như cái ống khói nát, nhét hộp son phấn kia vào tay Chu Phỉ:

– Nơi này hung hiểm, cô nương tuy có danh thơm Nam đao nhưng mang theo ta cũng nhiều điều bất tiện, không cần… không cần lo cho ta, cô đem thứ này về cho lệnh tôn, tâm nguyện ta đã thành, chết cũng…

Chu Phỉ hỏi:

– Đây là gì?

– Là minh ước Hải Thiên Nhất Sắc.

Lưu Hữu Lương đáp.

Sắc mặt Chu Phỉ chợt thay đổi.

Lưu Hữu Lương thở dốc mấy hơi, bổ sung:

– Không phải… khụ, cái Hải Thiên Nhất Sắc mà các cô nói, các cô tranh tới tranh lui hoa văn sóng nước gì đó, ta không biết là thứ gì, cũng không biết vì sao nó lại tiếp tục dùng tên “Hải Thiên Nhất Sắc”.



– …Năm xưa cố đô gặp biến, một nhóm người rời đi hộ tống ấu chúa xuôi nam, hi sinh vì nghĩa, một nhóm ở lại, nhẫn nhục gánh vác trọng trách, họ đều biết rằng dẫu đi hay ở thì có lẽ cả đời cũng khó gặp lại, nên trước lúc đi, chúng ta đã định ra minh ước, tên là “Hải Thiên Nhất Sắc”…

Bỏ đời và sống tạm, nhịn đau và nhẫn nhục, giống như nước thu và bầu trời chung sắc.

– Người còn sống cuối cùng phải đưa bản minh ước này và danh sách xuống phía nam, như vậy dù chúng tôi lặng lẽ chết đi, tương lai trong ba thước sử xanh cũng có một phần công luận. Buồn cười gã Đồng Khai Dương thần hồn nát thần tính kia còn tưởng đây là cơ mật quan trọng gì đấy, muốn lấy danh sách khỏi tay ta rồi theo đó xử lý từng người một.

Chu Phỉ mở ra lướt mắt xem, dù hiện nay nàng có vẻ mắt nhìn sáu phương tai nghe tám hướng nhưng rất nhiều cái tên trong danh sách vẫn vô cùng xa lạ với nàng. Bởi có những người đại khái cả đời cũng không có chiến tích gì, không thể leo đến địa vị cao như Ngô tướng quân để làm ra chuyện gì hữu dụng, họ chỉ là những vị quan thấp bé bất lực, lặng lẽ chết già trong nỗi nghi hoặc và lo lắng hết năm này qua năm khác. Có những người dứt khoát cuốn vào trong các sự cố khác, chìm ngập giữa vô số bè lũ xu nịnh, tranh quyền đoạt thế ở Bắc triều gió nổi mây vần, phần trung thành trong lòng bị ép xuống rất sâu, đến chết cũng không còn dính dáng.

Lưu Hữu Lương nói:

– Ta luôn tìm kiếm người có thể phó thác nó, cuối cùng cũng xem như được trời ưu ái. Chu cô nương, nhờ cả vào cô.

Lý Nghiên bối rối nhìn Chu Phỉ rồi lại nhìn Lưu Hữu Lương. Thành Chương Khâu đã giới nghiêm, vùng xung quanh đây chắc chắn đều đã bị thám tử của Bắc Đẩu bao vây, mang theo một người bị trọng thương, ngoài kia lại có cường địch như Đồng Khai Dương, dù là Chu Phỉ, e cũng lực bất tòng tâm.

Lý Nghiên rất muốn vỗ ngực nói một câu “Đại thúc yên tâm, ta có thể bảo vệ thúc chu toàn”, nhưng muội ấy không thể. Dù nguyện không thèm đếm xỉa đến bản thân, nhưng muội ấy không thể không thèm đếm xỉa thay ca ca và tỷ tỷ, nên đành trơ mắt thiết tha nhìn Chu Phỉ.

Chu Phỉ không lên tiếng, nàng nghĩ ngợi rồi nhét hộp son phấn kia vào ngực, đứng dậy hô với ra bên ngoài:

– Lâm lão đầu, ông niệm kinh xong chưa?

Lý Nghiên:

– …

Cánh cửa nhỏ đóng chặt được đẩy ra từ bên trong, một ông lão nhỏ thó có râu dê dùng một tay gỡ mạng nhện trên cửa xuống, vịn tường bước ra, chỉ vào Chu Phỉ nói bằng giọng vịt đực:

– Càn rỡ, không tôn kính bề trên, không biết lớn nhỏ!

Bọn trẻ nhốn nháo trong miếu ban nãy đã đi hết, thầy đồ chống gậy bước từng bước qua, tóc ông bạc trắng, trông đã tới tuổi thất tuần, ông chỉ đi có mấy bước mà Lý Nghiên thấp thỏm, chỉ sợ ông bị ngã.

Chu Phỉ không kiên nhẫn:

– Ta không ăn gạo nhà ông cũng không đọc sách nhà ông, bớt ra vẻ trưởng bối với ta đi, lẹ qua đây giúp giùm cái!

Lâm Tiến dùng gậy chọt nàng, râu dê vểnh lên xinh đẹp:

– Ta là sư bá của cô!

Chu Phỉ mặt không đổi sắc nói:

– Ông là sư bá của ai? Ta đâu có sư phụ là hòa thượng.

Lâm Tiến nghe vậy, nở nụ cười vô cùng bỉ ổi, khoác lớp da lão học giả, đích thân biểu diễn thế nào là “ra vẻ đạo mạo”, nói:

– Sớm muộn gì cô cũng thừa nhận thôi, khà khà.

Lý Nghiên cảm giác như nhìn thấy gân xanh trên trán Chu Phỉ, sau đó thấy ông già bước đi còn run lẩy bẩy tiến về trước một bước, tránh vết thương của Lưu Hữu Lương, nhẹ nhàng nắm thắt lưng ông ấy như nhặt một tờ giấy, vác một nam nhân to lớn thô kệch lên vai.

Lý Nghiên há hốc mồm nhìn ông, thầy đồ nháy mắt cười với muội ấy, nói:

– Ôi, vị tiểu cô nương vô cùng xinh đẹp này có từng đọc tứ thư chưa? Thích đọc phần nào trong ngũ kinh?

– Muội ấy thích “Tam tự kinh” (4).

(4) Tam tự kinh: sách học chữ vỡ lòng cho trẻ nhỏ.

Chu Phỉ lạnh lùng nói:

– Đừng nói nhảm nữa, đi thôi!

Lâm Tiến trừng mắt với nàng:

– Lòng người thay đổi, lòng người thay đổi mà! Cô có học đến mấy cũng không thể nào biết tri thức hiểu lễ nghĩa đâu, đừng hòng vào cửa nhà ta.

Từ đó có thể thấy, sự “bỉ ổi” của Tạ Doãn tuyệt đối không phải bẩm sinh mà là có lai lịch.

Chu Phỉ giơ ngang thanh Toái Già, cả giận:

– Ông nằm mơ đi!

Lâm Tiến nhảy loi choi như khỉ tránh né, cười ha hả, vác Lưu đại thống lĩnh đang kinh hãi không thôi, phút chốc đã không còn bóng dáng.

Lý Nghiên chỉ vào hướng thầy đồ biến mất:

– Ông… ông ấy…

– Một tiền bối, tính tình hơi bỉ ổi chút nhưng xem như đáng tin cậy, giao cho ông ấy thì có thể yên tâm.

Chu Phỉ dừng lại, nhìn Lý Nghiên, nói tiếp:

– Tỷ không chờ Lý bà bà đâu, muội nói với huynh ấy một tiếng là được, tỷ còn có việc, qua mấy ngày nữa tới tết trùng cửu mới về nhà. Dọc đường cẩn thận nhé, tạm biệt.

Lý Nghiên vội nói:

– Nè, đợi…

Nhưng Chu Phỉ không đợi muội ấy mở miệng, bóng người lóe lên rồi biến mất.

Chạng vạng hôm sau, một chiếc thuyền nhỏ khoan thai nằm trên sóng nước, Chu Phỉ sớm đã không còn là con vịt cạn bị mái chèo làm xoay mòng mòng nữa, nàng thong thả ngồi bên mạn thuyền, thỉnh thoảng tiện tay khua một cái, chiếc thuyền nhỏ băng băng tiến về trước, đi ngược dòng cả ngày thì tới một rặng đá ngầm lớn.

Chu Phỉ không biết đã đi qua đây bao nhiêu lần, không cần bản đồ, không cần la bàn, nhắm mắt cũng có thể đưa thuyền nhỏ rẽ trái rẽ phải tiến vào một thạch trận khiến người ta hoa mắt, sau đó chui vào một hang động chỉ có thể cho một người đi qua. Nàng đặt mái chèo xuống, mặc cho dòng nước đẩy thuyền nhỏ tiến lên, uốn cong mấy lần, dòng nước càng lúc càng hẹp, càng lúc càng cạn, mãi đến khi thuyền không thể nào đi tiếp nữa, Chu Phỉ mới đậu thuyền nhỏ chỗ nước cạn, nhẹ nhàng nhảy lên trên bờ động đen ngòm, không hề có đuốc, nàng lần mò trên vách đá mấy lần, sau một tiếng vang nhỏ, trên vách đá bỗng mở ra một cánh cửa, đi vào trong khoảng một nén nhang thì phía trước trở nên rộng rãi sáng sủa, lộ ra nhà cửa trên đảo.

Có một lão ngư dân đang phơi lưới, thấy nàng đến thì không hề giật mình, hời hợt gật đầu với nàng, nói:

– Chu nha đầu, đến không đúng lúc rồi, mấy ngày trước tiểu tử kia tỉnh lại một chút, vốn định chờ con mấy ngày nhưng không được, hôm qua vừa bế quan trở lại rồi.

Chu Phỉ thở dài không quá rõ ràng, nói:

– Dọc đường gặp phải chút phiền toái.

Lão ngư dân đưa tay chỉ một sơn động đá ngầm thiên nhiên:

– Mau đi đi, nó có để lại thư cho con đấy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Bạn chấm truyện được mấy điểm!
loading...
DMCA.com Protection Status