Tào tặc

Chương 271: Núi Lục Hồn

Rõ ràng nhìn thấy người rơi vào lòng sông, chẳng ngờ lại chẳng có chút tung tích nào.

Chuyện này thực sự quá ly kỳ, chính vì thế Tào Bằng không khỏi nghĩ mãi. Phải biết rằng, hắn đã tận mắt nhìn thấy người nọ bị hất văng ra khỏi xe đẩy, vậy như thế nào y lại biến mất kỳ lạ, không chút dấu vết như thế? Máu hình sự từ kiếp trước lại sôi trào, Tào Bằng không nén nổi sự hiếu kỳ.

-Tứ ca.

Tào Bằng vừa định mở miệng nói, đã bị Chu Tán cản lại.

-A Phúc, ta biết ngươi muốn làm gì, nhưng trời đã sáng, ngươi còn phải đến núi Lục Hồn nữa. Lần này, ngươi có thể bái kiến trở thành môn hạ của Khổng Minh tiên sinh, có thể nói là đại phúc đại khí, ngàn vạn lần chớ nên bỏ qua. Còn chuyện này ta sẽ dốc sức điều tra. Đã có người bị đẩy xuống sông, chắc chắn phải có tử thi. Sau khi trời sáng hẳn, ta sẽ báo cáo huyện lệnh Tuy Dương phong tỏa toàn bộ đường sông Tuy Thủy, nhất định có thể tra được rõ ràng. Việc cần kíp của ngươi lúc này là thu dọn đồ, chuẩn bị sẵn sàng xuất phát. Từ đây đến núi Lục Hồn còn mất hai ngày đường nữa.

Tào Bằng ngẫm nghĩ một chút, gật đầu đáp ứng.

Bất kể như thế nào hiện hắn cũng chỉ có danh Kỵ đô úy, không có đến nửa phần thực quyền. Nói khó nghe một chút thì vụ án mạng này xảy ra ở Tuy Dương, là việc của huyện lệnh Tuy Dương và Chu Tán. Nếu như hắn quá nhiệt tình, chẳng phải nói bọn Chu Tán vô năng sao?

Tuy nói hắn và Chu Tán là huynh đệ kết nghĩa, nhưng chưa chắc Chu Tán đã vui lòng.

Chuyện này không chỉ là vấn đề về trách nhiệm và quyền lợi mà còn bao gồm cả thể diện của quan lại Tuy Dương từ trên xuống dưới.

Án mạng xảy ra dĩ nhiên là phải do quan viên Tuy Dương phụ trách, ngươi là một Kỵ đô úy lại chạy tới chỉ trỏ là có ý gì?

Ở thời hậu thế cũng thường xảy ra chuyện này.

Cục cảnh sát nói là sẽ hợp tác, nhưng thực tế nếu vụ án xảy ra ở địa phương nào thì cảnh sát địa phương đó chắc chắn sẽ không vui vẻ gì nếu có cảnh sát nơi khác đứng đó chỉ trỏ hay nhúng tay vào.

Tào Bằng không ngốc, Chu Tán tuy không nói rõ ràng nhưng hắn đã chú ý tới ý tứ trong lời nói của y.

Gãi gãi đầu, hơi xấu hổ cười cười, Tào Bằng nói:

-Tứ ca, huynh yên tâm. Ta chỉ đứng xem thôi. Hừng đông ta sẽ đi.

Chu Tán vỗ vỗ bờ vai của Tào Bằng, không nhiều lời nữa.

Quách Hoàn và Bộ Loan ở một bên thu dọn đồ đạc. Hạ Hầu Lan dẫn theo người chuẩn bị ngựa xe.

Tào Bằng đứng trên bậc thang tiền đình của dinh thự Bắc bộ úy, nhìn hai tên dịch đãi đẩy mạnh chiếc xe đẩy tới. Hắn liền nhảy xuống bậc thang, đi tới chỗ bọn họ.

-Chờ chút!

Dịch đãi vội vàng thi lễ.

Tào Bằng nói:

-Đây chính là chiếc xe bên bờ sông đúng không?

-Đúng ạ.

Hắn đi quanh chiếc xe đẩy hai vòng, chợt nhìn chăm chú, bốc lên một chút bùn đất trên xe.

-Các ngươi nói thử xem sao trên xe này lại có bùn vậy?

Hai tên dịch đãi nhìn nhau. Một tên cười nói:

-Công tử, chiếc xe đẩy này vốn là công cụ chở đồ linh tinh, có đôi khi chở nhiều thứ đồ được đặt chất đống trên đất. Có dính bùn đất cũng là chuyện bình thường thôi. Nhà của ta cũng có một chiếc xe đẩy còn bẩn hơn thế này cơ.

-Vậy sao?

Tào Bằng ngẫm nghĩ một chút, gật gật đầu, xem như công nhận câu trả lời này.

-Công tử, chúng ta đem vật này vào nhà kho trước đã.

-Thứ này để ở nhà kho sao?

-Đúng vậy, thật ra cũng không hẳn là nhà kho, chỉ là một gian phòng cất đồ thôi, rất lộn xộn. Chu bắc bộ úy nói giá tiền chế tạo chiếc xe đẩy này không thấp. Người nào bị mất nhất định sẽ đến lĩnh, cho nên trước mắt cứ cất giữ đã, sau đó sẽ dựa vào tình hình rồi quyết định.

-Cũng tốt, vậy cẩn thận một chút.

Tào Bằng cười cười, xoay người rời khỏi đây.

Thật đúng là con mẹ nó khó phân biệt a. Tuy nhiên bằng vào khả năng của tứ ca lại có mọi người ở Tuy Dương giúp đỡ, chắc việc tìm ra hung thủ cũng không khó khăn lắm.

Nói ra thì quan phủ muốn lập án cần tìm được thi thể trước đã.

Chỉ cần tìm được thi thể kia, chân tướng mọi chuyện đều sẽ rõ cả thôi.

-Công tử, mọi thứ đã thu dọn xong rồi.

-Vậy chúng ta chuẩn bị đi thôi.

Tào Bằng day day mũi, cất bước đi vào trong nhà.

Lúc này, trời đã tờ mờ sáng. Chu phu nhân cũng đã thức dậy, ôm lấy đứa nhỏ chuẩn bị đi ra.

Chu Tán không có ở nhà, nghe nói là ra ngoài tìm huyện lệnh Tuy Dương để báo án, đồng thời xin viện trợ. Chu phu nhân nói khi Chu Tán đi có nói sẽ không tiễn được Tào Bằng, muốn hắn đi đường cẩn thận. Sau khi đến núi Lục Hồn, nhất định phải học thật tốt, đừng để làm mất mặt tiểu bát nghĩa.

Nói xong, Chu phu nhân còn sai người lấy một cái gói đưa cho Tào Bằng.

-Đây là đồ tứ ca chuẩn bị cho đệ. Lúc nào tới Lục Hồn, nếu có gì cần, thì cứ báo một tiếng. Dù sao Tuy Dương cách đó cũng không xa lắm, có cần cái gì cũng tiện hơn.

Trong cái gói đó có một tập giấy, cùng một quyển sách.

-Tứ ca đệ nghe nói đệ thích đọc Luận ngữ, cho nên sai người tìm cuốn "Luận ngữ" này, tặng cho đệ làm lễ vật bái sư. Nghe huynh ấy nói, quyển "Luận ngữ" này là do Thái Ấp biên soạn. Lúc trước, nó cũng được cất trong tàng thư, tứ ca đệ mất rất nhiều công sức mới tìm được nó đấy.

Một quyển "Luận ngữ" thắm đượm tình cảm anh em.

Có lẽ, Chu phu nhân không hiểu được sự quý giá của cuốn "Luận ngữ" do Thái Ấp biên soạn, nhưng Tào Bằng hiểu rất rõ.

Ở đời sau, Luận ngữ có rất nhiều phiên bản nhưng phần lớn đều là do Trịnh Huyền soạn ra, về sau lại dần dần phát triển thêm nữa. Hầu hết mọi người không biết rằng những năm cuối thời Đông Hán, Thái Ấp thanh danh chẳng hề kém đại sư kinh học Trịnh Huyền là bao. Ông viết ra Luận ngữ lại càng được nhiều người xem hơn, còn được hoàng thất cất giấu. Chỉ có điều, những cuốn sách do Thái Ấp soạn gần như thất truyền. Chính vì thế, cuốn Luận ngữ do Thái Ấp soạn ra không có nhiều người biết, ngay cả Tào Bằng cũng không hiểu rõ lắm.

Nhưng hắn biết rằng vật như thế hiển nhiên là vô cùng quý giá. Sao hắn có thể không cảm kích cho được?

Chu Tán là người nghiện làm việc, nếu y đã nói như thế thì hắn cũng không cần phải đợi nữa.

Vì thế, Tào Bằng liền ngồi lên Chiếu Dạ Bạch. Quách Hoàn và Bộ Loan cùng ngồi lên xe ngựa. Mọi người chắp tay từ biệt với Chu phu nhân ngoài cửa quan thự Bắc bộ úy rồi vung roi ngựa đi.

Trời đã sáng, hai mươi cửa thành của thành Tuy Dương đều đã mở.

Tào Bằng đi dọc theo con phố, thẳng hướng đến Ung môn. Bên ngoài Ung môn, Sử A mang theo một hộp đồ ăn, đang chờ đoàn người của Tào Bằng.

-Sử đại hiệp, sao đại hiệp lại ở đây?

-Công tử, đường đi Lục Hồn rất xóc. Sử A cũng không có gì để tặng công tử nên chuẩn bị chút điểm tăm đặc biệt của Tuy Dương, trên đường đi công tử có thể thưởng thức một chút.

Lần này tới Tuy Dương quá gấp gáp, Sử A không thể tiếp đãi công tử tốt được.

Lần sau, công tử lại đến Tuy Dương, nhất định phải để Sử A được dốc lòng tiếp đón một phen.

Hộp đồ điểm tâm vẫn còn nóng hổi, hiển nhiên là vừa ra lò.

Sử A này tuy là người giang hồ nhưng không thể không nói gã là người trọng tình trọng nghĩa, hơn nữa rất chu đáo.

Tào Bằng cũng không khách khí, nhận lấy hộp đồ ăn trong tay Sử A, đưa cho Bộ Loan giữ.

-Sử đại hiệp, lần sau ta đến Tuy Dương, nhất định sẽ quấy quả đại hiệp một phen.

-Nhất ngôn cửu đỉnh.

Tào Bằng lại lên ngựa, chắp tay từ biệt Sử A.

Nhìn đoàn người của Tào Bằng đi càng lúc càng xa, Sử A thở phào một cái.

-Sư phụ, Tào Bằng kia chẳng qua chỉ là một Kỵ đô úy không có thực quyền, sao ngài phải coi trọng hắn như thế? Trước đây, không phải nhị công tử còn phái người truyền tin nói là mời ngài về Hứa đô dạy ngài ấy kiếm thuật sao? Có nhị công tử rồi, ngài hà tất phải để ý đến một Kỵ đô úy nho nhỏ chứ?

Nhị công tử chính là Tào Phi.

Sử A tuy nói là tiếp nhận đổ phường Thịnh Thế nhưng không tiếp nhận danh hiệu thầy dạy kiếm cho Tào Phi.

Xuất thân của gã, và những việc gã từng làm buộc gã không thể làm quan được. Nhớ lúc trước, lão sư Vương Việt của Sử A thân là lão sư kiếm thuật của Hoàng đế, một đời cầu quan, kết quả vẫn là tay trắng. Sử A không bằng Vương Việt nhưng có một điểm gã hơn Vương Việt đó là gã thích làm hiệp khách hơn.

Rất nhiều con cháu thế tộc quyền quý đều muốn làm hiệp khách, khiến cho những người làm hiệp khách nhìn qua rất nở mày nở mặt.

Nhưng trên thực tế, hiệp khách chân chính lại không quan tâm đến những chuyện như thế. Đen là đen, dù có như thế nào cũng không thể biến thành màu trắng được. Không có xuất thân tốt, làm hiệp khách chẳng khác nào tuyệt đường làm quan. Cho nên, ngay từ đầu, Sử A đã không muốn lăn lộn lẫn vào chốn quan trường.

Thà rằng cai quản Anh hùng lâu, kết bạn với anh hùng trong thiên hạ.

Sử A cảm thấy rất thoải mái.

Người vừa nói chuyện là đồ đệ của Sử A, tên là Miêu Húc.

Sử A cười cười, hạ giọng nói:

-Nhị công tử là nhị công tử, Tào công tử là Tào công tử. Ngươi không hiểu được đạo lý huyền diệu trong chuyện này đâu.

Miêu Húc mờ mịt, chẳng hiểu gì!

Tháng ba năm Kiến An thứ tư, Viên Thuật bại trận lùi về Giang Đình.

Trong lịch sử ghi lại, y chết vào tháng sáu.

Nguyên nhân chính là sau khi Lưu Bị một lần nữa chiếm lấy Từ Châu, mặc dù phụng mệnh ngăn chặn Viên Thuật nhưng bản thân gã lại không hề có ý định dốc toàn lực. Mà nay, Lưu Bị chạy trối chết ở Thanh Châu, hoảng sợ như chó nhà có tang vậy. Đặng Tắc và Trần Đăng liên kết, chia binh làm hai đường, dốc sức truy đuổi Viên Thuật dồn dập, không lúc nào thả lỏng.

Đến nỗi, khi Viên Thuật trốn tới Giang Đình, trong tay y chỉ còn lại ba mươi hộc lương thảo.

Y rất tức giận, rất muốn xả cho hết con giận này, nhưng nguyện vọng nho nhỏ này cũng không thể nào thực hiện nổi.

Ngồi trên giường, Viên Thuật hét lớn:

-Viên Thuật ta cũng có ngày hôm nay.

Trút ra cơn oán giận xong, lửa giận bốc lên hừng hực, y hộc máu bỏ mạng. Đường đường là gia tộc tứ thế tam công đến cuối cùng lại có kết cục thê lương như thế, thật chẳng ai có thể ngờ được. Sau khi Viên Thuật mất, tòng đệ là Viên Dận không dám trở về Thọ Xuân, liền dẫn theo bộ khúc, hộ tống linh cữu cùng vợ con của Viên Thuật định đến Lư Giang. Nào ngờ lúc này Lư Giang đã bị Tôn Sách chiếm lấy. Sau khi thành bị công phá, Lưu Huân chẳng biết đã đi đâu.

Đoàn người của Viên Dận rơi vào tay Tôn Sách!

Tôn Sách có được Lưu Giang, Đan Dương rồi, lực lượng tăng vọt.

Cuối tháng ba, hắn dẫn binh đóng quân ở Đan Đồ, luôn rình rập Quảng Lăng.

Nhất thời, Lưỡng Hoài lại dậy sóng. Tào Tháo vội vàng sai đại tướng Chu Linh dẫn quân đóng ở Bái huyện, luôn sẵn sàng tiếp viện Trần Đăng. Đồng thời, y lại lệnh cho đồn điền đô úy Hải Tây Đặng Tắc tuyển mộ binh mã. Ngày hai mươi bảy tháng ba, binh lính của Tôn Sách chia làm hai đường, từ Đan Đồ, Lư Giang đánh tới Quảng Lăng.

Dọc đường, Tôn Sách đích thân dẫn quân, đánh chiếm Giang Thủy.

Một đường khác do Tôn Hà thống lĩnh, lấy Đan Đồ trưởng là Lã Mông làm tiên phong, công chiếm Đông Lăng Đình, ý đồ hai mặt giáp công huyện Quảng Lăng, định chiếm lấy nơi này.

Nông đô úy Quảng Lăng Vương Mãi khẩn cấp xin viện binh của Hải Tây cho Hải Lăng!

Chiến tranh Giang Hoài nổi lên, nhưng Tào Bằng hoàn toàn không biết gì.

Lúc này, hắn đang trên đường tới Núi Lục Hồn.

Núi Lục Hồn còn có tên khác là Không Tang. Thời Xuân Thu, Tần Tấn đã đổi tên nơi này thành Lục Hồn. Thời kỳ Chiến quốc, nơi đây từng là thủ đô của nước Chúc Hàn. Sau thời Hán đại, huyện Lục Hồn ra đời, thuộc quyền quản lý của quận Hoằng Nông. Trên đường đi, Tào Bằng đi cũng khá chậm, nên vừa đi vừa có thể thưởng thức cảnh sắc ven đường. Khi đến được Lục Hồn, trời đã tối. Chính vì thế, hắn và Hạ Hầu Lan bèn hỏi nơi nghỉ ngơi của huyện lệnh huyện Lục Hồn và của Hồ Chiêu. Đêm đó, cả đoàn người nghỉ ngơi trong quan dịch của huyện Lục Hồn.

Trong khoảng cách ba trăm dặm, núi Lục Hồn có nước bao quanh.

Muốm tìm được Hồ Chiêu trong núi lớn bao la, cách tốt nhất là thông qua quan phủ đã.

Sáng sớm hôm sau, Tào Bằng liền rời khỏi quan dịch của Lục Hồn, đi thẳng đến Ngọa Long cốc. Thanh danh của Hồ Chiêu rất vang dội, lại thêm ông đã xây dựng thư viện ở núi Lục Hồn này, nên muốn hỏi thăm tin tức cũng không hề khó.

Chỉ có điều, Tào Bằng cảm thấy hết sức kỳ quái.

Hai vị Khổng Minh đều có hiệu là Ngọa Long, đều vừa làm ruộng vừa dạy học. Một Ngọa Long ở đồi Nam Dương, một thì ở đất Ngọa Long, núi Lục Hồn. Chẳng lẽ hai Ngọa Long này có mối liên hệ gì với nhau ư?

Cũng có thể nói người tên Khổng Minh đều thích hai chữ Ngọa Long chăng?

Tào Bằng nghĩ vậy rồi không khỏi mỉm cười.

Ngọa Long cốc ở phía đông Lục Hồn, cách Tuy Dương chừng ba trăm dặm, nằm ở giữa núi Lục Hồn.

Tào Bằng vừa đi vừa hỏi thăm, chẳng mấy chốc đã tìm được vị trí của Ngọa Long cốc. Ngọa Long cốc này quả thực rất lớn. Cái gọi là Hồ Chiêu ở Ngọa Long cốc thật sự là một khái niệm hết sức mơ hồ. Đi vào Ngọa Long cốc, suối nước uốn quanh, gập ghềnh giống như rắn uốn người.

Cây cỏ trong rừng cao chót vót, xanh ngút ngàn, thỉnh thoảng lại thấy có đầm đá nhỏ, cảnh sắc tươi đẹp.

Trong đầm nước ngoài đá cát ra, chỉ có bóng cá.

Chiếc xe đã không thể đi tiếp được nữa, vì thế Quách Hoàn và Bộ Loan đều phải xuống xe. Đám người Tào Bằng cũng xuống ngựa, tiếp tục đi bộ. Hai cô gái có lẽ chưa từng thấy cảnh sắc đẹp dường ấy nên đi đường cười vang không ngớt, thỉnh thoảng lại nghỉ chân đùa giỡn.

Tào Bằng cũng không thúc giục, chỉ đứng một bên nhìn.

Cứ như vậy, đoàn người đã đi qua Hắc Long đầm, Điếu đầm, Bạch Long đầm, hang Lão Hữu.

Cảnh trí trước mặt chợt nhiên thay đổi, sáng rỡ.

Trong thâm cốc, có một thôn xóm yên tĩnh, lặng lẽ nằm bên cạnh đầm Ngọa Long.

Thôn trang này nhìn qua thì không thấy lớn lắm, ước chừng chứa được khoảng mười hộ gia đình. Thôn trang có vẻ hơi hỗn độn, vừa loằng ngoằng, lại vừa rải rác bên đầm Ngọa Long, có vẻ rất u tĩnh.

-Lão trượng, xin hỏi Hồ Chiêu tiên sinh có ở nơi này không?

Hạ Hầu Lan chặn một tiều phu lại, lễ phép hỏi.

Tiều phu khẽ mỉm cười:

-Công tử đến bái sư Khổng Minh tiên sinh ư?

-A, sao lão trượng biết?

Lão tiều phu cười ha ha:

-Ngọa Long thôn này ở nơi thâm sơn cùng cốc, là nơi cực kỳ hẻo lánh. Vị công tử bên kia mặc dù quần áo nhìn giản dị nhưng khí độ phi phàm. Các người đến đây nhiều người như thế lẽ nào lại là du sơn ngoạn thủy chăng? Ngoài chuyện tiếp kiến Khổng Minh tiên sinh còn có việc gì được nữa? Tiểu ca, nói với công tử nhà ngươi là Khổng Minh tiên sinh có thể thu đồ đệ nhưng hết sức nghiêm khắc. Hai năm nay không ít công tử phú gia đến bái sư, nhưng đều bị đuổi đi hoặc cùng lắm là đệ tử ngoại môn. Nếu chỉ là vì cầu danh, ta thấy cũng không cứ. Khổng Minh tiên sinh tuyển chọn đồ đệ rất nghiêm. Hai năm nay, cũng chỉ có một người có thể nhập môn. Các ngươi nên bảo trọng.

Người miền sơn cước rất chất phác, lời nói cũng có vài phần lễ phép.

Tào Bằng đứng một bên nghe thấy thế không khỏi thấy kỳ lạ.

Hạ Hầu Lan tạ ơn vị tiều phu kia xong, liền quay lại bên cạnh Tào Bằng.

-Công tử, xem ra vị Khổng Minh tiên sinh này không dễ đối phó a.

Tào Bằng không nói gì, nhìn xuống thôn trang bên cạnh đầm nước u tĩnh kia. Một lát sau, hắn chợt nhoẻn miệng cười, một tay nắm dây cương, một tay cầm một cây trượng trúc, nhanh chân bước về phía chân núi. Cả đám người Hạ Hầu Lan đều ngẩn ra, vội vàng rảo bước theo sau.

Công tử vung tay vung chân đi thế kia hoàn toàn chẳng có chút khiêm tốn nào cả.

Vị tiều phu kia đã nói Khổng Minh tiên sinh lựa chọn môn đồ cực kỳ nghiêm khắc. Nếu công tử cứ tùy tiện đi như thế, dù có Tư không dẫn tiến nhưng chưa chắc có thể được Khổng Minh chấp thuận.

Vậy nên làm như thế nào cho phải đây?

Sự yên tĩnh của thôn trang nhỏ trong núi bỗng chốc bị phá vỡ.

Một đám người ngựa đi vào trong thôn khiến không ít người hiếu kỳ. Nhưng thôn dân rất nhanh đã đoán được mục đích đến đây của đoàn người. Đầm Ngọa Long vốn là một thôn trang nhỏ, hẻo lánh nhưng từ khi Hồ Chiêu chuyển nhà đến đây, lập nên thư viện, khiến thôn nhỏ trong núi này không còn lại sự hoang vắng năm nào nữa. Trên thực tế, năm nào cũng có mấy người đến nơi này tìm Hồ Chiêu bái sư. Có người là sĩ tử hàn môn, cũng có người là con cháu nhà quan cao cửa rộng. Người người qua lại, mọi người có thấy cũng chẳng thể trách cứ được. Chính vì thế, rất nhanh người dân trong thôn đều quay lại làm việc của mình.

Thư viện của đầm Ngọa Long chính là nguyên nhân khiến đầm Ngọa Long nổi tiếng.

Đoàn người của Tào Bằng tìm thấy thư viện này rất dễ dàng.

Thư viện nằm bên đầm Ngọa Long, diện tích không lớn lắm, ước chừng hai ngàn mét vuông.

Phòng trúc thanh nhã, tô điểm cho cảnh non nước xung quanh. Đầu hồi có bức tường cao hai thước, nghe nói là do người dân trong thôn tự xây. Cửa chính dùng gậy trúc làm thành, nhìn hết sức tao nhã, lịch sự. Bậc thang thấp thấp, ở góc có chút rêu xanh mơ hồ. Cả thư viện khiến người nhìn vào cảm thấy yên lặng, tĩnh mịch.

-Các ngươi ở đây chờ ta.

Tào Bằng dứt lời, cất bước đi lên bậc thang.

Đúng lúc này, cánh cửa mở ra.

Mấy người thanh niên đi từ trong thư viện ra, người đi đầu thân hình cao lớn, mặc bộ y phục màu tro bằng vải bao bố. Người này mày rậm, mắt to, khá oai hùng. Nhưng nếu cẩn thận quan sát, sẽ thấy ấn đường của y rất hẹp, môi hơi mỏng, ánh mắt cũng có vẻ hung ác, nham hiểm.

-Ngươi là ai?

Người thanh niên ngăn cản Tào Bằng, trầm giọng hỏi.

-Tại hạ là Tào Bằng, đến để bái kiến Khổng Minh tiên sinh.

-Tiên sinh không có ở đây. Ngươi đi đi.

-Vậy khi nào thì tiên sinh về?

-Sao ta biết được?!

Người thanh niên có vẻ không kiên nhẫn được nữa:

-Lâu nhất là hai năm, chậm thì cũng bảy, tám tháng. Chuyện của tiên sinh sao bọn ta có thể biết được.

Nơi này không chào đón ngươi, ngươi nên nhanh đi đi là hơn.

Tào Bằng nhíu mày, chợt nói:

-Niên huynh, huynh có biết nói dối chính là tội lớn không. Nếu còn có kiếp sau, rất có thể sẽ bị hóa thành súc sinh đấy.

Hắn cảm thấy được khi người thanh niên đuổi hắn, khóe mắt y không ngừng quét về phía trong thư viện.
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Bạn chấm truyện được mấy điểm!
loading...
DMCA.com Protection Status