Tào tặc

Chương 640: Trường phản pha

Ban đầu, Lưu Tông ở bên cạnh cũng không để ý tới. Thế nhưng Thái phu nhân lại nhận ra, Tào Bằng hình như không hề hứng thú với múa hát, bà sai người chuyển lời ý bảo Lưu Tông cố gắng để ý và quan tâm tới Tào Bằng, về danh nghĩa, Lưu Tông là học trò của Tào Bằng nên đã tiến đến kính rượu hắn.

Nghe hai người đàm luận binh pháp, Lưu Tông cũng ngồi bên lắng nghe với vẻ hiếu kỳ.

Nói ra thì đứa trẻ này cũng thật đáng thương.

Tào Bằng cũng không ác cảm gì với Lưu Tông, nó đã muốn nghe thì hắn liền lấy ba mươi sáu kế ra để giải thích một cách rõ ràng, dễ hiểu.

Văn Sính ở bên cạnh thỉnh thoảng đặt câu hỏi, khiến Lưu Tông thu hoạch được khá nhiều điều.

Ngay trong lúc Tào Bằng đang nói chuyện hưng phấn, bỗng nhiên thấy Thái Trung thần vẻ mặt hoảng hốt, chạy vào trong đình.

Gã tới trước mặt Tào Bằng và Văn Sính, thầm thì nói:

- Trọng Nghiệp tướng quân, vừa mới được thám mã hồi báo, Phàn Thành có biến động khác thường.

Phàn Thành có biến động khác thường sao?

Tào Bằng rùng mình, cảm giác ngà ngà say lập tức tiêu tan.

Hắn và Văn Sính đưa mắt nhìn nhau, đồng thời vươn người đứng dậy đi ra ngoài.

Phía sau bỗng nhiên nghe thấy giọng nói trẻ con của Lưu Tông:

- Tiên sinh, học trò có thể đi cùng tiên sinh không?

- Hả?

Tào Bằng ngẩn ra, quay đầu nhìn về phía Lưu Tông,

chỉ thấy một đôi mắt đen láy đầy hưng phấn và tò mò, còn ẩn chứa cả một chút cầu khẩn. Tào Bằng và Văn Sính nhìn nhau gật đầu.

Dù nói thế nào, Lưu Tông vẫn là học trò của hắn.

Bất luận Lưu Tông có bao nhiêu thật tâm và thành ý, nhưng đã là sư phụ thì Tào Bằng sẽ không keo kiệt.

Cứ như vậy, Tào Bằng và Văn Sính dẫn Lưu Tông và Thái Hòa vội vàng rời đi. Sự ra đi đột ngột của họ đương nhiên dẫn tới sự chú ý của rất nhiều người. Dù sao, Lưu Tông giờ đang là chủ của Kinh Châu, Tào Bằng là đại diện của Tào Tháo. Còn Văn Sính thì sao? Y nắm giữ an nguy của Tương Dương, ba người này bất ngờ rời khỏi bữa tiệc, chắc chắn đã xảy ra chuyện lớn. Có người lập tức thông báo cho Thái phu nhân, bà nghe xong nhưng không hề lo lắng chút gì.

- Tông nhi, quả thật đã trưởng thành rồi!

Bà để Lưu Tông bái Tào Bằng làm sư phụ, chính là để tìm một chỗ dựa vững chắc cho Lưu Tông.

Hiện giờ, Lưu Tông muốn ở bên Tào Bằng, chẳng phải rất đúng với tâm tư của bà sao? Thái phu nhân hiểu rất rõ, Tào Bằng tuyệt đối sẽ không để Lưu Tông mạo hiểm. Có thể giúp Lưu Tông được mở mang kiến thức, đối với tương lai của nó chỉ có lợi mà thôi. Tuy nhiên, bà chợt nhíu mày, tỏ vẻ lo âu.

- Đại đô đốc đâu rồi?

- Đại đô đốc say rượu nên đã nghỉ ngơi bên sương phòng.

Thái phu nhân càng bất mãn trong lòng: Ngươi nói xem Thái Mạo hắn lẽ nào không thể thiếu rượu được sao?

Ta thiết tiệc rượu thật ra là để trấn an chức sắc Tương Dương, kết quả đi ngược lại, những người đó đều không uống nhiều nhưng hắn lại uống lắm… Thật không thể làm được việc đại sự, Thái gia sau này do hắnnắm giữ, thật sự là lựa chọn phù hợp sao? Ôi, thật khiến ta tan nát cõi lòng!

Lưu Bị chia binh thành hai đường, suốt đêm rút lui khỏi Phàn Thành.

Gần một trăm người ra đi hoảng loạn, một đường tiến về phía đông, một đường đi xuống phía nam, chỉ để lại tòa thành trống không.

Đông tiến, đương nhiên là đi tới Giang Hạ; Nam hạ tức là thẳng tới Giang Lăng. Đối mặt với hai trăm nghìn Tào quân sắp sửa đến, đối mặt với thế tộc Kinh Tương ngày càng thân cận với Tào Tháo, Lưu Bị cũng không phải thằng ngốc, y biết rất rõ, dựa vào một huyện thành nhỏ bé như Phàn Thành, căn bản không thể làm nên chuyện.

Chỉ có cách rút lui để mưu tính chuyện sau này.

Dù sao chuyện này không phải lần đầu tiên làm, Lưu Bị cũng là ngựa quen đường cũ.

Nhưng việc phân binh này đã mang lại những phiền hà vô cùng to lớn cho Tào Bằng… Lưu Bị, rốt cuộc muốn rút lui đến Giang Hạ hay là chạy trốn tới Giang Lăng?

- Lưu Huyền Đức dẫn theo bảy mươi nghìn dân chúng Phàn Thành đi tản cư, tội thật đáng chết vạn lần.

Văn Sính giận dữ, nổi trận lôi đình.

Trong tay Lưu Bị có bao nhiêu binh mã, gã là người hiểu rõ nhất.

Cộng lại cũng chưa đến mười nghìn, hai mươi nghìn người mà thôi, nói là một trăm nghìn người, chắc chắn đã tính cả dân chúng Phàn Thành.

Từ xưa đến nay, tình cảm cuối cùng với quê cha đất tổ của người Hoa vẫn rất khó xa rời quê hương. Kể cả thanh danh của Lưu Bị cao tới đâu, cũng không thể có chuyện làm cho dân chúng đi tản cư theo được. Mà nay xuất hiện cục diện đó, cũng chỉ có một khả năng, đó là Lưu Bị dụ dỗ bách tính đi theo, tâm địa thật đáng chết.

- Lưu Bị muốn lôi bảy mươi nghìn dân chúng Phàn Thành ra để trì hoãn sự truy kích của chúng ta.

Văn Sính nhìn Tào Bằng khẩn thiết nói:

- Hữu Học, chúng ta lập tức truy kích, tuyệt không thể tha cho tên đại nhĩ tặc này được.

Trước đó, Văn Sính còn có chút cảm tình với Lưu Bị, nhưng từ khi biết y kéo dân chúng rời bỏ cùng, đột nhiên khiến gã cảm thấy căm phẫn.

Tên Lưu hoàng thúc này đúng thật là không từ một thủ đoạn nào cả.

Cùng lúc đó, Tào Bằng cũng rơi vào hai thế khó: Lưu Bị phân binh theo hai đường, rốt cuộc y đang đi đường nào?

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa nói, Lưu Bị chạy trốn đến Giang Hạ. Tuy nhiên, hiện giờ y lại chia quân rút chạy theo hai đường khiến hắn khó phán đoán. Hắn do dự một chút rồi lập tức dẫn Văn Sính vào trong đại doanh của Hổ Báo kỵ.

- Lệnh Minh, lập tức khởi binh mã, chuẩn bị ra quân.

- Vâng!

Bàng Đức không nói gì, nhận lệnh đi.

Tào Bằng dẫn Văn Sính thẳng đến trướng nhỏ ở hậu doanh để gặp Giả Hủ.

- Giả tiên sinh đến từ khi nào thế?

Văn Sính sao không biết đại danh của Giả Hủ, liếc thấy Giả Hủ cũng ở đây mà không khỏi kinh ngạc.

Tào Bằng giải thích:

- Thừa tướng có lệnh, không được để tên đại nhĩ tặc trốn thoát, lại lo lắng ta không phải đối thủ của y, vì thế phái Đô đình hầu tới giúp sức. Trọng Nghiệp tướng quân, chúng ta hãy báo cáo tình hình với quân sư, để ngài giải đáp nghi hoặc cho chúng ta…

Văn Sính không hỏi thêm, liền cùng Tào Bằng thuật lại tình hình.

Giả Hủ nhíu mày, lập tức lệnh cho người mang tới một tấm bản đồ xem xét cẩn thận.

- Hữu Học, ngươi nghĩ thế nào?

Tào Bằng không đáp lại, chỉ chăm chú nhìn tấm bản đồ.

Lâu sau, hắn mới thầm than trong lòng một tiếng:

“La Quán Trung làm ta lầm lẫn nhiều quá!”

- Giang Lăng, Lưu Bị nhất định đi Giang Lăng.

- Sao biết?

-Điều này…

Tào Bằng không biết nên giải thích thế nào, sở dĩ hắn khẳng định như thế chỉ vì hắn đã nhìn thấy một địa danh trên bản đồ: huyện Đương Dương.

Trương Dực Đức đại náo cầu Đương Dương!

Điển cố này ai cũng đều biết ở hậu thế.

Trong lịch sử, Lưu Bị bại trận chạy khỏi Phàn Thành, y chạy tới Giang Lăng chứ không phải Giang Hạ.

Nếu không, không thể xuất hiện chuyện thất tiến, thất xuất ở Trường phản pha, Trương Dực Đức đại náo cầu Đương Dương… Tào Bằng đang suy nghĩ nên giải thích thế nào thì Văn Sính ở bên lại tỏ vẻ nghiêm trọng, gã nhìn chằm chằm tấm bản đồ trước mặt, một lát sau bỗng nhiên lên tiếng:

- Hữu Học, còn nhớ trước kia, Lưu Bị mưu đồ bí mật chiếm lấy Tương Dương, có cả Ngũ Khê Man cũng tham gia không? Lưu Huyền Đức tới Giang Lăng, tính toán đúng là không đơn giản đâu.

Tào Bằng có phần chưa theo kịp mạch suy nghĩ của Văn Sính.

Ngược lại ánh mắt Giả Hủ lóe lên một tia sáng sắc lạnh. Lão đứng yên hồi lâu trước tấm bản đồ và nói với Văn Sính:

- Trọng Nghiệp, huyện Chi Giang có binh mã trấn thủ sao?

- Chi Giang?

Văn Sính sửng sốt, nghĩ một lúc rồi lập tức đáp lại:

- Chi Giang trưởng tên là Thái Dương, là tộc đệ của phu nhân và cũng là người giữ thành… Cách phía tây Chi Giang ba mươi dặm chính là núi răng hổ với một doanh trại hương dũng, có gần bốn nghìn người do Thái Dương quản lý.

Giả Hủ lại nói:

- Nếu xuất phát từ Tương Dương, đến núi Hổ Nha mất mấy canh giờ?

- Nếu cưỡi kỵ binh thì sáng sớm mai có thể tới.

- Trọng Nghiệp, trong tay ngươi có bao nhiêu binh mã?

- Tám nghìn bộ binh, ba nghìn kỵ quân.

Giả Hủ hít sâu một hơi, quay đầu nói với Tào Bằng:

- Hữu Học, ta nhớ ngươi nói rằng đã sai người tới Giang Lăng, có đáng tin không?

- Đương nhiên đáng tin.

- Tốt lắm, ngươi lập tức dẫn Hổ Báo kỵ truy kích, nhất định phải đuổi theo Lưu Bị trước khi Giang Lăng thất thủ.

Ta sẽ phái người tới Bạch Thủy, lệnh cho Tuấn Nghệ xuất binh giúp đỡ… Trọng Nghiệp, ngươi hãy triệu tập tất cả kỵ binh có thể điều động ở Tương Dương ngay, xuất phát trong đêm tới núi răng hổ. Ta dám khẳng định, tên đại nhĩ tặc đó chắn chắn tới Giang Lăng. Lão này quả nhiên không phải kẻ tầm thường, mưu đồ của y chính là bốn quận Kinh Nam.

Tào Bằng nghe vậy chỉ im lặng.

Lưu Bị có dã tâm lớn vậy sao?

Y có khả năng để mưu tính giành lấy bốn quận Kinh Nam ư?

Trong lịch sử, y sợ hãi như con chó trong nhà có tang, chỉ xin một chỗ nương thân. Chẳng lẽ sau khi Tào Bằng tái sinh lại khiến lịch sử thay đổi sao?

Thấy Tào Bằng và Văn Sính không hiểu, Giả Hủ liền giải thích một cách rõ ràng.

- Ta luôn để ý tên đại nhĩ tặc này, sau khi y rút lui khỏi Phàn Thành, nhìn có vẻ rất thành thật, tuy nhiên y ngấm ngầm có các hành động nhỏ. Qua một thời gian, Giang Hạ và Trường Sa thường xuyên có thư tới. Hơn nữa có mật thám báo cáo rằng, Giang Hạ và Giang Đông qua lại thân thiết, đặc biệt là từ đầu năm, Lưu Bị mấy lần sai người bí mật tới Giang Đông, hình như có ý liên thủ với nơi đây. Lưu Bàn và Lưu Kỳ có tình nghĩa huynh đệ. Lưu Biểu khi còn sống, Lưu Bàn cũng không dam thể hiện gì.

Vì thế gã thường lén lút qua lại với Lưu Kỳ… Tên này cùng Lưu Kỳ đồng thời tiến vào chiếm giữ Kinh Châu. Xét về tình cảm còn thắm thiết hơn nhiều so với Lưu Tông công tử. Mà nay Lưu Kỳ và Lưu Bị thân thiết với nhau, nếu Lưu Bị giành lấy Giang Lăng thì Lưu Bàn tất sẽ làm phản.

Thứ nhất, Lưu Bàn là Thái thú của quận Trường Sa.

Bảy ngày tang đầu của Lưu Biểu, theo lý mà nói Lưu Bàn nên tới lễ truy điệu, thế nhưng lại không hề thấy bóng dáng đâu.

Trong lòng Tào Bằng không khỏi chấn động vì việc này:

- Ý của tên sinh là còn có lý do thứ hai sao?

Giả Hủ gật đầu:

- Đúng thế.

Lần này, ngay cả Văn Sính cũng có phần căng thẳng.

Càng không cần phải nói đến Lưu Tông, muốn đi cùng hộ tống là để mở mang thêm kiến thức.

Văn Sính vội vàng nói:

- Vẫn mong tiên sinh chỉ dạy.

Giả Hủ tiếp lời:

- Hữu Học, Trọng Nghiệp, hai người không cho rằng lúc này Giang Đông công chiếm Bạc La Uyên có vẻ hơi kỳ quặc sao?

- Ý ngài là thế nào?

Lưu Tông ngạc nhiên hỏi.

Giả Hủ khẽ mỉm cười nói:

- Tôn Quyền lập Chu Thái làm chủ tướng, Từ Uy làm phó tướng, bất ngờ xuất binh tấn công Vũ Lăng, chiếm lấy Bạc La Uyên, ý nghĩa trong đó không hề tầm thường. Thừa tướng chinh Liêu đại thắng, Viên thị đã khó làm nên chuyện, chỉ còn lại Cao Cán, căn bản không đáng để lo lắng…

Nay Thừa tướng sai Thúc Tôn tới Hà Đông, không phải không có nguyên nhân.

Hữu Học, ngươi và Tử Liêm có quan hệ làm ăn, mà Vệ thị ở Hà Đông mấy năm trước dựa vào thỏa thuận với ngươi để mở ra con đường buôn bán tới Hà Tây, từ đó phát tài lớn, có thể coi là đồng minh thân cận của ngươi. Tử Hiếu dù không bị cản trở gì ở Hà Đông nhưng không có nghĩa là hắn ta có thể chỉ huy phù hợp. Còn Thúc Tôn thì khác, phía sau gã có ngươi giúp đỡ, dù là Tử Liêm hay Vệ Ký đều sẽ không khó xử vì điều đó, thậm chí còn dốc sức tương trợ. Trong khi đó vùng Hà Tây lại do một tay ngươi xây dựng nên, Thái thú Hà Tây Bàng Thống cũng dành cho Thúc Tôn sự giúp đỡ lớn nhất.

Không cần nói đến lệnh tôn là Thứ sử Lương Châu.

Vì thế, có Thúc Tôn đứng ra nắm giữ Hà Đông, đủ để khiến Cao Cán khó hành động được.

Vùng biên cương phía bắc này không còn bất kỳ điều gì có thể hãm chân, Tôn Quyền sao có thể không nhìn ra mục tiêu tiếp theo của Thừa tướng? Đơn giản là hai vùng Kinh Tương và Giang Đông…

Tôn Quyền chỉ có hai lựa chọn.

Hoặc quy hàng Thừa tướng, hoặc liên kết với người khác, dựa vào Đại Giang Thiên Tiệm để tranh giành với Thừa tướng.

Lúc này gã tấn công Vũ Lăng, chỉ e rằng cũng có dụng ý khác. Giang Đông hiện giờ vẫn khó nuốt được Kinh Nam, gã sẽ không cam tâm tình nguyện ngồi nhìn chủ công âm mưu giành lấy Kinh Châu, vì thế hỗ trợ Lưu Bị chiếm lấy Kinh Nam, cũng có thể ghìm chân Thừa tướng. Nếu ta đoán không sai, chỉ mấy ngày nữa Lưu Bàn ắt sẽ xuất binh cứu viện Vũ Lăng, còn Lưu Tiên cũng không thể từ chối, tất nhiên cực lực hoan nghênh. Tới khi đó, Lưu Bàn chiếm Vũ Lăng, sẽ có thể đón Lưu Bị vào làm chủ Kinh Nam. Dựa vào vùng Giang Lăng, phía đông liên thủ Giang Hạ, phía nam trấn giữ Kinh Nam, nối với Giang Đông thành một thể, sau đó liên kết với Ba Thục.

Như vậy, Đại Giang thiên Tiệm bắc ngang phía trước, Thừa tướng còn muốn chinh phạt, có lẽ sẽ phải hao tâm mưu tính một phen.

Chỉ cần Lưu Bị ngồi yên ổn ở bốn quận Kinh Nam, chắc chắn sẽ cấu kết với Mã Siêu ở Vũ Đô. Mã Siêu đến khi đó binh tiến vào Quan Trung thì Thừa tướng sẽ rút quân quay về.

Thuật hợp tung này, có lẽ bên cạnh Tôn Quyền cũng có người tài giỏi nhìn ra manh mối.

Giả Hủ nói một mạch làm cho Lưu Tông há hốc mồm không nói ra lời.

Tào Bằng trầm ngâm giây lát mới hiểu ra những điều sâu sa trong đó.

Liên minh Lưu - Tôn của Gia Cát Lượng cuối cùng vẫn xuất hiện… Bên cạnh Tôn Quyền có Lỗ Túc, Lỗ Tử Kính, tất nhiên cũng có thể nhìn ra được manh mối…

Xích Bích, chung quy là khó tránh được.

Tào Bằng nuốt nước bọt, không nói thêm gì chỉ chắp tay và rời khỏi trướng nhỏ.

Văn Sính dẫn theo Lưu Tông quay về Tương Dương, còn Tào Bằng mau chóng tập trung ba nghìn Hổ Báo kỵ truy kích Lưu Bị.

Có thể khẳng định, mục tiêu của Lưu Bị là Giang Lăng, điểm này không hề giả tý nào. Tuy nhiên, trong lòng Tào Bằng vẫn thấp thỏm… Binh mã tới Giang Hạ, không cần hắn phải hao tâm tổn trí. Giả Hủ đã ra mặt, chắc chắn sẽ thuyết phục Thái phu nhân xuất binh truy kích. Có Vương Uy ở đó, vấn đề không lớn lắm. Còn Giả Hủ để Văn Sính tới núi răng hổ, ban đầu cũng khiến Tào Bằng thấy khó hiểu. Theo lý mà nói, để Văn Sính và Tào Bằng cùng truy kích chẳng phải càng tốt hơn sao? Thế nhưng, Tào Bằng nghĩ lại đã hiểu ra mấu chốt trong đó. Tại sao Giả Hủ lại để Văn Sính tới núi răng hổ trước? Chỉ vì Văn Sính nói, trong bảy ngày tang đầu tiên của Lưu Biểu, có Ngũ Khê Man giúp đỡ Lưu Bị hành sự, sau đó Giả Hủ lập tức đã quyết định ngay.

Ngũ Khê Man!

Tất nhiên là lý do này…

Lưu Bị đã liên kết với người Ngũ Khê Man, vì thế Giả Hủ mới để cho Văn Sính đóng giữ ở núi răng hổ.

Chi Giang ở phía tây Giang Lăng, còn núi răng hổ ở phía tây của Chi Giang. Qua núi răng hổ lại hướng về phía tây chính là núi Kinh Môn, thuộc khu vực của Ngũ Khê Man.

Nếu Lưu Bị cấu kết với người Ngũ Khê Man, y nhất định sẽ bảo người Ngũ Khê Man xuất kích để giành lấy Chi Giang, trợ giúp y chiếm lĩnh Giang Lăng. Như thế đồng nghĩa với việc có thêm một lớp khóa ở đại môn của bốn quận Kinh Nam. Ấy, muốn tiếp tục đánh chiếm lấy Kinh Nam sẽ ngày càng khó khăn.

Chả trách giai đoạn này, Lưu Bị lại im ắng như thế.

Trước đó Tào Bằng cũng rất kỳ lạ, theo lý mà nói, Lưu Bị sau khi đánh lén Tương Dương thất bại, lẽ ra nên có hành động.

Khi đó, Kinh Tương đang rơi vào thế hỗn loạn, sao y lại án binh bất động? Mặc dù hiện giờ vẫn hỗn loạn như cũ, nhưng dù sao Kinh Châu đã có chủ nhân… Đối với người Kinh Châu mà nói, tương lai của họ đã rất rõ ràng, không đến mức mù mịt như ban đầu mà không biết phải làm sao…

Hóa ra là mưu tính giành lấy Kinh Nam!

Thủ đoạn được lắm, tâm kế hay lắm!

Tào Bằng đội mũ quán giáp, trèo lên Sư hổ thủ.

- Truyền quân lệnh của ta, Kỵ Báo đi đầu, Hổ Kỵ theo sau…

Lệnh Minh, ngươi đích thân dẫn Kỵ Báo truy kích, ta dẫn Hổ kỵ theo sau. Nếu đuổi kịp được Lưu Bị, khỏi cần khách sáo, cứ giết y cho ta là được.

- Tòng Chi.

- Có mạt tướng.

- Ngươi mau tới Giang Lăng, nói cho Hán Thăng tướng quân, xin ngài nhanh chóng hành động giành lấy huyện Giang Lăng, sau đó xuất binh tiếp viện, không được sai sót.

Tào Bằng ra lệnh và lập tức hít sâu một hơi.

- Xuất phát!

Trời đã vào đêm, gió nổi lên.

Mưa mùa đông lất phất rơi, kèm theo những hạt băng nhỏ xíu như hạt kê, bay lả tả xuống nhân gian. Mây đen dày đặc che lấp cả trăng sáng. Trong cánh đồng bát ngát là một màu tối đen, chỉ nghe thấy từng đợt tiếng vó ngựa dồn dập, quanh quẩn trong trời cao, rất lâu vẫn không tiêu tan…

Tào Bằng khoác trọng giáp lên người, thúc ngựa lao đi vội vã.

Sư hổ thú ngửa móng chạy như điên, vượt lên trước nhất trong đội ngũ.

Ở phía sau hắn, hai nghìn Hổ Báo kỵ dàn trận thành từng dãy. Mặc dù phóng ngựa như tên bắn nhưng đội hình không hề tán loạn. Từ năm Kiến An thứ hai, sau khi Hổ Báo kỵ được thành lập, nhiều đời lang tướng đều rất coi trọng đội ngũ quân trận. Đội ngũ trước đây không được để ý, đến nay đã trở thành môn học bắt buộc của Hổ Báo kỵ. Từ lúc đầu là Hạ Hầu Hành, Tào Hưu, đến các lang tướng Hổ Báo hiện giờ đều cực kỳ xem trọng việc huấn luyện đội ngũ này.

Hạ Hầu Hành chết vì bệnh năm Kiến An thứ sáu.

Tào Hưu giờ đã phong quan lên làm Giáo Úy Xạ Thanh, nắm giữ một doanh trại.

Tính kỹ ra thì thật đau lòng… Nhớ trước đây, Hạ Hầu Hành và Tào Hưu nhận lời mời của Điển Vi tới học thao diễn đội ngũ, bắt đầu bộc lộ tài năng. Thế nhưng hiện giờ, một người đã mất, một người thăng chức, khiến người ta phải cảm khái trước những biến đổi của thế sự vô thường, bãi bể nương dâu.

Tào Bằng chất chứa bao tâm sự trong lòng, tay nắm chặt dây cương.

Xuất phát từ Tương Dương, loáng cái đã hai canh giờ trôi qua, thành Tương Dương đã không còn nhìn thấy bóng dáng từ lâu.

Nước mưa lạnh buốt hắt lên người, cách một lớp áo giáp vẫn có thể cảm nhận được hơi lạnh thấu xương đó. Mùa đông ở Kinh Sở hoàn toàn khác với phương bắc. Nếu nói cái lạnh ở phương bắc như cắt da cắt thịt, thì mùa đông ở Kinh Sở lại ngọt hơn, thấm vào trong tận xương tủy.

- Đô đốc, mưa càng lúc càng lớn.

Một tên nha binh thúc ngựa đuổi theo, lớn tiếng la lên.

Mặt gã được che bởi một chiếc khăn và bịt kín mồm miệng, đến nỗi khi hét lên, âm thanh mơ hồ không rõ, khiến mọi người thấy rất lơ mơ. Nhưng nếu không như thế, khi phóng ngựa bay như tên bắn sẽ không thể mở miệng ra được. Chỉ cần mở miệng là một luồng nước lạnh sẽ ào vào, xông thẳng xuống phổi, làm cho toàn thân rét run, không nói được câu nào.

- Cái gì?

- Có thể nghỉ ngơi một lát không?

- Không được.

Tào Bằng giật ngựa dừng lại bên đường, Hổ kỵ lao qua vun vút.

- Lệnh Minh đã đi trước truy kích, giờ này có lẽ đã sắp đuổi kịp tặc quân rồi.

Lưu Bị mặc dù thất bại tháo chạy nhưng trong tay vẫn có đủ binh mã. Chỉ dựa vào mình Lệnh Minh, e rằng khó chống đỡ được. Chúng ta tuyệt đối không thể dừng lại, nếu không Lệnh Minh và Báo kỵ sẽ nguy hiểm.

Đúng rồi, phía Bạch Thủy có tin tức chưa?

- Bẩm đô đốc, ban nãy qua Di Thủy, trên đường tới Nghi Thành có nghe thám báo báo cáo.

Trương tướng quân và Cao tướng quân mỗi người dẫn một quân đã rời khỏi Bạch Thủy… Tào tướng quân cũng sai người tới Chương Lăng cầu viện, nói chậm nhất khi trời sáng, Ngụy tướng quân sẽ dẫn binh mã tới. Đô đốc, đi tiếp về phía trước là Biên huyện, có thể nghỉ một lát ở đó rồi mới tiếp tục truy kích không?

Theo binh mã Hạ Hầu Đôn tiến thẳng tới quận Nam Dương, đóng quân ở Tân Dã.

Ngụy Diên phụng mệnh vào Chương Lăng, một mặt là để hỗ trợ Tào Bằng ở Tương Dương bất cứ lúc nào, mặt khác có thể viện trợ cho Bình Xuân.

Bạch Thủy thuộc quyền cai trị của Chương Lăng, Tào Chân và Ngụy Diên thuộc các hệ thống khác nhau, vì thế không có gì tiết chế lẫn nhau cả.

Giả Hủ bảo Tào quân ở Bạch Thủy xuất kích, nói thẳng ra cũng là để Ngụy Diên theo sát. Lão biết rất rõ, Ngụy Diên là người của Tào Bằng… Vì thế chỉ cần nói với Ngụy Diên là Tào Bằng cần trợ giúp, hắn ta tuyệt đối không trì hoãn chút nào. Tào Bằng nghĩ một lúc cũng tán thành ý kiến của Nha tướng.

Hành quân lúc đêm đông giá rét, lại có mưa phùn cản trở.

Việc hành quân trở nên cực kỳ khó nhọc, cũng làm tiêu hao thể lực nhiều.

- Truyền lệnh của ta, tạm thời nghỉ ngơi ở Biên huyện, nửa canh giờ sau tiếp tục lên đường.

- Vâng!

Nha tướng nhận lệnh đi, Tào Bằng cũng giơ roi thúc ngựa để đuổi kịp đám bộ hạ Hổ kỵ kia.

Lúc này, đã qua nửa đêm, thời tiết ngày càng lạnh. Mưa phùn lất phất đã bắt đầu cuồng bạo hơn, những cơn gió lớn tạt mạnh, gào thét trong cánh đồng hoang vu.

Chặng đường đi quá gian nan!

Có điều tin chắc rằng, việc hành quân của Lưu Bị cũng không thoái mái gì…

Biên huyện trưởng đã nhận được thông báo từ lâu, vội vàng triệu tập nhân lực, chuẩn bị sẵn đồ ăn nóng hổi.

Khi Tào Bằng tới Biên huyện, Báo kỵ của Bàng Đức cũng đã nghỉ ngơi xong, đang chuẩn bị xuất phát. Tào Bằng sai người tìm Bàng Đức đến, trải tấm bản đồ Kinh Bắc trong chiếc lều được đựng lên tạm thời, sau đó khẽ trao đổi và thảo luận với nhau.

- Lưu Bị cũng là người có kinh nghiệm chiến trận, thông hiểu binh pháp.

Y chắc chắn có cách gì đó, vì vậy càng phải cẩn thận hơn để tránh mắc lừa. Lệnh Minh hãy nhớ kỹ, nếu đuổi kịp Lưu Bị, nhất định phải ra một đòn chí mạng, tuyệt không thể có chút do dự. Chỉ cần để Lưu Bị phát hiện ra tung tích, y sẽ lập tức triển khai phản kích.

Chúng ta không đủ binh lực nên chỉ có thể lấy yếu tố bất ngờ để chiến thắng, phải gây ra hỗn loạn trong hạn độ lớn nhất. Cũng chỉ có như thế mới chặn được binh mã của Lưu Bị.

Chỉ cần giữ vững đến khi trời sáng, binh mã của Văn Trường và Tuấn Nghệ đến là có thể tiêu diệt toàn bộ quân Lưu Bị.

Ta đã sai thám báo thăm dò tin tức của Lưu Bị, ngươi cũng phải cẩn thận hơn, lúc nào cũng phải cảnh giác mới được.

- Mạt tướng đã rõ!

Bảng Đức nhận lệnh, dẫn đầu Báo kỵ tiếp tục truy kích.

- Lưu Bị đi qua Biên huyện từ khi nào?

Tào Bằng gọi biên Huyện trưởng hỏi.

Biên huyện trưởng đó chưa lớn tuổi lắm, ước khoảng ba mươi, nhìn rất trẻ. Ngũ quan cân đối, tướng mạo đường đường, dáng vẻ siêu phàm.

Thấy Tào Bằng hỏi, gã vội vã chắp tay đáp:

- Khoảng ba canh giờ trước, Lưu Bị đã thông hành từ ngoài thành.

Nhìn qua đội hình có khoảng hơn hai mươi nghìn người… Lúc ấy trời đã tối, ty chức không dám manh động, vì thế chỉ sai người bảo vệ tốt cửa thành, bày thế trận sẵn sàng đón địch. Lưu Bị hình như cũng không có ý định đánh chiếm một huyện thành nhỏ bé nên đã vội vã rời đi. Lúc này, có lẽ y đã đi qua Lam Khẩu Tụ.

Lam Khẩu Tụ là một vùng rộng lớn bên bờ Hán Thủy, ước chừng dân số khoảng hơn mười nghìn người.

Tào Bằng tính toán thời gian, ngạc nhiên hỏi:

- Theo hành trình, lúc này Lưu Bị nên đi qua Đương Dương rồi chứ, sao lại nói y đi qua Lam Khẩu Tụ?

- Đương Dương?

Biên huyện trưởng mỉm cười:

- Công tử, nếu như bình thường thì giờ này Lưu Bị đã đến gần Giang Lăng.

Tuy nhiên trời nổi gió vào giờ Tuất, mưa phùn lất phất, đường Kinh Sở vốn đã khó đi, nay càng trở nên gập ghềnh. Y mang theo xe ngựa, muốn gia tăng tốc độ chắc chắn là điều không thể. Vì vậy, tại hạ đoán tên Lưu Bị đó rất có thể sẽ dừng lại nghỉ chân ở dốc Trường Bản, đợi cho mưa lớn dừng hẳn.

Mưa to như thế, muốn đi qua dốc Trường Bản, tuyệt đối không phải chuyện dễ dàng.

Nếu công tử muốn truy kích, hãy lập tức khởi hành, dự tính đến giờ Dần có thể đuổi kịp Lưu Bị.

Người này dường như không hề đơn giản đâu!

Khi Tào Bằng nghe thấy ba chữ dốc Trường Bản, đột nhiên giật mình lạnh toát.

Dốc Trường Bản, Triệu Tử Long?

Trong lòng hắn bất ngờ thấy hoảng loạn, lớn tiếng quát:

- Truyền lệnh tam quân, mang theo rượu, nước, lương khô, sau một nén nhang sẽ lên đường truy kích.

Chỉ dựa vào Bàng Đức, e rằng có hơi nguy hiểm.

Cũng không hiểu được viện quân kia khi nào có thể tới nơi, Hoàng Trung liệu có đến Đương Dương kịp thời không?

Nghĩ đến đây, Tào Bằng không dám chần chừ, vội lệnh cho người đi gọi Bàng Đức lại, bảo gã tạm thời ngừng truy kích. Sau đó, Hổ Báo kỵ bắt đầu thu xếp đồ đạc, Tào Bằng cũng chấn hưng lại tinh thần sau khi ăn no bụng, hắn nắm dây cương trèo lên lưng Sư hổ thú, rồi đột nhiên ghìm dây cương lại, nhìn Biên huyện trưởng đang bận luôn tay luôn chân kia.

- Vẫn chưa thỉnh giáo quý tính đại danh của các hạ.

- Ty chức Tưởng Uyển, tự Công Diễm, là nhân sĩ Tương xã ở Linh Lăng.

- Tưởng Uyển, sau khi đợi ta rời đi, ngươi lập tức khởi hành tới Tương Dương. Đến đó ngươi hãy cầm lệnh tiễn của ta tới gặp Đô đình hầu Giả Hủ, nói do ta tiến cử tới, lão đương nhiên sẽ hiểu. Với tài của ngươi, chức Biên huyện trưởng ở một nơi hẻo lánh nhỏ bé thế này có phần hơi oan ức, nên có cơ duyên lớn hơn mới được.

Tưởng Uyển ngẩn ra, rồi chợt mừng vui khôn xiết.

Gã vội vàng khom mình thi lễ, đỡ lấy lệnh tiễn từ tay Tào Bằng, cung kính đáp:

- Ti chức xin đa tạ sự cất nhắc của công tử.

Tào Bằng gật đầu, thúc ngựa đi.

Bàng Đức vốn đã chuẩn bị xuất phát, nhưng lại bị Tào Bằng gọi lại, hai người sánh vai nhau đi.

- Vừa rồi, tên huyện trưởng Biên huyện kia nói, gã tên là Tưởng Uyển sao?

Đi ra khỏi Biên huyện được vài dặm, Tào Bằng đột nhiên ghìm ngựa, nghiêng người hỏi Bàng Đức.

Bàng Đức hơi sửng sốt, lập tức đáp lại:

- Đúng vậy!

Tên kia là Tưởng Uyển sao?

Hắn chẳng phải là thuộc hạ của Lưu Bị sao?

Cái tên Tưởng Uyển này đối với Tào Bằng mà nói không hề xa lạ. Trong danh sách xuất binh của Gia Cát Lượng từng có ba cái tên, đó là Phí Húy, Tưởng Uyển và Hướng Sủng. Gia Cát Lượng cũng rất coi trọng Tưởng Uyển, thậm chí còn nói với Lưu Bị rằng: Nếu thần gặp tai họa không may, mọi việc về sau sẽ giao phó cho Tưởng Uyển…

Chỉ có điều, Tào Bằng không ngờ, lúc này Tưởng Uyển cũng đang ở Kinh Châu.

Hơn nữa còn giữ chức huyện trưởng của một huyện nhỏ, danh tiếng không lấy gì làm hiển hách cho lắm.

Đột nhiên hắn hơi hối hận, tội gì đi giới thiệu Tưởng Uyển cho Giả Hủ? Kể cả tiến cử gã đi Lương Châu cũng được mà… Một nhân tài như thế lại tự nhiên gặp thoáng qua.

Thế nhưng lúc này, Tào Bằng cũng chỉ hối hận giây lát mà thôi.

Hắn không có thời gian để suy nghĩ quá nhiều, vì ở phía trước chính là dốc Trường Bản mà hắn đã rất quen thuộc.

Được rồi, nếu sau này trở về mà Tưởng Uyển vẫn chưa được sắp xếp, ta sẽ tìm Giả Hủ bàn bạc là được. Nghĩ tới đây, Tào Bằng thúc ngựa lao lên:

- Lệnh Minh, truyền lệnh mau bảo Hổ Báo kỵ lên đường truy kích.

Bóng đêm nặng nề bao phủ.

Giờ Dần vừa qua, mưa lớn đã tạnh.

Tuy nhiên, mặc dù đã ngừng mưa nhưng nhiệt độ lại không hề tăng trở lại. Trái lại, do trời sắp sáng nên thời tiết mỗi lúc thêm lạnh.

Triệu Vân bỗng giật mình tỉnh giấc, thò tay cầm lấy chiếc Long Đảm thương dài trượng hai.

- Tướng quân, sao không ngủ thêm một chút nữa?

Nha binh thấy Triệu Vân thức dậy, vội vàng đi tới.

Bên tai mơ hồ văng vẳng tiếng khóc như đang bị cưỡng ép áp bức. Triệu Vân gắng sức lắc lắc đầu để cho đầu óc tỉnh táo lại một chút, sau đó trầm giọng hỏi:

- Canh giờ nào rồi? Ta đã ngủ được bao lâu?

- Chưa được nửa canh giờ, vừa nãy mới qua giờ Dần.

- Theo ta đi ra ngoài một chút.

Triệu Vân dứt lời liền đón lấy chiếc áo choàng dài từ tay nha binh và khoác lên người.

Gã cầm thương kiếm, bước nhanh ra ngoài quân trướng. Gió lạnh ập đến khiến gã giật mình. Đầu óc vốn còn đang u mê bỗng chốc hoàn toàn tỉnh táo. Y hít sâu một hơi, đưa mắt nhìn quanh bốn phía. Tuy nhiên trong bóng đêm, ánh lửa của những chòm sao rơi xuống cánh đồng hoang.

Mấy chiếc quân trướng được dựng ngay bên cạnh.

Trong ánh lửa có thể nhìn thấy đám quân tốt đứng canh gác đang lạnh run trong gió lạnh buốt.

Đi suốt một đêm trên đường, dầm mưa cả đêm, lại bị gió lạnh thổi ào ạt, đối với những tên lính đó mà nói, quả thật là một sự tra tấn không tả nổi.

Nhưng khổ nhất có lẽ vẫn là dân chúng bị dụ dỗ cưỡng ép đến đây.

Trong thâm tâm, Triệu Vân không tán thành cách làm này. Tháng chạp mùa đông giá rét, để dân chúng từ bỏ quê nhà, trôi giạt khắp nơi, thực không phải là một việc tốt. Nhưng cũng chẳng còn cách nào, binh lực của Chủ công không có nhiều, cũng cần đám thanh niên cường tráng này bổ sung binh lực. Nếu không, làm sao công chiếm được Giang Lăng? Triệu Vân cũng vô cùng áy náy đối với những dân chúng bị chiêu mộ tạm thời đó. Tuy nhiên không còn cách nào, đây là thời loạn… không cho phép gã thương hại người khác. Âm mưu giành lấy Tương Dương lúc trước thất bại, Tào Bằng hung hăng ép người, từng bước áp sát.

Có thể hiểu được những áp lực mà Lưu Bị phải chịu đựng.

Lần này âm mưu giành lấy Giang Lăng cũng là chuyện bất đắc dĩ mà thôi.

Theo âm mưu của Lưu Bị, chỉ cần lấy được Giang Lăng là có thể giành Vũ Lăng về tay mình, Hai vùng Trường Sa và Kinh Nam sẽ được coi như vật trao đổi, quận Quế Dương và Linh Lăng do Tôn Quyền ở Giang Đông tiếp quản. Đây cũng là lý do chính khiến Tôn Quyền phái Chu Thái và Từ Thịnh đi thôn tính Bạc La Uyên.

Lưu Bị hiểu rất rõ, quyết định này hơi hoang đường.

Nhưng giờ y không có lựa chọn nào khác, nếu không thể nhanh chóng giành lấy chỗ dung thân, một khi Tào Tháo tiến vào chiếm giữ Tương Dương, chắc chắn sẽ khiến y càng thêm quẫn bách.

Lưu Kỳ mặc dù muốn thu nhận Lưu Bị, nhưng Giang Hạ thực sự quá nhỏ!

May mà Lưu Bàn tỏ ý có thể nhượng lại Trường Sa cho Lưu Bị, nhưng có một điều kiện, đó là Lưu Bị phải thừa nhận vị trí làm chủ Kinh Châu của Lưu Kỳ. Lưu Bị đương nhiên đồng ý… Trên thực tế, y cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Nay Tào Tháo đã tiến gần sát Kinh Tương, nếu có thể chiếm giữ hai quận Trường Sa và Vũ Lăng, không những có thể liên kết thành một thể với Giang Hạ, mà còn phối hợp chặt chẽ được với Tôn Quyền, tiến tới phía tây liên thủ với Lưu Chương, sau lưng dựa vào Ba Thục để chống đỡ đại quân Tào Tháo… Đây là một kế hoạch cực kỳ chu đáo và chặt chẽ, mấu chốt nằm ở huyện Giang Lăng.

Chỉ cần giành được Giang Lăng, Lưu Bị sẽ có thể tiến vào chiếm giữ Trường Sa, Vũ Lăng.

Đồng thời, dựa vào vị trí địa lý của Giang Lăng, y tiến là có thể mưu tính giành lấy Nam quận, lui là tới Đại Giang Thiên Tiệm, cố thủ Vũ Lăng, từ chối quân Tào ở bên ngoài hộ môn Kinh Nam.

Vì thế, Lưu Bị đã phái sứ giả Giản Ung bí mật tới Tây Xuyên.

Đồng thời, y còn cho người đến Vũ Đô để liên lạc với Mã Siêu, hy vọng Mã Siêu có thể xuất binh ở Vũ Đô, kìm hãm hành động của Tào quân…

Một khi kế hoạch thành công, Lưu Bị sẽ có thể đứng vững, tiến theo kế hoạch của Gia Cát Lượng, mưu tính giành lấy Tây Xuyên, nắm trong tay Ba Thục, cùng với Tào Tháo và Tôn Quyền tạo thành thế chân vạc.

Triệu Vân cũng biết rõ kết hoạch này, chỉ là trong lòng vẫn thầm có vẻ khó chịu.

Lưu hoàng thúc hiện giờ đã không còn là Lưu Huyền Đức khoan dung điềm đạm trước đây nữa. Lúc này, y không từ một thủ đoạn nào. Hơn nữa, Lưu Bị mặc dù vẫn xem trọng Triệu Vân nhưng trước sau luôn không chịu giao phó trọng trách. Sau khi âm mưu giành lấy Tương Dương thất bại, Lưu Bị thậm chí điều Bạch Mạo binh giao cho Trần Đáo quản lý. Mặc dù Bạch Mạo binh vốn do một tay Trần Đáo huấn luyện ra, nhưng mấy năm nay Triệu Vân vẫn luôn thống soái. Điều Bạch Mạo binh đi, cho dù Triệu Vân vẫn giữ chức nha môn tướng quân nhưng đã mất đi thanh thế trước đây.

Lần rút quân này, Lưu Bị và Gia Cát Lượng lấy Trần Đáo làm quân tiên phong, rút thẳng các tướng lĩnh.

Trương Phi hộ tống Lưu Bị và Gia Cát Lượng trấn giữ trung quân, đã qua cầu Đương Dương. Còn Triệu Vân thì thống lĩnh hậu quân, áp giải quân nhu và lương thảo, dừng lại ở dốc Trường Bản. Trong lòng gã ít nhiều thấy bất mãn. Tuy nhiên nghĩ lại, chủ công ít nhất cũng phó thác hai vị phu nhân và công tử Lưu Thiện cho mình. Còn về việc điều Bạch Mạo đi, Triệu Vân đúng là có phần uất ức. Chuyện mưu tính giành lấy Tương Dương thất bại là do Lưu Phong phản chiến, thế nhưng sai lầm này lại đổ lên người gã. Cho dù Lưu Bị nhẹ nhàng an ủi nhưng trong lòng Triệu Vân vẫn không hài lòng.

- Phu nhân và công tử vẫn khỏe chứ?

- Đều đã nghỉ ngơi rồi!

- Vậy hãy theo ta tuần tra doanh địa…

Triệu Vân dẫn tên hầu cận đi tuần tra, bất giác đã gần đến Đương Dương.

Đúng lúc này, chợt nghe từ xa vọng lại một hồi tiếng vó ngựa dồn dập như sấm rền, từ xa tới gần, dần dần rõ nét.

Triệu Vân giật mình, vội quay đầu ngựa, định phái người đi trước tìm hiểu.

Nhưng chưa đợi gã hạ lệnh, đã thấy một con ngựa từ xa lao như bay tới. Thám báo trên ngựa toàn thân đẫm máu, ngã nhào xuống ngựa trước mặt Triệu Vân, thất thanh hét:

- Tướng quân, việc lớn không hay rồi, Tào quân… đã truy kích đến rồi!
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Bạn chấm truyện được mấy điểm!
loading...
DMCA.com Protection Status