Thuận thiên kiếm - Rồng không đuôi

Chương 88: Hồi mười hai (10)


Chìa vừa vào ổ, tức thì có tiếng kèn kẹt nặng nề vang lên phía sau. Tạng Cẩu vội ngoái lại nhìn, thì phát hiện tảng đá khổng lồ khi nãy đã nhích qua bên một chút, để lộ ra một cửa hầm, bề rộng cỡ hai cánh tay.

Tàn lão lại rút chìa, cắm vào miệng rắn như cũ. Ông nói:

“ Nhanh lên, chỉ lát nữa là cửa hầm sẽ đóng lại. ”

Bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn kéo nhau xuống hầm, Tạng Cẩu và Bạch Thanh Lâu bám sát đằng sau. Cả đoàn đi sâu xuống độ hai thước thì đến một hành lang rộng rãi. Trong này mở mắt to ra cũng vô hiệu, nên Địa lão trở thành người dẫn đội.

Tạng Cẩu nhắm mắt, thì phát hiện phía trước mơ hồ truyền đến tiếng róc rách như có nước chảy. Nhưng sờ lên nền hang và hai bên vách lại thấy khô ráo, nên khoing khỏi lấy làm lạ.

Khuyết lão lấy từ đâu ra một bó đuốc, cầm dao đánh lửa. Phừng một cái. Cảnh sắc trong thông đạo đã hiện lên trong mắt hai người Tạng Cẩu, Thanh Lâu.

Thì ra thông đạo này nằm trong một gian phòng hình tròn, hai bên có nhũ đá rủ xuống đều tăm tắp không khác gì cột chống nơi cung vàng lầu ngọc. Chỉ thấy gian phòng bốn bề là nước, chính giữa có một cái cầu đá bắc ngang, cong cong như hình cầu vồng, chiều cao cỡ năm xích. Hai bên cầu có lan can bằng đá, vịn theo mà bước thì không cần nhìn cũng đi được đến cuối thông đạo.

Đặc biệt ở chỗ, mặt cầu này không làm phẳng như bình thường, mà hai mép được mài chếch xuống như hình thang cân.

“ Đừng có mà đi láu, không thì trượt chân xuống nước, rắn độc cắn chết tươi đấy. ”

Địa lão nhắc.

Đi đến chân cầu, thì gặp ngay một con suối nhỏ. Dòng nước đổ xuống từ một cái hốc trên vách, hoá thành một tấm liếp mỏng. Bạch Thanh Lâu thấy cảnh này, mới hiểu vì sao cầu thang này được mài thành hình dáng kì lạ như thế.

Nước trên cao đổ xuống sẽ theo hai mép cầu chảy xuống dưới, rồi bằng cách nào đó thoát khỏi mật đông.

“ Dùng Thiên Cân Truỵ rồi đi, đường trơn lắm. ”

Tàn lão nhắc.

Băng qua tấm rèm nước, chiếc cầu dưới chân sáu người mới phân làm hai ngả.

Mé tả có một con dốc dẫn lên cao, tạo thành một cái đài như đàn tế trời. Phía trên nóc có giếng trời, lộ ra dưới ánh nắng là một cái lò to gần gấp đôi Tạng Cẩu. Dưới chân lò vứt lăn lóc mấy mẩu kim loại đen thui, nuốt lấy ánh nắng.

Bạch Thanh Lâu tò mò tiến đến nhặt một mẩu lên, da tay lập tức truyền đến cảm giác mát lạnh của nước đồng. Y giật mình kinh ngạc, kêu:

]

“ Đồng đen?? ”

Khuyết lão làu bàu:

“ Đây vốn là lò rèn của ngài Khổng Lồ, có đồng đen cũng chả có gì là lạ. Song có thì sao? Thứ kim loại này nấu không chảy, uốn không cong, đập không gãy, lúc nặng lúc nhẹ thất thường. Thật không biết gia công làm sao. ”

Hai người mới theo bốn lão qua phía hữu, qua ba lần cửa đá, thì đến một khoảng đất mở.

Cảm giác đầu tiên của Tạng Cẩu, là mềm. Chân nó dẫm lên nền đất tơi xốp, mềm như thảm nhung. Sau đó là hương cỏ đập vào mặt từng đợt, từng đợt. Thoang thoảng bên tai vọng lại từng tiếng chim hót, vượn kêu phía xa xa.

Tre, trúc, vông, nứa mọc thành khóm thành bụi khắp nơi. Có những chỗ rậm rạp dày đến hàng sải tay. Điểm xuyết giữa cỏ thắm tre xanh là hoa dại, có trắng có vàng.

Khuyết lão nói:

“ Nghe Quận Gió kể lại, thì cửa đá sau lưng chúng ta vốn là một cửa động thiên nhiên mở ra ngay ở lưng chừng núi,. Chốn này ba mặt là vực thẳm, sau lưng là đỉnh núi cao chót vót. Trừ khi dùng mật đạo lúc nãy bằng không không ai có thể vào nổi, dù khinh công có cao bằng trời. ”

Tạng Cẩu biết đây là rừng trúc bí mật dân gian vẫn đồn đại, lại nghĩ đã đến lúc biệt li vĩnh viễn với Quận Gió, bất giác không nén nổi lòng nữa mà ứa nước mắt.

Nó gục xuống đất, vục mặt khóc. Nước mắt tuôn lã chã như mưa.

Bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn không nói gì hết, lẳng lặng đào huyệt chờ làm lễ hạ thổ. Bạch Thanh Lâu lấy kiếm chặt tre, làm mộ bia, lại ngâm tặng Quận Gió một bài thơ tế:

“ Gió yên mây vắng lặng bầu không.

Gió nổi sông ngâm, chuyển núi Hồng.

Gió còn thổi không ai ngóng.

Gió lặng rồi người người mong. ”

(Bài đầu tiên làm theo kiểu Hàn luật thất ngôn xen lục ngôn)

Mộ bia đã có, văn tế cũng làm xong, đã đến lúc nhập quan. Tạng Cẩu từ từ đặt tráp tro Quận Gió xuống huyệt, còn tứ lão lúi húi giúp nó buộc khăn tang.

Tạng Cẩu khụt khịt, cố nén dòng nước mắt lại. Mũi nó cay cay, cảm xúc uất nghẹn như một quả bom không thể xả ra thành tiếng khóc. Nó lấy cái trống đồng con con ra, lẩm bẩm:

“ Thầy yên tâm, chuyện thầy dặn con chắc chắn sẽ làm được. ”

Đặt mu bàn tay lên trán một lúc thật lâu, Tạng Cẩu mới đành lòng thả nắm đất trong tay xuống huyệt. Những hạt đất đầu tiên vừa đậu lên tráp tro, bất thần một trận gió lớn nổi lên. Chim chóc không dám hót, khỉ vượn ngừng tiếng hú lặng người đi. Còn tre, trúc xung quanh bắt đầu reo lên xào xạc, tấu lên giai điệu man mác buồn thay cho tiếng nhạc đưa tang.

Bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn lấp huyệt lại, làm thật nhanh để Tạng Cẩu nó không xúc động thái quá. Bốn lão đều mang trong mình nội lực hiếm có trên đời, nên làm loáng một cái là xong.

Bạch Thanh Lâu đóng mộ bia mới khắc xuống cho Quận, rồi vái hương hồn ông ba vái.

Tạng Cẩu quỳ rạp xuống, dập đầu binh binh hết cái này đến cái khác. Nó cứ nhằm đất mà nghiến răng nghiến lợi lạy thật lực, như muốn ghè vỡ trán mình ra vậy. Đến lúc vết thương cũ ở trán của nó toé máu đỏ tươi, thấm ra ngoà lớp khăn tang nó vẫn cứ dập đầu bôm bốp như vái sao. Bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn sợ nó nghĩ quẩn, bèn hò nhau kéo nó dậy.

Cơn quái phong thổi thêm một lúc lâu mới chịu ngừng. Không có sư thầy đắc đạo, cả đoàn đã làm lễ cầu siêu đơn giản, đang định đứng lên. Bỗng nhiên có một mảnh lá trúc con khẽ lướt qua mũi Tạng Cẩu, trước khi bị cơn gió thốc lên tận trời.

“ Mày làm gì mà nhìn mãi ra kia thế??? Chỗ đó là vực thẳm, có cái gì đâu mà nhìn?? Sửa soạn đi. Mày còn phải thay vua trộm làm cho xong một chuyện đúng không? ”

Thấy thằng nhãi đứng đực ra như trời trồng, Bạch Thanh Lâu bèn lên tiếng nhắc.

Tạng Cẩu nghe thấy thế, bèn giật mình quay lại.

[ Mình thề là mảnh lá trúc ấy có màu tím. Hoa mắt chăng?? ]

Núi Cao Vọng, Kỳ La

Quân Minh đuổi đánh quân Hồ mấy ngày liền, theo đến tận đây, thì Hồ Hán Thương được bộ hạ mở đường máu cho chạy thoát.

Trương Phụ thấy chư tướng sĩ vì không quen khí hậu nóng ẩm, rừng thiêng nước độc của phương Nam bèn cho quân dừng chân dưỡng sức. Quân của Mạc Thuý đa phần là người Đại Việt, nên được cử đi tiên phong truy kích.

Sau khi để lộ thân phận, Phiêu Hương chịu chung cảnh giam lỏng với Hồ Nguyên Trừng, ngày nào cũng chỉ được quanh quẩn trong trướng bồng.

Hồ Nguyên Trừng thì hãy còn nghĩ mãi về cái chết của Ngô Miễn, Kiều Biểu và Nguyễn thị hồi đêm nọ. Thế nên chàng cũng chẳng có thời gian đâu mà để ý đến cô cháu gái.

Trương Phụ ghé lều hai ngày một lần, lần nào cũng im lặng chẳng nói câu nào, chỉ quẳng một xấp chiến báo lên bàn rồi đi. Hồ Nguyên Trừng đọc vài dòng, thấy Đại Ngu đang thua xiểng liểng, chán chường bèn vứt xó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Bạn chấm truyện được mấy điểm!
loading...
DMCA.com Protection Status