Được anh yêu mới gọi là yêu

Chương 2: Anh là Mr. Tô của giường số 31

Hồi đại học, tôi đột nhiên mắc căn bệnh tức ngực khó thở, bắt buộc phải phẫu thuật. Bởi vì ca mổ có những nguy hiểm nhất định, bệnh viện yêu cầu lấy máu động mạch.


Động mạch trên cánh tay tôi rất mảnh, bác sĩ thực tập bèn dẫn tôi tới phòng xử lí máu ở chân. Có lẽ vì căng thẳng, cộng thêm kinh nghiệm không đủ, anh chàng bác sĩ thực tập còn non kinh nghiệm kia chọc mấy lần vẫn không thành công, bèn tìm tới Mr. Tô.


Sau khi bước vào, Mr. Tô kéo kín rèm, một tay vân vê kim tiêm, một tay đặt lên giường, nói với tôi: "Nơi lấy máu nằm sau trong bắp đùi, cô phải kéo cao quần lên một chút nữa."


Tôi nhìn Mr. Tô trắng trẻo điển trai, khỏi nói cũng biết trong lòng căng thẳng đến mức nào. Song ngoài mặt tôi vẫn tỏ ra thoải mái, đùa cợt anh: "Bị anh nhìn thấy hết rồi, anh có chịu trách nhiệm với tôi không?"


Đầu mũi tiêm đâm vào da thịt, chẳng mấy chốc đã rút ra được một ống máu đầy.


Tôi những tưởng trò đùa thế là chấm dứt, đang hối hận thì thấy anh đang nghiêm túc nhìn mình, không cười không giỡn, đáp lại: "Tôi sẽ cân nhắc chuyện này."


Về sau, trong một buổi tụ tập bạn bè, có người hỏi tôi: "Rốt cuộc, trong hai người ai theo đuổi ai trước."

  "Là mình theo đuổi trước." Tôi nói.

  Còn anh trầm mặc một lúc mới trả lời: "Tại tôi nhìn thấy hết của cô ấy trước."


Mọi người trong bàn cười ầm lên cả, mặt mũi tôi đỏ bừng.


Trước khi phẫu thuật, Mr. Tô tới tìm tôi nói chuyện, dán tấm phim chụp cắt lớp của tôi lên trên đèn đọc phim rồi lần lượt giảng giải cho tôi trình tự của ca mổ cũng như việc nó sẽ gặp nguy hiểm ở những khâu nào, bộ phận nào.


Không biết vì khí lạnh trong văn phòng hay vì quá căng thẳng, tôi bỗng cảm thấy cả người cứng đờ. Chẳng biết anh đã nói tới đâu, tôi bất ngờ ngắt lời anh: "Đến lúc mở phanh lồng ngực ra, nếu anh cảm thấy phần trăm thành công không cao thì lại khâu vào và đẩy tôi ra ngoài được không?"


Anh sững sờ nhìn tôi.


Tôi nói tiếp: "Tôi còn rất nhiều việc muốn làm, nhiều lắm, nhiều lắm. Ít nhất hãy cho tôi thời gian làm xong mấy việc ấy đã."


 Anh mím môi, ánh mắt tối hẳn đi, nói một câu mà cả đời này tôi không bao giờ quên được.


Anh nói: "Tôi sẽ giúp cô bình an vô sự sống tiếp trên thế gian này."


Kết thúc ca mổ, tôi tỉnh dậy sau khi thuốc mê hết tác dụng thì nhìn thấy anh đứng ở đầu giường, cười nhẹ nhàng rồi nói: "Ca phẫu thuật rất thành công."


Sau này, khi chúng tôi đến với nhau, tôi từng hỏi anh: "Anh thích em từ khi nào vậy?"


Anh cười đáp: "Vào lúc em nói tỉ lệ thành công không cao thì hãy khâu ngực em lại và đẩy em ra ngoài."


Anh không hỏi lại tôi. Nhưng từ tận đáy lòng mình, tôi đã trả lời một câu giống hệt như thế: " em yêu anh, từ khoảng khắc mở mắt ra và lại một lần nữa được nhìn thấy anh."


Ngày thứ hai, sau khi hoàn thành ca mổ, y ta trưởng yêu cầu tôi bước xuống giường vận động nhẹ nhàng. Cô ấy nói rằng như vậy sẽ giúp tôi hồi phục nhanh hơn.


Lúc đó, trên người tôi còn cắm đầy ống truyền, vết mổ khiến tôi phải nghiến răng nghiến lợi chịu đau. Nhưng tôi vẫn kéo theo chai nước truyền, đi vòng quanh dãy phòng bệnh.


Khi đi ngang qua phòng làm việc của bác sĩ, đúng lúc bác sĩ Tô xuất hiện trước cửa, hai tay đút túi áo blouse trắng, nói với tôi: "Bốn vòng, thế là tạm được rồi."


Tôi lập tức cười tươi như hoa, cố nhịn đau nói: "Anh đang đếm giúp tôi à? Vậy tôi có phải là người kiên cường nhất trong số các bệnh nhân của anh không?"


Anh nhìn tôi rồi thản nhiên buông một câu: "Là người đẹp nhất."


Ngay lúc trái tim tôi như sắp nổ tung đến nơi, anh bổ sung thêm: "Bởi vì cô được mặc bộ đồng phục bệnh viện đẹp nhất."


Tôi cúi đầu nhìn trang phục của mình. Bệnh viện vừa đặt may một lô đồng phục màu xanh dương kẻ ca rô mới tinh. Tôi chính là người đầu tiên mặc nó.


Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, ký ức tôi vẫn tự động xoá bỏ câu nói sau cùng của anh, chỉ dừng lại ở việc anh khen tôi là người đẹp nhất.


Theo quan niệm của bố mẹ, bệnh nhân sau khi mổ xong nên ăn các loại đồ ăn thanh đạm, dễ tiêu hoá, không được ăn dầu mở, không được ăn đồ lạnh bụng, còn không được gội đầu.


Thời tiết giữa tháng Sáu, tuy rằng trong phòng bệnh bật điều hoà ở chế độ vừa phải, nhưng tóc tôi vẫn cứ dính dớp khó chịu.


Tôi xin phép mẹ: "Mẹ giúp con gội đầu nhé."


Mẹ tôi quả quyết từ chối: " Con trải qua một ca mổ lớn như vậy, nên cố gắng giữ gìn, kiểu gì thì kiểu, một tháng sau mới được gội."


Sáng hôm sau, Mr. Tô tới kiểm tra tình hình sức khoẻ, tôi hỏi anh một câu: "Tôi có thể gội đầu được chưa?"


Anh nhìn mái đầu bê bết của tôi, khẽ cười rồi trả lời: "Chưa được."


Mẹ trừng mắt với tôi một cách đắc ý.


Buổi trưa, Mr. Tô dẫn một cô y tá thực tập tới phòng bệnh, nói là cần đổi thuốc, yêu cầu người nhà ra bên ngoài một lát.


Sau đó, cô y tá nhỏ vô cùng nhanh nhẹn bê một chiếc chậu, đặt bên cạnh giường rồi nói với tôi: "Chị nằm xuống đi để em gội đầu giúp chị."


Tôi cực kỳ ngạc nhiên nhìn về phía Mr. Tô. Anh đang đút hai tay vào túi áo, nghiêm mặt nói: "Không có lần sau."


So với việc gội đầu, khó giải quyết hơn chính là vấn đề chế độ ăn uống của một bệnh nhân vừa phẫu thuật như tôi.


Thời tiết mùa hè bốn mươi độ, tôi phải uống canh gà do mẹ tôi hầm, mồ hôi cứ chảy ròng ròng khắp người cứ như bị ai té nước vào người vậy.


Trên hành lang, một bạn nhỏ cầm miếng dưa hấu chạy vụt qua tôi. Tôi nuốt nước bọt ừng ực, xin phép mẹ: "Mẹ ơi, con có thể ăn miếng dưa hấu không ạ? Con ăn một miếng thôi ạ."


  "Đó là loại quả lạnh bụng, con ăn chuối đi."


  "Vậy con có thể ăn hamburger không ạ? Con thật sự không nuốt nổi canh gà nữa rồi."


  "Mấy thứ thức ăn đó độc hại không khác gì rác cả."


Buổi trưa, nhân lúc cô y tá trưởng tới phòng tôi kiểm tra phòng, tôi hỏi: "Tôi có thể ăn món gì?"


Cô y tá trưởng trả lời: "Sau phẫu thuật cần bổ sung các chất dinh dưỡng, nên chỉ cần cô thấy ngon miệng thì ăn món gì cũng được."


Tôi đang định tranh cãi kịch liệt với mẹ thì mẹ trừng mắt nhìn qua: "Cô ấy là mẹ con à? Cô ấy có đối xử tốt với con bằng mẹ không?"


Thôi được rồi, tôi một lần nữa tuân lệnh mẫu thân.


Buổi tối, bệnh viện không cho phép người nhà ở lại. Một mình tôi ở lại đang định tắt đèn đi ngủ thì nghe thấy tiếng ai đó thông qua tiếng loa phát thanh gắn trước giường: "Bệnh nhân giường số 31, tới văn phòng bác sĩ một chuyến."


Tôi nhích từng bước, từng bước tới văn phòng bác sĩ. Cả phòng làm việc rộng thênh thang chỉ có một mình bác sĩ Tô ngồi ghi chép các ca mổ.


Thấy tôi bước vào, anh chỉ tay sang bên cạnh, nơi đó đặt một hộp salad hoa quả to tướng.


Mắt tôi tròn xoe cực đại, đang định hỏi có phải dành cho tôi hay không thì anh lên tiếng trước: "Tôi gọi ở ngoài đấy."


Tôi ăn sạch sẽ hộp salad như đứa trẻ chết đói lâu ngày, suốt quá trình đó, anh vẫn yên lặng ngồi bên cạnh viết bản tường thuật ca mổ.


Tôi ăn uống no say, đang định nói lời cảm ơn anh thì bỗng thấy anh nhìn sang chiếc hộp salad sạch trơn và cảm thán: "Tướng ăn uống của cô đúng là xấu..."


Vài ngày sau, sức khoẻ tôi khá hơn một chút. Có thể đi ra khoảng sân bên ngoài bệnh viện đi lại hít thở không khí. Tôi gặp cô gái ở phòng bệnh kế bên cũng là bệnh nhân do bác sĩ Tô phụ trách.


Cô ây nói Mr. Tô từng là đàn anh hồi cấp ba của cô ấy. Lúc còn đi học, anh là một người khá kiêu ngạo, lạnh lùng, không ngờ khi trở thành bác sĩ vẫn không có gì thay đổi.


Tôi lắc đầu nguầy nguậy, sau đó nhiệt tình kể cho cô ấy bác sĩ Tô là người chu đáo, tốt bụng thế nào. Cho tôi gội đầu, còn mua hoa quả cho tôi ăn. Sau này ra viện, nhất định tôi sẽ tặng bác sĩ Tô lá cờ thi đua xuất sắc.


Cô gái kia nhìn tôi bằng khuôn mặt bàng hoàng: "Chúng ta đang nói cùng một người sao?"


Tôi đọc tên bác sĩ Tô ra.


Cô gái ấy trầm mặc một lúc rồi trả lời tôi: "Giường số 31 à, chắc cô trúng giải độc đắc rồi, giải thưởng năm triệu tệ ấy..."


Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu cô ấy nói vậy là có ý gì, về sau khi tới tham gia buổi họp lớp cấp ba của Mr. Tô tôi mới biết, hồi đi học, anh cao ngạo khó gần đã thành thói quen. Bạn bè cùng trường với anh còn nói sau này cô gái nào có thể khiến anh chú ý, chủ động quan tâm chăm sóc thì chẳng khác nào trúng giải độc đắc năm triệu tệ cả.


Gần tới ngày ra viện, bệnh viện phát cho tôi một phiếu điều tra mức độ hài lòng của bệnh nhân. Nội dung trên phiếu điều tra vô cùng tỉ mỉ và chi tiết, từ việc chăm sóc của y tá tới thái độ của bác sĩ, gần như bao hàm tất cả những người tôi đã tiếp xúc trong khoảng thời gian này.

Tôi điền lần lượt từng hạng mục. Tới dòng nhận xét về bác sĩ điều trị chính, tôi tích "Hài lòng" vào tất cả các mục như khả năng điều trị, y đức... Chỉ có điều, ở dòng "Viết thêm đề xuất", tôi đã điền vào một câu: "Quá ít cười."


Phiều điều tra nộp xong chưa đầy nửa ngày, Mr. Tô đã xuất hiện trước giường bệnh của tôi, một tay cầm theo bản điều tra, một tay gõ lên lan can giường bệnh.


Tôi ngồi phắt dậy, khuôn mặt ngơ ngác, không hiểu tại sao bản điều tra kín của bệnh viện lại lọt vào tay anh được.


  "Cười nhiều có chữa được bệnh không? Có mổ được thành công không? Có làm tiêu tan u bướu trong cơ thể không? Có thể cứu sống nổi con người không?"


Lần đầu tiên tôi nghe anh nói một câu nhiều chữ như vậy. Trong lúc đầu óc đờ đẫn, tôi chỉ đáp lại một từ: "Có thể."


Nét mặt anh cứng đờ. Anh nhét bản điều tra vào lòng tôi rồi nói: "Điền lại đi."


Tôi đành phải sửa lại dòng đã viết bên trên, đổi thành: "Bác sĩ Tô chan hoà, nhân ái, y thuật cao minh, như Hoa Đà tái thế."


Bấy giờ anh mới mãn nguyện cầm bản điều tra đi.


Về sau, tôi nghe các y tá kể lại, bản điều tra nào có phải bệnh viện phát, nó chỉ được sử dụng trong nội bộ khoa. Cô ấy cũng tò mò rằng sao chỉ mình tôi được nhận.


Một thời gian sau đó, lần thứ hai tôi bắt gặp bản điều tra ấy là trong chiếc khung ảnh đặt trên bàn anh.


Bệnh nhân nào đó, bác sĩ điều trị chính nào đó – Anh nói đó là lần đầu tiên tên của tôi và anh được viết chung với nhau.


Lần phẫu thuật đó của tôi, từ lúc nhập viện tới khi xuất viện, tổng cộng tròn bảy ngày. Bởi vì giường bệnh trong bệnh viện có hạn, tôi phải nhường lại cho các bệnh nhân khác cần kíp hơn.


Tôi sống chết ở lì trong phòng không muốn đi. Tôi nói với Mr. Tô: "Tôi toàn thân đau nhức, tức ngực, hít thở khó khăn."


Mr. Tô điền xong phiếu xuất viện cho tôi, ngẩng đầu nói: "Ra cửa rẽ trái, khoa Hô hấp ở tầng ba của toà nhà khám chữa bệnh."


Tôi bĩu môi, trong lòng thầm nghĩ "Anh thật vô tình, thật lạnh lùng", thế nhưng vẫn thận trọng, dè dặt hỏi anh có thể cho tôi xin số điện thoại được không. Lỡ như tôi thấy không thoải mái, lỡ như bệnh cũ tôi tái phát, lỡ như...


Tôi còn chưa nói xong một ngàn lý do "Lỡ như" của mình, anh đã rút ra một mảnh giấy từ trong cuốn sổ ra, đưa cho tôi.


Bên trên có số di động của anh, số máy bàn phòng làm việc, lịch khám chữa bệnh, ngày nghỉ trong tháng này và tháng sau, cùng với khoảng thời gian nào anh sẽ ở phòng bệnh. Điều quan trọng là, tất cả đều được viết tay!


Tôi suýt nữa thì buột miệng hỏi: Đây là thứ anh chuẩn bị riêng cho tôi ư? Nhưng lời nói gần bật ra khỏi miệng vẫn bị tôi nuốt xuống. Tôi vui vẻ nhận lấy và cất nó thật kỹ.


Sau này, tôi kể lại chuyện ấy cho mấy cô bạn cùng phòng ký túc xá nghe, cô ấy nói: "Chao ôi, tâm ý của Mr. Tô thật là quá lộ liễu. Anh ấy chỉ còn thiếu một câu trên mảnh giấy đó thôi: Anh rất rảnh, hãy theo đuổi anh đi."


Thế nên, từ ngày hôm đó, tôi đã thật sự bắt đầu theo đuổi anh.


Sau khi ra viện, muốn gặp Mr. Tô không còn là vấn đề đơn giản nữa, lý do tái khám hằng tháng là cái cớ duy nhất của tôi. Tuy nhiên phòng khám của anh không tài nào xếp số nổi. Có lần, tôi dậy từ năm giờ sáng để đi xếp hàng, nhưng vẫn thua cả đám đông các cụ ông, cụ bà cao tuổi đứng đó từ tối hôm trước.


Tới giờ bác sĩ đi làm, tôi đi đi lại lại ở phòng y tá, nghĩ bụng liệu có thể nhân cơ hội này lén lút lẻn vào không.


Kết quả, bà chị ở phòng y tá vẫy tay với tôi và nói: "Cô là XXX phải không? Đây là số bác sĩ Tô giữ lại cho cô."


Về sau, tôi nghe các cô lao công của bệnh viện kể lại: số của phòng khám bác sĩ Tô được bán với giá trên trời trong tay mấy người ngoài chợ đen.

Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 9.9 /10 từ 10 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status