Uông Xưởng Công

Chương 20 : Chương 20: Đầu đàn

Chương 20ĐẦU ĐÀN

Diệp Tuy đợi ở sảnh Gia Hành không bao lâu thì sơn trưởng của Khuê Học Tạ Phượng Trì đến. Ông vừa tới, bầu không khí lớp học liền thay đổi.

(*) Sơn trưởng ở đây có nghĩa tương đồng hiệu trưởng.

Hơn một trăm cô nương lập tức yên lặng lại, ngồi ngay ngắn nín thở tập trung. Các tiên sinh Khuê Học khác thì cúi đầu, cung kính nhìn hiệu trưởng của họ. Lúc này, trong sảnh chỉ nghe thấy tiếng gió thổi nhè nhẹ.

Tạ Phượng Trì đã qua tuổi sáu mươi, nhưng tướng mạo nho nhã không hề già nua mà lại mang vẻ linh hoạt sắc bén không phù hợp với tuổi tác. Ông đảm nhận chức quốc tử tư nghiệp* trong triều, bình thường rất ít khi xuất hiện tại Khuê Học. Vì hôm nay trường mở cửa trở lại nên ông mới đến, chủ yếu là để động viên, răn dạy những cô nương này.

(*) Quốc tử tư nghiệp là một chức quan đứng hàng thứ nhất, thứ hai trong Quốc Tử Giám, có nhiệm vụ quản lý phụ trách việc giáo dục, rèn luyện cho sĩ tử và đôi khi còn tham gia giảng dạy.

Sau khi nhìn khắp sảnh Gia Hành một lượt, Tạ Phượng Trì nói: “Hôm nay Khuê Học mở cửa trở lại, chư vị học trò phải càng tinh thông bảy môn kỹ nghệ mới được...”

Nghe hiệu trưởng nhắc đến “bảy kỹ nghệ”, các vị cô nương thoáng nín thở, rồi nhanh chóng bình tĩnh lại.

Khuê Học Kinh Triệu dạy bảy kỹ năng là là cầm, kỳ, thi, họa, soạn, tú, sách. Bảy môn này chia làm ba đẳng cấp, chủ yếu là phân theo tuổi tác. Như Diệp Tuy, Thẩm Văn Huệ - những cô nương mười lăm mười sáu tuổi này sẽ xếp ở tam đẳng.

Bình thường các cô nương học tới cấp thứ ba ở Khuê học cũng là lúc đến tuổi có người hỏi cưới, hứa hôn. Cho nên rất nhiều người trong số họ thi tam đẳng xong mới đề cập đến chuyện chung thân đại sự, chủ yếu là để tìm được nhà chồng tốt.

Đương nhiên, cũng có nhiều gia tộc quyền quý không bị bó buộc bởi kỳ thi này, mà đã định sẵn hôn sự cho cô nương nhà mình.

Sau khi nghe giáo huấn ở sảnh Gia Hành xong, các cô nương liền giải tán, dựa theo cấp học mà đi đến các viện, tới giờ Thân mới có thể ra về. Ba ngày đến trường một lần như vậy cũng không tính là nặng nề lắm.

Khuê Học chủ yếu dạy bảy môn cầm, kỳ, thi, họa, soạn, thêu, sách tương ứng với bảy viện. Mỗi viện sẽ có một người đứng đầu là viện trưởng và một số tiên sinh phụ trách giảng bài. Có không ít tiên sinh là người có tên tuổi trong nước, đây quả thực là may mắn của các cô nương theo học tại đây.

Bấy giờ, Diệp Tuy đang cùng Thẩm Văn Huệ đến viện Cầm, bởi vì môn học hôm nay của họ là học đàn.

Lúc nghe lịch học, Diệp Tuy xanh cả mặt, bước chân cũng loạng choạng. Hiện tại, dù nàng có kinh nghiệm được tôi luyện bao nhiêu năm thì cũng khó lòng bình tĩnh được, vì đàn chính là kĩ năng nàng kém nhất!

Nói kém vẫn còn nhẹ, thực tế kĩ năng đàn của nàng... một lời khó nói hết.

Rõ ràng nàng nhớ nhạc phổ, quen thuộc với dây đàn phím đàn, thuộc nằm lòng tám ngón đàn: Vuốt, khiêu, câu, gảy, đập, ngắt, phách. Hơn nữa ngón tay nàng vừa thon vừa dài, đôi tay khi đặt lên mặt đàn đẹp đến xao động lòng người.

Thế nhưng, thế nhưng!

Một khi nàng bắt đầu gảy nốt đầu tiên, mọi đẹp đẽ liền biến mất. Tiếng đàn của các cô nương khác dựa theo cách dùng tám ngón đàn tạo nên rất liền mạch, cao vút, réo rắt, văng vẳng… Thế nhưng tiếng đàn của nàng hết lần này đến lần khác chói tai như âm thanh của ma quỷ, khiến người ta không thể chịu nổi.

Viện Cầm có tám vị cầm sư (tiên sinh dạy đàn), không một người nào có thể kiên nhẫn nghe nàng đàn hết nửa nén hương.

Nếu Khuê Học mà có thông lệ “đuổi” học trò, e là nàng đã không thể bước chân vào viện Cầm nữa. Vậy nên lúc này nàng quả thực không muốn đến đó, bảo nàng ưỡn ngực làm trò hề trước mặt mọi người như vậy nàng thấy mình vẫn còn phải cần thêm dũng khí...

Thẩm Văn Huệ nhìn nét mặt đau khổ của nàng, đành thở dài nói: “A Ninh, lát nữa muội cứ giả vờ nhấn vào dây đàn là được, các tiên sinh cũng biết tình trạng của muội, sẽ không làm khó muội đâu.”

Kĩ năng đàn của A Ninh thực sự quá kém, nàng cũng không tiện khích lệ bừa được. Khích lệ thế nào cũng phí công. Giờ A Ninh chỉ có thể giả vờ qua mắt mà thôi.

Diệp Tuy ủ rũ gật đầu, hai vai sụp xuống. Nàng chỉ hi vọng tiên sinh dạy đàn hôm nay có tính khí tốt một chút, đừng chăm chăm chú ý đến nàng.

Đáng tiếc, hôm nay số nàng quá đen đủi. Lúc tiên sinh dạy đàn đi vào, không khí lập tức đông cứng lại, tất cả các cô nương đều vô thức thẳng lưng lên. Thẩm Văn Huệ mím chặt môi, gửi cho Diệp Tuy một ánh mắt vô cùng cảm thông.

Người giảng bài hôm nay là tiên sinh có yêu cầu và xử phạt nghiêm khắc nhất trong viện Cầm – Cung tiên sinh – Cung cầm sư. Quan trọng hơn là, người này trước nay không vừa mắt với Diệp Tuy, luôn gây khó dễ đủ đường.

Trước đây, hễ đối mặt với Cung cầm sư, Diệp Tuy liền như con chim cút, chỉ muốn rúc lại thành một đống. Về sau không còn cách nào khác, hễ là tiết dạy của Cung cầm sư, nàng đều viện cớ bị ốm không tới.

Nàng từng hỏi bản thân liệu có từng đắc tội với bà ta không, mà không hiểu sao bà ta cứ gây khó dễ với nàng. Sống thêm một kiếp nàng mới biết, thì ra đệ tử tâm đắc của Cung cầm sư từng tranh chức Tần với chị gái nàng. Về sau nàng ta không được chọn nên từ đó Cung cầm sư ghi hận với nhà họ Diệp.

Lúc này, gặp lại Cung cầm sư khắc nghiệt cao ngạo, Diệp Tuy lại bình tĩnh lạ thường, những e sợ khủng hoảng trước kia đều bị quẳng sang một bên.

Nàng e ngại chuyện đánh đàn, cũng bởi vậy mà cảm thấy bản thân rất thất bại. Song, đối với loại người như Cung cầm sư nàng không sợ chút nào, ngược lại lại dấy lên ý chí chiến đấu hừng hực.

Loại người bề ngoài cao ngạo nhưng thực chất bên trong lại tự ti, nàng gặp nhiều rồi. Số người thất bại trong tay nàng cũng chẳng ít, một tiên sinh dạy đàn ở Khuê Học, có gì mà phải sợ?

Cung cầm sư gây khó dễ đủ điều, nhưng nàng chẳng phải vẫn ngồi ở đây sao?

Tuy nhiên nàng vẫn quá coi nhẹ sự hận thù của Cung cầm sư. Sau khi giảng bài xong, Cung cầm sư chỉ thẳng vào nàng, nói: “Mọi người đã nhớ hết những điều ta dạy lúc nãy chưa? Vị cô nương này đàn nghe thử xem.”

Lúc bà ta nói, vẻ mặt hết sức uy nghiêm cao ngạo khiến chẳng ai ngờ được bà ta lại sẽ cố ý bắt bẻ Diệp Tuy.

Diệp Tuy sống lại một kiếp, mắt nhìn xa hơn, từng trải hơn, thế nhưng những kỹ nghệ này thì vẫn như trước. Kết quả, tất nhiên là không đàn được.

Cung cầm sư đập “bộp” một cái thật mạnh vào giá đàn, lạnh lùng nói: “Có những người ỷ vào gia thế tự cho là đúng, quả nhiên ngay một tiếng đàn cũng không đàn ra nổi. Ngu xuẩn dung tục không sao, nhưng nếu không có lòng hiếu học...”

Bà ta nói rất nhiều đạo lý khuôn phép, nhưng giọng điệu thì chói tai, trong đó còn xen lẫn cả sự xem thường. Lời nói không khó nghe, nhưng đủ khiến người ta không thoải mái.

Thấy hành động của Cung cầm sư, có người thầm cười trong bụng, cũng có cô nương nhíu mày, cảm thấy khó chịu với kiểu dạy dỗ này.

Đột nhiên, một giọng nói lạnh lùng uy nghiêm vang lên: “Hóa ra viện Cầm của Khuê Học lại dạy học sinh như thế này? Bổn cung đúng là được mở mang tầm mắt rồi. Bích Sơn Quân, đây là tiên sinh dạy đàn trong viện Cầm của ngươi?”

Giọng nói này xuất hiện quá đột ngột, tất cả mọi người đều nhìn sang theo bản năng, tức thì ngây ra. Những người này... những người này...
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 8.6 /10 từ 631 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status