Uông Xưởng Công

Chương 285 : Chương 285CÂN ĐỐI

Dưới sự chú ý của tất cả các quan viên, Uông Ấn bình thản bẩm tấu: “Đề Xưởng đã điều tra tình hình của các đạo lớn cấp năm là đạo Hà Nội, đạo Hà Đông, phát hiện tình trạng lao dịch không đồng đều ở các châu huyện thuộc các đạo lớn này… Để cân bằng lao dịch, giảm bớt thuế má cho triều đình, thần bẩm tấu xin điều tra hộ tịch, điều tra ruộng đất ngầm.”

Theo tin tức mà Đề Xưởng thu thập được, Uông Ấn biết trong triều có không ít người đã dùng đủ các thủ đoạn, lợi dụng mạo danh thay thế, giấu giếm tráng đinh* để trốn lao dịch, phần lao dịch thiếu sót này liền đổ lên đầu dân thường.

(*) Tráng đinh: người con trai đến tuổi thành niên, đủ tuổi đi lính và tham gia các việc lao dịch khác thời xưa.

Do đó, dân chúng ở các châu huyện của đạo Hà Nội và đạo Hà Đông khổ không bút nào tả xiết.

Đáng tiếc dân chúng chỉ biết là bị tăng thêm lao dịch nhưng lại không biết tại sao, bởi vậy trước đây, tình trạng này chưa bị lộ ra.

“Nếu không phải gần đây ở Kinh Triệu liên tiếp xảy ra tai tiếng do không ít gia tộc lớn gây ra thì nhóm đề kỵ cũng chẳng chú ý đến tình hình liên quan, chẳng phát hiện ra chuyện này…” Cuối cùng, Uông Ấn chỉ ra tại sao đề kỵ lại phát hiện ra tình hình.

Uông Ấn vừa bẩm tấu xong, tất cả các quan viên trong triều, bao gồm cả Tạ Giới đều biến sắc mặt mày, nhất là Lư Hoàng.

Quan viên đứng trong hàng ngũ ở điện Tuyên Chính không phải phường ngu xuẩn, bọn họ hiểu rất rõ bản tấu này của Uông Ấn có ý nghĩa như thế nào.

Điều mà Uông Ấn bẩm tấu chính là điều tra hộ tịch, điều tra ruộng đất ngầm, nhìn bề ngoài thì là cân đối phu phen, giảm bớt thuế má, quả thực là việc có ích cho cả Đại An và dân chúng.

Kẻ làm tả bộc xạ Thượng Thư như Tạ Giới, kẻ làm thị lang Bộ Hộ như Tiền Thiên Huy và Trần Tựu Đạo càng hiểu rõ hơn về lợi ích này.

Một việc tốt cho cả nước nhà và dân chúng như thế này, quan viên trong triều cũng đều biết cả, tại sao trước đây lại chưa từng có vị nào bẩm tấu lên?

Chính là bởi chuyện này có liên quan quá rộng, sức ảnh hưởng quá lớn, ngay cả tả bộc xạ Thượng Thư như Tạ Giới cũng không dám tùy tiện đề xuất.

Bởi lẽ những gia tộc chiếm giữ nhiều nhà cửa, ruộng đất ngầm nhất chính là các danh gia vọng tộc lớn của triều Đại An.

Danh gia vọng tộc có bề dày lịch sử và thế lực tích lũy hàng trăm năm rồi. Kể từ khi triều Đại An lập quốc, họ đã dùng của cải hoặc nhân tài để có được sức ảnh hưởng rất lớn trong triều.

Bất kể ở đạo, châu huyện hay là ở kinh đô Kinh Triệu, bọn họ có rất nhiều con cháu, có những quyền lợi mà dân chúng bình thường khó có thể tưởng tượng nổi.

Những gia tộc lớn giàu có, chiếm giữ rất nhiều ruộng đất ở các đạo lớn, sinh ra rất nhiều tá điền. Mà nhân số thực tế của những tá điền này đương nhiên là nhiều hơn quy định của triều đình rất nhiều.

Dù là gia tộc lớn thì con cháu cũng cần phải đi làm nghĩa vụ lao dịch. Nhưng đám con cháu được nâng niu nuông chiều sao có thể đi làm nghĩa vụ lao dịch được đây?

Vì vậy liền có chuyện mạo danh để thay thế, xuất hiện chuyện giấu giếm đinh khẩu*.

(*) Đinh khẩu: có nghĩa như tráng đinh.

Nhà cửa, ruộng đất ngầm mang đến nguồn thu lớn về tài chính và sức người cho các gia tộc lớn, có thể nói hai thứ này chính là căn cơ của của bọn họ, nếu bị điều tra thì chắc chắn sẽ lung lay.

Quan viên trong triều biết rõ Uông Ấn đang chủ đích ngắm vào các gia tộc lớn, nhưng nghĩ mãi không hiểu tại sao.

Trước đây, họ chỉ nghe về xung đột giữa phủ Ý vương với nhà họ Lư, mà nhà họ Lư đại diện cho các danh gia vọng tộc, vậy chẳng lẽ hành động này của Uông đốc chủ là đang ra mặt cho phủ Ý vương?

Ý vương là dòng dõi hoàng thất, người đứng sau lưng chính là hoàng thượng. Tuy nói hoàng thất không có tình thân nhưng hoàng thượng cũng không thể để mặc các gia tộc lớn bắt nạt hoàng thất được, đúng không?

Hoặc giả, bản tấu này của Uông Ấn là gợi ý của hoàng thượng?

Trong chốc lát, các quan viên trong triều suy nghĩ đủ kiểu, toát cả mồ hôi lạnh, đương nhiên là đều nín thinh.

Tạ Giới không nhịn được quay sang nhìn lướt qua Uông Ấn, người mang dáng vẻ như thần tiên, vẻ mặt vô cùng lãnh đạm, dường như không hề hay biết bản tấu của mình đã mang đến sự chấn động ra sao cho điện Tuyên Chính.

Không biết Đề Xưởng có đủ năng lực để làm tốt việc tra hộ tịch và tài sản ngầm hay không, bởi nếu sơ suất sẽ dẫn đến tình trạng bị các gia tộc lớn phản kháng, thay đổi lao dịch ở mười đạo lớn, thuế má... ảnh hưởng rất rộng lớn.

Chính vì thế nên dù đã có dự cảm từ trước, Tạ Giới vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nghe Uông Ấn bẩm tấu.

Quá đột ngột!

Trong lúc ấy, Lư Hoàng và những quan viên xuất thân từ danh gia vọng tộc đều tái mặt, hai chân run rẩy.

Trước đây, bất kể là Lư Hoàng hay đám Thôi Viêm đều ít nhiều phỏng đoán Uông Ấn muốn đối đầu với thế lực của bọn họ, nhưng chỉ nghĩ đơn giản là sẽ làm bùng lên những vụ bê bối tổn hại đến danh dự, do đó đã chuẩn bị kĩ càng, dạy bảo tất cả đám con cháu ở Kinh Triệu.

Những ai bình thường phóng túng ngỗ ngược thì bị hạn chế ở trong nhà tộc luôn, không cho ra ngoài, giảm bớt cơ hội để Đề Xưởng tóm được nhược điểm.

Nhưng sự chuẩn bị của bọn họ hoàn toàn không có đất để diễn.

Uông Ấn quả thật đã ra tay, nhưng hắn sờ đến một vấn đề mà không ai trong số họ lường đến trước, không có cách nào phản đối nổi.

Nói lời phản đối chính là đang chống lại việc cân đối lao dịch, chống lại việc giảm thuế má. Với hoàng thượng, với Đại An, việc này chính là… mưu phản!

Lần này, thật sự tiến thoái lưỡng nan!
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 8.6 /10 từ 631 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status