Tên anh là thời gian

Chương 56 : Chương 56 TRÂN



Chương 56 TRÂN

Khi Thịnh Đường tỉnh giấc, ngoài cửa sổ đã là bóng tối nặng nề. Căn phóng rất tối, ánh trăng in dấu vào trong qua lớp rèm cửa bằng voan mỏng màu trắng, có thể nhìn thấy được vầng trăng ấy rất sáng.

Các đồ dùng trang trí trong căn phòng về cơ bản đều mang màu của gỗ, rất sạch sẽ nhưng cũng có đôi chút đơn điệu. Tổng thể bộ chăn ga gối đệm trên giường đều mang màu xám nhạt, khá hòa hợp với tông màu chung của cả căn phòng.

Đây không phải phòng của cô, cũng không phải giường của cô.

Thịnh Đường ngồi bật dậy.

Ông trời ơi, phòng ngủ của Giang Chấp ư?

Mượn ánh trăng, cô nhìn xung quanh một vòng. Kết cấu của những căn nhà ngày xưa hầu như đều không khác nhau là mấy, có điều diện tích có vẻ rộng hơn căn nhà của cô. Trên tường được thiết kế một giá sách được đóng sâu vào trong vách, bên trong bày sách, cơ man là sách.

Cô bước xuống giường đi tới trước giá sách, khi giẫm chân xuống sàn nhà thi thoảng lại có tiếng “cọt kẹt” vang lên, là âm thanh khi tuổi đời thay thế cho năm tháng.

Đa số đều là những cuốn sách có liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành, khá nhiều cuốn đã từ rất lâu rồi. Thịnh Đường rút ra một cuốn, nội dung liên quan đến việc so sánh màu khoáng của Trung Quốc và nước ngoài, thậm chí vẫn còn là bản sách viết dọc. Khi xem thời gian xuất bản cô suýt ngất, còn nhiều hơn tuổi của cô hai giáp.

Sao Giang Chấp có thể sở hữu nhiều sách cổ đến vậy?

Người ta hay nói, muốn biết khí chất của một người thì hãy ngắm nhìn giá sách của người ấy, nhìn người nào chuẩn người ấy. Giang Chấp là một người dạn dày kinh nghiệm trong công việc, nhưng gì thì gì cũng chưa đến mức độ “tuổi già xế chiều, tuyết đọng mặt hồ” chứ nhỉ. Những cuốn sách này nhìn qua đều không giống loại sách mà ở tuổi như anh có thể đọc.

Khi nhìn sang một dãy khác, những cuốn sách trên đầu lại bất ngờ “trẻ trung hơn một chút”. Có tiểu thuyết, sách quân sự, địa lý, cũng có những cuốn “chí quái”(*), đa số đều là bản tiếng Anh.

(*) “Những câu chuyện kỳ diệu”, “Những câu chuyện kỳ lạ”, hay “Những ghi chép về sự bất thường”, là một loại văn học Trung Quốc xuất hiện trong triều đại nhà Hán và trong triều đại nhà Đường.

Ừm, thế này mới giống anh một chút chứ.

Thế mới nói, không chừng tính cách của người này thật sự có chút phân liệt.

Cũng có đồ trang trí nhưng khá đơn độc, nói một cách khác, chỉ có duy nhất một loại đồ trang trí như vậy thôi.

Không phải album ảnh hay mô hình lắp ghép thường thấy mà là một viên đá, được đặt trên một chiếc kệ gỗ.

Ánh trăng tràn vào hắt lên giá sách, càng tiện cho Thịnh Đường nhìn ngắm được rõ ràng. Kệ gỗ ấy được làm từ chính loại gỗ hồ dương của nơi này, kỹ thuật đơn giản phóng khoáng, còn viên đá… Cô cầm lên xem xét, chỉ to bằng lòng bàn tay, hình dáng giống củ lạc.

Cô ít nhiều có chút ấn tượng. Loại đá này hình như có tên là đá Yardang, thi thoảng sẽ được tìm thấy ở khu vực có địa hình Yardang ở sa mạc Gobi, có những đường vân và hoa văn giống củ lạc nên còn có một cái tên khác là đá củ lạc.

Hóa ra Giang Chấp còn có sở thích là sưu tầm đá, nhưng phóng tầm mắt nhìn đi khắp căn phòng thì cũng không thấy viên đá thứ hai nữa.

Ngược lại, ở vị trí giá sách dựa vào góc tường còn có một vật nữa, là một chiếc hộp đựng đàn violon. Cô tiến lên, nhẹ nhàng mở ra xem, bên trong quả thật đựng một cây đàn violon.

Chuyện này là sao? Giang Chấp còn biết kéo cả đàn violon ư? Mấy ngày qua sống kế bên, cô hoàn toàn không nghe thấy dù chỉ là một nửa tiếng đàn.

Đây là một cây đàn violon cổ điển, kỹ thuật chế tác rất tỉ mỉ, nhìn qua đã biết có tuổi đời. Nhưng dây đàn được giữ gìn cẩn thận, cũng không thấy lỏng dây, xem ra nó rất được chủ nhân coi trọng. Ngoài ra, phần đáy của hộp đựng đàn hình như có khắc một chữ.

Cô mượn tia sáng tỉ mỉ quan sát, nhận ra đó là một chữ “Trân”.

Có thể được khắc vào vị trí này thì chắc chắn là tên người, một người con gái?

Chữ này xuất phát từ Kinh Thi, trong câu: Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trân trân(*).



(*) Xinh tươi mơn mởn đào tơ/ Xum xuê ngàn lá phất phơ đầy cành.

Quả thực bình thường người ta chỉ dùng chữ này cho tên của con gái.

Không phải cây đàn violon của Giang Chấp? Là cây đàn được anh tặng cho người khác, hay người tên “Trân” này đã tặng cho anh? Đồng thời khắc tên mình lên hộp đàn muốn anh khó có thể lãng quên?

Trong hộp đàn có một bộ nhạc phổ.

Thịnh Đường lấy ra xem qua, là bài My own true love, nhạc chủ đề của bộ phim Cuốn theo chiều gió. Cô quen thuộc với bản nhạc này. Người mẹ theo nghiệp múa của cô ngày trước cũng thích bật bản nhạc này ở nhà, hơn nữa còn từng múa bài này. Có điều sau này khi mẹ không thể đứng lên khỏi xe lăn nữa, trong nhà cũng không bao giờ còn được nghe thấy bản nhạc này.

Tiết tấu chậm rãi, du dương, điệp khúc khoáng đạt, rủ rỉ những lời tình yêu dài vô tận chính là sức hấp dẫn của My own true love.

Có đàn, lại có nhạc phổ, sao nhìn kiểu gì cũng thấy giống một tín vật định tình vậy.

Thịnh Đường bĩu môi, ném nhạc phổ vào trong hộp đàn, đặt cây đàn trở lại vị trí cũ.

Ra khỏi phòng, cô không nhìn thấy Giang Chấp ngoài phòng khách. Trên quầy bar mới lắp xong có đặt một bộ ly cốc được khắc hoa thếp vàng còn mới nguyên, được xếp gọn gàng trên một chiếc khay làm bằng gỗ trúc màu tím xanh. Không xa lạ gì, chính là thứ lúc trước cô cưỡng ép cho dư vào trong đơn hàng mua sắm của anh.

Bên cạnh khay đặt một nửa cốc trà sữa, loại cốc nhựa size L, bên trên cắm ống hút. Đá đã tan sạch từ lâu, dưới đáy cốc lắng đọng một lớp trân châu.

Ánh sáng trong không gian ngoài phòng khách đều xuất phát từ một căn phòng khác, cửa phòng gần như đã mở ra hai phần ba, xem ra chủ nhân đi vào cũng chỉ tiện tay khép lại chứ không quá để tâm.

Nhưng Thịnh Đường ngờ vực.

Căn phòng đó giống hệt với phòng ngủ của Giang Chấp, cô còn chưa từng vào bao giờ.

Không chỉ cô, toàn bộ các thành viên của Sáu Viên Thịt Bằm đều chưa ai từng vào đó. Tiêu Dã cũng từng rất tâm tâm niệm niệm về căn phòng đó, một mực muốn vào trong xem sao. Nhưng lần nào họ tới nhà, căn phòng ấy cũng được khóa chặt. Giang Chấp lúc nào cũng nói đùa với Tiêu Dã rằng: Có giỏi thì cậu cạy cửa đi.

Tiêu Dã liền cãi lại: Cậu tưởng tôi không dám đấy hả?

Sự thật là anh ấy quả thực chỉ dám nghĩ chứ không có gan thực hiện, quan hệ có thân thiết hơn nữa cũng thật sự không thể làm ra hành động cạy cửa trộm khóa này, nhưng vẫn luôn ghi nhớ tới nó. Con người ấy mà, chính là như vậy, thứ gì càng không cho bạn xem, bạn càng bứt rứt. Đừng nói là Tiêu Dã, thật ra Thịnh Đường cũng hiếu kỳ.

Giang Chấp đứng trước một dãy giá màu. Thịnh Đường còn không cần gõ cửa, vừa sát lại gần cánh cửa, anh đã nhìn thấy cô rồi. Anh không tiến tới đóng cửa, thái độ cực kỳ vô tư. Thịnh Đường hiểu quá rõ ràng, thế này là ngầm chấp nhận cho cô vào trong rồi à.

Cô liền xóa bỏ suy nghĩ định lén la lén lút thò đầu vào thăm dò, gần như sải bốn bước chân đã đi vào trong rồi.

Hóa ra nơi đây được anh sửa thành phòng làm việc. So với sự rầm rộ ở ngoài phòng khách, bên trong căn phòng này phàm là những dụng cụ hay tài liệu đều có liên quan tới việc khôi phục bích họa, còn có cả một bức tường toàn là sách. Người này đã vận chuyển toàn bộ đồ dùng của mình theo đường hàng không về đây rồi sao? Trên bức tường ngay bên cạnh là từng tầng từng ngăn xếp từ cao tới thấp, để toàn là… màu?

Thịnh Đường không xa lạ gì với thuốc màu và khoáng liệu của bích họa, vừa liếc nhìn đã phát hiện được không ít loại khoáng liệu mà ngày nay đã hiếm gặp, phóng tầm mắt nhìn qua cứ gọi là hoành tráng. Cô ngạc nhiên tới mức không khép miệng lại được. Lại nhìn thấy trên bệ thao tác không những đặt máy nghiền bi, còn đặt một chiếc giá trúc, bên cạnh còn bày mấy món đồ khác. Ví dụ như đồ đựng keo xương dùng để dán, túi bột chưa chế tác xong, ống dẫn vẫn còn để đó.

Cô tiến lên quan sát cẩn thận một lượt, sửng sốt: “Ôi shit, Giang Chấp… Thuốc màu đều do anh tự làm cả sao.”

Giang Chấp đang đặt lá thếp vàng, nói một câu: “Con gái con đứa sao lại ăn nói vậy?”

Vào lúc này, Thịnh Đường không còn tâm trạng nào đấu võ miệng với anh. Cô nhìn giá trúc trước mắt, tất cả là những cây trúc còn nguyên mấu, sau khi chẻ ra, trúc tự động gãy thành hai nửa, sau đó dùng dây buộc chặt. Mấy món đồ tương tự như vậy có tới năm, sáu cái, đều được đặt trên bệ thao tác.

Nhìn kiểu gì cũng thấy rất quen mắt. Mãi một lúc sau cô mới sực nhớ ra, cô kêu “Á” lên một tiếng, kích động chỉ tay vào giá trúc: “Phi thủy! Là Phi thủy pháp đúng không?”

Khôi phục bích họa cổ đại, trong việc sử dụng thuốc màu phải cố gắng dùng những khoáng vật, màu vẽ được chế tác theo kiểu cổ đại. Phi thủy pháp là kiểu truyền thống nhất, cũng là cách mà những người thợ thời cổ thường dùng để làm ra màu. Thật ra cũng không có gì hiếm lạ. Các nhà khôi phục ngày nay tuy rằng có những phương pháp tân tiến hơn trong việc chiết xuất thuốc màu và nghiền mài chế tác. Nhưng vẫn có những người quen dùng Phi thủy pháp, dẫu sao thì càng truyền thống lại càng gần gũi với thói quen xây dựng bích họa của những người thợ cổ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 9.3 /10 từ 522 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status