Uông Xưởng Công

Chương 100 : Chương 100SỰ BẤT KHUẤT CHÂN CHÍNH

Khúc Công Độ nhìn về phía Uông Ấn với ánh mắt thắc mắc đầy kiêng dè: Rốt cục Uông Ấn muốn làm gì?

Uông Ấn không để ý Khúc Công Độ, quay người đi về phía cửa phòng giam để lại không gian cho hai cha con.

Hắn cứu nhà họ Khúc chỉ vì thương tiếc cho sự trung thành của Khúc Công Độ, cứu ông ta chính là tấm lòng của hắn, chỉ thế mà thôi.

Khúc Công Độ nghĩ ra sao, hắn cần gì để tâm?

Ông lão coi ngục canh giữ trước cửa đương nhiên nghe thấy những tranh cãi vừa rồi ở bên trong. Thấy nét mặt Uông Ấn vẫn lạnh nhạt như ngày thường, ông cười khà khà, làm nếp nhăn trên mặt dồn lại một cục, kết hợp với không khí âm u của nhà lao tạo nên cảm giác kinh khủng rất khó diễn tả.

Ông khàn giọng nói: “Xưởng công, A Phong gần đây có khỏe không? Lâu rồi lão nô không gặp hắn, mà cái lão già ấy cũng không chịu tới Đề Xưởng thăm lão nô!”

Nghe xong, sắc mặt Uông Ấn cũng dịu đi phần nào, đáp: “Phong bá rất khỏe, đợi chuyện của Khúc Công Độ xử lý xong, Phong bá sẽ đến đây thăm Niên bá. Đến lúc đó, bổn tọa sẽ dặn ông ấy mang theo rượu ngon của Vạn Ánh Lầu và đậu phụ khô của phường Tây Thi...”

Niên bá bật cười, đôi mắt vẩn đục lóe sáng, nuốt nước miếng nói: “Được, lão nô tạ ơn xưởng công trước. Vừa nghe, lão nô lại thèm rồi...”

Trong phòng giam, Khúc Công Độ ép mình bình tĩnh lại, hỏi con trai: “Thiều nhi, con nói đi. Trong thời gian cha ở trong ngục, bên ngoài đã xảy ra những chuyện gì, sao con lại quay về?”

Khúc Thiều đứng dậy trả lời: “Cha, thực ra con chưa từng rời khỏi Kinh Triệu. Cha gặp nạn, sao con có thể rời đi được? Cha không sợ chết, đương nhiên con trai cũng không sợ. Cho đến một hôm, Uông Đốc chủ đến tìm con...”

Khúc Thiều chậm rãi kể với ánh mắt rất phức tạp, y nhớ lại tình cảnh lúc gặp Đốc chủ lần đầu tiên.

Khi đó, y cũng đã mang tư tưởng sẽ chịu chết giống như cha mình, vì vậy vừa thu xếp ổn thỏa cho con cháu và gia nhân, để bọn họ lần lượt rời khỏi Kinh Triệu, vừa chờ đợi kết quả cuối cùng.

Y nghĩ, lỡ như cha thật sự gặp nạn, vậy thì y sẽ đi đánh trống Đăng Văn ở Kinh Triệu kêu oan. Cho dù cuối cùng phải chết, y cũng không sợ.

Rồi, vào một đêm muộn nọ, Uông đốc chủ dẫn theo một ông già tóc bạc đến trước mặt y…

Khoảnh khắc nhìn thấy Uông Ấn, Khúc Thiều cũng giống như những người khác, vô thức sợ run người, có điều y bình tĩnh lại rất nhanh. Đến cái chết y còn không sợ, chẳng lẽ lại sợ xưởng công của Đề Xưởng?

Do đó, y khó chịu ra mặt với Uông Ấn, cười nhạt nói: “Không biết Uông đốc chủ đến đây làm gì? Lẽ nào đến bắt tại hạ phải phiền đến đích thân Đốc chủ đại nhân?”

Uông đốc chủ thờ ơ nhìn y: “Bổn tọa cho là nhà họ Khúc ít nhiều cũng phải có được một người thông minh, không nghĩ tới lại là toàn phường ngu xuẩn. Khúc Công Độ đã vậy, ngươi cũng vậy.”

Khúc Thiều xưa nay luôn lấy làm tự hào vì cha mình, tự thấy ông là người chính trực, làm việc thận trọng… Vì thế, đâu dễ dàng để cho người khác bôi nhọ cha mình, gia tộc mình? Cho dù là Uông đốc chủ có quyền lực nghiêng ngả đất trời cũng không được phép làm vậy.

Y nổi giận phản bác: “Nhà họ Khúc làm người ngay thẳng, không gánh nổi lời đánh giá ‘ngu xuẩn’ này của Uông đốc chủ!”

“Lẽ nào bổn tọa nói sai? Nhà họ Khúc chết oan uổng một cách vô ích, không phải là đần độn thì là gì? Nề nếp gia phong của nhà họ Khúc được truyền lại và kế thừa như vậy sao? Chỉ biết mỗi cái không sợ chết mà thôi... Không ngại cho ngươi biết, bất kì đề kỵ nào của Đề Xưởng cũng đều chẳng sợ chết. Chẳng lẽ ngươi chưa bao giờ nghĩ tới việc tại sao nhà họ Khúc có thể nhận được những ca tụng lớn lao như vậy trong triều, trong giới nho học?” Uông Ấn hỏi ngược lại Khúc Thiều, ánh mắt mang theo sự giễu cợt.

Tất nhiên, Khúc Thiều đã từng nghĩ đến những vấn đề này.

“Sở dĩ nhà họ Khúc sống yên ổn, là bởi vì nề nếp gia phong nghiêm khắc và chính trực, làm người ngay thẳng, làm quan thanh liêm, xứng đáng với trời đất, không phụ lòng hoàng thượng, không phụ lòng Đại An... Đây chính là bản lĩnh của nhà họ Khúc.” Khúc Thiều lẫm liệt nói ra những lời này.

Song, Uông Ấn chỉ cười nhạt, không hề khách khí nói thẳng: “Vậy, con cháu nhà họ Khúc chịu chết cả thì gia phong này được truyền lại và kế thừa như thế nào? Bản lĩnh này làm sao để phát huy? Ngươi có từng nghĩ đến, nếu như con cháu nhà họ Khúc đều chịu chết hết sẽ tạo thành tổn thất lớn nhường nào đối với Đại An?”

Khúc Thiều sững sờ, nghi ngờ bản thân có phải đã nghe nhầm. Sao nghe giọng điệu của Uông Ấn lại có chút thương tiếc? Lẽ nào Uông đốc chủ lòng dạ ác độc, cũng có một ngày nhân từ thế này?

Đối diện với sự nghi ngờ của Khúc Thiều, Uông Ấn thở dài nói: “Nhà họ Khúc hẳn là rất may mắn, bởi vì đã có người đưa ra đồ vật cực kì giá trị. Bằng không, nhà họ Khúc sẽ bị diệt vong! Bổn tọa dạy cho ngươi một điều, chân chính bất khuất không phải là dễ dàng chịu chết, mà là không hối hận tìm đường sống. Chỉ có sống không hối hận, mới có hi vọng và niềm tin...”



Khi đó, những lời nói này ầm ầm như sấm sét bên tai, vang vọng trong đầu Khúc Thiều, khiến y bắt đầu nghĩ đến một con đường hoàn toàn khác.

Còn lúc này, sau khi kể lại, Khúc Thiều thở dài một hơi, bình ổn định lại sự xáo động trong lòng mình.

“Uông đốc chủ nói, tình thế trong triều biến đổi liên tục, không thích hợp với người chính trực như cha. Xin cha tạm thời lui một bước, bảo toàn tính mạng con cháu trong gia tộc. Hơn nữa, Uông đốc chủ đã chuẩn bị cho cha một nơi để đến, đó chính là thư viện Văn Thiệu... Gia phong nhà họ Khúc, niềm tin của cha sẽ không bị đứt gánh, tạo ảnh hưởng cho các sĩ tử càng nhiều, đó mới là kế sách lâu dài.” Khúc Thiều nói ra dự định của Uông Ấn.

Chỉ cần ánh lửa không tắt, luôn có thời điểm đền đáp cho nước nhà.

Khúc Thiều ngẫm nghĩ một lát rồi ngẩng đầu lên, dũng cảm nhìn cha mình, không hề tránh né nói: “Cha, con cho rằng, Uông đốc chủ nói rất có lý. Con không sợ chết, nhưng chết một cách không minh bạch như vậy con không cam lòng. Mong cha hãy quyết định!”

Khúc Công Độ nghe con trai mình nói liền lặng người. Những lời này thực sự quá bất ngờ, khiến tâm trạng ông lên xuống không ngừng, đành trả lời con trai: “Con về trước đi, để cha suy nghĩ thật kĩ đã...”

Người mặc áo đen khấu đầu, nói: “Con xin nghe theo sự sắp xếp của cha, con hi vọng... có thể đón cha ra khỏi Đề Xưởng.”

Trong đại lao tù mù, Khúc Công Độ trầm mặc suy nghĩ, không ai biết ông đang nghĩ gì. Hồi lâu sau, ông nhắm mắt lại, khẽ thở dài.

Chân chính bất khuất không phải là dễ dàng chấp nhận cái chết, mà là không hối hận tìm đường sống. Chỉ có sống không hối hận, mới có thể có hi vọng và niềm tin... Những lời nói này, quả thực là lời từ miệng xưởng công có lòng dạ ác độc sao?

Ông cả đời lăn lộn trong chốn quan trường, tự nhận bản thân chính trực không a dua… nhưng, không hối hận?

Nếu thật sự không hối hận thì ông đã chẳng đưa con trai lớn của mình rời đi trước.

Sáng sớm hôm sau, Khúc Công Độ cầm bút viết tấu chương, sau đó gửi từ trong đại lao Đề Xưởng đến trước mặt Vĩnh Chiêu Đế.
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 8.6 /10 từ 631 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status