Uông Xưởng Công

Chương 82 : Chương 82TÌNH HÌNH THỰC TẾ

Bởi vì Diệp Tuy biết Đề Xưởng sau này bị tiêu diệt, nên khi nhắc đến Đề Xưởng nàng không hề bị biến sắc như những cô nương khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là Đề Xưởng hiền lành vô hại.

Sự thực, nàng còn biết rõ Đề Xưởng đáng sợ như thế nào.

Sau khi Đề Xưởng bị tiêu diệt, Nghi Loan Vệ đã tiếp quản lại toàn bộ. Kể cả những khí giới, xưởng nha đã sử dụng lẫn những dụng cụ tra tấn trong nhà lao.

Những năm đầu Thái Ninh, nàng từng cùng Thái Ninh Đế đến xem qua những dụng cụ tra tấn này, lúc đó đế vương đã thở dài nói: “Quan lại độc ác, tai mắt khắp nơi, phủ kín triều đình, làm sao không biết đây là thất bại của phụ hoàng? Sinh mệnh của dân chúng nằm ở pháp luật, nằm ở hiền thần, trẫm phải lấy đó để dè chừng.”

Lúc ấy, nàng rất tán thành câu nói của Thái Ninh Đế.

Đề Xưởng là vũ khí đắc lực của Vĩnh Chiêu Đế, chuyên làm các loại việc nhuốm máu người để tồn tại. Nhưng vũ khí sắc bén đến mấy dùng nhiều cũng khó tránh khỏi bị cùn, cho nên cuối cùng Uông đốc chủ đã bỏ mạng, Đề Xưởng cũng không còn.

Hiện tại chính là lúc “thứ vũ khí” này trong thời kỳ sắc bén nhất. Chỉ cần nghĩ tới sự tra tấn tàn khốc của Đề Xưởng, Diệp Tuy lại cảm thấy đầu óc tê dại. Nghe nói Đề Xưởng còn các hình phạt dã man như nhúng vào vạc dầu, cắt thịt, chặt chân, cắt bỏ xương bánh chè… cha nàng sẽ phải chịu những hình phạt dã man này sao?

Cha nàng rốt cuộc có liên quan gì? Nàng có cách nào để giúp cha mình được bình an vô sự đây?

Diệp Tuy vừa ngẫm nghĩ vừa theo mẹ đến viện Diên Quang với tốc độ nhanh hết sức có thể. Hai người đều nóng lòng muốn biết tình hình thực tế.

Khi hai mẹ con nàng tới viện Diên Quang thì thấy Diệp An Cố và Diệp Hướng Đĩnh cũng đang ở đó. Ánh mắt họ đầy nghiêm trọng, hiển nhiên đã biết xảy ra chuyện gì.

Diệp Cư Tiêu ngồi ở vị trí trên cùng, sắc mặt vô cùng đáng sợ. Vừa trông thấy mẹ con Đào thị vào, tròng mắt Diệp Cư Tiêu như muốn phun lửa.

Vẻ mặt này của ông ta khiến lòng Diệp Tuy thêm nặng nề: Trông ông nội không giống như đang lo lắng, mà là đang vô cùng tức giận, như thể chỉ mong hai mẹ con nàng biến mất ngay lập tức vậy.

Nàng vốn chẳng ôm hi vọng ông ta có thể giúp gì cho cha, nhưng không ngờ ông ta lại có thái độ này. Rốt cuộc cha đã làm gì khiến ông ta phải tức giận khó chịu?

Hai mẹ con nàng còn chưa ngồi xuống, Diệp Cư Tiêu đã lạnh lùng nói: “Buổi chầu sáng nay, lão Tam lên tiếng bênh vực cho Khúc Công Độ, làm hoàng thượng nổi giận. Đề kỵ dựa vào việc lão Tam và Khúc Công Độ qua lại thân thiết, đã mang nó đi thẩm vấn rồi.”

Diệp Cư Tiêu không đè nén được tức giận, gằn giọng nói: “Dám chọc đến Đề Xưởng! Tên bất hiếu! Gây tại họa cho gia tộc! Tên bất hiếu, bất hiếu!”

Đào thị kinh hãi, theo bản năng lên tiếng bảo vệ cho Diệp An Thế: “Lão thái gia, người hiểu lầm rồi. Tam gia... nhất định có nỗi khổ riêng.”

Diệp Cư Tiêu càng thêm tức giận, đanh giọng: “Nỗi khổ? Nó thì có nỗi khổ gì? Khúc Công Độ dính líu đến án mạng ở nhà họ Triệu thì có liên quan gì đến nó? Tất cả triều thần đều im thin thít không lên tiếng, nó lại cứ khăng khăng biện hộ cho Khúc Công Độ! Sớm biết như vậy, ta đã... ta đã...”

Diệp Cư Tiêu tức nghiến răng nghiến lợi, hai tay nắm chặt rồi thả ra, nhưng cuối cùng cũng không nói lời cay độc.

Trong ba đứa con trai, ông ta vốn chẳng ưa đứa con trai thứ ba này. Vô tích sự ru rú trong Thiếu Phủ Giám đã đành, bây giờ lại còn gây ra đại họa. Sớm biết thế này, hồi đó ông ta nên chèn ép, không cho nó ra làm quan!

Diệp Hướng Đĩnh ở bên cạnh nhíu mày, nói: “Ông nội, cháu trai có nghe đồng liêu nói. Khúc Công Độ bị định tội là chuyện đã chắc như đinh đóng cột. Hiện tại Tam thúc bị kéo vào… chuyện này nên giải quyết thế nào?”

(*) Đồng liêu: từ các quan lại chỉ những người bạn cùng là quan trong triều như họ.

Nếu không phải tin tức xác thực nhà họ Khúc chắc chắn sẽ bị khép tội thì Diệp Hướng Đĩnh đâu dám gọi thẳng tên húy của Trung Thư Lệnh đương triều như thế.

Lúc này, hắn ta cũng đang rất oán trách hành động của Tam thúc mình. Trêu chọc vào Đề Xưởng, nếu chỉ một mình Tam thúc gặp chuyện thì đã chẳng nói làm gì, sợ nhất là tai vạ đến cả nhà họ Diệp!

Diệp An Cố thở dài, nói: “Cha, bây giờ không phải là lúc nói những lời này. Tam đệ đã bị đề kỵ đưa đi, còn không biết sẽ ra sao. Chúng ta nên nghĩ cách đưa đệ ấy ra ngoài mới phải...”

Nghe những lời này, Diệp Cư Tiêu nguôi giận, nhưng vẫn không trả lời câu “nghĩ cách” kia.



Diệp An Cố biết cha mình luôn đặt “chính trực” làm đầu, nên chuyển sang trấn an Đào thị: “Tam đệ muội yên tâm, chúng ta nhất định sẽ tìm được cách cứu Tam đệ ra. Cha gọi đệ muội đến là muốn cho đệ muội biết tình hình thực tế. Tình thế lúc này, đệ muội càng phải giữ vững Tam phòng mới được.”

Mắt Đào thị đỏ hoe, bà cảm kích nói với Diệp An Cố: “Đa tạ Nhị bá. Tướng công... ông ấy...”

Tâm trí Đào thị hiện tại đang rất hỗn loạn, giờ có nói điều gì cũng không thích hợp. Chồng bà bị bắt, không rõ lành dữ. Lão thái gia lại tức giận trách mắng chồng bà làm bậy, nhà họ phải làm sao bây giờ? Bà chỉ là một người phụ nữ trong nội trạch, gặp phải chuyện này không khác gì nghe tin trời sập. Nếu không vì nghĩ đến con cái thì bà đã khóc òa lên rồi.

Diệp Tuy im lặng đứng bên cạnh Đào thị nghe hết lời mọi người nói, từ đầu chí cuối vẫn không lên tiếng.

Thì ra tình hình là như vậy!

Khúc Công Độ là Thượng Thư Lệnh đương triều, nhà họ Khúc là nơi anh tài hội tụ. Nàng chưa bao giờ nghe nói cha mình và nhà họ Khúc có bất cứ tình bằng hữu nào, cha nàng lên tiếng bảo vệ nhà họ Khúc chẳng qua bởi vì...

Bởi vì ông tin tưởng vào sự trung nghĩa của nhà họ Khúc, tin nhà họ Khúc tuyệt đối sẽ không gây ra vụ thảm án này. Do vậy ông mới dám đứng ra bênh vực.

Nàng dường như có thể tưởng tượng được tình hình trong điện Tuyên Chính lúc đó.

Văn võ bá quan trong triều biết rõ về thái độ làm người và nề nếp gia phong của Trung Thư Lệnh. Nhưng vì khiếp sợ trước cơn thịnh nộ của bề trên và sự đáng sợ của Đề Xưởng mà tất cả bọn họ đều im lặng để mong yên thân giữ mạng.

Chỉ có cha nàng đứng ra nói câu công bằng cho nhà họ Khúc. Đây chính là lý do khiến cha gặp chuyện và cũng là lý do của việc ông nội nàng nổi giận. Sau khi biết tất cả, cảm xúc Diệp Tuy đan xen lẫn lộn.

Cha nàng làm quan trong triều, sao có thể không biết hậu quả nếu bênh vực cho Khúc Công Độ chứ? Nhẹ thì bị hoàng thượng quở trách, nặng thì rước họa cho gia tộc. Nhưng cha nàng vẫn nói ra, cho nên mới bị bắt giam.

Nàng là con gái, nàng lo lắng cho sự an nguy của cha mình. Đáng ra, nàng cũng nên oán trách ông chẳng nghĩ cho vợ con, nghĩ cho gia tộc. Nhưng là người sống hai kiếp người, nàng lại kính phục cha mình đã không tránh né tai họa, dám vì đại nghĩa mà lên tiếng.

Cha nàng mới thật sự là người đã không hổ thẹn với câu đối treo ở từ đường nhà họ Diệp - “Tùng Dương vọng tộc, lũy thế gia thanh”. Dựa vào sự nghĩa khí chính trực, vì quốc gia vì triều đình bao đời nhà họ Diệp xây dựng mới tích được thanh danh, vẻ vang cho gia tộc.

Diệp Cư Tiêu nổi trận oán trách cha nàng, e rằng đã quên mất ý nghĩa câu đối này từ lâu.

Nước với nhà, xưa nay chưa từng đối lập. Không có nước làm sao có nhà? Nhưng với nàng mà nói, nhà đã không còn thì sống thêm một kiếp cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Bất luận thế nào, Nhị bá cũng nói rất đúng, bây giờ phải nghĩ cách cứu cha nàng ra khỏi Đề Xưởng đã!

Nhưng phải làm thế nào đây?

Nàng len lén kéo góc áo Đào thị, “cao giọng” khuyên nhủ: “Mẹ, mẹ đừng lo lắng! Cha là con cháu nhà họ Diệp đất Tùng Dương, ông nội nhất định sẽ nghĩ cách cứu cha mà.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 8.6 /10 từ 631 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status