Uông Xưởng Công

Chương 107 : Chương 107QUAN HỆ TỐT

Từ khí thế rầm rộ lúc hồi kinh của Nhị phòng trước đó có thể biết Nhị phòng rất đông người, nhiều hơn Đại phòng và Tam phòng nhiều.

Ngoài vợ cả Từ thị ra, Diệp An Cố còn có một người thiếp là Tống thị, một thông phòng là Bạch thị.

Diệp An Cố khá đông con, ngoại trừ con trai cả và con trai thứ ở lại Tùng Dương ra, những người còn lại đều về Kinh Triệu.

Trong đó, chỉ riêng con ruột của Từ thị đã là ba người, gồm hai con gái Diệp Khởi, Diệp Trản và con trai út Diệp Hướng Trách.

Lúc này, Từ thị đang nhắc nhở hai con gái: “Trông chừng nha hoàn của các con cho tốt, chớ có loan truyền những lời đồn đại kia trong phủ. Cha các con không thích nghe đâu. Còn nữa, đừng có so đo gì với mấy thứ muội* của các con, tránh bị mất mặt, biết chưa?”

(*) Thứ muội: em gái cùng cha khác mẹ, là con của thiếp, thông phòng.

Diệp Khởi và Diệp Trản ngoan ngoãn đáp: “Mẹ, con gái biết rồi, xin mẹ cứ yên tâm.”

Hậu viện mỗi nhà đều có vài chuyện phiền lòng khó nói, Nhị phòng cũng vậy.

Từ thị cảm thấy mọi mặt của chồng bà đều tốt, chỉ có điều con cái của ông hơi đông. Thế nên việc sống chung không hề dễ dàng, luôn xảy ra đủ thứ chuyện va chạm, phiền phức.

May mà bà cũng đông con, hơn nữa hai người con trai cả đều đã lập gia đình, vợ bé và thông phòng cũng chẳng thể gây nên sóng gió gì. Thế nhưng...

Từ thị nhìn hai người con gái đang đứng ở bên cạnh. Việc cưới hỏi của cả hai vẫn chưa ra đâu vào đâu, đây là chuyện khiến bà phiền lòng nhất.

Tùng Dương dân cư hiền lành chất phác, quả thực là vùng đất tốt, nhưng dù sao nơi đó cũng cách Kinh Triệu quá xa. So với Kinh Triệu, Tùng Dương vẫn bị coi là nơi nghèo nàn hoang vu.

Một trong những lý do khiến hai vợ chồng bàn bạc ở lại Kinh Triệu, chính là để chọn đám hỏi tốt cho hai con gái.

Nghe nói ở Kinh Triệu, gia đình quyền quý ở khắp mọi nơi, đa phần đều nhà cao cửa rộng. Đây là điều mà Tùng Dương không thể nào sánh được.

Là một người mẹ, đương nhiên Từ thị hi vọng con gái mình có thể gả đến một nhà tốt, nhất là có gia thế, phẩm hạnh tốt, không cần có quyền thế quá lớn, chỉ cần hơn nhà họ Diệp một chút là được rồi.

Nói thì là vậy, thế nhưng tìm được nhà thích hợp cũng đâu có dễ dàng?

Chuyện mai mối cưới hỏi vốn phải được trao đổi kĩ lưỡng, nhưng Từ thị mới về Kinh Triệu, mà phần lớn thông gia, thân thích lại không ở đây, ngay cả việc có những nhà nào thích hợp bà còn chẳng rõ thì có thể làm thế nào đây?

Bà đã hết cách, chỉ có thể đến nhờ Đại tẩu (chị dâu cả) - Chu thị. Chu thị xuất thân quyền quý, là cháu gái của Trường Hưng Hầu, hơn nữa còn quản lý việc nhà của nhà họ Diệp, xưa nay thường xuyên qua lại với rất nhiều các vị phu nhân khác.

Đại tẩu hẳn là sẽ giúp đỡ nhỉ? Chắc chắn sẽ đồng ý rồi!

Đúng lúc này, ma ma quản sự từ viện Lan Đình trở về bẩm báo, Từ thị bèn hỏi ngay: “Sao rồi? Có dò hỏi được không? Đại phu nhân nói thế nào?”

Lúc trước bà ta đã đánh tiếng qua với Chu thị, đợi sau khi chuyện của Diệp An Thế kết thúc, hi vọng Chu thị có thể dẫn bà và các con gái tham gia một vài yến hội của các gia đình quan lại, để bà bước đầu làm quen với giới quyền quý Kinh Triệu.

Giờ Diệp An Thế cũng đã về được mấy ngày, Chu thị lại chỉ nói sẽ cân nhắc rồi sắp xếp, nhưng bà đợi mãi chẳng thấy lời đồng ý chắc chắn nào, nên mới bảo ma ma quản sự đến viện Lan Đình nghe ngóng tình hình.

“Nô tỳ đã đưa cho Tùng ma ma bên cạnh Đại phu nhân không ít bạc để bà ta thăm dò ý của Đại phu nhân. Ý của Đại phu nhân là, hiện tại vẫn chưa phải lúc dẫn các cô nương trong nhà đi tham gia yến hội.” Ma ma quản sự thưa lại một mạch.

Từ thị hơi thất vọng. Lời của Chu thị nói cũng đúng, nhưng nói sao giờ? Tháng Giêng là thời điểm các gia đình mở yến hội, qua lại thăm hỏi nhau thường xuyên, là thời điểm tốt nhất để đến dự tiệc, cũng chính là thời cơ tốt nhất để các cô nương thể hiện mình.

Có điều, Từ thị tạm thời chỉ có thể chờ đợi, bà không có nhiều mối quan hệ ở Kinh Triệu, chỉ có thể dựa vào Chu thị. Đành đợi Đại tẩu sắp xếp xong rồi nói sau vậy.

Đang lúc buồn bực, nha hoàn mập mạp đi theo bên cạnh liền đến bẩm báo: “Phu nhân, có Lục cô nương đến thăm, đang đợi bên ngoài viện, nói là đến thỉnh an phu nhân và gặp Thất cô nương, Bát cô nương ạ.”

Từ thị rối rắm đến đau cả đầu bởi mấy từ “cô nương, cô nương” này, nhất thời không nghĩ ra Lục cô nương là ai. Đến khi ma ma quản sự nhắc cho, bà mới biết là Tuy tỷ nhi của Tam phòng.

Diệp Khởi và Diệp Trản ít tuổi hơn Diệp Tuy một chút, về Kinh Triệu thì dựa theo tuổi tác để xưng hô, nên được gọi là Thất cô nương và Bát cô nương. Từ thị mới về nên thường hay quên mất điều này.

Bà ta ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Mời vào đi, hiếm khi con bé có lòng thế này.”

Lúc nhìn thấy Diệp Tuy, Từ thị không khỏi giật mình. Mấy hôm trước đến viện Ánh Tú, bà ta chỉ thấy tình cảnh bi thảm của Tam phòng, mà không nhìn kĩ Diệp Tuy. Bây giờ mới cảm thấy Tuy tỷ nhi thật xinh đẹp.

Hơn nữa, nàng trang điểm tinh tế giống như tiên nữ, dễ nhìn hơn bất cứ cô nương nào ở nhà họ Diệp, cả người cũng đầy phong thái.

Thấy Tuy tỷ nhi, Từ thị không khỏi liếc nhìn các con gái mình. Bà dĩ nhiên cảm thấy các con gái mình xinh đẹp. Nhưng cho dù là từ cách ăn mặc trang điểm, hay phong thái của hai người con bà đều không so được với Tuy tỷ nhi.

Nghĩ đến đây, Từ thị thấy rằng quyết định ở lại Kinh Triệu của Nhị phòng là vô cùng đúng đắn. Dù sao Kinh Triệu cũng là kinh đô, các cô nương ở đây hiểu rộng biết nhiều, suy cho cùng, sống ở nơi phồn hoa đô thị đương nhiên sẽ khác biệt.

Ở lại đây học hỏi thêm đúng là điều sáng suốt.

“Diện kiến Nhị bá nương. Thời gian trước không đến thỉnh an Nhị bá nương là sơ suất của cháu gái, nên hôm nay đặc biệt đến thỉnh an Nhị bá nương và hai em.” Vừa đi vào, Diệp Tuy đã dịu dàng cười nói.

Từ thị thấy ngay cả động tác thỉnh an của Tuy tỷ nhi cũng đẹp mắt lạ thường, thanh thoát như nước chảy mây trôi, trong lòng lại cảm thấy các cô nương Kinh Triệu đúng là khác biệt, suýt chút nữa lại thất thần.

“Không cần khách khí, đều là... đều là người một nhà cả.” Từ thị đáp bằng một câu cứng ngắc, trong lòng tự nhiên cảm thấy sợ hãi luống cuống với hành động vừa rồi của mình.

Từ khi nào mà Nhị phòng và Tam phòng lại như thể người một nhà vậy? Chỉ là Tuy tỷ nhi quá xinh đẹp, quá ngoan ngoãn khiến bà ta bất giác thốt ra câu đó.

Diệp Tuy vẫn giữ vẻ mặt tươi cười, nói tiếp: “Thời gian qua, làm phiền Nhị bá và Nhị bá nương đã vất vả chạy vạy, cháu gái vô cùng cảm kích. Cháu gái có mang đến chút lễ vật để tỏ lòng biết ơn. Mong Nhị bá nương không chê quà tặng sơ sài, nhất định phải nhận mới được.”

Nàng vừa dứt lời, Bội Thanh, Bội Phong theo sau lập tức bước lên dâng đồ cho Từ thị, nào là gấm vóc, nào là hộp gấm to nhỏ… số lượng không hề ít.

Khi Từ thị vẫn còn ở nhà tổ tại Tùng Dương cũng phải lo liệu việc nhà, hơn nữa hay đi theo chồng mình nên cũng hiểu biết đôi chút, đương nhiên là có mắt nhìn. Vừa nhìn những món đồ này, bà liền biết chúng rất giá trị, chắc hẳn những thứ trong hộp gấm kia cũng chẳng kém cạnh.

Phần lễ vật cảm ơn này của Tam phòng quá hậu hĩnh rồi!
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 8.6 /10 từ 631 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status